[Truyện] Các bài viết của Phạm Lữ Ân

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Phạm Lữ Ân [Lắng nghe lời thì thầm của trái tim]

Phạm Lữ Ân là một tác giả của H2T có nhiều bài cảm nhận rất hay. Đây là một tác giả mà Thiên Sứ yêu thích vì một lối viết vô cùng sâu sắc và gần gũi. Thực ra Phạm Lữ Ân là bút danh chung của hai vợ chồng Luận - Vy (hi hi,cái này mới biết luôn). Qua từng lời văn màPhạm Lữ Ân viết, mình học được nhiều thứ hơn qua những cách nhìn nhận nhiều phía của một vấn đề. Đôi khi đọc những bài viết của anh cũng là cách để học cách nhìn cuộc sống theo những phương diện khác.

Topic này mở ra hi vọng các bạn sẽ biết đến thêm một tác giả mà có thể bạn cũng thấy hợp với mình :mimcuoi:
Các bạn có thể đọc thêm các bài viết của Phạm Lữ Ân tại trang http://www.luanvy.com/
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Yêu hơn một người

Yêu hơn một người?
- Phạm Lữ Ân
Nếu em đã hỏi thì quan điểm của tôi là: hoàn toàn có thể. Tại sao người ta có thể yêu cùng lúc mười hai đứa con (thậm chí vừa con nuôi lẫn con ruột), yêu cùng lúc năm ông anh bà chị mà lại không thể ỵêu hai người đàn ông hay đàn bà cùng lúc?

Việc khuyến cáo “chỉ nên yêu một người” cũng giống như khuyến cáo “đang lái xe đừng nhìn cô gái đẹp bên kia đường” vậy. Nó góp phần giảm rủi ro và ngăn cản tai nạn giao thông. Nhưng nếu em có đủ khả năng để vừa nhìn, vừa lái xe, tôn trọng luật giao thông và không gây tai nạn cho người khác thì…

Tuy nhiên, cái thực tế mà em nhìn thấy: một người đàn ông quan hệ cùng lúc nhiều người phụ nữ, những ông chồng không chung thủy, những cô gái phân vân giữa hai chàng trai… không đơn giản là những ví dụ của…yêu hơn một người cùng lúc. Nó có thể là sự đam mê thể xác, toan tính bạc tiền, trò chơi chinh phục…

Thôi được, tôi đồng ý là chúng ta chỉ nói đến tình yêu thuần túy, vô vị lợi, hoàn toàn thuộc về cảm xúc. Có thể yêu hai người cùng lúc bằng tình yêu thực sự không?

Nếu em đã hỏi thì quan điểm của tôi vẫn là: hoàn toàn có thể.

Tình yêu là điều rất khó lý giải. Người ta thường nói, tình yêu không có biên giới. Điều đó đúng với tuổi tác, giai cấp, màu da, chủng tộc…thậm chí đúng với cả …giới tính và đương nhiên, số lượng. Chuyện yêu cùng lúc hai ba bốn năm hay sáu người gì đó là chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân. Không phải mối tình nào cũng kết thúc với lòng thù hận, bởi thế, không ít người phải đối phó với tình trạng hình ảnh người yêu cũ chưa chịu vẫy tay chào mà hình ảnh người yêu mới đã ào ào xông tới. Em hoàn toàn có thể giữ lấy hai hình ảnh đó trong tim mình, người yêu của em cũng vậy. Dù sao trái tim cũng là thứ khó kiểm soát và chẳng ai biết được ta giấu gì trong tim ta.

Nhưng, trong khi yêu bao nhiêu người cùng lúc luôn là bí mật của riêng trái tim em, thì việc tồn tại trong mối quan hệ yêu đương với hơn một người cùng lúc lại không còn là vấn đề riêng nữa.

Mọi con người đều có quyền tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Điều tối quan trọng trong mọi mối quan hệ, giữa người với người, đó là sự tôn trọng. Chúng ta phải tôn trọng quyền được biết và quyền được lựa chọn của đối phương. Nếu em không thể (hay không muốn) chọn lựa thì em vẫn phải trả cho những đối tượng kia quyền chọn lựa của họ. Thực tình, không mấy người kết án trái tim đâu, người ta chỉ kết án những toan tính ích kỷ của cái đầu. Người ta dễ thông cảm với một trái tim đa đoan, nhưng hiếm khi tha thứ cho sự lừa dối. Bởi tình yêu thường không liên quan gì đến đạo đức, nhưng cách ứng xử với con người thì có.

Tôi biết một người đàn ông có đến bốn bà vợ sống rất vui vẻ với nhau. Bí quyết của ông là trước khi đến với ai, ông đều thành thật kể với họ, rồi kể với các bà vợ mình. Nếu tất cả đồng ý thì ông tới luôn. Nếu một trong các bà từ chối thì ông không theo đuổi nữa. Đa số mọi người nể trọng ông thay vì phê phán. Tôi chắc cả thế giới này đều có lúc mong được như ông (joke). Tuy nhiên, ít ai đủ bản lĩnh, đủ thành thật như ông. Vấn đề duy nhất là trong nhà ngoài ngõ từ vợ cho đến người xa lạ ai gặp ông cũng hỏi: “Trong bốn bà, ông yêu bà nào nhất?” Đó là việc duy nhất khiến ông phải đau đầu đối phó và là bí mật duy nhất mà ông quyết không trả lời nhằm giữ hoà khí giữa bốn bà, bởi như một câu danh ngôn mà tôi quên mất tên tác giả: “Một người được yêu chỉ thật sự hạnh phúc khi biết mình đã được yêu hơn ai.” Những bi kịch trong cung cấm thời xưa thường bắt đầu khi ông vua trả lời câu hỏi đó, dù bằng lời hay bằng hành động.

