Chân thật cũng phải học…

file.png


Đời này, chân giả đông như quân Nguyên, chớ chân thật thì đếm đầu ngón tay. Có điều, vì trở thành động vật quý hiếm nên họ rất được coi trọng và trở thành hot brand. Cái này đúng kiểu tạo sự khác biệt trong xây dựng thương hiệu thôi mà phải không? Muốn xây brand thì phải khác biệt, theo đúng lý thuyết “Khác biệt hay là chết - Differentiate or die”. Người chân thật, dù chẳng làm gì, chỉ là mình và chân thật thôi, cũng tự nhiên trở nên khác biệt. Họ không cần làm gì, nhưng cả xã hội đã chuyển động về phía lưu manh, cho nên tự nhiên họ trở thành loài quý hiếm và khác biệt. Vậy thôi. Đúng lả thời tới cản không nổi!

Mấy tuần này, gặp rất nhiều đứa em người bạn, tất cả câu chuyện đều hướng về chữ “chân thật”. Họ tìm Founder chân thật để đầu tư vào. Họ tìm người chân thật để cộng tác. Họ tìm sự chân thật từ cộng sự để rủ nhau làm việc lớn, để bắt đầu một dự án mới, để đồng hành trên những hành trình mới. Có lẽ, ai ra đời rồi thì cũng hiểu, nỗi sợ hãi lớn nhất khi làm việc gì với ai là bị người ta phản, bị người ta lật, bị đâm sau lưng và bán đứng. Ai cũng sợ, cả người ngay và kẻ gian. Thật ra, người càng lưu manh càng sợ kẻ lưu manh. Vì đủ lưu manh nên họ hiểu rất rõ chiêu trò của thứ lưu manh. Và dù họ hoàn toàn có khả năng chế ngự kẻ lưu manh, nhưng cũng không yên tâm chút nào. Lỡ nó lưu manh hơn mình hay lưu manh cập nhật hơn mình thì sao? Đã gọi là lưu manh thì đằng nào cũng sẽ có cách tiến hoá để lưu manh sáng tạo hơn. Có khi chiêu trò cũ chẳng xài mà phát minh ra cả những chiêu trò mới. Thành ra, họ cần cộng sự lưu manh theo game họ bày, chiêu họ xuất, nhưng lại cực kỳ sợ chính cộng sự hay đối tác của mình lưu manh với chính mình. Thành ra, càng lưu manh, họ càng trọng người chân thật. Nghe rất không logic, nhưng mà rất ư logic trong cái thế giới đảo điên này.

Còn người đàng hoàng, hay đề cao những giá trị tử tế, chân thật thì khỏi nói. Đương nhiên họ sẽ luôn đặt để phẩm chất chân thật lên hàng đầu, xem như điều kiện tiên quyết để cộng tác với bất kỳ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Không tìm thấy phẩm chất này thì thà là họ chậm, delay, hay ngồi im chờ thời chớ chẳng bao giờ bắt đầu khi con người chưa đúng. Họ hiểu, con người mà đã sai thì chả có việc gì nó đúng. Cho dù dự án hay kinh doanh có thăng hoa được một đoạn đi chăng nữa thì trước sau gì mâm cũng vỡ khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Khi từng cá nhân đã nghĩ về những giấc mơ rất khác nhau, thủ những chiêu trò rất khác nhau, thì sớm muộn cũng vỡ trận, phí thời gian và công sức đã bỏ ra vì mọi thứ họ cùng xây rồi cũng trôi sông đổ biển mà thôi.

Người có trải nghiệm và ngộ ra được chân lý này vì vậy mà rất cẩn thận chuyện con người. Người không đúng không bắt đầu. Người không hợp không miễn cưỡng hay vì bất kỳ lợi lạc nào khác mà bu lại. Tới nhanh rồi sẽ đi nhanh. Tới vì thứ gì cũng sẽ ra đi vì thứ đó. Đến vì tiền sẽ vì chữ tiền mà rạn nứt. Đến vì chữ tình sẽ ra đi khi tình ấy không còn. Đến vì lợi danh sẽ ra đi khi không còn bòn vét được lợi danh. Đến vì đam mê sẽ ra đi khi đam mê bị chẻ ra nướng thịt cho một ai đó khác. Thế thôi! Qui luật cuộc sống cực kỳ đơn giản. Con người ai cũng ích kỷ, ai cũng đi tìm và lựa chọn, quyết định theo thứ họ tìm. Có thì xáp vào, không thì dạt ra, chớ chả có keo hồ gì ở đây cả.

