Đăng kiểm, kiểm gì?

VnExpress

Thành viên mới
Công an TP HCM đang mở rộng điều tra đường dây đưa, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở TP HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp. Lãnh đạo các trung tâm này được xác định đã nhận tiền của chủ 70.000 phương tiện, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

Từ chỗ buông lỏng quản lý, cơ quan thẩm quyền đang siết chặt hoạt động đăng kiểm, bắt đầu bằng động thái đóng cửa các trung tâm vi phạm trong ba tháng để thanh, kiểm tra.

Nắm được tình hình ách tắc tại các trạm ở TP HCM (chỉ còn 10 trong tổng số 17 trạm còn hoạt động), anh Nguyễn Văn Thùy, kỹ sư xây dựng, phải bỏ công ăn việc làm xuống tận Bến Lức, Long An từ 5h sáng, rồng rắn xếp sau hàng trăm xe tồn lại từ chiều hôm trước. Đến 17h, xe anh mới đăng kiểm xong - mất cả ngày cho một quy trình vốn chỉ tốn 1-2 giờ vào các năm trước.

Cuộc điều tra các sai phạm liên quan đến đăng kiểm trước mắt sẽ gây ra những phiền phức cho người dân và các thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp dịch vụ vận tải. Nhưng theo tôi, đây là việc trước sau vẫn phải làm quyết liệt để chấm dứt tình trạng tiêu cực tại các trạm đăng kiểm hiện nay.

Nhân viên đăng kiểm có thể cấp đăng kiểm cho cả những xe vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, khi được "bôi trơn". Việc này chỉ bại lộ khi CSGT phát hiện ra phần "ngọn" là những xe vi phạm và truy cứu tận gốc, với các đợt điều tra phá án như đang diễn ra.

Câu hỏi đặt ra là liệu có phải toàn quốc chỉ có chừng chục trạm vừa bị phát hiện làm ẩu? Nếu sau biến động này, những xe vi phạm giấu mình thật kỹ rồi tiếp tục vi phạm thì sao? Các trạm vừa vi phạm chấp hành tốt án phạt, sau thời gian quy định liệu có chấm dứt làm liều như trước?

Câu trả lời rất mong manh.

Để hạn chế tiêu cực, ngoài việc tăng cường trách nhiệm của CSGT, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị đăng kiểm và chế tài xử phạt tăng nặng với chủ xe vi phạm.

Trước hết là trách nhiệm của trung tâm đăng kiểm. Năm 2011, thời điểm cả nước xảy ra khoảng hơn 100 vụ cháy nổ ôtô, xe máy, trong đó hơn 50 vụ liên quan đến ôtô, giới chức mới thừa nhận "có một khoảng trống về pháp luật": chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm trong các vụ cháy, nổ ôtô. Lúc đó, Bộ Giao thông Vận tải (mà trực tiếp là Cục Đăng kiểm) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các văn bản, quy định để quản lý vấn đề này.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, văn bản mới nhất - Thông tư 16/2021/TT-BGTVT - chỉ có một dòng thiếu cụ thể như sau: "Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định".

Thiếu quy định rõ ràng, nên khi một chiếc xe vừa đăng kiểm hôm nay, ngày mai đụng chuyện và được kết luận do phương tiện quá cũ nát, thiếu an toàn thì vẫn là tài xế và chủ xe chịu trách nhiệm; đơn vị đăng kiểm không liên đới.

Về phía chủ xe, tôi thử bàn đến một chế tài nghiêm khắc hơn. Chẳng hạn, các hành vi vi phạm quy định an toàn sẽ không chỉ bị tịch thu phương tiện như quy định trong luật hiện tại, mà còn bị "treo" giấy phép lái xe (với tài xế) hoặc giấy phép kinh doanh (với chủ doanh nghiệp vận tải), liệu ai còn dám cơi nới phương tiện rồi "mua đứt" đăng kiểm như lâu nay?

Thanh tra, chấn chỉnh các sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm là vấn đề trước mắt, cần xử lý rốt ráo. Ngoài ra, về lâu dài, cần xem xét tới những bất cập trong quy định đăng kiểm.

Bất cập ở chỗ ngành đăng kiểm hiện chỉ căn cứ vào niên hạn xe, và quy định thời hiệu đăng kiểm quá ngắn. Các hãng xe hiện nay thường bảo hành 3 năm hoặc 50.000 km, có hãng bảo hành 5 năm hoặc 100.000 km. Do vậy, để giảm bớt thời gian và tiền bạc cho người dân, theo tôi, quy định nên thay đổi như sau: Xe mới miễn đăng kiểm ba năm; xe từ 4 đến 15 năm mỗi lần đăng kiểm có giá trị 24 tháng; xe cũ hơn hạn định này mỗi năm đăng kiểm một lần.

Cơ quan đăng kiểm cũng nên nghiên cứu phân loại thời hiệu đăng kiểm dựa trên số km đã chạy hoặc mục đích sử dụng của phương tiện. Xe con (chủ yếu sử dụng cho gia đình) có thể kéo dài thời hạn đăng kiểm so với xe khách, xe tải hoặc xe chạy dịch vụ.

Điều quan trọng là sự nghiêm túc, chặt chẽ trong mỗi lần đăng kiểm; chứ không phải tần suất sáu tháng một lần nhưng theo cách nhận tiền rồi cho qua.

Đăng kiểm, với 5 triệu xe hiện nay và khoảng 10 triệu xe trong tương lai gần, là khâu rất quan trọng với đời sống xã hội và phát triển kinh tế quốc gia. Nó cần được kiện toàn hợp lý, khoa học, tránh nhiều hệ lụy như hiện nay.

Mạnh dạn thay đổi quy định đăng kiểm và mạnh tay với nạn vòi tiền sẽ giúp giải được bài toán thực tế hoá quy trình đăng kiểm, giảm thiệt hại cho toàn xã hội.

Nguyễn Huy Cường
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V Tiểu xảo đăng kiểm Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top