[Xã Hội] Bụng người Việt nghĩ gì, cảm gì?

Xumi

[♣]Thành Viên CLB
Bạn nghĩ sao về bài viết dưới này về người Việt của GS. Trí Việt? Cùng thảo luận nhé.

1. Người Việt tư duy và suy xét mọi vấn đề bằng bụng
Người Việt lạc quan nhất thế giới, thuộc loại trẻ trung nhất thế giới có lẽ là do người Việt biết giữ cho đầu óc mình luôn thảnh thơi, an nhàn, vô tư, chẳng phải tư duy, vô lo vô nghĩ. Mà cả nghĩ làm gì cho bị lụy, cho sớm bị già nua.
Bình thường, bụng con người là nơi khu trú của cơ quan tiêu hóa, cơ quan bài tiết và thải độc, cảnh giới hàm lượng đường máu (bài tiết chất Insulin từ gan) và cơ quan bảo tồn nòi giống của phụ nữ (Bụng mang dạ chửa).
Với người Việt, ngoài các chức năng kể trên cái bụng còn giao luôn các nhiệm vụ tư duy, suy xét và cảm nhận thay cho đầu óc và cả trái tim nữa.
Người Việt "nghĩ bụng", việc suy xét và cảm nhận mọi vấn đề đều theo phương thức rất đơn giản, cứ cái gì vừa bụng (tiêu hóa được!) là đúng, là tốt, là có thể chấp nhận! Quả thật cái bụng người Việt là độc nhất vô nhị. Nó có thể hoàn thành "xuất sắc" nhiều chức năng phong phú và đa dạng khác nhau cả vật chất lẫn tinh thần cùng một lúc!
Cũng từ cái tư duy trực giác bỏ qua mọi logic kiểu "Nghĩ bụng", người Việt bao đời nay vẫn gọi quốc gia, lãnh thổ là "Nước": Nước Thái Lan, Nước Anh (tiếng Anh: Thailand, England) mặc dù xét về lịch sử tiến hóa,họ luôn thuộc về các loài sống trên cạn. Rất ít người Việt thấy bức xúc về sự vô lý khi gọi đất là nước trong ngôn ngữ của họ. Ngược lại, trên thế giới sự thật này luôn được tôn trọng nên mọi người đều dùng chữ đất (Land) để chỉ lãnh thổ, môi trường sống của con người!
Người Việt có chỉ số thông minh IQ riêng của mình để đánh giá con người, đó là sự sáng dạ hay tối dạ của con người đó. Một chỉ số định tính (cũng lại liên quan tới cái bụng) cho đỡ phải đo đạc phức tạp và tốn kém (kiểu chỉ số IQ của phương Tây) và ta có thể toàn quyền quyết định chỉ số đó âm hay dương mà chẳng cần hỏi ai!
Người Việt cũng có những phương pháp "suy diễn hữu hiệu" để nắm bắt sự thật khách quan bằng cách: "Suy bụng ta ra bụng người". Chả thế mà người Việt nhận biết được ngay tính thích ghanh đua của mình cả trong tiếng gáy của các chú gà: "Con gà tức nhau tiếng gáy!" cũng từ phương pháp "Suy bụng ta ra bụng gà"!
Để xác định phẩm chất của con người, người ta dùng cặp phạm trù đơn giản để đánh giá một con người là "Anh tốt bụng" hay "Anh xấu bụng".

2. Người Việt thể hiện tình cảm và tình yêu cũng bằng bụng!
Những tình cảm hỉ nộ ái ố với rất nhiều cung bậc tình cảm của con người, người Việt cũng thường biểu đạt tập trung nơi bụng dạ của họ.
Để miêu tả sự bực tức đã có: "Tức lộn ruột lộn gan", "Giận bầm gan tím ruột"; để biểu đạt sự "hài lòng", thỏa mãn: "Mát ruột mát gan" hay "Mát lòng mát dạ"!
Khi đạt được độ tin cậy, thân thiện, người Việt có thể: "Cởi lòng cởi dạ" hay chừng mực hơn: "Được lời như cởi tấm lòng"!
Để diễn tả sự nhất trí hay chưa tán thành, người Việt biểu đạt như sau: "Họ bằng lòng với đề xuất này" hay: "Họ bằng mặt nhưng không bằng lòng"!
Ngay cả trong tình yêu, thay vì sự rung động và thổn thức của trái tim yêu đương, người Việt lại thể hiện tình yêu thông qua cái bụng như sau: "Họ phải lòng nhau", "Anh ta phải lòng cô ấy" hoặc ngược lại.