Hơn nữa, trong cái thế mọi thứ có thể hiện nguyên hình theo thời gian thực, thì chiêu trò dăm ba ngày cũng bị khui ra và treo lên chợ social cho người đời bàn tán. Vì vậy, chuyện gạt gẫm cũng dễ hơn nhưng cũng dễ chết hơn. Nghiệt ngã nhất là, một khi đã bị khui trên đám mây rồi thì thân bại danh liệt, uy tín vỡ vụng khó lòng mà đông sơn tái khởi. Trừ phi bạn là kẻ vô danh thì thôi, còn nếu đã chường mặt ra rồi thì cách nào mà đỡ. Nói vậy, để thấy “chân thật” nó đã trở thành một loại currency - tiền tệ hay token cực kỳ đáng giá, là chất liệu xây brand cực trending, và mang về cơ hội vô hạn cho tất cả mọi người.

Có điều, chân thật không fake được. Ngoài kia toàn là thứ trải đời không à, lưu manh hay đàng hoàng gì thì 30 giây người ta cũng nhìn ra đồng loại hay dị loại. Bạn có thể là bậc thầy trong ngành hoá trang nhưng tất cả rồi cũng chỉ được một đoạn mà thôi, không có cửa qua mặt cả thế giới cả đời đâu nhé. Nếu thấy chân thật đang hot, đừng chỉ đú trend. Muốn, thì phải quay về học cách trở nên chân thật, rèn luyện tạnh nết của mình cho nó trở thành chân thật, và cam kết một hành trình mới sẽ luôn luôn chân thật. Hồi đầu học cái gì cũng khó. Nhưng khi đã học và ứng dụng nó đủ lâu thì nó sẽ trở thành thói quen, thành phẩm chất, thành hệ giá trị của bản thân mình.

Có bạn hỏi, chân thật lúc có lúc không được không, tuỳ tình thế và hoàn cảnh. Dạ không! Một khi bạn đã thoả hiệp, dù chỉ một lần, thì giá trị đó nó trả về mo hoặc về âm, và không ai còn tin bạn nổi. Chuyện này, vì vậy phải nghĩ cho kỹ. Một là bạn chân thật, hai là bạn không. Không có mảng xám lúc này lúc kia, linh động theo hoàn cảnh.

Lại có bạn hỏi, chân thật quá bị người ta lừa hoài rồi làm sao. Dạ, chân thật là phẩm chất, nhưng có nghĩa là bạn chỉ tựa vào phẩm chất này để sống. Bạn còn phải học cách quản trị bản thân, học EI - trí thông minh cảm xúc, học cách xây dựng nội lực, học các lèo lái thế giới bên ngoài. Người ta lừa gạt, không chân thật thì mình phải nhận ra mà bảo vệ bản thân mình chớ. Ai để bị lừa tới lừa lui hoài mà vẫn không thông? Chân thật đâu có đồng nghĩa với ngu dốt, ngơ ngác, lơ ngơ giữa chợ đời đâu. Chân thật là phẩm cách, nhưng kỹ năng sống, kỹ năng đương đầu và ứng phó với sự phức tạp vô độ của thế giới ngoài kia kiểu nào cũng phải có. Vậy, mới biết đối nhân xử thế, biết tốt với người chân thật và loại kẻ lưu manh, như cái cách mà những người em người bạn của tôi đang đi tìm cộng sự vậy.

Vậy nha, chân thật cũng phải học, và chân thật một cách có hiểu biết thì mới tồn tại nổi với thời thật giả lẫn lộn này. Có điều, nó là chất liệu xây brand cá nhân không lẫn vào đâu được. Có khi, đã đến lúc chân thật phải lên ngôi….

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top