Tiền đổ xuống, nước dâng lên

Trần Hữu Hiệp

Thành viên mới
Nhưng ông nông dân miệt vườn này vẫn điềm tĩnh trước các đợt triều cường kỷ lục năm nay. "Nước ngập cũng hơi bất tiện, nhưng mấy vụ nước lên, nước xuống này không đáng ngại, mình có thể nương theo con nước mà đi lại, làm ăn", ông nói

Mấy ngày nay, ông không bỏ sót bản tin thời tiết, thủy văn nào của Đài truyền hình Cần Thơ. Hôm qua nhà có giỗ, dân xứ này thường cúng ông bà buổi sáng sớm. Nay vì triều cường mà ông chuyển lễ cúng sang trưa, khi nước rút. Đó chỉ là một câu chuyện về cách người dân đồng bằng thích ứng hợp thủy, thuận thiên, vừa bằng kinh nghiệm dân gian vừa theo khuyến cáo, dự báo khoa học.

Theo dự báo thủy văn mới nhất, từ 23/10 đến 1/11, ĐBSCL vào đợt triều cường mới, vượt báo động 3. TP HCM cũng đang đối mặt với triều cường cao đến 1,73 m. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10. Dự báo, Nam Bộ còn 5 đợt triều cường từ nay đến cuối năm.

Nhiều năm qua, TP HCM, Cần Thơ và các đô thị thuộc lưu vực sông Tiền, sông Hậu và sông Sài Gòn - Đồng Nai liên tục bị ngập sâu, gây tắc nghẽn giao thông, đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng đời sống và sinh kế người dân. Chưa có thống kê mức độ thiệt hại do triều cường, ngập lụt ở các đô thị miền Nam, nhưng chỉ riêng tại TP Thủ Đức, theo chuyên gia cao cấp về rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới, ước tính "thành phố sáng tạo" thiệt hại 54 triệu USD mỗi năm. Tổn thất này sẽ tăng lên 84 triệu USD vào năm 2050, bằng 10-20% ngân sách địa phương, nếu không có các giải pháp thích ứng và chống chịu.

Nhưng để có giải pháp phù hợp, phải xác định đúng nguyên nhân. Ngập do biến đổi khí hậu, triều cường, nước dâng, sụt lún đất, hay nguyên nhân nào khác?

Bên cạnh lực hấp dẫn của mặt trăng, năm nay triều cường dâng cao kỷ lục do có thêm tác động từ các yếu tố khí tượng, thủy văn. Các đợt triều cường rơi vào dịp không khí lạnh khá mạnh từ phía Bắc xuống, cùng gió chướng xuất hiện sớm, mưa lớn tại chỗ. Ở ĐBSCL còn có yếu tố nuớc đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu năm nay cao hơn các năm trước đổ xuống, gặp nước từ cửa sông tiếp giáp biển đẩy vào, cả hai phía dồn lại tạo ra áp lực triều cường làm nước dâng lên.

Nhưng có phải chỉ là chuyện "trên trời, dưới sông, ngoài biển"? Những lúc không có triều cường, chỉ vài trận mưa lớn kéo dài, ngập lụt đã diễn ra. Các nhà khoa học nhận diện, hiện tượng "ngập tràn cục bộ" tại các đô thị có tác động của thủy điện đầu nguồn, thời tiết, chế độ thủy văn, triều cường, nhưng còn do con người đã cướp mất không gian của nước, kéo nước lợi từ sông thành nước hại dâng lên ngập sâu trên phố.

Nhiều kênh rạch tự nhiên tại các đô thị lớn nhỏ bị xóa sổ, nhường chỗ cho công trình xây dựng tận dụng từng mét vuông đất vàng. Hệ quả là một con đường được nâng cao gây ngập nặng nhiều đường khác. Các thành phố lớn nhỏ, cũ mới đều trong tình trạng quy hoạch lỗi thời, thiếu giải pháp đồng bộ, mạnh ai nấy làm, thiếu phối hợp, thừa chồng chéo.

Chương trình chống ngập ở TP HCM và các tỉnh hàng chục năm qua tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng ngân sách, nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Từ nhiều năm trước, TP HCM lập hẳn một cơ quan chuyên trách - Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước, được đầu tư kinh phí lớn. Trung tâm có tổng vốn đầu tư hơn 73.300 tỷ đồng nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi.

Để khắc phục, bên cạnh chi tiền chống ngập, cần chuyển từ tư duy chống ngập triệt để sang điều tiết nước linh hoạt, với các tính toán khoa học và thực tế, đồng thời thích ứng bằng cách điều chỉnh lịch làm việc, thời gian đi lại.

Những năm làm việc tại Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi nhận ra, hệ thống chợ nổi ở ĐBSCL rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những khu chợ hình hành tại nơi hợp lưu của các nhánh sông, ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy sông là một minh chứng cho sự nắm bắt, tìm cách thích nghi với con nước để giao thương của người dân.

Hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, Vàm Cỏ và sông Tiền, sông Hậu đều chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn "bán nhật triều". Từ xưa, người miền Nam đã biết thuận thiên trong sinh hoạt, đi lại, sản xuất theo nước lớn, nước ròng, con nước rong, nước kém hàng ngày.

Đợt triều cường vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cũng phản ứng nhanh bằng cách cho các trường có thể chuyển từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến từ 11 đến 13/10. Một số đại học trong vùng cũng thích ứng kịp thời.

Ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 10/2022, nhiều nơi đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong tổ chức đưa đón; căn cứ vào dự báo triều cường, chủ động quyết định thời gian đến trường, tan trường, tạm nghỉ cho phù hợp.

Những điều chỉnh nhỏ này cho thấy, người dân, doanh nghiệp, trường học hoàn toàn có thể dựa vào khuyến cáo của cơ quan dự báo thời tiết, thủy văn để thay đổi lịch làm việc, đi lại cho phù hợp.

Trong bối cảnh các biện pháp chống ngập đang trong tình trạng "tiền đổ xuống, nước dâng lên", việc quản lý, điều hành của các ban ngành thành phố nên linh hoạt, kế thừa kinh nghiệm sống chung với con nước của người dân Nam Bộ từ bao đời nay.

Biết cách xoay xở, thích ứng tốt trước khó khăn hiện tại để giảm thiểu thiệt hại cho người dân là phẩm chất cần có của chính quyền trước khi nói đến tham vọng xây dựng những thành phố thông minh, sáng tạo.

Trần Hữu Hiệp
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top