Mất vui vì VAR?

VnExpress

Thành viên mới
Phút thứ 64, nhờ nỗ lực của Richarlison, Rodrygo có bóng. Anh chuyền cho Casemiro, để mở bóng sang trái, tới chân Vinicius. Bất chấp nỗ lực xoạc bóng của Elvedi, Vinicius thoát sâu xuống, đánh bại thủ môn Sommer. Ghi bàn.

Trong khi Vinicius và cả đội Brazil đang phấn khích ăn mừng, VAR và công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) lừng lững chen vào, chặn đứng niềm vui. Bàn thắng bị từ chối. Nguyên nhân được xác định, sau khi tham khảo tổ trọng tài VAR, là Richarlison đã ở vị trí việt vị trước khi lao về nhận bóng.

Đây không phải tình huống đầu tiên mà công nghệ làm bóng đá mất vui tại World Cup 2022. Như vẫn thường xảy ra, SAOT thậm chí còn gây tranh cãi trong trận Argentina thua Arab Saudi 1-2. Argentina hai lần bị từ chối bàn thắng (của Messi và Lautaro Martinez) sau khi trọng tài xem lại VAR.

SAOT, do FIFA mới đưa vào sử dụng, xác định phần tay áo của anh nhô cao hơn so với cầu thủ đối phương. Vậy theo quy định của FIFA, Martinez liệu đã việt bị bộ phận nào của cơ thể, chẳng nhẽ lại việt vị ống tay áo? Nhiều người cho rằng, Martinez mất oan bàn thắng.

Trước những tình huống như vậy, tôi thường được hỏi ý kiến, không chỉ "trọng tài bắt như thế là đúng hay sai", mà còn "VAR và công nghệ nói chung, có khiến bóng đá mất vui"?

Trả lời cho câu hỏi thứ hai, tôi phải thừa nhận, công nghệ quả thực làm mất vui, chính xác hơn là làm ảnh hưởng đến cảm xúc hồn nhiên trong bóng đá. Không cần hình dung, bạn dễ dàng nhìn thấy ngay sự khắc nghiệt của VAR trên gương mặt các cầu thủ, với đủ sắc thái, từ ngơ ngác, thẫn thờ, tới bực bội, uất ức... khi bị cướp mất hạnh phúc vừa vỡ òa ít giây trước đó.

Bóng đá là môn thể thao có tính trình diễn cao, có yếu tố may rủi và vì vậy, sức hấp dẫn của bóng đá không chỉ đến từ sự kịch tính, căng thẳng mà còn từ cảm giác được tận hưởng hạnh phúc vỡ òa sau những pha kiến tạo. Nhưng sự chi li đến lạnh lùng của VAR có thể giết chết tất cả: một bàn thắng đẹp, một trận đấu hứa hẹn hay, những cảm xúc đáng lẽ được trọn vẹn... Bàn thắng đến từ nỗ lực của toàn đội qua những pha phối hợp kiến tạo đẹp mắt, kết thúc bằng tuyệt phẩm vào lưới đối phương, cuối cùng không được công nhận chỉ vì một vài cm việt vị cái vai hay ống tay áo; do cầu thủ nhạy bén hơn, sức rướn tốt hơn, bất chấp hai chân của họ không ở vị trí việt vị. Trong những trường hợp đó, thứ còn lại chỉ là sự hụt hẫng.

Nguy hiểm hơn, công nghệ trở thành một thứ ám ảnh lơ lửng với khán giả. Nó hình thành trạng thái tâm lý "không dám vui vội" trước các bàn thắng. Dường như khán giả phải tiết chế, chờ đợi vài giây xem liệu có vấn đề gì bất trắc sẽ xảy ra với niềm vui của họ không. VAR, một lần nữa, cướp mất quyền được bộc lộ cảm xúc tức thời của người xem.

Nhưng không chỉ là môn thể thao có tính trình diễn cao, bóng đá là một cuộc chơi có luật. VAR sinh ra để đảm bảo chính xác, hạn chế sự "oan ức" trong một cuộc chơi có luật. Rất nhiều môn thể thao đã sử dụng công nghệ hỗ trợ cho các phán quyết của trọng tài.

Chẳng hạn, quần vợt từ lâu đã áp dụng Hawk-eye (Mắt diều hâu), hệ thống gồm ít nhất bốn camera tốc độ cao được bố trí ở những vị trí đặc biệt xung quanh sân, cho phép ghi lại hình ảnh trái bóng từ khi tiếp xúc với mặt vợt đến khi chạm đất, ở mọi góc độ. Hawk-eye ban đầu cũng bị phản đối, tranh cãi, dần dà được công nhận là bước đột phá trong môn quần vợt.

Môn bóng chuyền cũng bắt đầu áp dụng rộng rãi "công nghệ VAR" (Video Challenger Eyes) giúp xác định bóng trong hay ngoài sân, chắn bóng khiến bóng chạm tay hay không, lỗi chạm lưới hay không chạm lưới...

Thể thao càng hiện đại càng cạnh tranh khốc liệt, càng đòi hỏi tính chính xác cao, nên việc áp dụng công nghệ để đảm bảo tính chính xác, công bằng là điều tất yếu. Bóng đá không nằm ngoài quy luật đó.

Giới thể thao chuyên nghiệp, cũng như khán giả, sẽ phải làm quen với công nghệ, làm quen cả với việc "không dám vui vội", tức "trì hoãn sự sung sướng".

Nhưng VAR hay SAOT, xét cho cùng vẫn chỉ là máy móc, hỗ trợ chứ không quyết định thay con người. Hệ thống này hoạt động nhờ các camera lắp đặt quanh sân hoặc trên cao, ghi lại mọi tình huống trong trận đấu. Thành viên tổ VAR sẽ xem video quay chậm các tình huống nghi ngờ và tư vấn cho trọng tài chính.

Vậy, bóng đá đẹp có bị giết chết bởi sự chi li lạnh lùng hay không vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc các trọng tài có bị "máy móc hoá".

Phan Anh Tú
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top