Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
THỦ LĨNH

Hôm nay mình suy nghĩ về vị trí của một thủ lĩnh.
Sự khác biệt lớn nhất giữa một người đứng đầu và các thành viên khác trong nhóm là gì?
Ai sẽ là người được chọn trong số các thành viên để trở thành thủ lĩnh của nhóm?
Có phải là người sôi nổi nhất không?
Có phải là người giỏi nhất không?
Có phải là người lớn tuổi nhất không?

Leader 1.jpg


Tất cả những khả năng ấy đều có thể xảy ra, nhưng không đúng trong tất cả các trường hợp.
Mình nhìn đi nhìn lại các đội nhóm, kể cả các nhóm học tập lẫn nhóm bạn bè, người được chọn làm thủ lĩnh đôi khi không phải là người sôi nổi, không phải là người lớn tuổi nhất, cũng không phải là người giỏi nhất, nhưng chắc chắn phải là người có khả năng chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm, cái từ ấy nghe có vẻ thật nặng nề.

Mà đúng là nó nặng thật!

thu linh.png


Khi bạn là một thành viên bình thường, khi kết quả của nhóm không tốt, bạn luôn có quyền chỉ trích, bình luận, phán xét, đánh giá thủ lĩnh của mình, bạn dễ dàng chỉ ra khuyết điểm hay sự hạn chế của họ. Điều đó rất dễ dàng, vì bạn không phải chịu trách nhiệm cho kết quả đó (thậm chí bạn còn không góp chút sức lực nào vào kết quả đó), bạn không phải đối diện với hàng đống lời khen chê và sĩ diện của bạn vẫn được giữ trong vòng an toàn.
Nhưng thử quay ngược lại, khi bạn ở vào vị trí của một thủ lĩnh, bạn phải có khả năng chịu được tất cả những rủi ro và phán xét đó, bạn chắc chắn sẽ bị đánh giá cùng với kết quả của nhóm mình.

Để có thể là một thủ lĩnh, phải đủ mạnh mẽ để chấp nhận rủi ro, và dám tin vào chính mình.
Ở vị trí đó, người ta phải có khả năng chịu đựng sự cô độc, vì không ai gánh giùm trách nhiệm, vì rất nhiều khi không ai cũng hiểu và san sẻ áp lực cùng bạn được, vì kể cả khi rất mỏi mệt thì bạn vẫn phải mạnh mẽ để là điểm tựa cho những thành viên khác trong nhóm.

Leader 2.jpg

Có một lần thầy kể chuyện cho tụi mình nghe: “Có em sinh viên kia hỏi thầy: “Nếu bây giờ thầy lên làm Bộ trưởng Bộ giáo dục, thầy sẽ làm gì? Thầy nói: “Nếu tự nhiên thầy được lên làm Bộ trưởng, thầy sẽ không biết làm gì cả.” Câu chuyện có vẻ lãng xẹt, vì thầy là người rất giỏi trong mắt học trò, sao lại trả lời như thế được. Nhưng rồi thầy giải thích: “Thật sự là như vậy, vì thầy chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, chưa bao giờ hình dung mình ở vị trí đó, nên khi tự nhiên ở nấc thang đó, thầy sẽ bị rối trí, không biết làm gì.”

Việc làm thủ lĩnh cũng thế. Mọi thứ cần phải tập luyện để quen dần. Làm một người đứng đầu phải bắt đầu là từ việc dám chịu trách nhiệm. Khi ta nhận trách nhiệm lớn hơn, đó là lúc con người mình cũng phải lớn hơn một chút. Ví như khi ta làm anh, làm chị của mấy đứa em, khi ta làm tổ phó, rồi làm tổ trưởng, rồi nhóm trưởng, rồi lớp trưởng, rồi Bí thư... Đó là điều kiện để ta trở thành một thủ lĩnh tại nơi mình sống, mình làm việc, hay chỉ giản đơn là trở thành một người thủ lĩnh của gia đình, là người cha, người mẹ có trách nhiệm và bảo vệ được con cái sau này.

Nếu bạn đang là một thủ lĩnh, hãy rèn luyện thêm cho mình sự mạnh mẽ và kiên định, và hãy luôn lạc quan dù có lúc bạn cô độc một mình. Khi là một thủ lĩnh, điều lớn lao bạn có là khả năng tự chủ, tự quyết định điều mình muốn đạt được, con đường mình muốn đi, cuộc đời mình muốn sống. Nếu bạn là một thành viên, hãy nhìn nhận thủ lĩnh của mình một cách khách quan và cảm thông hơn, hãy thấy sự nỗ lực của họ thay vì chỉ trích. Còn nếu bạn chưa bao giờ đảm nhận vị trí của một người đứng đầu, thì hãy tự hỏi mình vì sao như thế? Vì ta hèn nhát, ta quá ỷ lại vào người khác hay vì ta không cho mình cơ hội đế chịu trách nhiệm?

Hãy bắt đầu từng bước nhỏ, đi từng bước nhỏ, thành công từng bước nhỏ…

Tiến lên nhé!

Leader 3.jpg
 
Last edited by a moderator:

Bình luận bằng Facebook

Top