Vì tình yêu không giống nhau ở mỗi người, tôi không thể mang cảm giác khi yêu của tôi gán ghép cho người khác. Tôi không dám khẳng định rằng vì tôi chỉ yêu có một người trong một thời điểm nghĩa là cả thế giới cũng (phải hay nên) như vậy. Tôi chỉ muốn chia sẻ với em, từ góc độ cá nhân, tôi tin rằng, khi ta yêu một người nào đó, ta đã trao hết cả trái tim, tâm trí, thời gian và chẳng còn gì để dành cho một người khác nữa. Khi ta yêu một người nào đó, ta thậm chí quên hết cả thế gian…

Một anh bạn của tôi thú nhận rằng lý do để anh phải chọn chỉ một người rất đơn giản: Anh không đủ tiền, thời gian và sức lực để ngồi chịu trận trong rạp xem bộ phim --- and the City hai lần, đi hội chợ triển lãm nữ trang và áo cưới hai lần trong một tuần…Phải mua hai món quà trong ngày Valentine và băn khoăn không biết nên ăn tối với ai trong ngày sinh nhật của chính mình…Và dù sao thì anh cũng chỉ dẫn được một cô về ra mắt mẹ để xin cưới.

Tôi cũng gặp vài người ưa thích quá trình sàng lọc, nhưng số đó ít thôi, còn đa số những người khác cả đàn ông lần phụ nữ mỗi lần yêu đều hy vọng tìm được đúng người để đi đến hôn nhân. Cho dù em nghĩ về hôn nhân một cách lạc quan hay bi quan, thì khi thực sự yêu ai đó em cũng mong muốn gắn kết với người ấy đến cuối cuộc đời.

Tình yêu không phải là điều chỉ đơn giản xảy ra rồi tồn tại như thế mãi. Nó bắt đầu bằng một chồi non - một rung động khi nhìn thấy người ấy. Nhưng nếu em chỉ rung động mà không nhìn thẳng vào mắt người ấy lần nào thì tình yêu như cánh chim không có chỗ đậu. Nếu em chỉ nhìn mà không nói thì tình yêu sẽ chết non. Nếu em chỉ tỏ tình rồi để đó đi làm việc khác mà không dành thời gian trò chuyện, hẹn hò, cà phê, xem phim cuối tuần, dự sinh nhật, tâm sự, chia sẻ, động viên, cãi nhau, khóc lóc, giận dữ rồi làm hoà thì tình yêu sẽ bị suy dinh dưỡng.

Yêu thì không khó, nhưng sống cùng tình yêu thì không dễ.

Tôi còn nhớ tấm thiệp mà tôi mua cho kỷ niệm năm năm ngày cưới của mình. Một cánh chim tung gió trên trời. Một con cá kiếm dưới biển. Cả hai lao vào nhau, gặp nhau ở ngay mặt nước và cùng biến đổi, kết hợp thành một…con thuyền. Chim trời hoá thành cánh buồm. Cá nước hoá thành thân thuyền. Trước mặt là biển rộng. Đó là một hình ảnh ví von hoàn hảo. Tình yêu chính là quá trình biến hoá đó. Nó thực sự là như vậy. Nó đôi khi, không hề dễ dàng mà đầy những trải nghiệm đau đớn. Tình yêu, không chỉ là gặp gỡ và đồng hành. Tình yêu cũng không phải là sự tận hiến từ một phía mà là kết hợp trong một quá trình hoá thân cùng nhau. Ta vẫn kết nối với môi trường nuôi sống ta, nhưng cũng không còn hoàn toàn là ta nữa. Để sống cùng với tình yêu thực sự thì phải chấp nhận điều đó.

Em có khả năng hiến mình trong bao nhiêu quá trình hoá thân như thế - cùng một lúc - nếu em nói những mối tình hiện tại của em đều là yêu thực sự?

Phạm Lữ Ân
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi!”

Sáng nay, trong khi sắp xếp những chồng thư cũ, tôi tình cờ đọc lại một bài thơ ngắn của Jacques Prévert mà cô bạn cũ đã nắn nót chép tặng trên một tờ thư có in hoa rất đẹp. Bài thơ vỏn vẹn năm câu được cô đặt vắt qua hai trang giấy một cách đầy ngụ ý.
Trang thứ nhất:
Tôi sung sướng và tự do
Như ánh sáng
Bởi hôm qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy yêu tôi.

Hai câu cuối bị đẩy qua trang sau:
Anh ấy đã không nói thêm
rằng anh ấy sẽ yêu tôi mãi mãi…
Khi đọc bài thơ này cách nay hai mươi năm, tôi đã cảm nhận nó bằng một tâm hồn tươi trẻ. Bây giờ, cuộc sống đã giúp tôi nhìn khác đi về bài thơ trên trang giấy cũ này.
Cô gái trong thơ nhạy cảm và tinh tế, vì đã không đợi đến khi người mình yêu quay lưng mới xót xa nhận ra rằng tự do “như ánh sáng” chỉ là một thứ tự do mong manh. Hạnh phúc “như ánh sáng” là một hạnh phúc có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.
Nhưng giả sử chàng trai có nói thêm rằng “sẽ yêu mãi mãi”, hoặc có thề hứa trăm năm đi nữa… ai dám khẳng định trái tim chàng sẽ không đổi thay? Nếu từng đọc Ruồi Trâu, hẳn bạn còn nhớ đọan văn này: “Ràng buộc con người không phải là lời thề. Chỉ cần mình tự cảm thấy thiết tha với một điều nào đó, thế là đủ rồi.”
Ngoài sự “thiết tha tự nguyện” đó ra, chẳng có gì ràng buộc được trái tim con người, nên đừng tin chắc rằng ai đó sẽ mãi không đổi thay. Cũng không thể buộc ai đó không được đổi thay. Trên đời không có thứ vũ khí hay quyền lực tuyệt đối nào có thể níu giữ trái tim một khi nó đã quyết tâm rẽ lối. Cho dù đó là nhan sắc, một tình yêu sâu đậm, những kỷ niệm sâu sắc đắm say. Càng không phải là sự yếu đuối, sự khéo léo sắc sảo hay vẻ thông minh dịu dàng, sự giàu có hay thương hại…Những thứ đó có thể níu kéo một thân xác, một trí óc…nhưng không thể níu kéo một trái tim.
Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.
Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.
Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.
Sự thay đổi của người khác, nhất là ở người ta vô cùng yêu quý, chắc chắn khiến ta tổn thương. Nhưng hãy nhớ rằng người quân tử khi đã hết tình cảm thì thường tỏ ra lạnh nhạt. Như ẩn sĩ Urabe Kenkô trong tập Đồ Nhiên Thảo đã viết: “Khi người sáng chiều hết sức thân quen, không có gì ngăn cách bỗng một hôm lại làm mặt lạ và có cử chỉ khác thường, chắc hẳn sẽ có kẻ bảo: “Sao xưa thế kia mà bây giờ lại thế khác?” Theo ta, thái độ lạnh lùng đó chứng tỏ người ấy hết sức đàng hoàng và thành thật.”
Cuối cùng đó mới chính là cốt lõi của tình yêu, tình bạn và những mối quan hệ thân sơ khác. Sự thành thật, chứ không phải là lời hứa vĩnh viễn thủy chung. Bạn có thể yêu hay ghét. Thích hay không còn thích nữa. Chỉ cần thành thật, bạn sẽ luôn luôn thanh thản.
Tôi đọc lại lần nữa bài thơ ngắn ngủi trên tờ thư cũ, và cảm nhận một cách rõ rệt vẻ trách móc đắng cay dịu dàng rất đỗi con gái. Nhưng ít nhất cô gái trong bài thơ kia cũng biết rằng người yêu cô đã rất thành thật, khi không hứa một điều mà anh không tin chắc. Cô cũng biết trái tim con người là một tạo vật hoàn toàn tự do, và một khoảnh khắc đắm say hạnh phúc không hề là lời hứa hẹn vĩnh cửu.
Cô bạn yêu quý của tôi chắc cũng nhận ra điều đó, nên đã viết thêm một dòng chữ xinh xinh vào cuối trang thư, một dòng ngắn mà tôi không bao giờ quên được:
“Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi”.
Phạm Lữ Ân
 

