Quyền được chọn lại

Hồ Quốc Tuấn

Thành viên mới
Có những sự lung lay, thay đổi đó là bởi người trẻ chưa thể có tất cả trải nghiệm để trả lời đúng câu hỏi họ muốn gì. Hơn nữa, việc định hướng nghề nghiệp có thể lạc hậu nhanh chóng trước sự chuyển biến cực kỳ nhanh của thế giới bên ngoài.

Câu chuyện gần đây tôi gặp minh chứng cho điều này. Arthur, một trong những sinh viên giỏi nhất của tôi, vừa gọi điện nhờ tôi viết thư giới thiệu để đi học lại.

Arthur đang làm việc tại một trong ba ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới và vừa tham gia vào một thương vụ lên trang nhất của nhiều tờ báo tài chính hàng đầu vài tháng trước. Sếp của Arthur - cũng là người quen của tôi - nhận xét cậu ấy có tương lai xán lạn, và có thể là một trong những người trẻ nhất được thăng tiến trong nhóm của mình. Nhưng Arthur muốn đổi nghề.

Arthur nộp hồ sơ học công nghệ phần mềm tại một trường hàng đầu lĩnh vực này ở Anh nên cần thư giới thiệu.

Khi tôi hỏi vì sao muốn đổi nghề, cậu bảo, vì cảm thấy ngành đầu tư tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm... đều đang không theo kịp những thay đổi của công nghệ. Có nhiều bài toán thú vị mới cậu muốn giải quyết và cậu không còn cảm thấy thích hợp với môi trường của ngân hàng đầu tư.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sinh viên làm trái ngành hoặc muốn đổi ngành, đổi nghề mà tôi nhìn thấy. Trong thế giới thay đổi hiện nay, ngày càng có nhiều loại việc làm mới xuất hiện, và các việc làm cũ mất đi. Những gì một người trẻ muốn hôm nay có thể không còn là thứ họ muốn nữa ngày mai.

Covid-19 góp phần làm cho sự thay đổi còn nhanh hơn và phức tạp hơn. Không ai có thể tưởng tượng một nền kinh tế thương mại điện tử trên nền Tiktok đang hình thành và tăng trưởng doanh thu cực nhanh. Nhiều văn phòng đang được rao bán ở Anh để chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm nhà kho cho các công ty bán hàng qua mạng. Nhiều ngân hàng đang trả hàng trăm nghìn USD một năm để thuê vài Tiktoker hoặc Youtuber giới thiệu sản phẩm đầu tư. Vài người họ mang lại doanh thu cao hơn cả đội ngũ tư vấn tài chính ngồi tại một chi nhánh.

Làm việc trái ngành, vì vậy, không còn hệ trọng. Thậm chí làm đúng ngành rồi vẫn muốn đổi nghề cũng trở nên bình thường. Không có chuẩn mực chung nào để đánh giá những thay đổi đó là xấu hay tốt. Chọn sai, thậm chí chọn đúng, rồi chọn lại là một phần của tiến trình sắp trở nên bình thường mới.

Tuy nhiên, có một rào cản đối với giới trẻ Việt Nam. Đó là chi phí cho "quyền chọn lại" rất đắt. Học phí đại học ở Việt Nam hiện là cao so với thu nhập bình quân. Các trường kinh tế tầm trung áp dụng mức thu 4-5 triệu đồng/ tháng; khối ngành y, dược 7-10 triệu đồng/ tháng. Trong khi, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân năm 2020 của người Việt đạt khoảng 4,25 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, một hộ gia đình, gồm hai vợ chồng, đi làm cả tháng chỉ đủ dồn sức nuôi một sinh viên đại học top giữa (bao gồm học phí và sinh hoạt phí), và không thể kham nổi chi phí đại học top đầu.

Điều đó khiến cho việc "chọn sai thì chọn lại" trở thành đặc quyền của một số bạn trẻ trong gia đình có điều kiện. Những người khác loay hoay với lựa chọn không đúng của mình, và có thể sẽ vật vờ với công việc không yêu thích suốt thời gian còn lại.

