Nỗ lực cải cách 'học vẹt' bất thành của nhà giáo Trung Quốc

VnExpress

Thành viên mới
Sau những năm tháng gần như chỉ học vẹt, năm 2009, Guo Qi vào Trung học cơ sở Thâm Quyến (SZMS), ngôi trường được cho là tốt nhất thành phố. Lúc đó, Guo thấy như một thế giới mới đang vẫy gọi mình, giống cảm giác bị bỏ đói lâu ngày bỗng được ăn thỏa thích tại bữa tiệc buffet.

SZMS như một đại học với 3.000 học sinh và 200 câu lạc bộ. Suốt năm, nhiều sự kiện được tổ chức hoành tráng, học sinh không phải mặc đồng phục, được nhuộm tóc và hẹn hò. Đây được coi là nơi đi ngược những ràng buộc cứng nhắc - vốn là đặc điểm của hầu hết trường công lập ở Trung Quốc. Người tạo ra bầu không khí tự do này là hiệu trưởng Wang Zheng.

Ông gây tranh cãi về cải cách trong nền giáo dục Trung Quốc sau khi phụ trách SZMS từ 2002. Trong nhiệm kỳ của mình, Wang cho học sinh tự chọn môn học theo định hướng, sở thích riêng.

Guo đến SZMS ngay sau khi trường thành lập "chương trình quốc tế" - được coi là cải cách triệt để nhất của Wang. Theo kế hoạch, mô hình này sẽ có nhiều đặc quyền, với giáo viên và nguồn nhân lực đặc biệt, tập trung học kiểu quốc tế - một mô hình tinh hoa trong một cơ sở tinh hoa.

Để điều hành chương trình như vậy, Wang cần một người cấp tiến không kém. Năm 2008, ông đã chọn Jiang Xueqin.

680-2742-1655610453.jpg


Hình ảnh hiệu trưởng Wang Zheng (trái) những năm 2000 trong tạp chí của trường. Ảnh: Sixth Tone


Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale tại Mỹ vào 1999, Jiang, sinh năm 1976, bắt đầu sự nghiệp với vị trí phóng viên nghiệp dư cho các hãng thông tấn nước ngoài. Anh hiếm khi hòa thuận với mọi người xung quanh nên hầu như không có việc nào kéo dài quá sáu tháng.

Những ngày đầu rời Yale, Jiang chán nản và thường chỉ ở nhà, uống rượu và chơi game đến khuya. Năm 2008, cơ hội đến với Jiang khi anh nhận được đề nghị của Wang về công tác tại SZMS.

Wang và Jiang lần đầu gặp nhau vào cuối những năm 1990 tại trường Trung học trực thuộc Đại học Bắc Kinh (AHSPU). Đây là một trong những trường trung học hàng đầu Bắc Kinh, nơi Jiang có thời gian ngắn làm giáo viên. Ở Thâm Quyến, hai người thường gặp gỡ bên bát cháo khuya, say mê nói chuyện tới khi mặt trời mọc. Jiang rất muốn chứng tỏ bản thân và coi việc hợp tác với Wang là cơ hội của mình.

Trong quan niệm về giáo dục, Jiang coi thường việc học vẹt theo định hướng thi cử, dù là luyện thi SAT, TOELF hay viết luận. Anh cho rằng tất cả đều nông cạn và hy vọng biến THCS Thâm Quyến thành "môi trường giáo dục khai phóng, tạo ra những học sinh ưu tú, đủ khả năng trúng tuyển các trường đại học nổi tiếng, và có thể thay đổi thế giới".

683-1-3123-1655610453.jpg


Jiang Xueqin trong một buổi giảng. Ảnh: Wechat


Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên để xét tuyển vào chương trình quốc tế của SZMS, Guo được hỏi bằng tiếng Anh về cuốn sách cậu yêu thích. Guo vẽ một ô trống, sau đó lẩm bẩm điều gì đó về bộ truyện Harry Potter. Lần tiếp theo, Jiang có mặt trong hội đồng phỏng vấn. Nói tiếng Trung với chất giọng Bắc Mỹ, Jiang hỏi Guo "Sao em lại ở đây?". Guo trả lời đơn giản "Em không muốn học vẹt nữa".

Cùng 30-40 học sinh khác, Guo vượt qua vòng tuyển chọn. "Có lẽ thầy Jiang chỉ đơn giản là cần học sinh và cảm thấy mình có thể dạy bất kỳ ai. Sau cùng, chúng tôi trở thành đại diện cho những người giỏi nhất thành phố", Guo nói.

Ở chương trình của mình, Jiang đảm bảo đặc quyền tối đa cho học trò. Chương trình có 9 giáo viên nước ngoài, được đào tạo theo trình độ Ivy League. Anh cũng thành lập một thư viện tiếng Anh với hàng nghìn đầu sách, đồng thời khuyến khích học sinh đọc tác phẩm gốc. Học sinh của chương trình này cũng có nhà ăn riêng với thực đơn được cân bằng dinh dưỡng một cách chuyên nghiệp, có một quán cà phê do chính các em điều hành.

Guo nhớ Jiang thường nói với học sinh: "Hệ thống thi cử cao khảo không có chỗ cho cải cách, và du học là tương lai của giáo dục Trung Quốc".

Jiang không hiểu tại sao mình lại hóa thành "quỷ dữ". Ông yêu cầu học sinh ký thỏa thuận không "đăng tải bất kỳ bình luận nào phản đối chương trình quốc tế" này.

Xiao Jia, học sinh năm 2009 tại chương trình mà Jiang phụ trách, nhớ lại chuyện nhiều em bị đuổi bởi Jiang phát hiện các em quay video một số câu anh hay nói, rồi đăng lên mạng. "Chúng tôi đều thấy thầy đáng sợ, đến mức các nữ sinh không dám nói chuyện cùng", Xiao nói.

Jiang kịch liệt phản đối mọi thứ đi ngược triết lý của mình. Anh từng yêu cầu loại bỏ các lớp học ngôn ngữ và văn học Trung Quốc, cho nghỉ việc những giáo viên trẻ nước ngoài, mà theo anh, có phong cách giảng dạy "lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm".

Với các kỳ thi chuẩn hóa như SAT và TOEFL, anh cho rằng điều quan trọng là đọc hiểu, không phải chăm nhớ từ vựng. Khi phát hiện học sinh ôn từ vựng cho kỳ thi TOEFL, Jiang nổi cơn thịnh nộ, hét "Tôi sẽ dạy những thứ này vào thời điểm thích hợp". Do đó, học sinh phải lén Jiang để tiếp tục ôn luyện. "Thầy Jiang muốn có trải nghiệm giống trường học Mỹ, nhưng chúng tôi là người Trung Quốc và không thể thích nghi", Xiao nói.

Khi cuộc tranh luận về cải cách trong SZMS nổ ra vào 2009, điểm xét tuyển của trường lần đầu giảm xuống vị trí thứ ba, thay vì luôn dẫn đầu, ở Thâm Quyến. Trong khi đó, các nguồn lực vẫn được cung cấp cho chương trình Jiang phụ trách. Thái độ hung hăng, thẳng thắn, đôi khi kiêu ngạo của Jiang khiến phụ huynh nhanh chóng mất kiên nhẫn. Họ muốn quay trở lại hệ thống giáo dục truyền thống, xoay quanh kỳ thi cao khảo.

Lúc đó, hiệu trưởng Wang - vốn là cứu tinh của Jiang - cũng chuẩn bị rời thành phố và anh biết đó là dấu hiệu của sự kết thúc.

Đến giờ khi nhìn lại, Jiang thừa nhận những biện pháp của mình đã quá vội vàng, cực đoan. Anh cho rằng đáng lẽ phải mở rộng cải cách cho mọi học sinh, thay vì chỉ chú trọng những em thuộc chương trình quốc tế.

682-3689-1655610453.jpg


Jiang nấu bữa trưa tại nhà của mình ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, năm 2022. Ảnh: Wei Xiaohan/White Night Workshop


Tháng 5/2009, Wang quay lại AHSPU - trường cũ của ông. Ít tháng sau, Jiang cũng rời Thâm Quyến và đến tìm Wang. Thử nghiệm của Jiang tại SZMS chính thức kết thúc trong chưa đầy hai năm.

Trước khi Wang rời đi, tạp chí của trường đã phỏng vấn ông. Câu hỏi cuối cùng là: "Điều gì sẽ xảy ra nếu hiệu trưởng kế nhiệm không tiếp tục mô hình mà ông đã thực hiện?".

"Vậy thì đó là số phận của SZMS", Wang trả lời.

Guo Qi hiện học ở Trường Thiết kế Rhode Island (Mỹ) để thực hiện ước mơ trở thành kiến trúc sư tại Trung Quốc. Guo vẫn yêu thích dự án cải cách ngắn ngủi ở SZMS, bởi nó dạy anh tính kiên trì và cách đối mặt với thế giới bao la.

Về thất bại của Jiang trong nỗ lực cải cách giáo dục, Guo cho rằng việc này giống một nhà văn nghĩ rằng họ đã viết một cuốn tiểu thuyết tồi tệ. Tuy nhiên, độc giả có lẽ đã khám phá được những giá trị nhất định - ngay cả khi đó không thực sự là những gì tác giả muốn nói.

Guo có thể không nuôi tham vọng thay đổi thế giới như mong muốn của Jiang, nhưng vẫn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Ngân Hà - Hà Linh (Theo Sixth Tone)
 

Bình luận bằng Facebook

Top