Khôi Nguyên

Thành viên
Trái tim vốn là một tạo vật mong manh và thiếu kiên định. Vì vậy, hãy tin vào điều thiện, lòng tốt, vào nhân cách và năng lực…nhưng đừng tin vào sự bất biến của nhận thức và tình cảm nơi con người. Hãy tin là mình được yêu trong khoảnh khắc này, nhưng đừng chắc rằng mình sẽ được yêu mãi mãi. Nếu chịu chừa chỗ cho sự đổi thay, ta sẽ tránh được không ít tổn thương sâu sắc.

Phạm Lữ Ân có những bài viết thật sâu sắc. Đọc những bài viết này có những điều mà Khôi Nguyên học được rất nhiều. Tác giả có cách để khiến người ta chấp nhận những điều rất mới, những tư tưởng dù trái chiều nhưung lại rất sâu sắc và đáng để học hỏi. Hay chứ!
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Lắng nghe lời thì thầm của trái tim


- Phạm Lữ Ân


i8175_clipimage001.jpg


Hầu hết mọi người là người khác. Những suy nghĩ của họ là ý kiến của người khác, cuộc sống của họ là sự bắt chước, cảm xúc của họ là một câu trích dẫn."
- Oscar Wilde.




Khi đọc truyện Gasby vĩ đại của Scott Fitzgerald, tôi vô cùng thích thú với đoạn mở đầu: " Hồi tôi còn nhỏ tuổi, nghĩa là hồi dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu hơn bây giờ, cha tôi có khuyên tôi một điều mà tôi ngẫm mãi cho đến nay: Khi nào con định phê phán người khác thì phải nhớ rằng không phải ai cũng được hưởng những thuận lợi như con cả đâu. Ông không nói gì thêm, nhưng vì hai cha con chúng tôi xưa nay vẫn rất hiểu nhau, mà chẳng cần nhiều lời nên tôi biết câu nói của ông còn nhiều hàm ý khác. Vì vậy tôi không thích bình phẩm một ai hết. Lối sống ấy đã mở ra cho tôi thấy nhiều bản tính kỳ quặc, nhưng đồng thời khiến tôi trở thành nạn nhân của không ít kẻ chuyên quấy rầy người khác."

Tôi cũng rất thích một chi tiết trong truyện Doraemon, đó là mỗi khi Nobita và Doraemon lạc vào một thế giới khác, bất cứ thế giới nào, thì ở nơi đó cũng xuất hiện những nhân vật có nhân dáng tương tự Nobita, Xuka, Xeko, Chaien...nhưng tính cách lại có thể rất khác. Điều đó luôn khiến tôi mỉm cười.

Cuộc sống này cũng vậy....Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể giống ta. Ở đâu đó ngoài kia là những người có thể rất khác ta. Có người ưa tụ tập với bạn bè. Có người mải mê rong chơi. Có người chỉ thích nằm nhà để đọc sách. Có người say công nghệ cao. Có người mê đồ cổ. Có người phải đi thật xa đến tận cùng thế giới thì mới thỏa nguyện. Có người chỉ cần mỗi ngày bước vào khu vườn rậm rạp sau nhà, tìm thấy một vạt nấm mối mới mọc sau mưa hay một quả trứng gà tình cờ lạc trong vạt cỏ là đủ thỏa nguyện rồi. Tôi nhận ra rằng, hai sự phấn khích đó có thể rất giống nhau. Cũng giống như người ta có thể phản ứng rất khác nhau khi đứng trước thác Niagara hùng vĩ, người này nhảy cẩng lên và ghi nhớ cảnh tượng đó suốt đời, nhưng cũng có người nhìn nó và nói: "Thác lớn nhỉ?" rồi quên nó đi ngay sau khi trở về nhà mình. Sao ta phải lấy làm lạ về điều đó ? Sao ta phải bực mình về điều đó ? Sao ta lại muốn rằng tất cả mọi người đều phải nhảy lên khi nhìn thấy thác Niagara ?

Chúng ta vẫn thường nghe một người tằn tiện phán xét người khác là phung phí. Một người hào phóng đánh giá người kia là keo kiệt. Một người thích ở nhà chê bai kẻ khác bỏ bê gia đình. Và một người ưa bay nhảy chê cười người ở nhà không biết hưởng thụ cuộc sống...Chúng ta nghe những điều đó mỗi ngày, đến khi mệt mỏi, đến khi nhận ra rằng đôi khi phải phớt lờ tất cả những gì người khác nói, và rút ra một kinh nghiệm là đừng bao giờ phán xét người khác một cách dễ dàng.

