[Cuộc Sống] Nước lũ rút rồi, mẹ khóc!

moon_tsuki

Giải Nhất Cuộc Thi Kỹ Năng Số
Đọc những tâm sự này, những người con Miền Trung có lẻ không khỏi chạnh lòng và nhận ra mình trong đó. Mình vô tình đọc được bài viết xúc động này, xin chia sẻ cùng các bạn... Luôn hướng về Miền Trung thương yêu!


(Dân trí) - Từ tầng 2 trường tiểu học nhìn về, mẹ quệt nước mắt và nói: “Mất hết rồi con ơi, rồi đây lấy cái gì mà đủ ngày 2 bữa?”. Tôi nhìn dòng nước trôi mà lòng chùng xuống. Nỗi đau này có gì lạ đối với dân miền Trung!

210111010-lu-rut.jpg


Cơn lũ qua rồi, mẹ ơi...

Mẹ về nhà, dáng đi thất thểu, xiêu vẹo như người mất hồn. Nước rút rồi, nắng đã ấm lên nhưng lòng người như tím tái. Mẹ chạy xộc vào nhà lôi từng bao lúa ướt sũng ra sân: “Gắng phơi để còn hạt mà ăn con ạ”. Bàn tay mẹ nhăn nheo, đôi mắt thâm quầng.

Cuộc sống áo cơm ngày thường cũng đã làm nên bao cơ cực, nay cơn vần vũ của đất trời càng làm đôi vai mẹ nặng thêm. Tôi pha gói mì tôm bằng bát nước ít ỏi xã vừa cứu trợ: “Gắng ăn đi mẹ, hai ngày nhai mì sống rồi còn gì”. “Ăn uống gì con, thứ gì cũng mặn đắng, kể cả nước mắt”.

Tôi nhớ đến những mùa lụt xa xưa, khi ba còn sống. Mỗi lần nước bắt dầu dâng lên là tôi được ba cho ngồi trên vai và di tản bằng cách đi bộ đến trú ngụ ở nơi cao hơn. Năm nào cũng có một vài lần chạy lụt như vậy. Ở xứ Quảng nếu năm nào không lụt, đó là điều ngạc nhiên đối với người dân. Bởi vậy nên mẹ tôi thường hay cất trữ thức ăn như cá khô, mắm thính hay bầu phơi khô. Cứ mỗi lần nước ngoài sông dâng lên là cả nhà dìu dắt nhau lên cái gác nằm sát nóc nhà. Cái gác này tôi đã hơn 10 lần trú ngụ, nhai gạo sống trên đó. Cái gác này chỉ dùng cho những năm lụt nhỏ thôi, chứ như cơn đại hồng thuỷ năm nay thì không thể ở trên đó khi nước lấp xấp nóc nhà.

Bởi vậy ba tôi thường nhìn con nước, thấy không ổn là chuẩn bị thuyền để “di cư”. Tôi đã từng nhìn bầu trời với mưa giăng, gió bão qua những viên ngói ba giở ra, vẫy tay ra hiệu gọi thuyền cứu hộ phát lương khô hay mì tôm. Nếu có một khung trời kỷ niệm trong những mùa lụt của tuổi thơ, có lẽ nhìn bầu trời qua những lỗ ngói là ký ức không thể nào phai nhạt. Những lúc đó, tôi thường nghĩ về vùng núi cao, nơi nước không thể nào dâng tới được. Có lẽ ở đó, người ta sẽ chẳng biết lụt là gì. Thế mà giờ đây tôi đã vỡ lẽ khi biết người miền núi cũng dìu dắt nhau trốn vào hang động như thời thượng cổ. Cũng chính ở trên cái gác trốn lụt này, tôi biết thế nào là sự thịnh nộ của thiên nhiên và cũng biết rằng mỗi hạt gạo của người nhà nông không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Bão, lũ quét, nắng hạn cứ thay nhau “cày cấy” trên lưng người nông dân mà chẳng bao giờ có một mùa bội thu của đất trời.

Ba tôi thường nói, ngày xưa dân ta giỏi đánh giặc vì… đất nước hay có giặc. Bởi thế nên có câu “giặc năm nay… dễ đánh”. Giờ thì người người hay bảo: “Lụt năm nay cũng thường”. Nói vậy nhưng ai cũng khóc vì nó, nói để mà nghe, để mà thấy cái “bình thường” của lụt, không năm nào không đến, không năm nào trốn thoát. Đó cũng là thể hiện bản lĩnh của người miền Trung trong việc đối chọi với thiên nhiên, sự gan lì, chai sạn của những cái đã là hiển nhiên khi sống trên dải đất hẹp, cái eo của hình chữ S gánh hai đầu Bắc Nam.

Khi nước đã rút, đói khát rồi cũng thế, vẫn dìu dắt nhau qua ngày khốn khó. Rồi ruộng vẫn cứ cày, cá vẫn cứ thả; lúa vẫn mọc, hoa màu vẫn xanh tươi đấy thôi.

