Áp dụng nhiều biện pháp chống gian lận thi tốt nghiệp THPT

VnExpress

Thành viên mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 7-8/7 với hơn một triệu thí sinh tham dự. Các địa phương đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trong đó đặc biệt lưu ý việc phòng chống gian lận thi cử.

Nghệ An có gần 37.000 thí sinh dự kỳ thi năm nay. Mọi phương án về in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi đã được chuẩn bị theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, đề và bài thi được bảo quản trong tủ riêng biệt. Phòng bảo quản có camera ghi hình 24/24h, đảm bảo quan sát được tất cả hành vi tác động đến mọi vật dụng trong phòng.

Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 29/6, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết ở mỗi điểm thi, một công an bảo vệ liên tục 24/24h tại phòng chứa đề và bài thi, ba công an bảo vệ khu vực thi và nhiều công an, bảo vệ tuần tra xung quanh khu vực thi. Các điểm thi đều có tường rào bao quanh chắc chắn, có địa điểm để bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh cách phòng thi tối đa 25 m theo yêu cầu của Bộ.

Thu-truong-Hoang-Minh-Son-6840-1656663236.jpg


Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi ở Nghệ An. Ảnh: GDTĐ


Ban chỉ đạo thi cấp huyện ở Nghệ An cũng có phương án đảm bảo an toàn như rà soát các điểm thi, nếu có phòng thi gần nhà dân, đơn vị chức năng phải làm việc cụ thể với các gia đình và yêu cầu ký cam kết không thông đồng, tiếp tay cho những hành vi vi phạm quy chế thi.

Với các điểm thi gần sát khu nhà cao tầng, nhiều dân cư sinh sống như trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh), địa phương có phương án dán kín toàn bộ cửa sổ bằng kính hướng về phía các hộ dân. Cách này để hạn chế tình huống gian lận bằng công nghệ cao như dùng máy ảnh chuyên dụng chụp bài thi, đề thi từ xa đưa ra ngoài.

Với hơn 37.800 thí sinh dự thi tại 74 điểm, Thanh Hóa điều động hơn 5.700 người làm công tác coi thi, tập huấn kỹ càng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn ở mọi khâu, phát hiện được các trường hợp gian lận thi cử.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết công an tỉnh cũng đã phối hợp với Sở xây dựng phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tại các địa điểm in sao đề thi, điểm thi, vận chuyển đề và bài thi. Lực lượng công an đã tập huấn cho các cán bộ coi thi về việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về việc bảo mật đề thi cũng như rà soát việc mua bán các thiết bị công nghệ cao hiện nay.

Là địa phương có số lượng thí sinh đông nhất - gần 98.000 em, Hà Nội có 181 điểm thi chính thức, 60 điểm dự phòng với hơn 4.500 phòng. Số cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, giám sát khoảng 12.000.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi này, thành phố đã thực hiện các quy định tương tự ở kỳ thi lớp 10 diễn ra vào tháng 6, coi như một bước tập dượt để các cán bộ, giáo viên làm quen, tránh sai sót.

Theo yêu cầu của Bộ, tất cả điểm thi ở Hà Nội cũng đã bố trí được địa điểm cách phòng thi tối thiểu 25 m để bảo quản vật dụng, tư trang của thí sinh nhằm tránh thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng. Do không phải điểm nào cùng có phòng để đồ phù hợp yêu cầu, các điểm thi linh hoạt các biện pháp, như đưa thùng giấy đến từng phòng thi để thí sinh bỏ tư trang vào, sau đó niêm phong, mang ra nơi cách đó 25 m.

Ảnh hưởng của Covid-19, nhiều học sinh sẽ đeo khẩu trang vào phòng thi dù đây không phải quy định bắt buộc. Hà Nội yêu cầu các phòng thi phát khẩu trang mới cho những em có nguyện vọng nhằm tránh trường hợp thí sinh gắn thiết bị thu, phát tín hiệu trong khẩu trang để gian lận.

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng, các địa phương vẫn còn nhiều lo lắng trong việc phát hiện gian lận bằng thiết bị công nghệ cao. Nhiều nơi khó thực hiện được quy định để vật tư của thí sinh cách điểm thi 25 m do khuôn viên, cơ sở vật chất không đủ như TP HCM hay Lai Châu.

Quy chế thi cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng truyền thông tin, tín hiệu vào phòng thi nhưng một số địa phương lo ngại cán bộ coi thi không đủ nghiệp vụ để kiểm soát được tính năng hoạt động của các thiết bị mà quy chế cho phép.

hn-1656662886-6840-1656663236.jpg


Cán bộ coi thi lớp 10 ở Hà Nội mang tư trang của thí sinh đi bảo quản cách phòng thi 25 m. Ảnh: Thanh Hằng


Ngoài vấn đề chống gian lận thi cử, các địa phương cũng sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn trong bối cảnh Covid-19 hay xảy ra thiên tai.

Tại TP HCM, hơn 85.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại 158 điểm. Các điểm thi này đều có ba phòng dự phòng để các thí sinh diện F0 làm bài thi. Sở đã hướng dẫn các trường và trưởng điểm thi, làm công tác vệ sinh khu vực thi, hướng dẫn cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và sinh hoạt quy chế đối với thí sinh.

TP HCM yêu cầu các điểm thi không tổ chức khai mạc, bố trí sơ đồ luồng đi ra và đi vào để đảm bảo được khoảng cách để phòng, chống dịch. Thí sinh lên trực tiếp phòng thi, không được tụ tập trước và sau giờ thi.

Hà Nội, thí sinh F0 thi ở phòng riêng, bắt buộc đeo khẩu trang khi làm bài và tuân thủ các quy định phòng dịch. Cán bộ coi thi tại phòng thi có F0 bắt buộc sử dụng đồ bảo hộ.

Các địa phương như Thanh Hóa, Phú Thọ có kế hoạch hỗ trợ thí sinh ở vùng sâu, đi lại khó khăn đến các điểm thi như hỗ trợ cho ăn ở, xây dựng phương án đưa đón các em trong điều kiện thời tiết bất thường như mưa to, bão lũ.

Nhằm kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập năm đoàn kiểm tra đến nhiều tỉnh, thành. Tại buổi làm việc ở Hải Phòng ngày 30/9, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý các địa phương cần nhận thức đây là kỳ thi quan trọng. "Một sự sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn", ông nói và nhấn mạnh công tác chuẩn bị càng tốt, càng sâu sắc sẽ càng ít rủi ro.

Dương Tâm - Hằng Tùng
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top