La bàn

file.png


Đầu năm nói chuyện la bàn, vì nói gì nói, con người hành xử và đối xử với nhau trong đời thế nào nó từ cái la bàn giá trị của từng cá nhân mà ra. Có điều, la bàn này hình thành ra sao và có thay đổi được không mới là chuyện. Hiểu được cách la bàn hình thành và vận hành thì ta sẽ hiểu rất dễ và rõ cách con người đối nhân xử thế, và từ đó mà hiểu được cách bản thân nên ứng xử thế nào với những loại la bàn khác nhau. Moral compass - la bàn đạo đức là thứ không phải tự có mà được hình thành bằng những giá trị đạo đức mà người ta được lĩnh hội trong những năm đầu đời. La bàn này chỉ hướng nào là hoàn toàn tuỳ thuộc vào giá trị người ta được dạy dỗ, hướng dẫn, tin vào, và nuôi dưỡng trong đó.

Văn hoá và cách ứng xử trong gia đình là cái nôi đầu tiên hình thành nên những giá trị này. Khi người nhà coi thường luân thường đạo lý thì những đứa trẻ sống trong đó không có cách nào hiểu về đạo lý. Khi người trong nhà đối xử tàn nhẫn với nhau thì những đứa trẻ lớn lên trong văn hoá đó học cách tàn nhẫn với tất cả và ngược lại. Theo don’t know any better - chúng không biết còn có những điều tốt đẹp hơn ngoài kia, khi môi trường nơi chúng sinh ra và lớn lên nó đã mặc định là như thế, diễn ra như thế, và ngày lại ngày qua cứ lặp lại và chứng minh nó là như thế. Cho nên, một phần rất lớn về định hướng của la bàn đã có sẵn từ khi đứa trẻ chưa sinh ra, và môi trường này do chính người trong gia đình tạo ra và định hình.

Sau gia đình, môi trường tiếp theo ảnh hưởng là làng xóm, khu phố, địa bàn nơi ta ta lớn lên và mục kích cách người ta ứng xử với nhau hàng ngày. Năm này qua tháng nọ, có rất nhiều thứ lặp đi lặp lại trong môi trường đó, cả tốt và xấu, một cách thụ động và từng chút một vô tình ăn sâu vào tâm trí con người. Và vô hình chung, những thứ này len lỏi vào trong hệ giá trị của chính ta, trở thành một phần trong cách la bàn vận hành và định hướng.

Trường học càng như thế, đó là một tập thể nơi ta quan sát và học từ cách ứng xử của thầy cô, bạn bè, người tham gia quản lý và vận hành ngôi trường. Đó là một xã hội thu nhỏ khác mà ở trong đó, mọi sự hỷ nộ ái ố, mọi tính tốt và thói xấu của con người cũng được trình diễn rất tự nhiên, lặp đi lặp lại hàng ngày, và có rất nhiều thứ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, giá trị sống, và cách hành xử của chính ta. Người ta hay nói về trường học như một nơi để tiếp thu kiến thức. Nhưng ảnh hưởng lớn hơn của trường học mà ít ai nhắc đến chính là giá trị của các cá nhân tham gia vào môi trường đó. Thử hỏi, khi nhà trường còn thiếu công bằng, thiếu minh bạch thì ta dạy trẻ điều gì về sự công bằng và minh bạch? Vấn đề thật ra chưa bao giờ là sách gì, tài liệu gì mà chính là những cuốn bài học sống đang đi qua bước lại xung quanh những đứa học trò này hàng ngày.

Lớn lên một chút, ta bước ra đời, có người sớm người muộn, và bắt đầu tham gia vào nơi làm việc, vào xã hội, vào hệ thống chính trị và kinh tế của một quốc gia. Ở đó, những bài học ta nhận được và có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời mình bắt đầu khẳng định hoặc tạo ra mâu thuẫn với những giá trị ta đã tiếp nhận trước đó. Nếu đã học về sự ích kỷ từ nhỏ tới lớn, và nay nhìn thấy nó trình diễn ở một level kinh khủng hơn, thì người ta càng khẳng định đó chính là một định hướng quan trọng của la bàn, đã qua thử và đúng, đã qua chứng minh lặp đi lặp lại là nó work từ trước tới giờ, không khác được. Cứ như thế, cuộc sống mở ra, và tiếp tục đắp lên cho con người những giá trị cũ và mới. La bàn cuộc sống của mỗi người cũng theo đó mà định hướng đúng sai đối với mỗi cá nhân. Trong một môi trường mà hối lộ là chuyện đương nhiên, bình thường, thì những con người sinh ra, lớn lên, vận hành trong môi trường đó đâu thấy có gì sai với chuyện nhận hay đưa hối lộ. Nó đơn giản chỉ là một phần của cuộc sống, của sự vận hành tự nhiên của môi trường, và nó trở thành lẽ thường tình trong la bàn của cá nhân.

