Đánh giá Nokia Lumia 900

  • Thread starter Sirvip
  • Ngày gửi
S

Sirvip

Guest
DSC_7475-1813340339.jpg

Có lẽ Lumia 900 là chiếc điện thoại cực kỳ quan trọng đối với Nokia nhằm chống lại cơn khủng hoảng kéo dài nhiều năm nay. Và nếu không có khủng hoảng như việc đứng trên một giàn khoan đang cháy thì liệu Nokia có làm ra những chiếc điện thoại như chiếc Lumia 900 này không. Lumia 900 nổi bật với thiết kế đẹp, ấn tượng, màn hình đẹp, hệ điều hành mới lạ, hệ điều hành mang tính xã hội hơn, kết nối hơn và thông minh hơn… tuy nhiên nhiều điểm trên Lumia 900 cũng như Windows Phones sẽ làm bạn phải khó chịu.

Trong bài đánh giá này mình sẽ chia sẻ với các bạn chủ yếu về phần cứng. Về phần mềm thì mình sẽ chia sẻ với mọi người nhiều hơn ở các bài nói về hệ điều hành Windows Phone.

Thiết kế - Phần cứng

Tuy thừa hưởng thiết kế từ Nokia N9 hay Lumia 800 nhưng Lumia 900 có thể được xếp vào 1 trong những chiếc smartphone đẹp và nổi bật nhất hiện nay. Nokia dùng nguyên một khối polycarbonat để tạo ra hình dáng cũng như là một chiếc hộp để chứa các thiết bị điện tử bên trong và màn hình như là một chiếc nắp lớn. Có những điểm khác biệt so với N9 hay Lumia 800 như miếng kính bảo vệ màn hình không còn cong ở các cạnh biên nữa và cổng kết nối MicroUSB không còn được che bởi nắp nữa mà để lộ hẳn ra ngoài. Và dĩ nhiên là với màn hình 4"3 so với 3"9 trên N9 hay 3"7 trên Lumia 800 thì Lumia 900 to hơn khá nhiều.

Cảm giác cầm Lumia 900 trên tay chắc chắn và cứng cáp hơn rất nhiều so với hầu hết các smartphone khác. Không chỉ là vì thiết kế nguyên khối mà còn vì 2 cạnh máy, nơi mà tay chúng ta tiếp xúc với điện thoại, được bo tròn, chúng ta không có cảm giác bị một cạnh nào đó sắc cấn vào như khi cầm One X hay 2 cạnh cấn vào như khi cầm iPhone 4s.

Mặt trước:

DSC_7520-2098820002.jpg

Nokia dùng thiết kế đối xứng trên Lumia 900, khi máy ở trạng thái tắt hay mở thì khoảng cách từ hai cạnh đối diện đến tấm kính màn hình hay khu vực hiển thị là bằng nhau. Điều này làm hài lòng đôi mắt vốn thích đối xứng của chúng ta.

Mặt kính không giống như 2 cạnh bên trên N9 hay Lumia 800 được bo tròn rất tuyệt vời ở trên Lumia 900 chúng ta có một mặt kính phẳng và xung quanh được viền một roong cao xu. Roong này tạo này điểm kết nối giữa cạnh tấm kính bảo vệ màn hình và khối polycarbonat. Roong này cũng cao hơn mặt màn hình một chút nên chúng ta có thể để điện thoại up ngược trên mặt bàn mà không sợ mặt kính màn hình tiếp xúc với mặt bàn.

Mặt kính bảo vệ màn hình của Lumia 900 rất đen và với màn hình Amoled cũng như công nghệ ClearBlack Display của Nokia mà khi tắt máy chúng ta hầu như không nhìn thấy sự tách biệt giữa mặt kính và phần hiển thị. Do đó ta luôn có cảm giác màn hình rất lớn. Và kể cả khi ta mở màn hình, nhất là màn hình chính của Wp thì hầu như chúng ta không nhìn thấy biên của phần hiển thị và chúng ta có một cảm giác rất liền lạc ở mặt trước của màn hình, chỉ gồm phần đen của màn hình rất lớn và phần trắng của khối polycarbonat rất mỏng, đẹp.