Cách đây nhiều năm, khi xe hơi ở VN vẫn còn là thứ vô cùng xa xỉ, người bạn của tôi sau một thời gian quyết tâm dành dụm và vay mượn đã mua được một chiếc. Chỉ là một chiếc xe cũ thôi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh chỉ là một nhà báo với thu nhập vừa phải và vẫn đang ở nhà thuê. Gia đình phản đối nói anh phung phí. Đồng nghiệp xì xầm rằng anh đua đòi. Bạn bè nghi ngại cho là anh học làm sang. Và anh tâm sự với tôi rằng: từ hồi còn nhỏ xíu, anh đã luôn mơ mình được ngồi sau vô lăng, được tự lái xe lên rừng xuống biển. Ước mơ đó theo anh mỗi ngày. Vì vậy anh đã gom góp suốt thời gian qua, cho đến khi có thể mua được một chiếc xe cho riêng mình. Chỉ thể thôi. Rồi anh nhìn tôi và hỏi: Tại sao tôi phải trì hoãn ước mơ chỉ vì sợ người khác đánh giá sai về mình ? Sao tôi phải sống theo tiêu chuẩn của người khác ?

Tôi không thể tìm ra một câu trả lời đủ thuyết phục cho câu nói đó. Bởi thế, tôi luôn mang theo câu hỏi của anh bên mình. Nó nhắc tôi rằng, rất nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những điều người khác đã nói, sẽ nói và có thể nói mà không dám sống với con người và ước mơ đích thực của mình.

Một người bạn khác của tôi đeo đuổi việc làm từ thiện quyên góp, chia sẻ. Ban đầu vì lòng trắc ẩn. Rồi vì niềm vui cho chính bản thân. Rồi như một món nợ ân tình phải trả. Rồi như một cuộc đời phải sống. Chị như ngọn nến cháy hết mình cho người khác. Ấy vậy mà rất nhiều lần tôi thấy chị khóc vì những lời người khác nói về mình. Như vậy đó, kể cả khi ta hành động hoàn toàn vô vị lợi, cũng không có nghĩa là ta sẽ ngăn ngừa được định kiến và những lời gièm pha ác ý. Vậy sao ta không bình thản bước qua nó mà đi ?

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn gặp những người tự cho mình quyền được phán xét người khác theo một định kiến có sẵn. Những người không bao giờ chịu chấp nhận sự khác biệt. Đó không phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng ta chấp nhận buông mình vào tấm lưới định kiến đó. Cuộc sống của ta nếu bị chi phối bởi định kiến của bản thân đã là điều rất tệ, vậy nếu bị điều khiển bởi định kiến của những người khác hẳn còn tệ hơn nhiều. Sao ta không thể thôi sợ hãi, và thử nghe theo chính mình ?
49535c1c_lamomiabykst013yf5.jpg

Thật ra, cuộc đời ai cũng có những lúc không biết nên làm thế nào mới phải. Khi ấy, ba tôi dạy rằng, ta chỉ cần nhớ nguyên tắc sống cơ bản cực kì ngắn gọn: Trước hết, hãy tôn trọng người khác. Rồi sau đó, nghe theo chính mình. Hãy tôn trọng. Bởi cuộc đời là muôn mặt, và mỗi người có một cách sống riêng biệt. Chẳng có cách sống là cơ sở để đánh giá cách sống kia. John Mason có viết một cuốn sách với tựa đề "Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao" Tôi không biết nó đã được dịch ra tiếng Việt chưa, nhưng đó là một cuốn sách rất thú vị. Nó khiến tôi nhận ra rằng mỗi con người đều là một nguyên bản, duy nhất, độc đáo và đáng tôn trọng.

Tôi luôn xem nguyên tắc ấy như đôi giày mà tôi phải mang trước khi ra khỏi nhà. Xỏ chân vào đôi giày đó, và đi khắp thế gian, đến bất cứ nơi nào bạn muốn. con người sinh ra và chết đi đều không theo ý mình. Chúng ta không được sinh ra với ngoại hình, tính cách, tài năng hay sự giàu có mà mình muốn chọn lựa. Nhưng chúng ta đều có một cơ hội duy nhất để được là chính mình. Chúng ta có một cơ hội duy nhất để sống như mình muốn, làm điều mình tin, sáng tạo điều mình mơ ước, theo đuổi điều mình khao khát, yêu thương ngơời mình yêu. Bạn biết mà, cơ hội đó chính là cuộc đời này - một chớp mắt so với những vì sao. Bởi thế, đừng để mình cứ mãi xoay theo những tiếng ồn ào khác, hãy lắng nghe lời thì thầm của trái tim.

Happy-Dogs-Heart-1.jpeg
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Khi bạn đau lòng, đừng ngại rơi nước mắt



Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả.

(Edmond Burke)

Đó là một bộ phim hoạt hình, một siêu nhân đang đẩy một siêu nhân khác rơi xuống vực. Con trai tôi cau mày hỏi “Đó là siêu nhân xấu hay siêu nhân tốt?” “Tôi trả lời: “Đó là siêu nhân tốt”. Mặt bé dãn ra tỏ vẻ yên tâm. Và hài lòng. Một siêu nhân tốt đẩy một siêu nhân xấu rơi xuống vực thì không có gì là đáng buồn. Trong những bộ phim hoạt hình, cái ác chưa bao giờ chiến thắng.

Tôi ngắm nụ cười hồn nhiên và chợt băn khoăn, cậu bé của tôi đã sẵn sàng chưa, để nghe rằng cuộc sống phức tạp hơn thế? Cậu đã sẵn sàng chưa để tôi có thể nói rằng xấu và tốt không phải là hai chiếc sọt để chúng ta có thể phân loại con người. Nếu xấu và tốt là hai mặt của một bức tường, thì chúng ta, đa số đều đang bước chênh vênh trên bức tường đó. Sống là giơ tay ra để giữ thăng bằng. Vì vậy phải chú ý đến hành vi, bất kể ta là ai. Xấu và tốt là những gì xảy đến trong từng hành vi. Thậm chí, trong động cơ của những hành vi.

