Giúp bạn trẻ nhảy vũ điệu cuộc đời

Mr[K]id

Thành viên mới
Ở tuổi 29, Lưu Thanh Huyền hiện là giám đốc phát triển năng lực và tổ chức trẻ nhất tại Công ty L’Oreal Việt Nam.

screen-shot-2021-11-20-at-190804-1637410255515171374074.png

Trước đó, tại Công ty Unilever Việt Nam, cô giữ vị trí trưởng phòng nhân sự khối sản xuất khi chỉ mới 24 tuổi.

Mô hình trực tuyến giúp các câu chuyện nghề nghiệp được lan tỏa đến với nhiều bạn trẻ nhất có thể. Theo thời gian tôi bắt đầu nhận được sự chung tay của cộng đồng, nhất là từ các tập đoàn đa quốc gia. - Lưu Thanh Huyền

Từ hội chợ việc làm trực tuyến

Năm 2018 đến nay, hai dự án do cô gái này sáng lập - Vietnam Online Career Fair (VOCF - Hội chợ việc làm trực tuyến Việt Nam) và Vietnam Online Career Orientation Center (VOCO - Trung tâm hướng nghiệp trực tuyến Việt Nam) đã mang đến cơ hội hướng nghiệp miễn phí và cung cấp thông tin việc làm, tiếp cận gần 10 triệu bạn trẻ dưới hình thức trực tuyến.

Với mục tiêu "giúp mọi người nhảy vũ điệu cuộc đời một cách đẹp đẽ, bằng chính tài năng của họ", cùng trải nghiệm nhiều năm làm mảng nhân sự, Huyền vạch ra giải pháp hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt cho người trẻ.

"Tôi nhận thấy tỉ lệ nhảy việc, nghỉ việc, thất nghiệp, làm trái ngành của các bạn trẻ ngày nay cao hơn trước kia. Đa số muốn sống một cuộc đời màu hồng như chính họ vẽ ra, nhưng lại không biết làm thế nào để đi đến đó. Kết quả là họ cứ nhảy từ nơi này sang nơi khác một cách vô định", Huyền nói.

Huyền cho biết thêm trong quá trình phỏng vấn, cô nghe được những câu chia sẻ như "em làm hai, ba công ty rồi và thấy không hợp", "em làm một năm thấy chán quá" hay "em muốn thử vì chưa biết".

"Không nhà tuyển dụng nào muốn tuyển nhân viên có thái độ "vô làm thử coi sao". Họ cần sự cam kết vì điều này liên quan đến hệ thống phát triển nhân lực của công ty", cô nhấn mạnh.

Theo Thanh Huyền, thị trường lao động hiện nay chưa được cập nhật đầy đủ, chính xác và liên tục đến giới trẻ. Hiện chủ yếu được chia sẻ qua hình thức "truyền miệng" từ những người đã làm và nghỉ việc, những cộng đồng trên mạng xã hội do các bạn mới đi làm một hoặc hai năm lập ra, hoặc thậm chí từ chính sinh viên đang đi học.

Do vậy, cuối tháng 9-2018, Thanh Huyền quyết định thực hiện dự án Vietnam Online Career Fair (VOCF) - hội chợ việc làm trực tuyến, nơi những chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự từ các tập đoàn đa quốc gia đến chia sẻ về nhu cầu và tuyển dụng. Chủ đề trong hội chợ năm ấy là chương trình Management Trainee (thực tập sinh quản lý).

"Năm 2018, dịch COVID-19 chưa xảy ra nên mọi người khá xa lạ với hình thức hội chợ việc làm trực tuyến. Tuy nhiên, tôi muốn tạo cơ hội để giới trẻ tiếp cận chương trình dù họ ở nơi đâu", Huyền tâm sự. Đồng thời cô kêu gọi tài trợ và... tự bỏ tiền túi ra cho chương trình.

"Lúc ấy, tôi có 200 triệu đồng tiền tiết kiệm. Tôi xem như đó là học phí mà mình bỏ ra để học thêm kinh nghiệm. May mắn, cuối cùng chương trình "lời" được 50 triệu và trên hết là chúng tôi tiếp cận hơn 2.000 sinh viên", cô cười.

Đến nay VOCF sắp sang mùa thứ 8 với đa dạng chủ đề như tài chính, ngân hàng, kỹ thuật, tương lai công việc trong trạng thái bình thường mới... Việc tổ chức trực tuyến cho phép các công ty ghi nhận số liệu người đăng ký tham dự, thông tin cá nhân, đo lường được kết quả của chương trình...

Các bạn trẻ ở bất cứ tỉnh thành, khu vực nào đều có thể tham dự, chỉ cần truy cập vào Internet.

... đến trung tâm hướng nghiệp

Sau thành công của VOCF, Thanh Huyền nhận thấy nếu chỉ tổ chức hội chợ việc làm, đối tượng tham gia chủ yếu sẽ là sinh viên năm cuối. Trong khi đó, sinh viên từ năm 1 đến năm 3 vẫn cần thông tin và sự chuẩn bị cho việc lựa chọn nghề nghiệp, xác định sở thích và thế mạnh bản thân.

Tháng 3-2019, Huyền bắt đầu làm những buổi chia sẻ nhỏ về nhiều chủ đề như cách định vị bản thân, tìm hiểu tài năng. Năm 2020, sau khoảng 50 buổi như vậy, cô thành lập VOCO và mở rộng danh sách diễn giả ở nhiều ngành nghề. Từ khoảng 20-30 người tham dự ban đầu, đến nay mỗi chương trình của Huyền có từ 100-200 bạn đăng ký.

Gần đây nhất, VOCO tổ chức chương trình Functional Speed Dating (FSD), nơi các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng nội dung, cử nhân sự có chuyên môn giảng dạy cho học viên.

Ngoài kiến thức cơ bản, cuối khóa học, học viên cần hoàn thành dự án để tốt nghiệp, hoặc chủ động đề xuất các ý kiến đóng góp, cải thiện những vấn đề trong quá trình nghe thông tin chia sẻ từ doanh nghiệp. Nhờ vậy, doanh nghiệp tiếp xúc với những người trẻ tiềm năng từ sớm, chuyển tải thông tin về ngành, nghề một cách đầy đủ đến các ứng viên tương lai.

"Thanh Huyền có khả năng hiện thực hóa khát vọng, kết nối doanh nghiệp, cộng đồng và tổ chức, từ đó nâng cao năng lực và cơ hội được tuyển dụng của người trẻ - Lê Đình Hiếu, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018, nhận xét.

Biến cuộc đời thành những vũ điệu đẹp

Thanh Huyền chia sẻ cô đề cập mục tiêu muốn giúp mọi người "nhảy vũ điệu của cuộc đời một cách đẹp đẽ" từ chính trải nghiệm học khiêu vũ từ năm 2016. Ba buổi mỗi tuần sau giờ làm việc căng thẳng, Huyền đến các buổi học nhảy từ 21h30 đến tận 12h khuya.

Tại đây, cô chứng kiến những người đi nhảy nhưng không cảm nhận được nhịp điệu vì luôn căng thẳng, sợ sai, sợ bị chê cười.

"Lúc đó, tôi nghĩ đừng nên cố gắng nhảy theo những quy tắc hay luôn lo lắng, sợ hãi vì áp lực từ xung quanh. Hãy cảm thấy vui với từng bước nhảy, tận hưởng cuộc sống, "phiêu" theo bản nhạc cuộc đời và tự tạo nên một kiệt tác cho riêng mình", Huyền nói.
 

Bình luận bằng Facebook

Top