Càphê gu Việt vào đất Mỹ - Cafe Phindeli

lethanhtoan12

Thành viên mới
Doanh nhân trẻ Phạm Đình Nguyên - người đã mua lại thị trấn Buford (Mỹ) hồi năm ngoái - đang triển khai một kế hoạch táo bạo: Đưa càphê Việt Nam pha chế theo đúng gu Việt Nam vào thị trường Mỹ. Thị trấn Buford sẽ đổi tên theo thương hiệu càphê Việt và trở thành bàn đạp để anh thực hiện kế hoạch này.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen20.jpg

Từ Buford đến PhinDeli Town Buford
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen49.jpg

Ngày 3.9 sắp tới, tại thị trấn Buford - tiểu bang Wyoming lại sẽ có sự kiện gây chấn động nước Mỹ: Thị trấn có lịch sử 147 năm này sẽ đổi tên theo một thương hiệu càphê của Việt Nam: Càphê PhinDeli. Trong số khách mời tham dự sự kiện có nhiều quan chức của tiểu bang Wyoming, đặc biệt là ngài Matt Mead - Thống đốc tiểu bang. Ngoài ra còn có trên 30 đại diện các hãng thông tấn, báo, đài đã từng đưa tin sự kiện bán đấu giá thị trấn Buford cách đây hơn 1 năm.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen62.jpg

Còn nhớ, vào tháng 4.2012, sự kiện một doanh nhân trẻ người Việt mua lại thị trấn Buford với giá 900.000USD trong một phiên đấu giá đã gây ra một cơn “địa chấn” trong dư luận nước Mỹ và thế giới. Khi đó, trả lời phỏng vấn của báo chí trong và ngoài nước, doanh nhân Phạm Đình Nguyên nói rằng anh chưa có kế hoạch cụ thể nào cho Buford. Anh chỉ nghĩ đơn giản: “Với một thị trấn nổi tiếng như vậy chắc chắn sẽ có nhiều việc để làm, chẳng hạn như dùng Buford để làm một showroom giới thiệu hàng Việt Nam, làm bàn đạp tinh thần để hàng Việt tiến vào nước Mỹ...”.

Phạm Đình Nguyên kể lại: Sau khi mua xong Buford, do hoàn cảnh riêng, anh chưa thể trực tiếp tham gia điều hành các hoạt động kinh doanh đang sẵn có tại đây nên mọi việc phải dừng lại. Trước đó, thị trấn này có một trạm xăng dầu hoạt động 24/24h, một cửa hàng tiện ích rộng 200m2 bán nước giải khát, tạp hóa, hàng lưu niệm... dưới sự điều hành của thị trưởng Don Sammons - ông cũng là công dân duy nhất của thị trấn.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen17.JPG

Ý tưởng lấy Buford để làm bàn đạp cho hàng Việt xâm nhập thị trường Mỹ vẫn đeo bám Phạm Đình Nguyên suốt từ đó đến nay. Anh nghĩ rằng mình phải lựa chọn một thương hiệu, một sản phẩm nào mà Việt Nam có thế mạnh hoặc là những sản phẩm gắn kết với văn hóa Việt Nam.

Cuối cùng, anh nghĩ đến càphê và phong cách uống càphê phin đặc trưng của người Việt Nam. “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu càphê đứng hàng thứ 2 thế giới nhưng vị thế các thương hiệu càphê thành phẩm còn khiêm tốn, trong khi thị trường trong và ngoài nước lại rất lớn. Đây là một cơ hội” - anh nói. Thế là, trong 8 tháng qua, anh và các đồng sự bắt tay xây dựng thương hiệu Càphê PhinDeli.