Bởi thế đừng quá tự tin vào mình. Đừng tin rằng mình mãi mãi là người tốt.

Chúng ta là người tốt, điều đó có nghĩa chúng ta có khuynh hướng thực hiện và tin tưởng điều tốt, nhưng không có nghĩa là chúng ta vĩnh viễn tốt. Và ngược lại. Đó là lý do những tội phạm có thể hoàn lương. Và đó chính là lý do có những người rất hiền lành bỗng dưng trở thành tội phạm. Như trong vở kịch Hamlet của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm cười, và trở thành một kẻ hung ác”

Chúng ta là người tốt. Nhưng có lúc chúng ta cười cợt trước một người điên. Chỉ một lần thôi. Chúng ta lạnh nhạt trước một lời cầu xin giúp đỡ. Chúng ta tỏ vẻ ghê sợ một người tàn tật. Ta dửng dưng trước một số phận xa lạ nào đó. Ta lợi dụng óc thông minh của mình để đẩy phần thiệt về phía người khác. Một lần thôi. Chỉ một lần ta bỏ phiếu chống lại sự chính trực. Nhưng chung quy ta vẫn là người tốt. Chỉ một hành vi nho nhỏ sẽ không ảnh hưởng gì đến cuộc chiến Thiện Ác.

Có thật vậy không? Tôi tự hỏi.

Những tin tức trên báo chí nhiều khi làm ta nổi giận và đôi lúc, khiến ta nản lòng. Người ta giết nhau, chà đạp nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau, người ta hành hạ những đứa trẻ, xua đuổi các cụ già, ăn chặn của kẻ nghèo khó hơn mình. Những yêu thương, chia sẻ của ta như hạt cát ném vào không trung, quá bé nhỏ trước nỗi bất hạnh của người khác.

Có người cho rằng con người đang trở nên vô cảm hơn. Nhưng tôi không muốn tin như vậy. Chúng ta chỉ dễ hoài nghi hơn. Như Mạnh Tử nói “Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã” - không có lòng trắc ẩn không phải là người vậy. Dù rằng lòng trắc ẩn không đem lại cho chúng ta niềm vui mà chỉ khiến ta cảm thấy đau nhói trong lòng, khiến ta thấy mình bất lực, thất bại. Khiến ta thấy mình như kẻ thua cuộc trước cái ác và những điều đau khổ. Nhưng không ai không có lòng trắc ẩn. Nó là một gánh nặng mà trái tim ta phải mang khi ta là một con người.

Nhưng thực tế là nhiều khi ta không bày tỏ lòng trắc ẩn bằng hành động, thậm chí, bằng những giọt nước mắt. Cả bạn, cả tôi. Vì bận rộn, vì lơ đễnh, vì ích kỷ? Có lẽ. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu là vì lý do này: chúng ta không tin rằng hành động của mình sẽ đem lại một kết quả rõ rệt. Rằng giọt nước mắt chẳng làm nên điều gì khác biệt. Rằng mọi việc ở ngoài tầm tay của ta.

Tôi biết, thế giới đầy những cuộc bầu cử gian lận. Ở đó, có những lá phiếu không được tính. Nếu bạn biết lá phiếu của mình là vô nghĩa, hẳn bạn không muốn đi bỏ phiếu hoặc không thực sự bỏ phiếu. Cũng như trong cuộc đời. Một bữa ăn cho trẻ lang thang và hôm sau đứa bé tiếp tục đói. Quét vài đống rác và hôm sau người ta tiếp tục xả rác. Nếu người ta tin rằng việc làm tốt của mình không thực sự có ý nghĩa, không thể tạo nên một thay đổi khả dĩ cho tình cảnh, người ta sẽ không muốn phí thời gian để thực hiện nó. Nếu ai đó tin cái Ác sẽ thắng, họ không muốn đấu tranh cho cái Thiện.

Nhưng may mắn thay, tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Đó là lý do khiến chúng ta phải tự hỏi mình mỗi ngày: hôm qua ta đã bỏ phiếu cho ai? Hôm nay ta sẽ bỏ phiếu ai? Ta muốn ai chiến thắng?

Chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh. Chúng ta đang sống chung trong một thời đại. Một cuộc tồn tại vĩ đại. Như những cơn động đất, mỗi hành vi nhỏ mà chúng ta tương tác với nhau đều tạo ra những lan truyền. Một đứt gãy nơi này khiến nơi khác rung chuyển. Một cơn động đất ở nơi này có thể dẫn đến cơn sóng thần ở nơi khác. Theo cách đó, giọt nước mắt của bạn sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi bạn, và đánh thức lòng trắc ẩn nơi người khác.

Cái ác, cũng như sự chết, vẫn diễn ra rải rác khắp nơi, ngay lúc này, kể cả khi ta không nhìn thấy nó. Bạn nhìn thấy nó thường xuyên, điều đó chưa chắc có nghĩa là nó nhiều hơn. Bạn không nhìn thấy nó, cũng chưa hẳn là nó đã ít đi. Và giảm thiểu cái ác, xoa dịu tổn thương, không chỉ là nghĩa vụ của một đất nước, một thế hệ, một nền giáo dục riêng lẻ mà mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, và đồng thời của từng con người một, trong từng giây ta sống.

Có lẽ, không có cuộc “tranh cử” nào công bằng và sòng phẳng hơn cuộc đua giữa Thiện và Ác. Chúng ta không biết cuộc tranh đua sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn ở đó mỗi lá phiếu đều được tính. Giọt nước mắt và nụ cười của ta được tính. Sự phẫn nộ hay thờ ơ của ta được tính. Mỗi hành vi của ta đều được tính.

Điều ta làm hôm nay, ngay lúc này, hoàn toàn có thể trở thành lá phiếu quyết định.