Theo: Yên Mã Sơn
(báo Dân Trí ngày 11/10/2010)​
 

KendyDat

Thanh viên kỳ cựu
Lẽ nào câu "ở hiền gặp lành" là sai sao?
Có những mất mát quá lớn biết khi nào lấp đầy.
Có dòng nước cuốn trôi biết bao giờ rũ lòng thương.
Nhưng,...
Có tiếng động cơ máy báy luôn tiếp cận những con người ấy,
Có những "tấm lòng" luôn nhìn về một hướng,
Có trong hoạn nạn mới thấy được lòng người!
 

moon_tsuki

Giải Nhất Cuộc Thi Kỹ Năng Số
Lũ ơi, xin đừng đến nữa...

(Dân trí) - Trên chiếc canô chất đầy hàng hóa ậm ạch vượt qua con nước dữ, cứ mỗi lần nghe tiếng dân kêu và những cánh tay vẫy cuống cuồng từ những mái nhà là mỗi lần lòng tôi đau nhói.

1. Tôi là người may mắn, về với Tân Hóa (Quảng Bình) sớm hơn nhiều đồng nghiệp. Khi tôi về, Tân Hóa đang trong ngày thứ hai sống trong hang đá. Sống với đói, với rét, với bệnh tật. Sống với những xác trâu, bò, lợn chết nổi lều bều.

Nước lũ ở vùng lòng chảo thật kỳ quái, không chảy, không dâng, không hạ, cứ lừ lừ và trâng tráo như trêu ngươi và tra tấn sức chịu đựng của hàng nghìn con người đang dần kiệt quệ.

Canô đi ngang xã Minh Hóa, hàng chục cánh tay thò ra từ mái nhà, tiếng kêu réo thảm thiết thoát ra từ những nóc nhà chìm trong nước. Tiếng kêu của những con người đói.

Một thoáng rùng mình, tôi muốn canô dừng lại để mang hết mỳ tôm, sữa, nước đến với những cánh tay trần đó.

Nhưng không, canô phải đi, vì 3.000 người dân Tân Hóa đang mong ngóng từng giờ những món hàng cứu trợ. Cứ đi qua mỗi cánh tay, là một lần trái tim tôi đau nhói. Những cánh tay đầy ám ảnh đó không chỉ quơ quàng vào không khí, mà như đang cào cấu vào tận gan ruột những người có lương tri.

Mãi hai ngày sau, khi về nhà và mở mạng internet, tôi mới thấy ghen tỵ với một anh đồng nghiệp vì bức ảnh “hai cánh tay kêu cứu” đầy cảm xúc mà anh kịp ghi lại. Những cánh tay đó, tôi thấy cả. Tại sao tôi không thể giúp bạn đọc của tôi nhìn thấy?



2. Hôm sang Cồn Nâm, nơi lũ qua để lại một vùng cồn bãi xác xơ và một màu trời âm u, cô tịch, tôi đi qua một cây cầu nhỏ nơi nước lũ vừa tràn qua, để lại cơ man là bèo tây tràn ngập trên mặt cầu.

Dưới chân cầu, một con thuyền nhỏ, rách bươm rất hợp với cảnh tiêu điều của vùng lũ đang mải miết len lỏi giữa núi bèo tây. Ba người đàn bà khóc ngặt, hàng chục người vây quanh, vừa tò mò, vừa ái ngại.

Một cô gái 18 tuổi vừa bị lũ cuốn trôi khi cố níu giữ những vật dụng trong nhà khi dòng lũ cuồng điên. Em chết, chết ở cái tuổi 18 đẹp nhất, chết vì thân con gái sao cưỡng nổi sức tàn phá của cơn lũ ác.

Đó là ngày thứ ba, gia đình em bới bèo tìm em. Tìm trong tuyệt vọng. Phận con người quê tôi trong lũ sao mà mỏng manh, nhỏ nhoi đến thế.

Cùng ngày đó, tôi về Quảng Phúc, nơi hàng chục người mẹ, người vợ, hàng chục đứa trẻ đang khóc ngất đợi con, chồng, cha đang lưu lạc giữa khơi xa chưa kịp về trước lũ. Ba ngày, năm ngày, rồi bảy ngày, họ vẫn là những người mất tích.

Trong lũ dữ, khi con số người chết lên tới gần 50, cái chữ “mất tích” nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn, đỡ gợi bi thương chữ “chết”. Nhưng có nhìn sâu vào ánh mắt những người đàn bà, những đứa trẻ mới hiểu, cái chữ “mất tích” nó đau đớn, cào xé nhường nào.

Họ nhìn ra biển, nhìn ra bến thuyền quen thuộc nơi hàng ngàn chuyến tàu đã về ăm ắp cá trên khoang. Họ nhìn về nơi đại dương vô định. Giữa muôn trùng đại dương, đâu là bến bờ cho những người đàn ông đi biển.

Trong ánh mắt có chút hy vọng, có nhiều tuyệt vọng, có lúc thẫn thờ, có khi vô hồn, lại có khi mãnh liệt… Một khắc trôi qua, là một khắc nỗi tuyệt vọng xâm lấn niềm hy vọng.