3. Bàn về thức tư duy duy cảm của người Việt
Khi người Việt nghĩ bụng (thay bằng nghĩ bằng đầu) thì trên trái đất này họ là đại diện gần như duy nhất cho một thức tư duy duy cảm, khác hẳn với trường phái tư duy duy lý ở phương Tây, duy tâm linh ở Ấn Độ hay trường phái nho giáo Trung Hoa với thức tư duy trung quân.
Người Việt đặc biệt biết cách chuyển giao các chức năng của bộ óc cho cái bụng, dùng bụng để tư duy và suy xét hầu hết mọi công việc. Bộ não bị kẹt cứng trong hộp sọ nên các hoạt động của nó dễ bị cứng nhắc. Cái bụng ngược lại không bị giới hạn đó nên nó năng động hơn, dễ xoay xỏa ứng phó hơn. Điều này rất cần thiết cho cuộc đấu tranh để tồn tại của người Việt tại đồng bằng sông Hồng đầy biến động bất trắc, thường xuyên bị thiên tai, thiếu đói .
Với thức tư duy này, người Việt nhận thức thế giới xung quanh chủ yếu bằng trực giác và cảm nhận chủ quan của mình (như thế tốn ít năng lượng và sức lực hơn nhiều so với những trường phái tư duy khác). Yếu tố logic ở đây trở nên không quan trọng vì họ quan niệm "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình!"
Nghiên cứu "Bụng người Việt nghĩ gì, cảm gì?" cùng với thức tư duy duy cảm của họ không chỉ nhằm lý giải (có vẻ hơi ngụy biện vì còn một cách kiến giải khác là "điếc không sợ súng" chăng?) vì sao người Việt lạc quan, vô tư và trẻ trung nhất thế giới!
Mục tiêu quan trọng hơn là có thể làm rõ được nhiều hiện tượng khác về tâm thức, nhận thức, hành vi ứng xử và cảm nhận của họ, giúp người Việt tự hiểu mình và nhận thức về mình tốt hơn cả về mặt mạnh và mặt yếu.
Cụ thể thức tư duy duy cảm và phương thức nghĩ và cảm bằng bụng có thể là nền tảng, khởi nguồn cho các hiện tượng, các tố chất sau ở người Việt:
a - Hiện tượng hành động bầy đàn mang tính vô thức bản năng, thiếu sự chọn lọc, phê phán, giảm thiểu tối đa các khác biệt về cá tính và cái tôi cá nhân nhưng dễ hình thành các phong trào hành động cộng đồng tạo nên sức mạnh trên diện rộng.
b - Phát triển các tư duy ứng phó trước mắt, có khả năng giải quyết tình huống nhanh, có hiệu quả nhưng thiếu tư duy phát triển logic dài lâu.
c - Tính thực dụng đôi khi ấu trĩ vì thiếu tầm nhìn (tham bát bỏ mâm), có xu hướng thích đầu cơ, đánh quả nhanh, thích ứng nhanh với hoàn cảnh nhưng thiếu bền vững.
d - Tính chủ quan và năng lực tự huyễn hoặc bản thân. Điều này cũng giúp con người dễ cả tin và lạc quan trong các hoàn cảnh khó khăn...

Về những vấn đề vừa nêu ở trên, cần phải có những khảo cứu riêng rẽ sâu hơn mới có thể làm rõ những mặt mạnh và yếu khi vận dụng chúng vào thực tiễn đã thay đổi rất căn bản hiện nay trong thời toàn cầu hóa..
Việc hình thành và truyền bá lại cho đời sau các hình thái tư duy khác nhau, các nền văn hóa khác nhau không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Nó được quy định bởi điều kiện sông, hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế xã hội của con người và quốc gia đó. Đó cũng là các kinh nghiệm, phương pháp đã giúp cho con người vượt lên trên số phận và thử thách của thiên nhiên trong suốt chiều dài lịch sử đã qua, khảng định sự tồn tại và phát triển của họ với tư cách là một dân tộc, một quốc gia độc lập. Nghiên cứu hay đoc về những vấn đề này đều không nhằm mục đích khen chê, phân định đúng sai. Chỉ khi hiểu được xuất xứ và bản chất của vấn đề ta mới có thể vận dụng chúng ở thế mạnh và khắc phục chúng ở các khiếm khuyêt một cách có lợi cho công cuộc phát triển của đất nước trong hòan cảnh đã đỏi thay căn bản của ngày hôm nay …
Tài liệu khảo cứu sơ bộ viết tại Hà Nội 12/2008 và chỉ nên công bố vào năm 2109, Gs. Trí Việt."

Ông cha mình thường dặn "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" và chẳng ai dại gì "Vạch áo cho người xem lưng". Cũng có thể vì lý do truyền thống đó cho nên vị giáo sư khả kính ghi rõ khảo cứu trên chỉ nên công bố vào năm 2109 tức là sau 100 năm nữa. Khi đó người Việt mình có thể sẽ không còn mặc cảm về các điều được nêu ra vì chúng có thể đã trở nên xưa cũ như trái đất và đất nước có thể đã trưởng thành và phát triển rực rỡ nhiều rồi.
Nhưng liệu lúc ấy có ai cần những khảo cứu kiểu này nữa không? Ở vào cái thời buổi của Internet và toàn cầu hóa rồi mà vị giáo sư già vẫn còn cẩn thận kiểu cũ quá! Tôi mạn phép cứ xin công bố ở đây, gửi tới ông lời xin lỗi trước và hy vọng ông sẽ thể tình cho tôi và các bạn.

Nguyễn Hoàng (Hà Nội tháng 1/2009)
 

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
Lý do mà rất nhiều thứ trong văn hóa của người Việt liên quan tới cái bụng là vì người Việt cực kỳ coi trọng việc ăn uống. Ăn không chỉ là để tồn tại, nó là công cụ để giao tiếp, để thể hiện văn hóa. Cứ để ý mà xem...
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
LuckyStar [you] muốn trở thành người như thế nào? Bàn Tròn Thảo Luận 233

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top