Phạm Lữ Ân








 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Tôi không cho niềm tin là món quà vô giá mà ta dành cho người khác. Bởi đôi khi, sự tin tưởng hoá ra là một việc rất… đơn phương và vô trách nhiệm. Nó có nghĩa bắt người kia vào rọ, không tính đến khả năng thay đổi của trái tim con người. Tin tưởng là trút gánh nặng sang vai người khác, bất kể người ta có chịu nhận nó hay không. Việc nhận định hay quyết định vấn đề không còn dựa vào sự thận trọng, tỉnh táo, sáng suốt hay sự nhạy cảm, bao dung của ta mà hoàn toàn giao phó cho người khác. Và khi họ thay đổi, ta thường nhân danh sự tin tưởng tuyệt đối mà mình đã tự nguyện gửi gắm để cho phép mình cái quyền được ghép tội họ.

Nhưng, bất cứ ai cũng có thể có lúc đổi thay.

Đôi khi nhìn lại những bài viết của Phạm Lữ Ân, tôi cảm thấy có những điều đau đơn, cay đắng, chua chát và phũ phàng của cuộc sống. Nhưng cuộc sống đã vốn chẳng dễ dàng như vậy. Cuộc sống phải như thế thì con người ta mới lớn lên được.

Có thể những điều Phạm Lữ Ân viết là những ý kiến có vẻ KHÁC NGƯỜI. Nhưng với tôi, nhữung cảm nhận đó mới chính thực là những điều người ta vẫn cảm nhận về cuộc sống này. Chỉ có điều không ai dám thăng thắn mà viết ra, hay có lẽ chưa có đủ ngôn từ để diễn tả hết được những điều đó.

Đọc và thấy thấm thía từng ngày. Những đợt sóng dữ, rồi sẽ qua...


---------- Post added at 10:40 AM ---------- Previous post was at 09:42 AM ----------

Tiền tài như phấn thổ?
Phạm Lữ Ân
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi ?

Khi còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ hát như vậy. Phấn thổ tức là bụi đất. Cứ theo câu "trọng nghĩa khinh tài" mà giải, tiền bạc quả thật đáng xem thường.

Thời gian qua đi, tôi lớn lên và nhìn thấy cuộc đời dường như không giống câu ca dao mẹ hát. Chúng ta vẫn được dạy rằng đồng tiền dễ làm tha hoá con người... rằng hãy tránh xa những người xem đồng tiền là trọng. Nhưng tôi chưa từng thấy ai kiếm tiền bằng trí lực của mình một cách chính đáng mà không xem trọng đồng tiền, dù họ giàu hay nghèo. Người ta nói đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi... Nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao nhà thờ và nhà chùa vẫn tiếp nhận nó như một thứ lễ vật mà ta vẫn thấy ?

Chúng ta thường có cái nhìn ngưỡng mộ khi nghe ai đó nói rằng " Tôi không quan tâm đến tiền bạc", nhưng rồi tôi đọc được câu này của Oscar Wilde: " Khi còn trẻ, tôi thường nghĩ rằng tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong đời sống, bây giờ khi tôi già, tôi biết là đúng như vậy".

Tôi đã sống qua nhiều năm tháng mới nhận ra bản chất của đồng tiền, và tôi ước gì khi tôi mới mười bảy tuổi, có ai đó đã nói cho tôi biết ý nghĩa đích thực của tiền, thứ mà chúng ta sẽ chạm đến mỗi ngày trong suốt cuộc đời, thậm chí có thể nhiều gấp hàng chục lần chúng ta chạm vào bàn tay ai đó mà ta thương yêu.

Tôi thực sự ưa thích cách nhìn về đồng tiền của nhân vật Francisco de Anconia trong tiểu thuyết Atlas Shrungged (Ayn Rand). Nhà tư bản công nghiệp này nói rằng: "Tiền bạc đòi hỏi anh nhận ra rằng con người phải làm việc để đạt được lợi ích chứ không phải để chịu tổn hại...Những người thật sự ham mê tiền bạc nỗ lực làm việc để kiếm được tiền, và họ biết rằng mình xứng đáng có được nó".

Phải chăng chúng ta nên trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó: một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đừng khoác cho nó uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân chúng ta: có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ tiền mua...

Mẹ tôi dạy rằng hãy luôn xài ít hơn số tiền mình kiếm được. Trong khi phần đông chúng ta thường xài nhiều hơn số tiền mình làm ra...Một người bạn của tôi tâm sự rằng đôi khi cô thấy mình là kẻ ngốc, vì sung sướng nhét một đống credit card trong ví để rồi mua những thứ mình không cần, bằng số tiền mình không có (mà vay qua credit card), cốt chỉ để lấy le với những người mình không quen. Sau đó è cổ ra cày để trả nợ. Có phải là vô nghĩa hay không ? Đó cũng là sự khác nhau giữa Credit Card (xài trước trả sau) và Debit Card (có bao nhiêu chỉ xài được bấy nhiêu). Tôi nhớ cái kinh nghiệm đau thương của cô, quyết định làm Debit Card thay vì Credit. Có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, không có thì đi window shopping cho vui vậy thôi. Ngân hàng chắc buồn nhưng tôi thì ngủ yên.

Trong bài hát This is the Life của Al Yankovic có một câu rất hay "So if money can't buy happiness, I guess I'll have to rent it" (Nếu tiền không thể mua được hạnh phúc, chắc tôi phải thuê thôi). Nhưng tôi tin rằng cái gì người có bán là tiền có thể mua được. Chắc chắn như vậy. "Tiền không mua được hạnh phúc" chẳng phải vì tiền không có đủ sức mạnh mà là vì không ai bán hạnh phúc. Giả sử tôi có đủ tiền để trả cho hạnh phúc của bạn, và nếu bạn thực sự hạnh phúc, bạn có bán nó cho tôi không ? Người ta dám bán cả các ngôi sao trên trời nhưng tôi tin không ai bán hạnh phúc nếu như họ có nó. Ngoại trừ trong các quảng cáo: tôi thấy trên internet người ta bán một căn nhà vách đất ở miền nông thôn nước Pháp với lời rao "Chúng tôi bán hạnh phúc, và bạn được miễn phí ngôi nhà".

