Bệnh thụ động

file.png


Trước Tết gặp lại một người bạn nước ngoài sang Việt Nam làm việc được 2 năm, hỏi dạo này ổn chưa, làm việc với đội ngũ Việt Nam có suôn sẻ. Bạn trả lời, công việc thì ổn Phi, nhưng quản trị đội ngũ ở Việt Nam mệt quá, cứ phải micro-manage - quản trị chi tiết, giao việc phải chi tiết tới từng task một, theo dõi phải sát sao từng tí một, kiểm tra, hỏi han, chăm như chăm con mọn thì việc mới hoàn thành. Bạn nói, hình như người Việt Nam không quen tự chủ, không quen tự mình sắp xếp, lên kế hoạch, chủ động thực hiện và giải quyết vấn đề. Họ rất thụ động, tới task nào hay task đó, không có tầm nhìn xa hơn, không bao giờ nghĩ next step là gì, không tư duy kết quả là gì, chỉ làm đúng thứ được giao, mà làm xong hay không xong, được hay không được cũng kệ, không chia sẻ, không chủ động công tác để tìm ra giải pháp khi nảy sinh vấn đề, toàn đợi tới khi sếp hỏi tới mới ú ớ à thì là tại vì bị….

Ai cũng nghĩ, ai biểu làm sếp chi thì phải đi theo dõi nhắc nhở chớ. Thật ra, mình làm việc quốc tế rất nhiều năm nay, chẳng ai đi nhắc ai chuyện gì cả. Theo kế hoạch giao việc xuống là xong. Tự mình phải ngồi nghĩ cách triển khai tốt nhất, hiệu quả nhất, chi phí tiết kiệm nhất, kết quả vượt mong đợi nhất. Khi có gập ghềnh xả ra thì phải tự động đứng ra tìm cách giải quyết, tự động báo cáo sếp và trình bày phương án giải quyết để được sếp chỉ bảo, mentor thêm, tự động liên hệ làm việc với các phòng ban khác nếu cần để triển khai giải pháp, vv. Khả năng chịu trách nhiệm 100% công việc của mình và chủ động hoàn thành công việc trong mọi tình huống là điều hiển nhiên, lẽ thường tình, chẳng phải kỹ năng cao siêu, lãnh đạo hay sếp sòng gì ở đây cả. Làm việc mà chuyện thường tình như thế còn không làm được thì xong phim, tập thể sẽ tự loại trừ, công ty sớm tiễn lên đường không cần cân nhắc.

Chính vì vậy, mình rất hiểu tâm trạng của anh bạn nước ngoài khi chia sẻ về vấn đề “tự chủ” trong làm việc mà anh gặp phải tại Việt Nam. Có lẽ, do đã quen với việc học thụ động trong trường học, lớn thụ động trong gia đình, xã hội, làm thụ động theo yêu cầu của người lớn nên rất nhiều bạn trẻ khi gia nhập môi trường làm việc chuyên nghiệp đều rất bỡ ngỡ, quen ngồi chờ kêu gì làm nấy, gặp vấn đề bối rối, lúng túng không biết giải quyết sao, sợ hãi khi phải giao tiếp, báo cáo với cấp trên, không đủ tự tin để tự mình đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề. Sự thiếu tự tin này nếu không được nhìn nhận, chỉ ra, sửa chữa thì nó sẽ ngày càng trở thành căn bệnh rụt đầu vào mai rùa, gặp chuyện gì cũng chơi chiêu anh hùng núp, tránh được thì trốn, hoàn toàn thụ động trong mọi trường hợp, tình huống. Lâu dần, nó sẽ làm cho bạn trở nên ù lì, tự ti, lơ ngơ, mơ hồ, vật vờ trong công việc không biết mình trôi về bờ nào bến nào. Có người nhận ra điều đó, có người không. Cho nên, biết mình đang trong trạng thái nào và biết mình nên cố gắng vượt ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó ra sao là một thử thách cực kỳ quan trọng. Vượt qua khỏi thử thách đó, đời bạn rồi sẽ khác.

Sẵn đây, ghi ra vài câu hỏi dẫn dắt cho những ai thật sự muốn chữa căn bệnh thụ động để thành công hơn trong công việc và sự nghiệp.

  • Chuyện được giao mục đích của nó là gì? Nó là một phần của một sự án / chương trình lớn hơn hay là một việc riêng, tách rời?
  • Nếu tách rời thì nó hướng tới mục đích gì, kết quả cần thế nào và có liên quan tới những ai?
  • Nếu là một phần của một dự án / chương trình lớn hơn thì chương trình đó là gì, mục đích là gì, và kết quả cần đạt được là gì? Việc mình cần làm nằm đâu và đóng vai trò gì trong đó?
  • Việc mình cần làm có liên quan đến những ai, phòng ban nào, nhận từ ai và chuyển tiếp sang ai? Đâu là cách tốt nhất để cộng tác với họ?
  • Kết quả công việc mình cần đạt được là gì? Để làm được kết quả đó mình cần thực hiện những bước nào, kế hoạch hành động chi tiết ra sao, các bước tiếp theo là gì?
  • Việc này 1 mình làm hay cần thêm người khác tham gia, hỗ trợ? Nếu có, là ai và mình nên brief về công việc cho họ như thế nào? Cách mình theo dõi định kỳ với mọi người như thế nào là tốt nhất?
  • Khi xảy ra tình huống bất khả kháng, làm ảnh hưởng tiến độ hay kết quả công việc thì mình nên chủ động thông báo, chia sẻ, báo cáo với ai và nên chủ động sắp xếp họp với các bên liên quan như thế nào để giải quyết vấn đề nhanh và hiệu quả nhất?
  • Cách tốt nhất để giao tiếp với sếp khi xảy ra biến cố là gì để được cố vấn nhanh và hiệu quả nhất?
  • Ngoài nguồn lực trong nội bộ, có những nguồn lực nào khác bên ngoài mà mình có thể vận động không? Là gì, ở đâu và cách hợp tác thế nào?
  • Thứ tự ưu tiên của việc được giao so với list các công việc hiện có là ở đâu? Thứ tự ưu tiên mình sắp xếp như vậy theo sếp là hợp lý chưa? Nếu chưa thì cần sắp xếp lại thế nào?
  • Ngay lập tức bây giờ mình cần chuẩn bị hay làm gì để kích hoạt công việc này?

Tất cả những câu hỏi trên thật ra chỉ dành để hỗ trợ định hướng mà thôi, không theo khuôn khổ qui định gì. Sau khi tham khảo, có lẽ bạn sẽ tự mình tìm ra những cách rất cá nhân để sắp xếp và chủ động hơn trong công việc hàng ngày của mình. Cứ nhận việc gì đều tư duy như thế thì việc gì rồi cũng sẽ chạy phà phà, suôn xịn mịn mà thôi. Chúc bạn thành công!

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
N RỒI CŨNG SINH LÃO BỆNH TỬ Thảo luận chung về Kỹ Năng Sống 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top