Màn hình hiển thị nhỏ trên một chiếc máy to, đó là điểm khó chịu đầu tiên về phần cứng, nhất là khi bạn mới sử dụng, nhất là các bạn mới chuyển từ những smartphone sử dụng hệ điều hành khác sang. Lumia 900 có kích thước trên tay tương tự như HTC One X hay Samsung S3 trong khi màn hình hiển thị của Lumia 900 chỉ là 4"3 trong khi One X là 4"7 và S3 là 4"8.

DSC_7521-881690635.jpg

Phía trên màn hình là logo Nokia và phía trên logo là loa thoại. Loa thoại được thiết kế dạng dẹp và là chính là phần khuyết vào của tấm kính bảo vệ. Phần loa thoại này được thiết kế như là không muốn cho ai thấy nên khi nhìn lướt qua bạn sẽ không thấy nó. Phía bên trái của loa thoại chúng ta có các cảm biến và Camera phía trước có độ phân giải 1.3Mp và có khả năng quay video VGA ở 30fps. Mình có dùng Camera phía trước này cho các cuộc gọi Skype và khá hài lòng với nó, tương tự như cảm giác mỗi lần gọi Skype trên iPhone hay iPad.

DSC_7510-137929902.jpg

Phía dưới màn hình là khu vực Nokia bố trí các nút cơ bản của hệ điều hành Windows Phone. Nút Windows hay home ở giữa, nút back/đa nhiệm ở bên trái và nút tìm kiếm ở bên phải. Các nút này được làm sáng bởi các đèn phía dưới, mỗi khi môi trường sử dụng tối đi thì các nút này sáng lên. Ánh sáng này bị rò rỉ lên trên phần màn hình, bạn sẽ thấy điều này khi sử dụng buổi tối và màn hình đen. Còn các màn hình khác thì các bạn không thấy. Mức độ phiền phức do việc rò rỉ anh sáng này là không đáng kể.

Mặt kính bảo vệ: Nokia Lumia có dùng mặt kính bảo vệ Gorilla. Mình àm rớt một lần từ khoảng cách khoảng 1m và úp mặt xuống đất, kết quả là có một đường xước nhỏ trên màn hình. Có một video thử dùng Lumia 900 đóng đinh rất ấn tượng, nhưng mình không đủ can đảm để thử như thế. Kết luận là dù gì thì mặt kính cũng có thể bị trày hoặc xước, các bạn nên cẩn thận. Màn hình của Lumia 900 là dạng phẳng nên chúng ta có thể dán bảo vệ màn hình. Mình thì thích để trần.

4 Cạnh:

DSC_7516-1049305243.jpg


DSC_7517-1252497264.jpg

2 cạnh hai bên của Lumia 900 được bo tròn hoàn toàn, việc này giúp cho cảm giác cầm Lumia 900 thực sự chắc chắn và thân thiện. Cảm giác này hoàn toàn không có trên các smartphone khác, kể cả các smartphone cao cấp và có thiết kế chắc chắn nguyên khối như HTC One X hay cứng cáp như iPhone 4S. Cạnh trái của Lumia 900 không được Nokia bố trí bất kỳ nút nào trong khi cạnh phải lại được trang bị đến 4 nút. 4 nút bên cạnh phải từ trên xuống gồm các nút tăng/ giảm âm lượng, nút khóa/mở màn hình và nút chụp hình. Các nút này được mạ kim loại và khá phẳng so với mặt bo tròn của cạnh máy. Ưu điểm của các nút này là không cấn tay nhưng nhược điểm lại là mỗi lần bấm ta lại phải chú ý kỹ hơn so với các nút lồi hơn. Nokia để nút khóa/mở màn hình ngay cạnh bên hông và vào khoảng ngay ngói tay cái khi các bạn cầm máy ở tay phải. Vị trí này dễ dàng tiếp cận hơn và khi bấm không cần dùng nhiều lực hơn là vị trí trên đỉnh máy, nhất là với các máy có kích thước lớn.

