[Phong Tục]Ông Táo về trời

nguyenson

Thanh viên kỳ cựu
Ông Táo về trời</SPAN>
Huỳnh Ngọc Trảng (Nhà nghiên cứu văn hoá- nghệ thuật Nam Bộ)
(Toquoc)- Tất niên, tiễn Ông Táo về trời. Ngoài Bắc cúng cá chép: Cá vượt song, vượt vũ môn hoá rồng đưa Ông Táo chầu trời. Trong Nam phổ biến là bộ đồ cúng “Cò bay ngựa chạy” in trên giấy có hình con tuấn mã và một con cò đang dang cánh: Đường bộ Ông Táo cưỡi ngựa, lên trời thì cưỡi lên lưng cò.
Tưởng rằng Bá Táo thật thà
Ai hay Bá Táo một bà hai ông!
Cứ đến cuối năm, người ta ra ruộng đào lấy đất sét nắn ba ông Táo mới rồi đem phơi khô để chuẩn bị thay ba Ông Táo cũ vào tối 23 tháng Chạp - gọi là cúng tiễn Ông Táo về Trời. Có nơi, cuối năm, các lò gốm làm Ông Táo bằng đất nung để bán. Dù là Ông Táo nặn bằng đất sét hay bằng đất nung đều có hai Ông và một “Ông Táo Cái” hay “ Ông Táo Chúa”, với đặc điểm khác biệt là có cái “lỗ rốn” lõm sâu vào một hai phân ở giữa, khoảng một phần ba, tính theo chiều cao từ dưới lên. Tôi chưa nghe ai gọi Ông Táo Cái này là “Bà Táo”, mặc dù câu chuyện suy nguyên về bộ ba Ông Táo này rất phổ biến: Một phụ nữ có hai đời chồng, cả ba đều nhảy vào đống lửa tự tử.
Tranh thờ Táo Quân đều vẽ đúng theo sự tích dân gian, gồm một phụ nữ ngồi giữa và hai người đàn ông ngồi hai bên. Sách Gia Định thành thông chí chép tục thờ thần Táo ở đất Gia Định xưa: “Ở hai bên tả hữa vẽ hai hình người nam, ở giữa vẽ một hình người nữ, cùng tượng trưng quẻ Ly hoả, ngụ ý một hào âm ở giữa hai hào dương làm chủ” (1). Điều này cho thấy tuồng nhe dẹ tích Táo Quân (một bà hai ông) là một câu chuyện được biện sự để cắt nghĩa nguồn gốc ba Ông Táo theo quan điểm Dịch lý về quẻ Ly hoả, “một hào âm ở giữa hai hào dương”.
Trang phục được gửi cho Táo Quân được nhiều người chuẩn bị sẵn từ trước đó (Ảnh Ngọc Thành)
Trong thực tế, sự tích về ba Ông Táo, cũng như cách lý giải bác học quan phương của Nho sĩ họ Trịnh không là quan điểm chủ đạo trong tâm thức tín ngưỡng trong các cộng đồng dân cư ở xứ Gia Định, nói rộng là cả Nam bộ. Ngược lại, Táo Quân được coi là một nhân thần chỉ định.
Táo Quân chơn kinh cho Ông Táo có họ Trương tên Đang, tự Tử Quách, vợ là Bà Táo Lai Nữ và hai phụ tá: Tả Mạng thần quan (ghi sổ công) và Hữu Mạng thần quan (ghi sổ quá) (2); Thơ Táo Quân diễn ca cũng nói Táo Quân họ Trương (3). Theo Lê Văn Phát thì Ông Táo có tên là Trương Thiện Táo - một phán quan đời nhà Tống (bên Trung Quốc), có nhiệm vụ theo dõi và xét xử giảm khinh tội phạm. Ông chết, Ngọ Hoàng tưởng đến công đức của ông đã phong cho ông chức vụ giám sát công việc của người đời và hằng năm báo cáo để Ngọc Hoàng thưởng công phạt tội cho người ở trần thế chính xác và công bình. Ông Táo Trương Thiện Táo có hai bộ hạ là Hồng Lực Sĩ (vốn là tay ăn cướp bị Táo khuất phục) và Tạ Phán Quan (lo giữ sổ ghi chép công tội của con người ) (4). Cũng theo Lê Văn Phát, do tên Ông Táo đồng âm với thần bếp nên có sự lẫn lộn nhau. Điều này, qua quan sát thực tế, chúng tôi thấy rằng: 1) Thần Bếp có danh hiệu là Đông Trù, Tư mệnh Táo phủ thần quân, được thờ ở dưới bếp; và 2) Táo Quân thường được định danh là Đinh Phước Táo Quân, thờ ở trang thờ, ngay phía trên bàn thờ Tổ Tiên ở gian giữa nhà trên. Theo đó, trong dân gian phân làm hai loại: 1 – “Thổ Táo” (khi đã cũ đem đặt ngoài gốc cây cổ thụ ở ngoài trời gọi là “Quỉ Táo”) và loại 2 - gọi là “Phật Táo”.