Tôi thử so sánh xem gia đình những người mất tích và những người chết ai đau đớn, quằn quại hơn. Nhưng mãi mãi tôi không tìm được câu trả lời, bởi tôi không phải là họ. Mong sao đừng có ai phải như họ.



3. Đi trong lũ, đến với những con người đói, những con người khát và cả những con người chết, đã có lúc tôi thấy mình như vô cảm. Rồi 5 ngày ác mộng cũng trôi qua, tôi được về trong căn nhà ấm áp.

5 ngày sống trên canô, lội nước bạc, ăn mỳ tôm, uống nước suối và đi chân không bén đất đã làm con người ta khác hẳn.

Về thành phố, chợt thấy mình lạc lõng vì cái cách ăn nói như chảo chớp, bước chân hấp tấp, chạy xe máy vù vù và bận bộ quần áo dính đầy bùn đất, đi đôi dép tổ ong gãy mũi.

Tôi đang lạc lõng, hay cái thành phố này quá bình thản, vô tâm với hàng vạn người dân trong lũ?

Lại hiện về hình ảnh những cánh tay trần quơ quàng từ những nóc nhà, lại nghe văng vẳng những tiếng kêu khi canô cứu trợ đi ngang, lại thấy trước mắt những con người ăn thịt trâu chết cầm hơi, những em bé nhai ngấu nghiến gói mỳ tôm sống.

Lại thấy hình ảnh những chiến sỹ công an, bộ đội, cán bộ trắng đêm cứu dân trong lũ, để hiểu vì sao nước ta gọi tên các ngành công an, quân đội… thường đính kèm hai chữ “nhân dân”.

Lại thấy giận những chiếc xe cứu trợ rầm rập giao mỳ tôm, lương khô, nước uống vào kho của các huyện.

Lại thấy xót cho những gói mỳ được ném từ máy bay xuống và vỡ tan, chìm nghỉm giữa dòng nước lũ.

Lại thấy trách chính mình những ngày lĩnh lương vung tay quá trán, những chai bia bỏ dở đôi khi.

Lại mong lũ ơi, đừng đến nữa…

Dân tôi đau đớn đủ rồi, lũ ơi…!


Theo Hồng Kỹ - Dân Trí (13/10/2010)​
 

ivenle

Thanh viên kỳ cựu
Lại thấy giận những chiếc xe cứu trợ rầm rập giao mỳ tôm, lương khô, nước uống vào kho của các huyện.

Lại thấy xót cho những gói mỳ được ném từ máy bay xuống và vỡ tan, chìm nghỉm giữa dòng nước lũ.

Lại thấy trách chính mình những ngày lĩnh lương vung tay quá trán, những chai bia bỏ dở đôi khi.

Lại mong lũ ơi, đừng đến nữa…

Dân tôi đau đớn đủ rồi, lũ ơi…!

Đôi điều khiến phải suy nghĩ :nghivan:
 

lobe_dream

Thanh viên kỳ cựu
Đâu đó trên khắp đất nước có những con người lun hướng về miền Trung... Biết ko đủ... Nhưng chúng ta phải cố...
 

chiecla_206

[♣]Thành Viên CLB
Dạo gần đây tin về cảnh tang thương ở khúc ruột miền Trung khiến mình xé lòng. Chỉ một câu cánh cánh trong đầu: “Sao dân mình khổ thế?”

Lần đầu tiên mình thấy hình ảnh những cánh tay kêu gào cầu cứu nhiều đến thế.
Lần đầu tiên mình thấy dòng nước lũ đục ngầu dữ tợn đến thế.
Lần đầu tiên mình thấy những con người đã quen sống chung với lũ lại khóc than tuyệt vọng vì lũ trong nỗi đau đớn tột cùng đến thế: đó là hình ảnh cô gái mất mẹ, là hình ảnh người vợ trẻ mất chồng, là hình ảnh người mẹ gần đất xa trời mất con,… Họ khuỵ xuống trong dòng nước mắt, sức người sao quá nhỏ nhoi…
Lần đầu tiên mình thấy một chuyện kinh khủng đến thế: dòng nước lũ cuốn trôi mấy trăm mét một chiếc xe khách. Người ra đi trong sợ hãi và tuyệt vọng, người ở lại cũng đau nỗi đau khôn nguôi, những ánh mắt nhìn xa xăm, nhạt nhoà và mất hút trong màu đục ngầu cùa dòng nước lũ đang lên…
Lần đầu tiên mình thấy …nỗi đau gần đến thế…

Cuộc sống thường nhật đôi khi cuốn mình vào một vòng xoáy không điểm dừng. Mình không nói đến sự bận rộn mà mình nói đến sự vô tâm của tâm hồn, dù dừng lại chỉ để nhìn lại cuộc sống xung quanh để có những suy nghĩ sâu sắc hơn, dừng lại để cảm nhận những việc đổi thay xung quanh, dừng lại để nhìn sâu vào bản thân mình.
19 tuổi – cánh cửa cuộc đời vừa mở ra – nhưng mình chợt nhận ra mình đã quá “già” để sống có trách nhiệm hơn với gia đình, với xã hội…
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top