DSC_7513-1495428845.jpg

Cạnh dưới của máy là nơi mà Nokia đặt loa ngoài, mic thoại cũng như in các thông tin cần thiết cho máy. Các thông tin này thường được in sau nắp máy nhưng Lumia 900 không có nắp che mà chỉ là một khối nên thông tin được in dưới đây. Khi nhìn mặt dưới các bạn sẽ thấy một mảng gồm rất nhiều lỗ nhỏ liti được khoan xuyên vào thân máy. Đếm sơ mình thấy có khoảng 127 lỗ khoan li ti trên diện tích 3mmx23mm. Phía trong các lỗ khoan này là loa ngoài và mic thoại của Lumia 900. Các thông tin in gồm có các tiêu chuẩn và dòng chữ Model:900 Made In Korean. Tuy các máy có thể được sản xuất theo những kỹ thuật và tiêu chuẩn giống nhau nhưng mình luôn thích các máy được làm từ các nước có ngày sản xuất công nghiệp phát triển hơn. Việc ghi Made In Korean thay cho Made In China thực sự làm mình an tâm hơn. Một điểm khác mà bạn có thể thấy được sự tỉ mỉ trong thiết kế là chữ C E được in trên mặt dưới của Lumia 900 với vị trí rất hài hòa, chữ C có đường cong tương tự đường cong mà bạn nhìn thấy ở phía bên trái, ngay chỗ chữ C được in lên.

DSC_7518-1593747311.jpg

Cạnh trên của máy bạn sẽ thấy cổng tai nghe 3.5ly, cổng kết nối MicroUSB, mic chống ồn và khay MicroSIM. Lỗi cắm tai nghe 3.5ly được để gần rìa phải của sườn máy, mép lỗi cắp có viền kim loại và viền này cách đều 3 cạnh mà nó tiếp xúc, nhìn rất là tinh tế như chữ C ở cạnh dưới. Cổng USB được che bở nắp ở N9 và Lumia 800 thì ở Lumia 900 đã được để lộ thiên và việc cắm sạc từ trên xuống thì thông minh hơn là từ dưới lên do chúng ta khi dùng trong lúc sạc hay sync không vướn tay.

DSC_9290-67992694.jpg

Ta dùng một cây ghim nhỏ để đẩy khay SIM ra, tương tự như làm với iPhone. Tuy nhiên khay SIM này được thiết kế phức tạp và nhìn rối mắt hơn là khay SIM của iPhone. Khay SIM khi cho vào cạnh trên cũng cách đều 3 cạnh tiếp xúc trong khá hài hòa.

Mặt sau:

DSC_7514-1682543464.jpg

Mặt sau là mặt đẹp nhất trên các máy Lumia 900, Lumia 800 hay N9. Toàn mặt sau được thiết kế hài hòa, không có các đường cắt xén. Nokia bố trí một miếng kim loại che Camera và in nhãn Nokia cũng như nhãn ống kính Carl Zeiss . Lỗ camera tròn và nằm ở gần đỉnh trên của miếng kim loại được bo tròn giống như các đường tròn khác trên Lumia 900. Camera này cũng nằm cách đều đường tròn trên tương tự như chữ C hay lỗ cắm tai nghe cách đầu các cạnh tròn khác. Các nhà thiết kế Lumia 900 đã thực sự kỹ và chú ý đến từng chi tiết nhỏ để tạo sựu đồng nhất trên Lumia 900.

DSC_7515-1370425492.jpg

Sau gần 1 tháng sử dụng thì nắp lưng của mình chỉ trày 1 điểm do cú rớt như bên trên mình nói. Tuy nhiên khu vực miếng kim loại hoặc miếng nhựa mạ kim loại lại bị xước khá nhiều.

