Thu phí xe cá nhân

Hoàng Văn Phương

Thành viên mới
Mỗi lựa chọn có chi phí và thời gian khác nhau: đi bằng ôtô, thời gian có thể gấp đôi và chi phí đỗ xe hàng ngày có thể gấp 10 lần vé xe buýt, lên đến 85 AUD (1,4 triệu đồng/ngày).

Ngoài ra, để đến được trung tâm thành phố, tôi phải đi qua trạm thu phí (toll) ở các trục đường cửa ngõ thành phố, nơi có lưu lượng giao thông cao. Do đó, chi phí đi làm bằng ôtô riêng ở trung tâm Sydney có thể lên đến 100 AUD/ ngày, tương đương 30% mức lương cơ bản của lao động tại Australia.

Do đó, tôi cũng như phần lớn người dân ở Sydney, chọn phương tiện công cộng để đi làm.

Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại thấy bức tranh ngược lại. Phần lớn người dân sử dụng phương tiện cá nhân để đi lại. Nguyên nhân có thể là do phương tiện công cộng không đủ tin cậy về thời gian và tiện nghi, do chi phí sử dụng xe cá nhân thấp, hoặc cả hai lý do này.

Theo một báo cáo về tình hình giao thông ở khu vực châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2019, Hà Nội và TP HCM nằm vào nhóm 10 thành phố có mức độ tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất, trong số 278 thành phố được khảo sát.

Mật độ dân số tại các quận nội thành của Hà Nội đang ở mức cao hơn hoặc tương đương các thành phố đông dân nhất thế giới, ví dụ quận Đống Đa (40.331 người/km2), Hai Bà Trưng (31.308 người/km2), Hoàn Kiếm (29.471 người/km2), Thanh Xuân (29.295 người/km2), Ba Đình (26.249 người/km2) và Cầu Giấy (20.931 người/km2), so với mật độ trung bình tại Tokyo (6.168 người/km2) và Seoul (16.000 người/km2).

Với mật độ dân số này, người dân ở các thành phố lớn trên thế giới chủ yếu sử dụng hệ thống giao thông công cộng công suất lớn, như tàu điện, cho di chuyển hàng ngày. Tuy nhiên, ở các đô thị lớn của Việt Nam, tốc độ tăng phương tiện cá nhân lại tỷ lệ thuận với tăng dân số. Tại Hà Nội, riêng năm 2021, có 239.000 phương tiện, trong đó 61.000 ôtô, 171.000 môtô, 6.000 xe máy điện được đăng ký mới; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 7.500.000. Tính trung bình, gần 100% người dân tại Hà Nội sở hữu phương tiện cá nhân.

Quá trình đô thị hóa và tăng dân số đang diễn ra mạnh mẽ, nếu tạm lấy ngưỡng mật độ dân số của Tokyo (do có tương đồng về quy mô dân số giữa Việt Nam và Nhật Bản), thì dân số Hà Nội có thể tăng lên 21-25 triệu người và TP HCM sẽ tăng lên 13-20 triệu người trong nhiều thập kỷ tới, chưa tính người dân ở các tỉnh lân cận vào nội đô làm việc hàng ngày.

Do đó, tình hình tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội và TP HCM được dự báo trầm trọng trong nhiều năm tới nếu không có những giải pháp đột phá, cùng sự ủng hộ và chia sẻ quyền lợi của người tham gia giao thông.

Nếu xem người tham gia giao thông là khách hàng thì tập khách hàng này có nhiều đặc điểm khác nhau như: nhiều người sẵn sàng trả phí để di chuyển nhanh hơn; đồng thời cũng có nhiều người thích sử dụng phương tiện cá nhân vì sự tiện lợi mặc dù tốn thêm thời gian; một số khác lại mong muốn dùng xe buýt để góp phần bảo vệ môi trường và an toàn. Bất cứ giải pháp nào cũng không thể đồng thời thoả mãn được tất cả người tham gia giao thông.

Giải pháp tối ưu là giải pháp giảm thiểu nhất thiệt hại về kinh tế và xã hội do tắc nghẽn giao thông, đồng thời đảm bảo có lựa chọn đi lại thay thế cho các đối tượng bị ảnh hưởng.