Nói chung sự phân biệt về chức năng, do những tính lý khác nhau, đặc điểm là các luồng tín lý Trung Quốc du nhập theo các nhóm di dân thời cận đại, nên Táo Quân/Ông Táo cũng bị định vị/định danh khác nhau (5). Ở vùng đất phương Nam, sự việc đa tạp như đã nói trên. Còn ở miền Bắc phổ biến là sự đồng nhất giữa Thổ Công (Ông Công) với Táo Quân (Ông Táo) (6).
Ở Trung Bộ, cụ thể là kết quả quan sát một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam: Hầu hết các gia đình đềi thiết lập một “trang thờ Ông Táo”, ngay trên cửa chính, phía bên trong nội thất nhà trên, đối diện với hương án thờ tổ tiên. Tuy phổ biến dân gian gọi là “Trang thờ Ông Táo”, song theo các bô lão thuộc diện những “Nho sĩ cuối cùng” thì đó là nơi thờ Ngũ Tự: Táo, Tỉnh, Môn, Hộ và Trung lưu. Bằng chứng lịch sử về tục thờ Ngũ Tự này là những ghi chép của Đặng Huy Trứ (1825-1874) trong Đặng Dịch trai ngôn hành lục (Dịch Trai Đặng Văn Trọng: cha của Đặng Huy Trứ) (7). Ở sách này tác giả cũng đưa ra quan điểm chính thống về việc thờ tự : “Thiên tử tế Trời Đất; các Chư Hầu tế sông núi; các quan đại phu tế Ngũ Tự. Sĩ dân và dân thường chưa được tế Ngũ đế, Ngũ Tự mà chỉ được tế Táo Thần và Trung Lưu Thần. Ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ có công dụng lớn nên sĩ tử và dân thường theo Ngũ Tự thuộc ngũ hành nên thờ cúng, Nhà (Hộ), bếp (Táo), gian giữa (Trung Lưu), cửa (Môn), giếng (tỉnh) đối với mọi nhà, thiếu một cái cũng không được” (8). Điều đó cho thấy có sự phân biệt đẳng cấp trong việc thờ Ngũ Tự và giải thích lý do nhập nhằng trong quan niệm của dân chúng – như trường hợp quan sát được ở Quảng Nam nói trên.
Cũng theo Đặng Huy Trứ: “Táo Thần ở trên trời là các vì sao, phụ giúp Ngũ đế có công dạy dân đánh cá, nuôi súc vật, cày cấy, chữa bệnh. Ở dưới đất là vị thần trong coi bản mện cho mọi người”. Việc Táo Quân sinh ngày 3 tháng 8 con chép trong sách “Lục tạng tôn kinh”. “Táo chuyên ghi chép việc lành dữ ở trần gian, đến ngày 30 hàng tháng và 24 tháng Chạp đem mọi việc tâu lên Thiên Tào để định hoạ phúc” (9).
Ông Táo, nói chung ngoài chức năng tai mắt của Ngọc Hoàng thượng đế ở trần gian, Ông còn là thần Tư mệnh của gia đình, đứng đầu các thần bản gia (Ngũ Tự) - gọi là “Đệ nhất chi chủ”. Trong dân gian chức năng “Tư mệnh” bao gồm việc bảo hộ cho trẻ con, cho gia súc. Do đó, trước đây, các bậc cha mẹ hay có tục ký bán con trẻ 3,6,9 thậm chí 12 tuổi cho Ông Táo; khi ra đường, người ta quẹt lọ ở Ông Táo để đánh một dấu chữ thập lên trán đứa bé, hoặc bôi lên trán lọ Ông Táo cốt để đứa bé “xấu xí” đi và coi việc đó là để đảm bảo an toàn cho đứa trẻ.
Khi xin/mua chó hay mèo con về nuôi thì công việc đầu tiên là bắt chúng lạy Ông Táo, lại giật một ít lông ở chân và đuôi nhét dưới đít Ông Táo cốt để làm phép cho thú nuôi không bị đau ốm và không bỏ đi rông mất đi, nếu có đi lạc thì luôn trở về với chủ!
Về chức năng tai mắt cho Ngọc Hoàng thượng đế, người ta chủ vào ngày vía triều thiên, 24 tháng Chạp. Người ta xác tín là Táo khởi hành đi chầu Trời vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng 24 tháng Chạp nên lễ cúng tiễn thường tổ chức vào đâu hôm ngày 23 tháng Chạp. Bởi vậy lời tục có câu:
Hăm ba Ông Táo về Trời
Bình vôi ở lại chịu lời đắng cay