Đèn flash đôi được đặt song song với Camera của Lumia 900 tương tự như N9 và khác với vị trí nằm trên Camera của Lumia 800.

Chiếc Lumia 900 của mình là màu trắng và lớp ngoài cùng là bóng chứ không phải nhám như là chiếc màu xanh hay màu đen. Chiếc màu trắng này bám vân tay nhiều hơn hai chiếc màu kia.

Khi cầm máy trên tay thì mặt sau không có chi tiết nào cấn vào tay các bạn, một cảm giác rất mượt và đều.

Màn hình:

DSC_7463-159364291.jpg

Màn hình dùng trên Lumia 900 là màn hình công nghệ Amoled thêm công nghệ ClearBlack Display của Nokia. Độ phân giải của màn hình Lumia 900 là 480x800 trên diện tích 4”3. Mật độ điểm ảnh đạt được là 217ppi.

Về độ mịn thì so với các Smartphone cao cấp khác Lumia 900 kém khá xa. Nhất là khi so với iPhone 4S hay HTC One X hay Xperia S, những điện thoại có mật độ điểm ảnh RGB cao. Tuy nhiên nàn hình Lumia 900 là màn hình Amoled RGB chứ không phải là loại RGBG giống như Lumia 800 hay Galaxy S3 nên màn hình không bị ám màu và chúng ta không thấy rỗ.

Điểm mạnh đầu tiên mình thấy ở màn hình Lumia 900 đó là màu sắc tươi và rực rỡ. Và vì là màn hình Amoled nên chúng ta có các mảng tối gần như tuyệt đối. Mảng tối của màn hình Amoled và viền đen của màn hình như hoà vào nhau và chúng ta có cảm giác như màn hình của Lumia 900 rất lớn, đặc biệt khi chúng ta nhìn trong nhà hay trời tối. Điều này rất có ý nghĩa với người dùng Wp vì giao diện chính của Wp nhất khi chọn theme màu trên nền đen.

Màn hình này cũng không bị ám màu giống như Lumia 800 hay các điện thoại dùng màn hình Amoled của Samsung. Có lẽ Nokia dùng một thuật toán xử lý khác cho màn hình.

Việc trang bị công nghệ ClearBlack Display chúng ta có một màn hình trong hơn và nhìn tốt hơn ngoài sáng. Và có lẽ vì là có ClearBlack Display nên Nokia khá hạn chế đè độ sáng của Lumia 900. Trong phần tuỳ chỉnh độ sáng của màn hình có 3 cấp và ngay ở cấp cao nhất thì màn hình Lumia cũng không sáng hơn.

Lý giải cho việc này là khi chúng ta ra nắng sử dụng thì các máy sẽ tăng độ sáng lên tối đa để người dùng có thể nhìn rõ hơn và do Lumia 900 có lớp ClearBlack Display lên ít bị chói hơn nên độ sáng tối đa thấp hơn.

Công nghệ ClearBlack Display tương tự như công nghệ được dùng trên những chiếc điện thoại BlackBerry hay kính lọc poralizer trong nhiếp ảnh, nó sẽ hạn chế các tia sáng không mong muốn từ màn hình đi vào mắt chúng ta. Các bạn có thể xem thêm về công nghệ ClearBlack Display bên dưới.

Camera
Trên tất cả các máy Wp đều được trang bị nút cứng chụp hình cũng như việc chạm vào điểm nào đó trên khu hình và máy tự động lấy nét và chụp. Đây là điểm mạnh đầu tiên mà bạn thấy ở Camera của Lumia 900.

Chất lượng hình ảnh của Lumia 900 là khá tốt, hình ảnh rõ nét trong các điều kiện chụp khác nhau và hình xem trên điện thoại thì không đẹp bằng khi chuyển qua xem trên máy tính. Tuy nhiên so với iPhone 4S hay One X là 2 chiếc điện thoại mà mình thử chụp ảnh nhiều thì kém hơn chút.

