Đem tiền trả lại

Quan Thế Dân

Thành viên mới
Giám đốc bệnh viện bị đau khớp vai, chữa mãi không khỏi. Nhân một dịp ra công tác Hà Nội, ông chụp MRI khớp vai, thấy không có tổn thương gì. Tự nhiên cái khớp vai ấy hết đau lúc nào không biết.

Cuối cùng bệnh viện cũng mua được máy MRI, rất đắt, giá lúc đó khoảng 25 tỷ đồng. Bộ Y tế cho 15 tỷ, Thành phố cho 10 tỷ. Chất lượng chẩn đoán của viện về bệnh lý thần kinh cơ xương khớp từ đó được nâng cao rõ rệt.

Thời gian sau, tôi chuyển công tác ra Hà Nội. Một lần, bệnh viện chúng tôi xin được nguồn vốn lớn để nâng cấp, các trưởng khoa được lệnh lập đề xuất trang thiết bị, tổng hợp thành đề án mua sắm. Một số khoa thật thà làm dự trù mua xe đẩy, panh kéo, liền bị mắng vì chỉ hết vài chục triệu, bao giờ mới tiêu hết chỗ nhiều tỷ đồng kia. Cuối cùng bệnh viện cũng hoàn thành bản dự trù, đầy đủ các loại máy hiện đại, đắt giá.

Đề án được thông qua, máy ùn ùn về mấy tháng sau đó. Nhiều loại máy được đưa ra sử dụng, phát huy hiệu quả, nhưng một số phủ bụi, vì không có người sử dụng. Nguồn vốn chỉ được cấp để mua máy, không bao gồm chi phí đào tạo. Mà đi học về cũng chỉ thêm việc, lương vẫn thế, nên không ai thiết tha.

Những ai làm lâu năm trong ngành y đều có thể kể ra câu chuyện tương tự. Đầu tư của nhà nước đã đem lại thay đổi to lớn trong ngành. Tuy nhiên có lúc có nơi, đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí. Quá trình chọn lựa hạng mục đầu tư, đấu thầu mua sắm cũng phát sinh tham nhũng. Có những nơi tìm mọi cách để tiêu tiền công.

Nhưng Bộ Y tế mới đây xin trả lại 800 tỷ, trong 14 nghìn tỷ đồng đầu tư công, chưa sử dụng. Nguồn vốn này, theo Nghị quyết 43, được dùng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19.

Để đầu tư hiệu quả trong y tế, đòi hỏi các điều kiện cần và đủ. Điều kiện cần là nhu cầu có thực về máy móc hoặc cơ sở vật chất; có nhân sự đủ trình độ để khai thác, chứ không chỉ vận hành. Ví dụ đơn giản là trang bị máy đo điện tim cho trạm y tế. Người dân trong các xã có nhu cầu rất lớn về kiểm tra tim mạch. Máy điện tim cũng rẻ, chỉ khoảng 50 triệu đồng là dùng tốt. Vận hành máy cũng dễ, nhân viên chỉ cần được hướng dẫn mấy chục phút là biết cách ghi điện tim. Nhưng quan trọng nhất, ai sẽ đọc điện tim. Bác sĩ của bệnh viện huyện bây giờ cũng nhiều người không biết đọc. Đầu tư máy điện tim cho xã trong bối cảnh như vậy là chưa hợp lý.

Điều kiện đủ là khả năng hoàn vốn. Nếu cơ sở có nhu cầu, có người khai thác máy tốt, nhưng bệnh nhân quá ít, dẫn đến khả năng không thu hồi được vốn, thì cần cân nhắc xem đã nên đầu tư chưa. Thường máy móc y tế cần thời gian khấu hao 5 năm. Nghĩa là sau 5 năm, số tiền thu được - sau khi trừ hết tiền lương nhân viên, tiền điện nước, tiền mặt bằng, tiền lãi vay... - còn lại đúng bằng tiền mua máy, thì bệnh viện đã đầu tư thành công. Lãi sẽ nằm ở chất lượng điều trị nâng cao, bệnh nhân mau khỏi, uy tín bệnh viện tốt lên.

Bệnh viện, địa phương nào không hội đủ điều kiện cần và đủ, theo tôi, chưa nên vội nâng cấp, mua mới thiết bị y tế.

Ngoài ra, đầu tư y tế đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, người ngoài ngành khó nắm bắt hết. Chính vì máy móc y khoa là một lĩnh vực quá chuyên biệt nên cũng là nơi rất dễ xảy ra tham nhũng. Bạn có thể tự kiểm tra việc này: tại các hội chợ thiết bị y khoa, bạn hãy vào một gian hàng và hỏi giá một cái máy bất kỳ, thể nào bạn cũng được hỏi lại là anh hay chị mua máy cho cá nhân hay cho bệnh viện. Nếu mua cho bệnh viện thì có giá cao gấp nhiều lần mua cho cá nhân. Điều này phổ biến đến mức gần như là hiển nhiên.

Để ngăn chặn tham nhũng, nhà quản lý phải đặt ra các quy định về đấu thầu ngày càng khắt khe hơn. Tham nhũng càng tinh vi lại khiến các quy định đấu thầu càng thắt chặt. Cuộc rượt đuổi này không có điểm dừng.

Công cuộc chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của ngành y đang vào hồi quyết liệt. Các đơn vị có liên quan đến mua sắm bây giờ e dè hơn trước rất nhiều. Nhiều nơi không làm kịp thủ tục đã trả lại vốn cho nhà nước, chứ không dám quyết tiêu cho bằng hết như trước.

Người có trách nhiệm không dám tiêu tiền trong khi ngành y đang thiếu trước thiếu sau. Có ý kiến cho rằng, anh em trong ngành sẽ buồn, tủi thân. Tôi thấy, nguồn vốn cho y tế còn ít ỏi, nhưng ngân sách của đất nước cũng rất hạn hẹp. Nếu tiêu, phải tính đến hiệu quả và chắt chiu từng đồng.

Tiêu đúng quan trọng hơn tiêu cho bằng hết.

Quan Thế Dân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top