Sĩ tử căng thẳng trước ngày thi vào lớp 10

VnExpress

Thành viên mới
Năm nay, Oanh đăng ký nguyện vọng một vào Trung học Thực hành Đại học Sài Gòn - trường nằm trong top 10 điểm chuẩn cao nhất hàng chục năm qua. Trước năm 2020, với phương thức thi tuyển, nhân hệ số hai môn Toán và Văn, trường lấy điểm chuẩn 39-40. Năm nay, điểm xét tuyển tính hệ số 1 cho cả ba môn Toán, Văn, Anh. Để trúng tuyển, thí sinh phải đạt khoảng 8 điểm mỗi môn. Đây là áp lực không nhỏ với Oanh và những thí sinh chọn trường top đầu.

Oanh cho biết, thi vào Phổ thông Năng khiếu là đợt tập dượt cho nữ sinh trước mục tiêu quan trọng nhất - kỳ thi lớp 10 công lập. "Tuy nhiên, dạng đề ở hai kỳ thi khác nhau nên em vẫn phải nỗ lực nhiều", Oanh nói.

Ngoài tự học, Oanh tham gia một số lớp học thêm. Tổng thời gian dành cho việc học trong ngày của Oanh là khoảng 12-15 tiếng. Với môn Văn, Toán, nữ sinh ôn lại toàn bộ kiến thức trọng tâm, làm những dạng Toán cơ bản. Riêng môn Tiếng Anh, Oanh học công thức, văn phạm. Theo Oanh, vài ngày trước kỳ thi là thời điểm phù hợp để học thuộc các công thức, giúp giải bài tập vững vàng hơn.

"Em được gia đình, thầy cô động viên nhiều, nhưng không tránh khỏi căng thẳng tâm lý bởi sự cạnh tranh gay gắt vào trường này", Oanh cho biết.

tuyen-sinh-10-3879-1654684889.jpg


Học sinh dự thi vào lớp 10, trường Phổ thông Năng khiếu ngày 4/6. Ảnh: Mạnh Tùng


Tương tự, Nguyễn Hùng Duy (quận 5) cũng lo lắng trước nguyện vọng một vào THPT Nguyễn Thượng Hiền. Đây là trường có tỷ lệ cạnh tranh và điểm chuẩn cao nhất nhiều năm qua. Tỷ lệ chọi năm nay của trường là 1/3,2. Ngoài Nguyễn Thượng Hiền, Duy còn đăng ký thi vào THPT Lê Quý Đôn và THPT Trần Hữu Trang.

Theo Duy, áp lực thi vào trường top đến từ tỷ lệ chọi cùng chất lượng thí sinh cao và đồng đều. "Phần lớn các bạn đăng ký vào Nguyễn Thượng Hiền đều có học lực giỏi, do đó cạnh tranh rất gay gắt. Em vắt hết sức cho việc học trong ba tuần cuối cùng", Duy nói.

Năm nay, thành phố có 108.000 học sinh tốt nghiệp THCS với tổng chỉ tiêu vào trường công lập là gần 73.000.

Theo số liệu ban đầu do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, khoảng 93.000 thí sinh đăng ký dự thi. Tuy nhiên, sau đợt điều chỉnh nguyện vọng, còn khoảng 86.200 em tham gia; trong đó hơn 6.400 thi lớp chuyên, 1.300 thi lớp tích hợp. Nhiều thí sinh quyết định không thi lớp 10, chọn hướng đi khác.

Nhiều hiệu trưởng THPT cho biết, số lượng thí sinh giảm không đồng nghĩa với việc mức độ cạnh tranh vào trường công cũng giảm. Ngoài nhóm trường top đầu, ở trung tâm thành phố như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn... các trường THPT tốt ở quận, huyện cũng có sự cạnh tranh quyết liệt.

Đỗ Nhật Anh (TP Thủ Đức) gấp rút ôn tập kiến thức trọng tâm ba môn trong tuần cuối trước kỳ thi, với mục tiêu vào THPT Dương Văn Thì. Điểm chuẩn năm 2020 của trường tuy không quá cao, khoảng 19-22,5 nhưng trường mới thành lập, cơ sở vật chất khang trang nên được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm.

Qua những lần làm đề thi thử và tự đánh giá, mức điểm của Nhật Anh đủ để đỗ vào trường Dương Văn Thì theo điểm chuẩn năm trước đó. Song, Nhật Anh chưa yên tâm bởi điểm chuẩn năm nay có thể tăng do tỷ lệ chọi vào trường tăng. Chưa kể, áp lực phòng thi sẽ khiến kết quả không tốt bằng thi thử.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, khoảng 70- 80% nội dung đề thi lớp 10 là kiến thức ở dạng nhận biết, thông hiểu, chủ yếu trong chương trình lớp 9. Do học sinh phải học trực tuyến gần hết học kỳ I, phần kiến thức nâng cao trong đề thi được giảm bớt, phù hợp với năng lực chung của các em.

Tính chung, khoảng 35.000 em sẽ không vào hệ thống trường THPT công lập. Lãnh đạo Sở cho biết, số học sinh này không lo thiếu chỗ học bởi có gần 50.000 chỉ tiêu vào trường THPT tư thục, dân lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Mạnh Tùng - Thu Hương
 

Bình luận bằng Facebook

Top