Game ảo, tiền thật

VnExpress

Thành viên mới
P2E không phải là mô hình kinh doanh mới. Võ lâm Truyền kỳ (một game đình đám mà gần như 8x, 9x nào cũng biết) từng gây chấn động dư luận khi có các vật phẩm quý được giao dịch với nhau trị giá hàng tỷ đồng.

Trong game truyền thống, người chơi phải trả tiền để được tham gia và qua đó nhận lại niềm vui và các hoạt động gắn kết. Nhưng những giá trị ban đầu này từng bước thay đổi, khi các game xây dựng được những cộng đồng lớn, không chỉ trong trò chơi mà ở ngoài đời thực. Bộ sưu tập vật phẩm trong game, ảnh đại diện, trải nghiệm đều đáng giá với người chơi. Việc nhiều người sẵn sàng trả giá cao để có thứ họ cần ngày càng phổ biến.

Nhiều nhà phát hành game sau đó đã hạn chế pay-to-win (trả tiền ngay khi vào game để có cấp độ cao và nhiều vật phẩm xịn), thực tế vẫn có các giao dịch giữa người chơi với nhau thông qua tiền thật. Game thủ có thể chơi cả ngày nhằm, tìm kiếm các vật phẩm với cấp độ cao hơn và bán chúng cho người chơi cấp độ thấp.

Đối với những game trước đây, toàn bộ số lượng vật phẩm, nhân vật trong game đều do nhà phát hành quyết định. Trong mô hình P2E, hầu hết vật phẩm, nhân vật được hình thành dưới dạng NFT do chính người dùng sở hữu và được mua bán, trao đổi bằng các loại token trên nền tảng blockchain, tạo ra mô hình "nền kinh tế sở hữu" mới. Điều này thúc đẩy làn sóng P2E phát triển thần kỳ trong đại dịch; kéo theo một hệ lụy là thay vì mục đích giải trí, các game P2E hình thành mô hình giao dịch, mọi thứ trong game đều có thể trao đổi bằng tiền thật. Kiếm token, chờ tăng giá để bán trở thành lý do chính để chơi game.

Tình trạng này sẽ phát sinh vấn đề lớn khi mọi người chơi chuyển hướng từ giải trí sang kiếm tiền. Tính chất của trò chơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi thay vì mua/ tìm kiếm vật phẩm, nhân vật để có trải nghiệm vui hơn; người tham gia phải nghĩ về việc sẽ phải bán thứ gì đó cho ai để kiếm tiền. Khi thiếu người mua, thị trường chỉ còn lại toàn người bán; không ai còn quan tâm tới việc chơi game nữa. Và nếu không có những người chơi mới, mô hình sẽ sụp đổ.

Công nghệ blockchain và tài sản số đã tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp game. Trong game truyền thống, chỉ một số ít giai đoạn trong chuỗi giá trị có thể tạo ra lợi nhuận lớn và hầu hết đều vào túi nhà phát hành (bán game bản quyền, phát hành vật phẩm mới, nhân vật mới...). Với blockchain game và tài sản số, họ có thể tạo lợi nhuận ở bất kỳ giai đoạn nào. Blockchain game thậm chí có thể kiếm lợi nhuận, gây quỹ cộng đồng trước khi game ra đời. Điểm này khiến P2E trở nên thú vị và thu hút sự chú ý.

Người dùng cũng hưởng lợi rất nhiều từ mô hình blockchain game khi nó cho phép họ tham gia với nhiều vai trò: game thủ, người sưu tập, người môi giới và những người kiếm tiền. Người dùng không nhất thiết tham gia trò chơi, vẫn có thể đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau như cá cược, giao dịch, tham gia sự kiện, xem stream, sưu tập...

Tuy nhiên, chính sự khắc nghiệt của thị trường game và sự dễ dãi của người dùng đã đẩy hầu hết game P2E vào thế khó, gần như không có lối thoát.

Để làm ra được một game truyền thống chất lượng, nhà phát hành cần vài tháng thậm chí vài năm với số lượng nhân sự đông đảo hoặc ít nhất cần một sự may mắn nhất định.

Đối với game P2E, nhà phát hành chỉ cần lấy lại một vài game cũ, gắn mô hình kiếm tiền vào là đã có thể gọi vốn vài triệu thậm chí vài chục triệu đô. Người chơi trở thành những "nhà đầu tư bất đắc dĩ".

Hơn sáu năm trong ngành Fintech và Blockchain, từng tư vấn cho nhiều dự án trong và ngoài nước nhưng phải đến năm 2021, tôi mới được chứng kiến sự "điên rồ" thực sự của thị trường đầu tư cho các dự án blockchain, đặc biệt là GameFi. Các dự án kêu gọi thành công hàng triệu USD chỉ trong vỏn vẹn vài tuần; thậm chí đội ngũ các dự án đấy còn không ra mặt hoặc không có trụ sở ở bất kỳ đâu, nhưng nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra hàng trăm nghìn USD với mong muốn thu về còn số gấp năm gấp mười.

Nhưng khủng hoảng tài chính lan rộng sau đại dịch Covid-19 kéo theo sự điều chỉnh lớn của thị trường tài sản số và các game P2E cũng không ngoại lệ. Nhưng đợt điều chỉnh này như một sự "thanh lọc" giúp người chơi, nhà đầu tư nhận biết được những game chất lượng, tập trung vào trải nghiệm người dùng.

Tôi tin rằng trong thời gian sắp tới với sự phát triển của blockchain và tài sản số, game P2E vẫn còn rất nhiều cơ hội nhưng sẽ phải thay đổi mô hình; tập trung vào "Free-to-play" (Chơi miễn phí) và "Play and Earn" (Chơi và kiếm tiền). Đó mới chính là động lực giúp các game phát triển trong tương lai.

Xa hơn, một thế hệ game mới sẽ ra đời với sự ứng dụng sâu hơn của blockchain, NFT và nền kinh tế sở hữu phi tập trung thay vì chỉ thêm các phương tiện thanh toán bằng tài sản số như hiện tại. Đối với các nhà phát triển game, tôi tin đây vẫn là một "đại dương mở" chờ đón họ khám phá.

Trần Dinh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top