Thằng Cò thèm mẹ

VnExpress

Thành viên mới
Chị tôi làm công nhân trong một công ty điện tử. Chị ly hôn chồng khi Cò - con trai chị - mới được ba tuổi. Cuộc chia tay đó không êm đẹp, nên suốt bảy năm qua, Cò hiếm hoi lắm mới gặp bố. Lương công nhân dù ổn đến mấy cũng khó nuôi một đứa trẻ ở Hà Nội, chị quyết định cho con ở nhà với ông bà ngoại. Cứ vài tháng, chị lại bắt xe về quê, cách nơi làm việc hơn 300 cây số, để thăm con. Nỗ lực như vậy đã là tối đa với chị nhưng quá trình lớn lên của Cò chưa bao giờ là ổn.

Vài năm nay, khi đã chững chạc hơn, tôi ít khi thấy Cò khóc đòi mẹ. Nhưng những năm về trước, không lần nào chị tôi bắt xe lên thành phố mà Cò không lăn lê vật vã, như thể cuộc sống này không có gì quan trọng bằng việc mẹ ở lại. Chị tôi thường nói với con: "Mẹ đi làm kiếm tiền xây nhà hai mẹ con cùng ở". Năm ngoái, chị tôi khóc khi kể lại: "Cò nói mẹ đừng đi làm nữa, con đập lợn đất để xây nhà cho mẹ".

Chưa có thống kê đầy đủ về việc có bao nhiêu đứa trẻ phải sống với ông bà để bố mẹ đi làm ăn xa. Nhưng tôi đã nhìn thấy những ngôi làng hầu như chỉ còn người già và trẻ nhỏ, những khu trọ xập xệ bên rìa thành phố với các cặp vợ chồng trẻ đang ngày ngày làm việc để gửi tiền về cho con. Con họ, nếu may mắn, sẽ có đủ quần áo đẹp đến trường, đủ cơm ăn hàng ngày, nhưng thiếu bố mẹ. Vẫn có những người lớn nghĩ đơn giản rằng những đứa trẻ như thằng Cò đã có mọi thứ, không nên đòi hỏi gì thêm. Nhưng thỉnh thoảng Cò vẫn khóc một mình, vì bị ông bà ngoại đánh đòn hoặc bị những anh em họ trong nhà bắt nạt. Ông bà Cò sinh ra và lớn lên ở quê cách đây trên dưới 50 năm, khi đất nước còn nghèo, không đủ miếng ăn, trình độ học vấn cùng lắm chỉ đến lớp 7. Nhưng họ bây giờ phải nuôi lớn một đứa trẻ của thời đại trí tuệ nhân tạo, thời đại Tiktok, Facebook lên ngôi. Một nhiệm vụ quá sức.

Trong các cuộc phỏng vấn của tôi với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội Social Life, ông cho rằng, sự phát triển bền vững về kinh tế của một cộng đồng chỉ có thể được tạo lập khi xung quanh các khu công nghiệp phát triển ở đó có nhiều trường học mọc lên. Nghiên cứu của Viện Social Life cho thấy, cách đây 10 năm, người lao động có xu hướng đi đến các đô thị để kiếm vốn trở về quê nhà. Nhưng 5 năm gần đây, nhu cầu gắn bó với đô thị cao hơn. Nhiều người muốn đưa người thân từ nông thôn ra thành thị để dễ bề chăm sóc. Nhu cầu ngày càng lớn, nhưng làm thế nào để họ có thể vừa tăng ca, vừa có thời gian chăm sóc con cái và cho con điều kiện phát triển tối thiểu khi chỉ riêng việc kiếm đủ tiền trụ lại ở thành phố đã là một thử thách. Chất lượng cuộc sống của phần lớn người lao động ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng lớn bởi "nền kinh tế tranh thủ". Họ phải làm việc nhiều giờ hơn tám tiếng mỗi ngày để mua lấy an sinh. Như vậy, lựa chọn để con ở nhà của chị tôi gần như là tất yếu.

Những đứa trẻ muốn được phát triển toàn diện nên được sống với bố mẹ nếu có thể. Bởi rõ ràng, bố mẹ sẽ dễ hiểu con cái mình hơn, nếu chưa hiểu, họ cũng sẵn sàng hơn trong việc học cách để hiểu những đứa trẻ của mình.

Ở Trung Quốc, có những ngôi làng chỉ còn trẻ nhỏ và người già vì cha mẹ tất bật mưu sinh ở các đô thị. Báo chí nước này gọi đó là thực trạng "tuổi thơ bị chính cha mẹ đánh cắp". Việt Nam cũng đang trong thực trạng đó - một thực tế khó tránh khỏi khi không có đủ trường học gần các khu công nghiệp, thiếu những khu nhà giá rẻ nhưng đủ khang trang để xây dựng một gia đình, những khu vui chơi cho con em của những lao động thu nhập trung bình.

Ra Tết, hàng triệu người lao động đang hối hả trở lại các khu công nghiệp ở những đô thị lớn, vẫn chẳng thể mang theo con cái; bởi ở đấy, chẳng có gì cho một đứa trẻ cả.

Sẽ có hàng triệu "thằng Cò" như cháu tôi, sau ba ngày Tết, lại chìm vào cảm giác triền miên "thèm mẹ".

Nguyễn Hằng
 

Bình luận bằng Facebook

Top