Chia sẻ bao nhiêu đó về ngữ cảnh chỉ để nói rằng, mỗi con người ngoài kia đều mang theo bên mình một chiếc la bàn rất khác nhau, hình thành từ cả một hệ thống những ảnh hưởng từ môi trường nơi họ sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, kinh doanh, chạy mánh cho tới ngày hôm nay. Vậy, thì đương nhiên cách họ nhận thức, hành xử, phán xét đúng sai cũng rất khác nhau. Với bạn, chính trực là giá trị cơ bản. Với họ, chính trực là ngu, vì chính trực thì làm sao tồn tại được trong hệ thống xã hội này? Ở đây, ta không phán xét đúng sai, chỉ nhìn xa hơn, sâu vào trong hệ giá trị được hình thành của một con người, từ đó hiểu được la bàn của họ, cách la bàn đó định hướng, để hiểu được tại sao họ lại vận hành theo cách họ đang vận hành. La bàn của bạn khác. La bàn của họ khác. Rồi hai đứa phán xét nhau kiểu gì? Ai cũng cho là mình đúng theo hướng la bàn của cá nhân mình. Rồi ai sai? Hay tất cả đều sai? Hay cả hệ thống trước nay ảnh hưởng ta đều sai, bao gồm cả gia đình, khu phố, nhà trường, nơi làm việc, cộng đồng, xã hội, quốc gia….?

Nhìn la bàn đoán hành vi, và ngược lại​


Khi hiểu vể cách mỗi la bàn cá nhân hình thành, ta sẽ bình tĩnh hơn rất nhiều khi tương tác với con người. Ta nói giận, vì họ quá khùng điên, ác độc, ích kỷ, vô tâm, vv. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là sự trình diễn bề mặt của tất cả những gì họ đã từng biết, từng học, từng trái nghiệm, từng bị ảnh hưởng trong đời. Có thể, trong thế giới của họ, đó là chuyện tự nhiên và bình thường. Có thể, theo la bàn của họ, hướng đó là lẽ thường tình, là hướng an toàn và phù hợp nhất cho đến thời điểm này. Có thể, trong cuộc sống của họ, hướng này nó work super well - vận hành rất suôn mượt từ trước tới nay không bao giờ gập ghềnh khập khiễng. Và họ nhìn ta, trố mắt ngạc nhiên khi ta lên cơn, nổi giận, phát hoả vì lẽ thường thường đó. Theo don’t know anh better - họ không biết có điều gì khác hay ho hơn ở ngoài kia, vì họ chưa bao giờ tương tác với hay trải nghiệm nó. Có thể, cho đến khi có một sự kiện gì đó xảy ra, một ai đó xuất hiện, làm thay đổi, lật nhào, thách thức lẽ thường tình đó một cách vô cùng cực đoan. Đó có phải là bạn không? Nếu không, đừng ngạc nhiên, vì đó chính là cách họ vận hành từ xưa tới nay, và sẽ không thay đổi nếu không có gì thay đổi.

Nhìn la bàn, rất dễ để đoán được hành vi và cách hành xử của một con người. Nhìn cách một con người hành xử, nhất là khi hành vi đó lặp đi lặp lại, có thể hiểu được la bàn của họ chỉ hướng nào, và nếu tìm hiểu kỹ hơn, sẽ hiểu lý do tại sao, môi trường nào đã khiến họ hình thành la bàn như thế. Từ đó, ta sẽ hiểu hơn về con người, cách họ vận hành, và nhờ thế tương tác và phản ứng một cách bình tĩnh hơn, khi hiểu rằng la bàn của mỗi người đều khác nhau, và chưa chắc gì la bàn của mình chỉ đúng….