Arthur vay tiền của chính phủ để đi học và thấy sai, cậu lại vay tiền học lại. Arthur tất nhiên phải gánh những khoản nợ lớn hơn, nhưng cậu chỉ bắt đầu phải trả khi thu nhập vượt qua một ngưỡng nào đó. Trong số các quốc gia EU, Anh chi mạnh nhất cho các khoản vay sinh viên. Theo số liệu mới nhất từ Quốc hội, có tới 20 tỷ bảng chi cho 1,5 triệu sinh viên mỗi năm. Nợ xấu từ chính sách tín dụng sinh viên ở Anh cũng cao hàng đầu châu Âu. Chính phủ phải gánh những khoản đó và xóa nợ sau 25 hay 30 năm, tùy vào khoản vay.

Xã hội chấp nhận gánh lấy một phần chi phí cho người trẻ đi học, chính phủ làm mọi cách trong khả năng để duy trì cho người trẻ quyền được chọn lại. Lập luận của người Anh là, để có khoảng một phần ba đến một nửa dân số tiếp cận giáo dục đại học, số dư nợ tín dụng này là khoản không hề nhỏ. Nhưng toàn xã hội sẽ được hưởng lợi từ một dân số được giáo dục tốt. Người dân được hưởng lợi từ những bác sĩ giỏi, yêu nghề; những chính trị gia sáng suốt và tâm huyết; những nghệ sĩ tài năng, có thể nâng cao thị hiếu thẩm mỹ và giá trị văn hóa cho số đông...

Chương trình Tín dụng sinh viên ở Việt Nam được triển khai từ năm 2007. Theo quan sát của tôi, chính sách này chưa hấp dẫn. Các số liệu cũng nói như vậy. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội TP HCM, đến tháng 3/2022, tỷ lệ cho vay sinh viên chỉ chiếm 4,8% tổng dư nợ của ngân hàng. Tỷ lệ này so với năm 2021 không tăng, dù các gia đình vừa trải qua đại dịch, khó khăn hơn về tài chính.

Có một số lý do. Thứ nhất là mức trần cho vay thấp, không đủ để sinh viên trang trải học phí. Từ 19/5, mức vay tối đa là 4 triệu đồng mỗi tháng, sau khi đã điều chỉnh tăng so với mức 2,5 triệu duy trì nhiều năm. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, chi phí học tập (gồm học phí và sinh hoạt phí) của một sinh viên hiện khoảng 6,5-9,5 triệu đồng một tháng. Mức 4 triệu chỉ đáp ứng được 61% mức chi tối thiểu và 42% mức chi tối đa.

Thời hạn vay của chương trình cũng quá ngắn - tối đa 10 năm, so với Brazil (12 năm), Nhật Bản (18 năm), Malaysia và Hàn Quốc (20 năm), Trung Quốc (23 năm).

Điều bất cập thứ ba là mức lãi suất - thời điểm năm 2021 là 6,6%/năm - khá cao so với các đối tượng ưu đãi khác của ngân hàng chính sách xã hội, như cho vay trồng rừng 1,2%/năm, cho vay nhà ở 3-4,8%/năm.

Điểm thứ tư là chương trình này khá hẹp về đối tượng thụ hưởng, chủ yếu dành cho các sinh viên mồ côi, gia đình khó khăn hoặc gặp rủi ro về bệnh tật, thiên tai... nên nó mang tính chất của một chính sách bảo trợ xã hội hơn là một chính sách đầu tư cho giáo dục.

Với những lý do trên, nhiều người trẻ thậm chí không đủ yên tâm vay để "chọn đi", chưa nói đến "chọn lại".

Không ai có thể chắc chắn chọn đúng nghề ngay lần đầu, trong một thế giới đầy thay đổi ngày nay. Điều quan trọng là làm sao để người trẻ được tự do tiếp cận giáo dục đại học và được sử dụng quyền chọn lại ít tốn kém nhất.

Hồ Quốc Tuấn
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top