Giờ đây, PhinDeli đã sẵn sàng đến Buford và tiến vào thị trường Mỹ. Phạm Đình Nguyên tin rằng sự kiện ngày 3.9 tới tại Buford sẽ lại thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo thuận lợi bước đầu cho càphê PhinDeli trên đất Mỹ. “Đây là một kế hoạch táo bạo nhưng rất nghiêm túc”- anh nhấn mạnh. “Hằng ngày trên thế giới có rất nhiều sự kiện, thông tin được truyền đi với tốc độ nhanh. Chúng tôi phải tạo sự khác biệt và độc đáo, nhưng phải rất nghiêm túc mới lấy được niềm tin của công chúng Mỹ”.

Anh cũng cho biết trước mắt sẽ tập trung bán hàng qua trang thương mại điện tử amazon.com, sau khi ổn định sẽ tính tới các chuỗi siêu thị Châu Á ở các thành phố lớn, và cuối cùng là các siêu thị Mỹ như Wal-mart hay Cosco.

Thật ra, cái tên Buford sẽ không mất hẳn ở cái thị trấn có 147 năm lịch sử. Trong quá trình xây dựng kế hoạch táo bạo của mình, Phạm Đình Nguyên đã nghĩ đến một điều: Làm thế nào vừa quảng bá thương hiệu, vừa lưu giữ được nét văn hoá truyền thống của địa phương.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen14.JPG

Buford được thành lập vào năm 1866, trong thời gian xây dựng tuyến đường xe lửa liên lục địa, và được đặt tên theo một vị tướng Mỹ có vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến 1861 - 1865, cuộc nội chiến được nhà văn Magaret Michell miêu tả lại trong tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”. Vì thế, anh đã bàn bạc, trao đổi với cựu thị trưởng Don Samons. Và cả hai đi đến một quyết định dung hòa: Tên mới của thị trấn sẽ là PhinDeli Town Buford.

Truyền bá văn hóa càphê Việt

Gần nửa triệu USD là chi phí cho giai đoạn đầu để Phạm Đình Nguyên đưa càphê Việt vào thị trường Mỹ, bao gồm các hạng mục sửa chữa, tân trang cửa hàng tiện lợi, cây xăng, cũng như trang trí quán càphê PhinDeli, lắp đặt logo thị trấn mới, đặt các bảng quảng cáo chỉ đường ở xa lộ, các hoạt động tư vấn pháp lý, nhập khẩu và quảng bá thương hiệu...

“Anh sẽ làm gì để tạo ấn tượng lại cho du khách đến thị trấn?” - tôi hỏi. “Đó là quán càphê PhinDeli. Chúng tôi dành trọn một mảng tường lớn để làm quán giới thiệu tinh hoa càphê Việt. Khách hàng có thể thưởng thức tại chỗ hoặc mang đi. Thời gian đầu chúng tôi sẽ mời uống miễn phí. Đặc biệt, toàn bộ bức tường dài 10m là bức tranh khổng lồ mô tả đầy đủ các công đoạn, từ trồng trọt đến thu hoạch, lưu kho, chế biến, pha chế và thưởng thức. Khách hàng có thể vừa thưởng thức càphê, vừa khám phá phần nào văn hóa càphê của người Việt”.

Điều khiến Nguyên áy náy là không thể đưa họa sĩ Việt Nam qua Buford để vẽ ngay trên tường do không xin được visa. Ông Don Sammons có đề nghị tìm họa sĩ Mỹ nhưng Nguyên từ chối và chọn phương án chụp hình chất lượng cao, rồi gửi qua Mỹ để in kỹ thuật số, làm khung gắn trên tường.

Khi hỏi về lý do vì sao lại hợp tác với ông chủ cũ, Nguyên cho biết thêm: “Don Sammons rất thích ý tưởng càphê phin Việt Nam bán tại Buford. Trước đây ông đã từng là cựu chiến binh truyền tin của những năm 60, đóng tại Đồng Nai bây giờ. Ông cũng đã từng thử càphê phin Việt Nam. Nên khi tôi nói ý tưởng sản phẩm là Don hào hứng liền. Tôi vẫn muốn ưu tiên công việc tại đây cho người Việt nhưng chưa tìm được người. Khi mời lại ông Don làm đồng thị trưởng thị trấn càphê, thì đó lại là ý tưởng hay. Để một người Mỹ giới thiệu càphê Việt - đôi khi lại lý thú hơn là người Việt”.