Thật tài tình, chúng ta gần như phát điên lên vì shopping. Áo quần, xe cộ, đồ hi-tech...Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đôi khi ta không biết chắc mình đang mua cái gì. Có khi nào bạn trả tiền cho một chiếc mũ bảo hiểm và nghĩ rằng mình đã mua được sự an toàn tuyệt đối không ? Chúng ta vẫn nghe nhắc rằng "Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không mua được gia đình. Mua được thuốc men nhưng không mua được sức khoẻ. Mua được sách nhưng không mua được tri thức. Mua được chức tước nhưng không mua được sự kính trọng..." Đó là những lời thực sự đáng ghi nhớ.

Một người quen của tôi có một cái bình sứ do tổ tiên để lại, vẫn dùng để cắm hoa trên bàn thờ. Một hôm có người hỏi mua, anh mừng quá bán luôn. Sau anh mới biết cái bình đáng giá gấp ba mươi lần số tiền anh được trả. Quả đắng ấy anh nuốt mãi không trôi.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những giá trị khác. Giả sử người ta có thể mua bán tình yêu, tình bạn, danh dự...Hãy cho tôi biết đổi tình bạn lấy một cái nhà là lợi hay thiệt ? Nếu đổi tình yêu lấy danh tiếng ? Hay hạnh phúc gia đình lấy địa vị xã hội ? Đổi mối tình chân thật lấy một bóng sắc thoáng qua ? Đổi sự tôn trọng lấy những lời tung hô vô vị ? Đổi sự chính trực của mình để lấy vài trăm triệu đồng thì khôn ngoan hay là không ? Hạnh phúc của người yêu ta với hạnh phúc của người ta yêu, bên nào nhẹ hơn, bên nào thì nặng ? Câu trả lời có thể khác nhau với mỗi người, nhưng có một sự thật là việc đánh giá sai giá trị của "món hàng" không những khiến ta bị thiệt hại mà còn khiến người khác nhìn ta như một kẻ thiếu khôn ngoan. Nhiều bi kịch xảy ra chỉ vì người ta đánh giá sai các giá trị khi đổi chác, những tiếc nuối xót xa hối hận dày vò cũng bắt đầu từ đó. Vậy thì hãy chắc chắn rằng mình đánh giá đúng giá trị của những gì chúng ta muốn mua, hoặc bán. Để sau một cuộc đổi chác, thứ có được vẫn tương xứng với những gì mà ta đã trao đi.

Tiền tài như phấn thổ

Tôi hỏi mẹ sao cứ hát hoài câu đó, vì tôi không thể coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình như bụi đất được. Mẹ tôi trả lời rằng câu hát ấy không có ý nói tiền là thứ đáng coi khinh. Nó chỉ nhắc ta nhớ rằng: đồng tiên có thể bị mất giá, nên những gì tiền mua được cũng có thể bị mất giá. Những tờ tiền có thể tan thành bụi đất, và những thứ mua được bằng tiền cũng vậy.
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
beachyhed_1x1.jpg
Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời

Phải làm gì đây khi bị cô bạn gái mình đang để ý ngang nhiên “phán” rằng em là chàng trai “đã thành niên mà chưa trưởng thành”, trong khi cô ấy chào đời sau em tới…mười ba tháng?. Đau quá!
Ừ, tôi hiểu em. Đau lắm!
Đối với nam giới, được công nhận là “đã trưởng thành” chính là thành công đầu tiên cần phải đạt được, trước tất cả những thành công khác. Nghĩa là anh phải trở thành “một người đàn ông chân chính” trước khi trở thành bất cứ thứ gì khác trong đời.
Hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng, cũng là một nhà khoa học Việt sống tại Nhật đã viết về ngày trưởng thành của con trai mình như thế này:
Trong ngày trưởng thành, các bạn Nhật của con đeo cà vạt, vận kimono, tập trung tại toà thị chính,
nghe ông thị trưởng giảng đạo đức.
Sau đó chúng kéo nhau đi Shibuya và Harajuku
hát karaoke, rồi uống rượu say khướt.
Trong ngày trưởng thành, ký túc xá của con chìm trong đêm rét buốt,
tuyết dày một mét phủ ngoài sân.
Con ngồi trong phòng, trước laptop, thiết kế một toà nhà
dựng trên sa mạc Sahara.
Đối với người này, sự trưởng thành nghĩa là được phép uống rượu say khướt, còn với người khác nó nghĩa là bắt đầu hiện thực hoá một ước mơ.
Với em thì trưởng thành nghĩa là gì?
Thật tiếc là chúng ta không có một lễ trưởng thành như Nhật Bản và Hàn Quốc. Mười bốn tuổi, chúng ta có quyền làm chứng minh thư. Mười tám tuổi, được đi bầu cử và có đầy đủ quyền công dân. Mặc dù vậy, không có ai nghiễm nhiên được công nhận là đã trưởng thành vào tuổi mười tám. Cũng không ai làm lễ cho ngày nhận chứng minh thư hay lần đầu tiên đi bầu cả. Có phải vì không có dấu mốc rõ rệt nên chúng ta không có sự khao khát trưởng thành cũng như khao khát khẳng định sự trưởng thành của mình. Và vì thế mà có không ít thanh niên đến kỳ thi đại học vẫn không biết mình muốn học ngành gì. Tốt nghiệp xong vẫn không biết mình có ưa thích nghề này không. Bị công an giao thông phạt thì thưa rằng em không biết luật quy định như vậy. Và rất nhiều người khác dù đã vượt xa cái tuổi 18 mà vẫn hành xử như con trẻ.
Để chứng tỏ sự trưởng thành, em có thể học cách hành xử giống như những người trưởng thành. Tuy nhiên, sự trưởng thành không phải là để chứng tỏ. Thật ra, trưởng thành không phải là một thành tích có thể đạt được qua một đêm, mà là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Chúng ta đạt đến sự trưởng thành ở từng khía cạnh khác nhau vào mỗi thời điểm khác nhau trong đời sống. Có thể em trưởng thành trong tiêu xài ở tuổi lên mười, khi đã biết trân trọng từng đồng bạc mẹ cho. Em có thể trưởng thành trong ứng xử ở tuổi mười lăm, khi biết bày tỏ thái độ tôn trọng người đối diện. Nhưng có thể đến năm ba mươi tuổi em vẫn chưa trưởng thành về tình cảm, nếu em còn tin rằng tình yêu không thể chỉ được cảm nhận mà luôn cần phải được chứng minh…
Dù sao thì việc bị gán cho cái mác “thành niên mà chưa trưởng thành” là thất bại đáng buồn đối với bất cứ ai. Tôi không biết vì sao cô bạn em khẳng định là em chưa trưởng thành và về phương diện nào. Nhưng nhìn từ một góc nào đó thì tôi cho rằng cô ấy đã nhận xét đúng. Có nhớ hôm kia em kể với tôi rằng từ miền Trung vào em “phải tự đi xe đò vào Sài Gòn, tự tìm nhà trọ, tự mua bản đồ và hỏi tìm đường đến điểm thi, không có ai đi theo cả”. Em kể với sự buồn bực không hề che giấu. Em trách cha mẹ mình đã không như hàng triệu người cha người mẹ khác, lặn lội đường xa để đưa con mình từ quê nhà ra thành phố dự kỳ thi đại học, theo xe ôm đưa con đến phòng thi, rồi ngồi vạ vật đợi con đến tận trưa ngoài cổng. Tôi lấy làm lạ. Đáng lẽ đó là điều em phải tự hào mới đúng, sao lại tủi thân? Mười tám tuổi và vẫn chưa muốn (hay chưa được phép?) tự đi thi một mình, lẽ nào em cũng là một trong những người trẻ đang tìm cách trì hoãn sự trưởng thành của mình?
Em có biết, cũng như tuổi già, trưởng thành là một quá trình không thể ngăn cản, trước hay sau, nhanh hay chậm chúng ta cũng buộc phải trưởng thành. Sự trưởng thành là kết quả của những biến cố, những vấp ngã, những va chạm, những kiến thức và những cảm nghiệm mà ta thu nhặt được trên đường đời. Nhưng cũng vì vậy mà sự trưởng thành có thể bị trì hoãn, cũng như có thể được thúc đẩy…một cách khách quan hay chủ quan.
Có người nói với tôi rằng con người chúng ta cũng như những cái cây, và có những người giống như cây bonsai vậy. Cây bonsai không phát triển về tầm vóc, nhưng nó vẫn trưởng thành.
Ở Mỹ, những trẻ vị thành niên trên 14 tuổi có thể trình Thỉnh nguyện thư lên Thẩm phán để xin hưởng Quyền trưởng thành. Người hưởng Quyền trưởng thành được hưởng một số quyền pháp lý của người lớn như ký hợp đồng, tự chọn nơi sinh sống, định đoạt tài sản riêng và tự ghi danh đi học…Tuy nhiên, người đó sẽ phải tự lo liệu tài chính cho bản thân, tự mua bảo hiểm y tế, nha khoa, xe cộ, tự trả các hóa đơn của mình.
Một người bạn của tôi tâm sự rằng, khi cha anh mất vào năm anh 13 tuổi, một phần con người anh đã chết theo ông, và phần còn lại trưởng thành gần như ngay lập tức, khi anh phải đối diện và xử lý tất cả những việc còn lại của gia đình, thay cha chăm sóc mẹ và hai cô em gái nhỏ. Không còn chọn lựa, vào năm 13 tuổi, anh buộc phải trưởng thành.
Em hỏi rằng làm sao để biết mình đã trưởng thành hay chưa ư? Tôi sẽ nói em nghe điều tôi nghĩ: em trưởng thành khi em đủ mạnh mẽ để trở thành một điểm tựa, dù là điểm tựa của bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình.
Khi ấy, một người đàn ông sẽ ra đời.

Phạm Lữ Ân
 

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
Càng đọc càng thấy thấm.
Những bài học để trưởng thành.
 

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
Đó cũng là khi ta lạc mất nhau rồi

Mênh mông quá khoảng trống này ai lấp
Khi thanh âm cũng bất lực như lời
(Khúc mùa thu - Hồng Thanh Quang)


Tôi biết chuyện của cô một cách tình cờ. Mẹ cô là bạn thân của dì tôi, vẫn còn thảng thốt khi kể lại chuyện cô con gái 19 tuổi vừa được cứu sống sau khi cắt cổ tay tự tử vì thất tình. Mối tình kéo dài từ năm lớp mười cho đến khi cô vào đại học. Trước khi đi du học, bạn trai cô hứa hẹn rất nhiều, kể cả chuyện cố kiếm học bổng để đưa cô theo... Nhưng chưa đầy một năm, anh đã công khai sống chung với một cô gái khác bên xứ người, và đề nghị chia tay cô qua email.

Mẹ cô tìm cách an ủi: "Nó như vậy là không xứng với con, đừng tiếc làm gì". Cô chỉ cười lớn: "Có gì đâu! Ba đồng một mớ đàn ông mà mẹ, con không quan tâm đến ảnh nữa". Vậy nên bà cứ đinh ninh là cô đã nguôi ngoai rồi. Ai ngờ cô "nói một đằng nghĩ một nẻo", lòng vẫn ấp ủ thương nhớ, căm hận, đến nỗi cắt cổ tay. May mà gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời.

Mẹ cô rơi lệ khi tâm sự: "Tính nó là vậy, có gì buồn thường không nói ra, chỉ giấu trong lòng, còn mặt ngoài cứ cười hơ hớ. Lúc nó nhỏ tui luôn nhớ đến điều đó, mà sao bây giờ nó lớn tui lại quên. Nó nói "có gì đâu" là tui cho qua liền. Cái nhạy cảm của người làm mẹ như tui để đâu rồi không biết nữa".

Đó là một lời tự trách. Nhưng tôi nghe như một câu hỏi vậy.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng những đứa trẻ sơ sinh có thể cảm nhận được những cảm xúc của người khác. Hẳn nhiên, trước tiên là cảm xúc của mẹ chúng. Nếu người mẹ vui sướng, hạnh phúc, đứa trẻ sẽ tