Nói cho dân hiểu

Võ Nhật Vinh

Thành viên mới
Bất cứ thông tin tiêu cực nào về vaccine cũng đều tác động lớn với bà. Vì vậy, gia đình tôi rất tốn công thuyết phục và động viên mẹ đi tiêm vaccine đầy đủ.

Ngày 31/8, mẹ tôi đọc báo thấy Bộ Y tế đưa ra thông tin "35% bệnh nhân Covid nặng và tử vong chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine". Tin này ngay lập tức khiến bà lo lắng trước ngày tiêm mũi vaccine nhắc lại. Theo mẹ tôi, như thế nghĩa là 65% bệnh nhân Covid nặng và tử vong thuộc nhóm đã được tiêm đủ liều, tức gần gấp đôi so với nhóm chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ.

Khi khảo sát rộng hơn, tôi thấy nhiều người cũng diễn giải thông tin này theo cách như mẹ tôi.

Tôi đã phải kiểm chứng lại trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng chính thống khác nhau cũng như trên nguồn thông tin của các trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) địa phương. Sau khi tiếp nhận và kiểm chứng tính chính xác của thông tin, tôi không tránh khỏi luồng suy nghĩ nhanh: tiêm đủ liều vaccine lại có tỷ lệ bệnh trở nặng hoặc tử vong cao hơn nhiều. Điều đó liệu có đúng?

Tôi bắt đầu tính toán chi tiết hơn với những con số cụ thể.

Theo một số liệu từng được Bộ Y tế công bố, Việt Nam có ít nhất 79,4 triệu người đã tiêm vaccine đủ liều cơ bản (trên tổng dân số khoảng 98 triệu người). Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ước tính nước ta có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2020. Đây cũng là nhóm chưa được tiêm vaccine nhưng có số nhiễm Covid-19 nặng hoặc tử vong rất ít. Do đó, nếu loại bỏ nhóm trẻ dưới 5 tuổi ra khỏi phép tính, ta có thể thấy số người đã tiêm đủ liều vaccine ở nước ta nhiều gấp khoảng 7 lần số người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid nặng và tử vong thuộc nhóm đã tiêm đủ liều chỉ gấp 1,8 lần con số của nhóm kia. Vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân Covid nặng và tử vong thuộc nhóm chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều cao gần gấp 4 lần nhóm đã tiêm đủ liều. Đây mới là sự thật của thông tin cần được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Con số 35% mà Bộ Y tế cung cấp cho các phương tiện truyền thông đại chúng là một thông tin đúng nhưng chưa đầy đủ; vì vậy không giải thích được vì sao cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tiêm vaccine. Trong trường hợp này, việc cung cấp thông tin về "tỷ lệ bệnh nhân Covid chuyển nặng và tử vong thuộc nhóm chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều cao gần gấp 4 lần nhóm đã tiêm đủ liều" sẽ dễ hiểu hơn cho người tiếp nhận. Con số 4 là một minh chứng trực quan cho tác dụng bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong của việc tiêm đầy đủ. Ngoài ra, con số 4 cũng cho thấy những giới hạn của vaccine so với kỳ vọng, đồng nghĩa với việc cần cập nhật liên tục lịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để đối phó với các biến chủng mới cũng như sự suy giảm tác dụng bảo vệ theo thời gian. Thay đổi cách truyền đạt thông tin từ con số 35% sang con số 4 lần tuy đơn giản nhưng lại không dễ.

Tôi tự hỏi, làm sao mẹ tôi - người ngoài 70 tuổi - và rất nhiều người không có thói quen tìm tòi, nghiên cứu có thể tự mình tìm ra được con số 4 lần thay vì 35%.

Hồi còn là một nghiên cứu sinh tại Pháp, tôi đã lựa chọn một môn học mà hiếm sinh viên Việt Nam nào hứng thú: trình bày vấn đề khoa học với giới truyền thông đại chúng. Môn học này dựa trên việc những người nhận ngân sách để làm chuyên môn cần có trách nhiệm báo cáo lại với công chúng công việc của mình và truyền thông đại chúng là phương tiện kết nối. Đặc điểm của giới đại chúng là những người có nhu cầu được biết nhiều thông tin nhưng lại có hiểu biết hạn chế về mặt chuyên môn.

Trong một bài tập thực hành, tôi được đưa đến các trường học để trình bày đề tài nghiên cứu của mình trước các em học sinh lớp 9 cực kỳ tò mò hay các em học sinh lớp 12 sẵn sàng đặt câu hỏi phản biện gay gắt. Sau này, ngay cả khi tham dự những hội nghị khoa học với thời lượng báo cáo ngắn, tôi cũng áp dụng một phần những kỹ năng đã học được trong môn học đó và cảm thấy rất hiệu quả.

Các cơ quan nhà nước đều có quy chế về phát ngôn. Nhưng nhiều năm qua, tôi không ít lần thấy cơ quan chuyên môn trong nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, sau khi ra các thông cáo báo chí, lại phải "nói lại cho rõ" hoặc ban hành thêm văn bản giải thích kỹ hơn về mặt chuyên môn.

Để nhận được sự quan tâm và ủng hộ của dân chúng, nhà chức trách trước hết phải biết truyền đạt gần gũi và rõ ràng, để cho dân hiểu.

Võ Nhật Vinh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top