Tôi hỏi Phạm Đình Nguyên vì sao dám liều lĩnh giới thiệu càphê gu Việt trên đất Mỹ? Anh cho biết trên đất Mỹ có rất đông Việt kiều vốn quen uống càphê đen đậm đặc của Việt Nam. Đấy là một thuận lợi. Bên cạnh đó, có không ít người Mỹ cũng rất thích cách uống này.

“Mở YouTube sẽ thấy nhiều cảnh người Mỹ và người nước ngoài hướng dẫn pha chế càphê phin. Tôi không phải là người sành thưởng càphê nhưng cảm nhận được sự độc đáo của càphê Việt, từ cách pha chế đến hương vị. Mỗi sáng đi ngang qua tiệm càphê, nghe mùi càphê thơm ngào ngạt, quyến rũ, ta sẽ cảm thấy sảng khoái và hứng khởi để bắt đầu một ngày làm việc. Có lẽ Việt Nam là nơi duy nhất trên thế giới có cách pha càphê độc đáo bằng phin”.

Chính vì vậy mà Phạm Đình Nguyên và các đồng sự mới lấy tên thương hiệu là PhinDeli - trong đó Phin là dụng cụ pha chế càphê độc đáo của người Việt, Deli là chữ viết tắt của Delicious - ngon miệng.

“Không gì là không thể”

“Tôi không phải là đại gia”- Phạm Đình Nguyên nói với tôi một cách khiêm tốn. Anh kể lại câu chuyện sau khi ra trường đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, cha là nhà thơ, nhà báo, mẹ làm nội trợ, Phạm Đình Nguyên không hề được thừa hưởng tài sản gì to tát từ gia đình ngoài sự học hành. Tốt nghiệp chuyên ngành marketing ĐH Kinh tế TPHCM năm 1997, anh đã trải qua nhiều năm làm thuê cho các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen60.jpg

Đó là quá trình vừa học hỏi vừa tích lũy vốn ban đầu để mở doanh nghiệp. Năm 2009, anh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng của mình bằng việc thành lập Cty cổ phần dịch vụ phân phối tổng hợp Quốc Tế (IDS). Bằng tất cả sự nhiệt tình và với khẩu hiệu “Không gì là không thể”, anh đã thành công trong việc tổ chức hệ thống phân phối sản phẩm cho nhiều nhãn hàng hóa và nhiều công ty lớn. Nhưng điều quan trọng hơn cả là anh đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, nhân viên nhiệt huyết, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để đạt đến thành công.
cafe-phindeli-Buford-pham-dinh-nguyen38.jpg

Phạm Đình Nguyên giải thích với tôi câu slogan “Không gì là không thể” đang gắn với thương hiệu PhinDeli: Năng lực của mỗi con người là vô hạn. Vì lý do chủ quan hoặc khách quan, chúng ta chưa khai thác hết được những năng lực đó. Nếu bạn thật sự muốn làm một điều gì, hãy cố gắng hết sức mình và bạn sẽ đạt được điều đó.

“Tôi biết việc đưa càphê Việt vào đất Mỹ là việc làm không dễ, có thể sẽ phải mất nhiều thời gian. Nhiều người hoài nghi kế hoạch này, thậm chí có người nghĩ tôi điên. Tôi mơ một ngày càphê Việt hiện diện trên khắp nước Mỹ”.

Với tôi, Phạm Đình Nguyên là đại diện cho lớp doanh nhân trẻ Việt Nam hiện đại, dám vươn ra tầm thế giới bằng năng lực, trí tuệ và sự táo bạo của mình. Và tôi tin rằng anh sẽ thành công.
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top