Công việc trên Trời đến cuối năm là hoàn tất nên 30 tháng Chạp (tháng thiếu 29 tháng Chạp) người ta cúng rước Ông Táo về lại với gia đình. Lễ vật cúng tiễn Ông Táo thường là hương, đăng, trà, quả, bánh kẹo, chè đậu. Ở miền Nam, phổ biến là loại kẹo ngọt - gọi là “thèo lèo” (hiểu là “trà liệu” - thức ăn ngọt để uống trà) - gốc từ người Hoa. Nhiều người “kỹ tính” lễ cúng đưa Ông Táo dùng toàn đồ chay cốt để Ông được “trai tịnh” mà không dám nói điều xấu cho chủ nhà. Có bài thơ ngạo đời nói về việc Ông Táo đi chầu Trời rất phổ biến rằng:
Một bát nước, một lọn nhang,
Đưa ông vể tấu việc nhơn gian.
Ngọc Hoàng phán hỏi: Chi là quí?
- Dưới thế gì hơn bạc với vàng!
Thứ lễ vật bó buộc là phương tiện vận chuyển cho Ông Táo. Ngoài Bắc cúng cá chép: cá vượt sông, qua vũ môn hoá rồng đưa Ông Táo lên Trời! Trong Nam, phổ biến là bộ đồ cúng Ông Táo in trên giấy – gọi là bộ “Cò bay ngựa chạy” (hình một con tuấn mã và một con cò dang cánh): đường bộ Ông Táo cưỡi ngựa, lên trời thì cưỡi trên lưng cò. Bộ tranh khắc gỗ “Cò bay ngựa chạy” này là biến thể của nghi thức xá mã – xá hạc của thầy pháp và cũng phổ biến trong khoa nghi của nhà Phật: Ngựa và Hạc ở các nghi lễ này là sứ giả mang các sớ tấu đến các trú sở của chư vị thần Phật ở tứ phương tám hướng, từ trên trời đến địa phủ, long cung dưới nước.
Việc tiến hành lễ tiễn Ông Táo về trời đồng thời là việc thay ba Ông Táo cũ bằng ba Ông Táo mới. Chúng ta thấy có hai tập tục cũ tuông như trái ngược nhau: một là tập tục giữ lửa thiêng bằng cách ủ trấu không cho lửa tắt (tập tục này còn bảo lưu ngay khi đã có diêm quẹt và bật lửa/máy lửa; và hai là nghi lễ gầy lửa mới qua việc thay ba ông thổ táo/ông lò hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp. Nghi lễ lửa mới của đạo Công giáo được cử hành trong đêm lễ Phục sinh và nghi lễ này của Thần đạo (Shinto/Nhật Bản) trùng với lễ năm mới. Hai dữ liệu này cho thấy, tập tục thay ba Ông Táo mới hàng năm của xứ ta hàm chứa ý nghĩa của nghi lễ tẩy uế và tái sinh - chức năng chủ yếu của lễ lửa mới. Nói rộng ra là: Tết là năm mới, vận hội mới, chu kỳ mới và… lửa mới!
Nói chung, tín ngưỡng Ông Táo đã không ngừng thay đổi theo thời gian, tạo nên một tập thành đa tạp khó bề truy cứu ra nguyên uỷ của nó. Song điều rõ rệt là tập tục này khởi nguyên từ tín ngưỡng thờ lửa mà gần gũi nhất là lửa bếp.
Bếp tượng trưng cho sự sống chung, cho mái ấm gia đình, cho mối quan hệ giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho sự kết hợp lại với nhau và sự giữ gìn lửa. Bếp giống như mặ trời: làm cho mọi người gần nhau bởi sức ấm nóng/hơi ấm và ánh sáng của nó – là nơi đun nấu thức ăn nên nó là trung tâm của cuộc sông, từ đó cuộc sống được ban cho, duy trì và sinh sôi. Bởi vậy, bếp được hầu hết các tộc người tôn kính: nó trở thành điện thờ, nơi con người cầu sự bảo hộ của Thượng đế và là nơi thờ cúng: Ngọn lửa bốc lên như một cửa ngõ thông linh của họ với cõi thiêng.
Như đã nói, bộ ba Ông Táo “một bà hai ông” là một biện sự bằng hình tướng của quẻ Ly hoả (9); và trong khuôn khổ của văn hoá Trung Hoa, lửa/hoả còn biểu thị cho màu đỏ (thuộc ngũ sắc), tâm (thuộc ngũ tạng), phương Nam (thuộc ngũ phương) và mùa hè. Tài liệu dân tộc Mường cho chúng ta một cơ cấu thần Bếp là “bộ tứ” có phần khác với “bộ ba” ông Táo của người Việt. Đây là một dữ liệu cho thấy “cổ mẫu” của việc thờ Táo.
