Ngôi sao trên áo ông Park

VnExpress

Thành viên mới
Ông nói họ đứng nghiêm, chuẩn bị tư thế chào cờ và hướng về quốc kỳ đã treo trước mặt. Lần lượt, ông yêu cầu họ hát quốc ca cho cả đội nghe. Các cầu thủ trẻ măng trở nên căng thẳng, có người toát mồ hôi. Ông bắt họ hát dõng dạc, đoạn nào không rõ lời phải hát lại. Ông còn nhận xét cầu thủ nào hát sai nhạc, sai lời. Hát xong, các cầu thủ phải giải thích ý nghĩa của ngôi sao vàng năm cánh.

Khi nhận thấy nhiều trò ngập ngừng ở "câu hỏi nâng cao" này, ông Park đứng ra giải thích. Xong xuôi, huấn luyện viên người Hàn Quốc nói: "Đây là nghi lễ nhập đội". Chỉ vào ngôi sao vàng trên ngực áo mình, ông Park nhấn mạnh: Chiếc áo này không phải ai cũng vinh dự được mặc, có người cả đời chỉ mong được mặc một lần. Chúng ta là đại diện cho hình ảnh của cả một dân tộc. Không hiểu mình đứng đây làm gì, không biết mình phải làm gì, không chuẩn bị tâm lý, không mang trong mình một sứ mệnh thì không xứng đáng là thành viên đội tuyển quốc gia.

5 năm trước, ông Park Hang-seo nhận lời làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam trong sự hoài nghi của người hâm mộ Việt Nam và sự bất an của... chính ông. HLV Park tới Hà Nội vào khoảng đầu tháng 10. Đến giữa tháng, tôi được chọn làm trợ lý ngôn ngữ của ông. Sau này ông chia sẻ với tôi, hiểu biết của ông về bóng đá Việt Nam lúc đó là con số không. Ông lên máy bay cùng nỗi sợ mơ hồ sau khi đọc một bài báo Hàn Quốc chỉ ra rằng, nhiệm kỳ của một HLV nước ngoài tại Việt Nam thường rất... ngắn. Trên chuyến bay, ông nói với trợ lý Lee Young Jin, đại ý thành công hay thất bại chưa biết, nhưng hãy chăm chỉ và nỗ lực để người khác biết đến và luôn có cảm tình với Hàn Quốc.

Tinh thần nỗ lực ấy, ông Park thể hiện ngay trong trận đầu tiên của sự nghiệp cầm quân tại Việt Nam - trận gặp Afghanistan trên sân Mỹ Đình vào 14/11/2017 - khi mà tên cầu thủ ông còn chưa thuộc, chưa nhớ mặt, chưa biết hết tình trạng chấn thương của học trò. Trận đấu kết thúc 0-0. Sau này ông nhớ lại: "Nếu trận đó thua, chắc tôi không có ngày hôm nay".

5 năm là quãng thời gian đủ dài cho một HLV trưởng đội tuyển quốc gia. Ông Park đã mang lại nhiều thành tích và quan trọng hơn - sự thay đổi to lớn cho bóng đá Việt Nam. Ông là biểu tượng của sự dám làm, dám chịu, dám đương đầu. Trong sinh hoạt và quá trình huấn luyện, ông chi tiết và tỉ mỉ; cẩn thận và khắt khe; cầu toàn và quyết liệt; yêu thương nhưng nghiêm khắc.

Sau mọi nỗ lực của ông, hình ảnh bóng đá Việt Nam rõ ràng hơn trên bản đồ bóng đá khu vực; một hệ thống vận hành đội tuyển trên nguyên tắc tổ chức đội bóng mới đầy đủ thành phần ra đời; một triết lý bóng đá thực tế, rõ ràng, phù hợp với tố chất, văn hóa, thể hình thể lực của người Việt được xây dựng, và đặc biệt là niềm tin về tiềm năng bóng đá Việt Nam, cảm hứng với môn thể thao này trong lòng người hâm mộ được vun đắp trở lại.

Tùy từng người, bằng những góc nhìn riêng, có cách định danh khác nhau về ông Park. Có người gọi ông là người làm công ăn lương tử tế. Cũng là một người làm công ăn lương, nhìn vào những việc ông đã làm, cách ông làm những việc đó, tôi thấy định danh này là cách thể hiện sự trân trọng đầy đủ với ông. Ông đã làm hết sức mình, trong từng việc nhỏ nhất, bằng cả trách nhiệm và tình yêu.

Quan sát ông trước những giải đấu lớn, tôi hiểu, ông Park luôn bị đè nặng bởi cảm giác rằng thứ ông nhận được ở cương vị này không chỉ là đồng lương, mà còn là trách nhiệm với niềm tin và hy vọng của hàng chục triệu người hâm mộ Việt Nam.

Trước trận chung kết SEA Games 30 (Philippines 2019), trong một buổi tập, ông ngồi trầm ngâm. Tiến Linh thấy vậy bèn tiến đến hỏi thăm. Ông nói: Mai đá chung kết rồi, 60 năm cơ hội mới đến một lần, lo quá, nếu thất bại, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với cả đội chúng ta, trong khi người dân đang rất chờ đợi. Tiến Linh nhìn thấy thương thầy quá, hứa nhất định sẽ ghi bàn để giành chiến thắng. Nghe đến "ghi bàn", ông hoạt bát trở lại ngay tắp lự; liền đứng dậy, đòi ngoắc tay Tiến Linh và nói "cậu hứa chứ, một bàn nhé"?. Cuộc hội thoại sau đó được Tiến Linh chia sẻ với đồng đội.

Ngày hôm sau, Tiến Linh không thực hiện được lời hứa. Nhưng đồng đội của anh đã ghi ba bàn trước Indonesia để Việt Nam có huy chương Vàng bóng đá nam SEA Games đầu tiên trong lịch sử.

Park Hang-seo là thế, luôn ý thức được trách nhiệm của mình; nhắc nhở cầu thủ về sứ mệnh của họ và biết cách khích lệ tinh thần học trò một cách chân thành, từ trong sâu thẳm.

Với chúng tôi, HLV Park là thầy. Và sau AFF Cup 2022, chúng tôi sẽ không được đồng hành với thầy nữa. Nhưng điều luôn luôn còn lại là sự biết ơn và trân trọng đối với ông. Còn với bóng đá Việt Nam, nếu ngày mai người làm công ăn lương tử tế ấy ra đi, điều gì sẽ xảy đến?

Trong một lần trao đổi với Ban huấn luyện, ông Park chia sẻ: "Nói cho cùng, chúng tôi chỉ là người nước ngoài mà thôi. Chúng tôi có thể giúp các anh, còn để tạo động lực chính cho sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam, các anh sẽ phải gánh vác, trụ cột. Các anh chịu trách nhiệm cho bóng đá Việt Nam trong tương lai, không ai làm thay được".

Nếu không kế thừa và tận dụng được nền tảng mới mà ông Park đã gây dựng, thì bóng đá Việt Nam dưới thời Park Hang-seo chỉ là một hiện tượng nhất thời đột biến.

Kế thừa, phát huy những gì ông và cộng sự để lại, hướng tới những đỉnh cao mới cho bóng đá Việt Nam kể từ đây, tôi tin, là điều HLV Park thực tâm mong đợi, sau sự ra đi mà ông gọi là "Cuộc chia tay đẹp đẽ" này.

Lê Huy Khoa
 

Bình luận bằng Facebook

Top