Trên Wp có rất nhiều phần mềm xử lý ảnh, chụp ảnh. Mình hay dùng phần mềm Instacam, một dạng instagram nhái trên Wp để thêm hiệu ứng vào ảnh để chia sẻ hình lên Facbeook.

Mình đưa lên nhiều hình chụp bằng Lumia 900 không chỉnh sửa để anh em tham khảo:


– / 56​

Khả năng thực thi và hệ điều hành.
Đừng để các con số về cấu hình đánh lừa các bạn nhìn cấu hình giới hạn của Wp cũng như cấu hình phần cứng như vi xử lý đơn nhân 1.4Ghz, RAM 512Mb thì đồng nghĩa với việc máy sẽ giật và lắc hơn các máy chạy 2 nhân hay 4 nhân. Thời gian sử dụng Titan 2 cũng như Lumia 900 mình không gặp bất cứ sự lắc nào, mọi thao tác rất mượt mà. Có lẽ là hệ điều hành toàn chữ và mảng màu thay vì hình ảnh 3D giúp cho Lumia 900 mượt mà.

Nokia Lumia 900 chạy hệ điều hành Windows Phone. Đây chính là yếu tố mà mình có thể sử dụng được Lumia 900 như một chiếc điện thoại chính thức. Windows Phone mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới từ cách thức nội dung thể hiện trên màn hình đến cách mà người dùng sử dụng điện thoại cũng như việc thực hiện tính năng kết nối của một chiếc điện thoại.

Tuy được giới thiệu cách đây hơn 1 năm như sự phát triển của mạng xã hội, thói quen liên lạc của con người qua mạng xã hội như là một lực đẩy cho Windows Phone còn về mảng phần cứng thì việc tham gia của Nokia giúp những máy Windows Phone đến với nhiều người hơn.

Về phần nội dung thể hiện trên màn hình. Trên Windows Phone nói chung hay Lumia 900 nói riêng thì nội dung được thể hiện theo dạng ngan thay vì dọc và tab như trên các hệ điều hành di động khác. Người ta cũng dùng thao tác ngón tay trượt qua, trượt lại nhiều hơn là bấm bấm vào các điểm trên màn hình như chúng ta thường dùng con chuột trên máy tính hay là ngón tay bấp trên các nền tảng như Android hay iOS.

People Hub là phần mà mình thích nhất trên một máy Windows Phone. Nó tổng hợp tất cả các cách mà mình có thể liên lạc được với người thân lại. Một cách nhìn tổng quát và toàn diện hơn rất nhiều so với các hệ điều hành trước đây. Khi vào People Hub bạn có thể liên lạc với bạn của bạn qua: Gọi điện thoại, nhắn tin, email, viết lên tường, chát facebook, dẫn theo địa chỉ đến nhà... tất cả trong 1. Đó là điểm khác biệt.

Windows Phone là hệ điều hành duy nhất hiện nay tích hợp Facebook, Twitter, Google, Windows Lives... rất sâu vào bên trong. Chúng ta có thể dễ dàng check in, cập nhật trạng thái rất dễ dàng, dĩ nhiên là chúng ta cũng có thể theo ai đó, xem tường, tin nhắn... nói chung là có thể làm hầu như toàn bộ các việc của Facebook mà không cần ứng dụng Facebook.


– / 18​

Điểm khó chịu nhất ở phần mềm trên Windows Phone mà mình cảm nhận được đó là hệ điều hành thiếu bộ gõ Tiếng Việt và ngay cả các bộ gõ được làm từ các nhà phát triển phần mềm thứ 3 cũng không thể cài sau vào được hệ thống của máy. Giải pháp viết Tiếng Việt hiện nay trên Windows Phone là gõ từ một phần mềm hay từ trang Tinhte.vn ở trình duyệt và sau đó cóp đi một chỗ khác.