Khi làm nhà mới, công việc lưu tâm hàng đầu đối với người Mường là dựng bếp. Người ta cử hành lễ đặt ba hòn đầu rau: Hòn chính (gọi là “nục thầy) chiếu thẳng góc với cột cái ngôi nhà; hai hòn kia hai bên – gọi là “nục theo”. Quan trọng nhất là người ta đặt cạnh đó một hòn đá to hơn ba hòn đầu rau - gọi là “nục chủ”. Theo truyền thuyết dân gian Mường Bi thì người xưa đã dùng hai cục đá đánh vào nhau để lấy lửa. Do đó, hòn “nục chủ” đặt cạnh bếp được các nhà dân tộc học cho rằng đây là dấu vết tục thờ đá, một tập tục tín ngưỡng ra đời khi con người đã tìm ra lửa, đưa con người từ “văn hoá sống” bước sang “văn hoá chín” (10). Rõ ràng là hòn đá “nục chủ” không thuộc yêu cầu vật lý (3 điểm chịu lực) của bộ ba ông đầu rau. Nói cách khác nó không có chức năng ích dụng và như vậy, nó có chức năng tín ngưỡng. Điều lưu ý là khi người ta lấy hòn đá để thờ cúng thì không phải thờ cúng tảng đá đó mà thờ vị thần ngự trong hòn đá đó. Ở đây, “nục chủ”, hòn đá được bắt buộc phải dựng trong dịp làm nhà mới là nơi trú ngụ của “đệ nhất gia chi chủ” hay cũng có thể đó vốn là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên Mường thời cổ?
Tục thờ cúng Ông Táo/vua bếp/thần lửa là một tập tục tín ngưỡng có từ thời cổ và thay đổi liên tục trong lịch sử của từng tộc người. Người Khmú coi ông đầu rau là “ma phù hộ thị tộc mẫu hệ”; người Vân Kiều thờ lửa rất nghiêm cẩn: tuyệt đối cấm lấy lửa từ bếp gia đình đem ra ngoài, cấm con rể lấy lửa từ bếp hút thuốc; người Kadong trong lễ cúng tỉa lúa luôn gạt ít cơm cúng vào hòn đá bếp; trong khi đó người Hrê lại nhỏ máu gà (dùng làm lễ vật) lên hòn đá bếp (mopoong đinh) trong lễ cúng cơm mới và không ít tộc người, trong nhà có nhiều bếp để nấu các thức ăn khác nhau (cám lợn, thức ăn) và đặc biệt là cái bếp thiêng/bếp kiêng chỉ dùng cho mỗi một việc là đồ cơm, không được nấu bất cứ thức gì khác… Nói chung, tập tục thờ cúng Ông Táo coi ra không phải là chuyện lịch sử - văn hoá đơn giản. Để có thể giải mã tường minh hẳn là phải có một chuyên khảo. Đó là việc phải chờ ra Giêng – ngày rộng tháng dài. Năm hết Tết đến, việc bận rộn, Ông Táo cũng vừa về đến ngõ rồi.
Chú thích:
(1) Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, S.,1972, Tập hạ, tr.4.
(2) Táo quân chơn kinh/Imp, de l’union, Sài Gòn, 1953.
(3) Xem Trần Văn Toàn: mấy tư liệu về tôn giáo trong dân gian/Tạp chí Đại học, số 40, 8-1964, tr.579-583.
(4) Lê Văn Phát: La vie intime d’un annamite de Cochinchine et ses croyances vulgaires/Imp.F.H.Schneider, Sai Gon, 1907, tr.7-8;11.
(5) Theo Táo quân chơn kinh (sđd), danh hiệu (và công năng) của Táo quân là: - Cửu thiên Đông Trù Tư mạng Táo phủ thần quân Định quốc hộ trạch Đại Thiên tôn – Đông Trù Tư mạng Định phước Táo quân Hoá sanh Định lộc Thiên tôn.
(6) Xem hai tranh khắc “Thổ công vị” và “Táo quân vị” của bộ tranh khắc đầu thế kỷ XX: H.Oger: Technique du peuple annamite [Encyclopédie de la civilisation matérielle du pays d’ Annamite]. Paris, 1908-1909. Thật ra Thổ công là một trong 5 thần long mạch ngũ Thổ: Thổ công, Thổ chủ, Thổ địa, Thổ phủ, Thổ kỳ.
(7) Đặng Huy Trứ: Đặng Dịch Trai ngôn hành lục/Bản dịch của nhóm Trà Lĩnh, Hội Sử học Việt Nam xb, 1993, tr.55-56.
(8) Đặng Huy Trứ, Sđd, tr.59.
(9) Đặng Huy Trứ, sđd, tr.60-61.
(10) Nguyễn Hữu Thức: Tín ngưỡng dân gian, tục thờ và lễ hội/trong Người Mường với văn hoá cổ truyền Mường Bi/Sở VH-TT Hà Sơn Bình xb, 1988, tr.130-131.

