[Tp.HCM] Cà phê sách "Khuyến học" (Fukuzawa Yukichi)

Mr[K]id

Thành viên mới
CÀ PHÊ THỨ BẢY

THƯ MỜI

CÀ PHÊ SÁCH


Các anh chị và các bạn thân mến.


Vào 09h sáng thứ bảy ngày 19/04/2014,

SALON VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY,

tại lầu 1, Trung Nguyên Coffee 19B Phạm Ngọc Thạch , Q.3

sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ SÁCH,

Giới thiệu cuốn sách KHUYẾN HỌC

của tác giả: FUKUZAWA YUKICHI

(có tặng sách nếu chuẩn bị kịp nhân dịp này)


Diễn giả: TS Nguyễn Xuân Xanh

Chủ trì: Dương Thụ


Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.

Hân hạnh được đón tiếp.


GĐCPTB

Dương Thụ

___________________________________________


LỜI DẪN


VỀ FUKUZAWA YUKICHI

& CUỐN “KHUYẾN HỌC”


Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc "khai quốc công thần" của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.

Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là "Voltaire của Nhật Bản", không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.

... Để đóng góp trong việc khai hoá văn minh, nâng cao dân trí, phát triển xã hội, Fukuzawa Yukichi chủ trương các học giả phải có lập trường độc lập với chính phủ. Do đó, suốt cả cuộc đời ông nhất quyết từ chối mọi lời mời tham dự chính quyền, mặc dù nhiều học giả cùng hội cũng như các môn đệ của ông giữ trọng trách quan trọng trong chính phủ Minh Trị.

Năm 1900, ông được nhận giải thưởng tử Hoàng gia Nhật Bản do công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Giải thưởng trị giá năm mươi nghìn yên. Ông tặng lại số tiền cho trường Keio.

Năm 1901, ông mất do xuất huyết não, thọ sáu mươi tám tuổi.

Cuốn "Khuyến học", được ông viết trong thời gian 1872-1876. Đây không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới được in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.

Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị... Khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn "trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người", Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng - như "không tin vào tai mình" - cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học "từ chương" và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên "thực tế". Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là "làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản" trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.

Với độc giả Việt Nam hiện nay, nhiều tư tưởng của Fukuzawa Yukichi trong khuyến học có lẽ không còn là điều mới mẻ gây chấn động lòng người như đối với người dân Nhật Bạn ở thời Minh Trị. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của ông thì vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với những quốc gia đang trên con đường hiện đại hoá. Ngoài ra cuốn "cẩm nang" của người Nhật này cũng sẽ giúp độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn những đặc điểm về tính cách và tinh thần của người Nhật Bản hiện đại, những người từ thân phận nông nô "ăn nhờ ở đậu" nhờ có sự khai sáng của những con người như Fukuzawa Yukichi mà đã trở thành "quốc dân" của một đất nước Nhật Bản hiện đại và văn minh như ngày nay.


Cuốn sách Khuyến học củaFukuzawa Yukichi đã được Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành năm 2012 theo bản dịchcủa ông Phạm Hữu Lợi và được Nhã Namphát hành.

________________________________________________________________


VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ DIỄN GIẢ


Nguyễn Xuân Xanh sinh năm 1942, tốt nghiệp TSKH về ngành xác suất tại CHLB Đức và giảng dạy tại Đại học Kỹ thuật Berlin. Ông là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về lịch sử, khoa học, giáo dục đại học trong đó có những bài như Lịch sử đại học Humboldt, về Đại học Hoa Kỳ, Văn hóa đọc sách của người Nhật.

Là tác giả của các quyển

·-Nước Đức Thế Kỷ XIX-Những Thành Tựu Khoa học và Kỹ Thuật(2004);

·-EINSTEIN(2007, Giải Vàng Sách Hay Việt Nam 2008);

·-Thuyết tương đối hẹp và rộng, viết cho đại chúng, của Einstein(2014, chuyển ngữ và dẫn nhập).

Từ năm 2006là đồng chủ biên cùng với nhiều nhà khoa học để xuất bản nhiều số Kỷ yếu kỷ niệm sự kiện và nhân vật như

·-Kỷ yếu Đặng Đình Áng(2006),

·-Kỷ yếu Hoàng Tụy (2007),

·-Kỷ yếu Max Planck-Người khai sáng thuyết lượng tử(2008),

·-400 Năm Thiên Văn & Galileo Galilei (2009),

·-150 Năm Thuyết Tiến Hóa & Charles Darwin(2009),

-Kỷ yếu Đại Học Humboldt 200 Năm – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam(2011, Giải SáchHay 2012),

·-Kỷ yếu Hạt Higgs và Mô hình Chuẩn – Cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học(2014),

·-Cùng chủ biên xuất bản và viết lời dẫn nhập cho quyển Baggott, Hạt Higgs – Con đường phát minh và khám phá “Hạt của Chúa”tiếng Việt (2014).


________________________________________________________________


TƯ LIỆU THAM KHẢO:

http://www.slideshare.net/mastertek/thu-moi-cp-sach-19042014
 

Bình luận bằng Facebook

Top