Pin:
Lumia 900 là chiếc điện thoại duy nhất gần đây có thể sống với mình đến hơn 1 ngày, chính xác là đến 8 hoặc 9 giờ tối. Thói quen sử dụng của mình là sạc điện thoại ban đêm vào bắt đầu sử dụng khoảng từ 6 giờ sáng. Các hoạt động được thực hiện liên tục như Facebook, Twitter, Email, gọi đt, nhắn tin, duyệt web, chụp hình. Thường thì các chiếc điện thoại khác chỉ có thể đồng hành với mình đến 5 hay 6 giờ chiều. Với dung lượng pin 1830mAh, cấu hình không cao và hệ điều hành nhẹ giúp Lumia 900 sử dụng hiệu quả pin.

Nokia Drive:
Lumia 900 hay các máy Lumia khác đều được trang bị phần mềm Nokia Drive cũng như các phần mềm Nokia khác. Điều này làm lên khác biệt của điện thoại Lumia so với các điện thoại khác chạy hệ điều hành Windows Phone.

Trong các phần mềm cài thêm này của Nokia thì mình thích nhất phần mềm Nokia Drive. Nó là một dạng phần mềm dẫn đường bằng bản đồ và giọng nói offline như VietMap trước đây. Chúng ta có thể tải bản đồ của rất nhiều nước, dĩ nhiên là có cả Việt Nam (khoảng 60Mb) và rất nhiều giọng dẫn đường (có cả giọng nữ Việt Nam). Với phần mềm này mình có thể dễ dàng di chuyển ở các thành phố khác nhau ở Việt Nam. Mình sẽ làm một bài giới thiệu về phần mềm này sau.

Mình đã dùng Nokia Drive để tự lái xe đi Cần Thơ và đi vòng vòng Hà Nội và kết quả là rất tốt, giọng nữ dẫn đường dễ thương và dẫn đến nơi.

Với Nokia Drive thì Lumia 900 tăng thêm giá trị khá nhiều.


– / 6​

Tổng kết:
Lumia 900 đánh dấu một bước quan trọng của Nokia sau một thời gian dài trượt dốc. Lumia 900 mang được những tư tưởng về thiết kế, nguyên vật liệu sản xuất, chất lượng sản xuất của Nokia kết hợp với hệ điều hành hiện đại Windows Phone của MicroSoft. Trong thế giới Windows Phone thì rõ ràng không Lumia 900 không có đối thủ.

Lumia 900 về phần cứng là rất tuyệt nhưng về phần mềm và tính năng thì khó có thể so sánh với các smartphone chạy Android hay iOS do lượng ứng dụng còn hạn chế. Tuy nhiên nếu bạn muốn có một trải nghiệm mới hơn, hiện đại hơn thì rõ ràng Lumia 900 thực sự phù hợp với bạn.

Các ưu điểm:
  • Máy đẹp
  • Máy được sản xuất chất lượng cao
  • Pin lâu
  • Máy chạy mượt
  • Hệ điều hành nhẹ
  • Hệ điều hành thông minh
  • Hệ điều hành có tính kết nối cao
  • Hệ điều hành có cách thể hiện nội dung hoàn toàn mới
  • Hệ điều hành có cách giao tiếp khác hẳn với cách đang có trên các hệ điều hành đang tồn tại
  • Có phần mềm dẫn đường Nokia Drive
  • Chụp hình khá
Yếu điểm
  • Điện thoại quá lớn so với kích thước màn hình
  • Không có bộ gõ Tiếng Việt
  • Không có giao diện Tiếng Việt
  • Bộ nhớ lưu trữ trong ít và không có lựa chọn mở rộng
  • Phần mềm trên chợ ứng dụng chưa nhiều như iOS hay Android
Nguồn: TinhTe​
 

Bình luận bằng Facebook

Top