trích dẫn từ website:
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Tin-Tieu-Diem/Ong-Tao-Ve-Troi.html
 

camnhung

Thanh viên kỳ cựu
nhắc tới ông táo làm mình nhớ nhà quá à,hix. cũng sắp tới tết rồi đó.....cuối năm chắc ông táo bận nhiều việc lắm ha,hihi
 

cici

Thành viên mới
“Ông Táo Cái” hay “ Ông Táo Chúa”, :bitmiengcuoi:
 

quoccuongdang

Thanh viên kỳ cựu
Mình cũng nhớ Tết quá, chỉ mong sao cho mau đến ngày đó để được về quê, ăn bánh in, đưa ông Táo về ... chầu Trời.
 

thaihabooks

Thanh viên kỳ cựu
Sắp đến Tết rồi. Mình nhớ táo giao thông, táo tiêu dùng, táo thoát nước, nhớ cả Nam Tào, Bắc Đẩu, nhớ cả Gia Cát Dự nữa. Mong đến Tết quá.
Nhân thể, mình rất thích ca khúc "Lụt từ ngã tư đường phố"
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=ICwldys9R-
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
_ice_ [Phong Tục] Người Việt và triết lý sống "Phúc đức tại Mẫu". Phong Tục - Tập Quán 1
Tom [Phong Tục]Chuyện Ngưu Lang Chức Nữ Phong Tục - Tập Quán 0
N [Phong Tục]Tết âm lịch của người Hàn Quốc Phong Tục - Tập Quán 1
N [Phong Tục]Bạn biết gì về ngày Lễ Tạ Ơn? Phong Tục - Tập Quán 0
tiktik [Phong Tục]Chiếc bánh tình yêu Tiramisu...mum mum... Phong Tục - Tập Quán 0
benny [Phong Tục]tangnam2 làm gì trong ngày giỗ Tổ? Phong Tục - Tập Quán 3
benny [Phong Tục]Những lời chúc Tết độc đáo Phong Tục - Tập Quán 1
M [Phong Tục]Nguồn gốc Tết trung thu! Phong Tục - Tập Quán 0
Tom [Phong Tục]Tiếng Việt Dễ Thương Qua 2 Miền Nam, Bắc Phong Tục - Tập Quán 0
KendyDat [Phong Tục]Sự khác biệt giữa Sài Gòn & Hà Nội Phong Tục - Tập Quán 7
Sóng [Phong Tục]Ý nghĩa ngày lễ Phật Đản Phong Tục - Tập Quán 2
tranjahi [Phong Tục]Tip me or die of thrist Phong Tục - Tập Quán 2
M [Phong Tục]01/04/2010 Bò hay Lừa??? Phong Tục - Tập Quán 8
M [Phong Tục]Lịch sử Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8 tháng 3 Phong Tục - Tập Quán 1
KendyDat [Phong Tục]Ý nghĩa Hoa sen trong Phật giáo Phong Tục - Tập Quán 1
vermouth [Phong Tục]Những tập tục đón năm mới kỳ lạ Phong Tục - Tập Quán 1
K [Phong Tục]Mâm ngũ Quả ngày Tết. Phong Tục - Tập Quán 0
M [Phong Tục]Nguồn gốc lễ hội Halloween Phong Tục - Tập Quán 5
M Ngày Quốc Tế Nam Giới 19/11: Đàn Ông Cần Được Yêu Thương Phong Tục - Tập Quán 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top