Tôi xin gợi mở một số giải pháp mà không đi sâu vào cách thức thực hiện như sau:

Một là, đánh giá khả năng chịu đựng của hệ thống giao thông hiện tại. Nguyên nhân trực tiếp của tắc nghẽn giao thông là do cơ sở hạ tầng bị quá tải so với số lượng phương tiện. Người dân đứng trước hai lựa chọn: tất cả đều sở hữu phương tiện cá nhân và cùng chịu cảnh tắc nghẽn, hoặc có giải pháp khác tốt hơn về mặt kinh tế và xã hội.

Cơ quan chức năng có thể xác định số lượng phương tiện tối đa mà hệ thống giao thông hiện tại có thể chịu đựng được. Số lượng tối đa này được gọi là quota, thay đổi hàng năm tùy theo sự phát triển của hệ thống giao thông. Khi nhu cầu thực tế lớn hơn quota, nhà nước có thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng phương tiện cá nhân trong nội thành, đặc biệt là các khu vực có mật độ dân số cao nhất; hoặc xác định mức phí sử dụng đường đủ cao để tác động đến hành vi, đảm bảo một số lượng tối đa nhất định phương tiện có thể tham gia giao thông.

Giả sử khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại, thì mức phí dùng phương tiện cá nhân có thể lên đến 150.000 nghìn đồng/ngày (=30% của thu nhập 120 triệu/năm theo giá hiện tại), nếu mức tham khảo tỷ lệ mức phí đi lại bằng xe cá nhân của Sydney trên mức lương cơ bản.

Các phương tiện cá nhân từ địa phương khác đi vào thành phố sẽ được thu phí theo ngày, theo giờ hoặc theo khoảng cách.

Giải pháp này cũng tính đến ưu tiên các đối tượng yếu thế trong xã hội như người tàn tật và các phương tiện sử dụng cho dịch vụ thiết yếu, chuyên chở hàng hoá và hành khách.

Hai là, tăng cường công suất của hệ thống giao thông công cộng. Giải pháp thu phí ở trên có thể xem là hiệu quả về mặt kinh tế, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp. Do đó, nguồn thu từ người sẵn sàng chi trả ở trên sẽ được dùng để nâng cấp chất lượng, tiện nghi và tăng độ phủ của giao thông công cộng, trước mắt là hệ thống xe buýt tại các trục đường có nhu cầu cao. Về lâu dài, với dân số lớn và mật độ cao, tình hình sẽ chỉ được cải thiện đáng kể khi hệ thống đường sắt đô thị đã được Chính phủ phê duyệt từng bước được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ba là, nghiên cứu quy hoạch đô thị và phân bố dân cư. Câu chuyện đang gây tranh cãi là có nên xây chung cư trong nội thành hay giãn dân ra ngoại thành. Trong khi xu hướng chung là phần lớn công việc văn phòng tập trung ở nội thành, việc giãn dân ra ngoại thành quá mức có thể tăng số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tại các trục đường chính.

Ở các thành phố lớn như Tokyo, Seoul, Sydney và Melbourne, có một tỷ lệ nhất định các toà nhà trong nội thành, là các chung cư, để cung cấp lựa chọn về chỗ ở cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng chung cư trong nội thành phải kiên quyết đi kèm với xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện và không gian công cộng.

Bốn là, xây dựng được bộ chỉ số để theo dõi các vấn đề nổi cộm của đô thị. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM luôn có nhiều vấn đề và không thể giải quyết tất cả một sớm một chiều. Do đó, các bộ chỉ số có thể giúp cơ quan chức năng theo dõi sự thay đổi hàng năm và trong dài hạn, cũng như nắm bắt nhanh chóng và ưu tiên nguồn lực cho các vấn đề như: chất lượng không khí, tình hình tắc nghẽn giao thông, sự tăng trưởng dân số và phương tiện giao thông cá nhân, số lượng người dùng phương tiện công cộng, tỷ lệ không gian dành cho giao thông...

Việt Nam đã lỡ nhịp trong việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội và TP HCM để đáp ứng sự phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của đất nước. Tuy muộn còn hơn không, các giải pháp đột phá, sáng tạo và có thứ tự ưu tiên sẽ là tiền đề để Hà Nội và TP HCM cải thiện tình hình giao thông như hình mẫu các thành phố hiện đại trong khu vực như Tokyo, Osaka và Seoul.

Hoàng Văn Phương
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top