La bàn có thể thay đổi không?​


Khó, nhưng có thể, nên không có nghĩa là ai cũng sẽ thay đổi. La bàn được hình thành qua thời gian khá lâu, trong những matrix môi trường và trải nghiệm khác nhau của mỗi cá nhân. Vì vậy, bình thường nó sẽ khó có thể thay đổi, trừ phi có hoàn cảnh rất bất thường xuất hiện. Do la bàn được hình thành từ môi trường và giá trị vay mượn bên ngoài, nó có thể thay đổi tích cực hoặc tiêu cực hơn khi chịu tác động của môi trường bên ngoài khác đủ sốc, đủ lâu, đủ chất xúc tác. Một người có thể thay đổi hoàn toàn từ tiêu cực sang tích cực hay ngược lại khi họ thay đổi môi trường sinh sống, tiếp xúc, tương tác một cách thụ động hay chủ động. Vì vậy, có những môi trường làm việc toxic có thể biến con người thành toxic và ngược lại. Tuy nhiên, khi môi trường bất thường biến mất sau một thời gian không đủ lâu để hình thành giá trị, và khi con người ta quay trở lại môi trường cũ, thì người ta hoàn toàn có thể quay trở lại với định hướng cũ. Vì vậy mà ông bà xưa mới nói giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời là như thế. Khó, nghĩa là có thể, nhưng cực kỳ gian nan.

Người ta không đổi thì mình làm sao?​


Trước hết, hiểu được về la bàn cá nhân, thì chuyện đầu tiên ai cũng nên làm là tìm hiểu chiếc la bàn của chính mình. Tại sao bạn lại tin vào hệ giá trị như thế? Tại sao bạn lại hành xử như thế? Có khi nào bản thân mình cũng sai không? Có khi nào mình cũng đang phán xét người khác dựa trên la bàn cá nhân chứ hoàn toàn không hiểu, không thông cảm, không nhìn thấy la bàn của người đối diện không? Có khi nào họ đúng không? Có khi nào cả hai đều sai không? Có khi nào cả môi trường này đều sai không? Khi hiểu về la bàn, góc nhìn của bạn sẽ rộng hơn, sâu hơn, bao dung hơn và ít phán xét hơn.

Và nếu la bàn là thứ không thay đổi được một cách dễ dàng, thì mình cũng hiểu rằng con người sẽ không bao giờ thay đổi cho đến khi họ bị ép vào một tình thế hay môi trường hoàn toàn khác, đủ cực đoan, đủ lâu, đủ tác động. Có khi, việc thay đổi môi trường tạm thời có thể làm cho người ta thay đổi hành vi bề mặt nhưng không bao giờ thay đổi la bàn, nên những gì ta thấy thay đổi trên bề mặt là giả tạo. Hành trình thay đổi của họ hay ta, thật ra cần sự tác động cực kỳ lớn từ nhiều mặt trong môi trường tiếp xúc, kéo dài, cho đến khi nó được đúc kết thành giá trị mới. Để có được điều kiện lý tưởng như vậy để thay đổi là điều cực kỳ khó, dù hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Nếu việc thay đổi của một con người khó như vậy thì mình làm sao? Có lẽ, cách tốt nhất là ta nên tập trung vào bản thân mình, chọn môi trường và người tiếp xúc phù hợp nhất, tốt nhất theo la bàn cá nhân, hoặc theo những giá trị mà bản thân muốn hướng tới, tránh xa những người có ảnh hưởng ngược lại. Trước hết là bảo vệ mình, sau đó khi bản thân đủ vững vàng thì mới nghĩ đến chuyện tác động người khác. Khi bản thân bạn còn gặp vấn đề về mặt giá trị thì những gì bạn cố làm để tác động người khác là vô nghĩa, vì thứ nhất nó có thể sai nếu dựa theo la bàn của bạn, thứ nữa là nó hoàn toàn không tạo ra chút ảnh hưởng nào nếu thiếu đi sự tác động nhiều mặt, đủ lớn vả đủ lâu của cả một hệ thống môi trường liên quan đến họ. Nếu tất cả mọi người đểu học được cách tập trung vào thay đổi chính bản thân mình thì cả xã hội, cả cộng đồng sẽ tự nhiên thay đổi theo.

Đến đây, có lẽ cũng đủ để hiểu la bàn là gì, ảnh hưởng thế nào và tác động đến cuộc sống của mỗi người ra sao. Đầu năm, có lẽ điều tốt nhất là quay về revisit - thăm lại chiếc la bàn cá nhân. Có khi, chính nó mới là thứ cần được tinh chỉnh lại....

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top