Gợi ý giải đề thi tuyển sinh Đại Học khối D - Môn Ngữ Văn

Mr[K]id

Thành viên mới
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013​
Môn: NGỮ VĂN; Khối: D​
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề​
devandchuanjpg1373429269.jpg

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI

Câu 1:
  • Trong tùy bút “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân từng nhìn “Sông Đà như một cố nhân”. Tính nết của “Người cố nhân” ấy: “chốc dịu dàng đấy, rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.
  • Ý nghĩa của cách ví von này: Biến sông Đà thành một sinh thể sống, mang tính cách, tâm trạng như con người. Đồng thời cho thấy sự tài hoa, tinh tế của Nguyễn Tuân trong việc phát hiện những vẻ đẹp khác nhau của sông Đà. Từ đó, thể hiện sự gắn bó khăng khít cũng như vốn hiểu biết uyên thâm và niềm tự hào của tác giả về sông Đà – một con sông biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên vùng Tây Bắc.
Câu 2:
  • Giải thích:
    • “Tính cách thụ động”: Là tính cách của những con người có khuynh hướng không có phản ứng trước hoàn cảnh.
    • “Người tiên phong”: Là những người có phản ứng tích cực trước hoàn cảnh và sẵn sàng đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống (người dẫn đường).
    • “Con đường đã được vẽ sẵn”: Là hướng giải quyết đã được hoạch định từ trước.
    • Ý nghĩa chung: Đề cập đến một kiểu tính cách và lối sống khá phổ biến của nguời Việt Nam hiện nay: Thụ động; ngại dấn thân, đương đầu.
  • Trao đổi và bày tỏ ý kiến của bản thân:
    • Về cơ bản : Đồng tình với quan điểm trên.
    • Đó là một lối sống mang tính truyền thống của người Việt Nam, xuất phát từ quan niệm ca tụng sự khôn khéo trong văn hóa ứng xử của người Việt: “Ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn” (Nhìn về vốn văn hóa dân tộc - Trần Đình Hượu).
    • Người Việt Nam có khuynh hướng sợ dư luận, tiếng tăm nên thường dè dặt trong việc đề xuất những giải pháp của bản thân.
    • Người Việt Nam có tính cách an phận thủ thường, hệ quả của nền kinh tế tự cấp tự túc.
    • Trong bối cảnh hiện tại: Tính cách và lối sống trên không còn phù hợp. Giới trẻ cần năng động sáng tạo, tích cực chủ động để đón nhận những thách thức và cơ hội mới; trở thành người dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong trong mọi lĩnh vực; trên cơ sở trân trọng những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, nhưng không rập khuôn máy móc.
Câu 3a:
  • Giới thiệu vài nét về Xuân Diệu và bài thơ “Vội vàng”, trích dẫn hai ý kiến.
  • Giải thích sơ lược:
    • “Cái tôi vị kỉ tiêu cực”: Là cái tôi chỉ hướng về lợi ích của bản thân.
    • “Cái tôi cá nhân tích cực”: Là cái tôi từ những lợi ích bản thân hướng về lợi ích của cộng đồng, xã hội; là cái tôi có ý thức tác động đến hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh.
  • Trong bài thơ “Vội vàng” người đọc bắt gặp một cái tôi cá nhân tích cực, được thể hiện:
    • Khát vọng bất tử hóa vẻ đẹp của cuộc sống, biến cuộc đời thành một thiên đường nơi trần thế.
    • Lòng yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt, nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc cuộc đời.
    • Mạnh mẽ đưa ra những quan niệm nhân sinh mới mẻ, độc đáo, từ đó khơi dậy ở mọi người (đặc biệt là tuổi trẻ) tình yêu cuộc sống.
Câu 3b:
  • Giới thiệu sơ nét về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, trích dẫn hai ý kiến.
  • Khẳng định: cả hai ý kiến trên đều đúng.
  • “Nét nổi bật ở người nghệ sĩ này là một tâm hồn nhạy cảm và say mê cái đẹp thơ mộng của cảnh vật”
    • Nhiếp ảnh gia Phùng đã lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc.
    • Phát hiện một cách tinh tế phối cảnh giữa chiếc thuyền ngoài xa với mặt biển trong buổi bình minh để “chộp” được một bức ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.
    • Xúc động sâu xa trước vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên tạo vật.
  • “Vẻ đẹp sâu xa của nghệ sĩ Phùng chính là một tấm lòng đầy trăn trở, lo âu về thân phận con người”:
    • Quan tâm sâu sắc đến cảnh ngộ của con người (bi kịch của gia đình hàng chài)
    • Sẵn sàng có những động thái can thiệp mà anh cho là cần thiết (can ngăn người chồng, lắng nghe câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện).
    • Sự trăn trở của Phùng mỗi khi nhìn lại bức ảnh chính là sự trăn trở về thân phận con người.
Giáo viên giải đề:
(1) Thạc sĩ Nguyễn Trúc Loan - Giáo viên Trung tâm Luyện thi ĐH Miền Đông – Sài Gòn
(2) Cô Hoàng Minh Khánh - Giáo viên Trung tâm Ôn thi trực tuyến
(4) Cô Ngô Ngọc Mai - Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, Tp.HCM;
(3) Cô Hoàng Kim Oanh - Giáo viên Trường PT Năng khiếu – ĐH Quốc gia Tp.HCM;

Cập nhật bởi Đức Lê
 

Bình luận bằng Facebook

Top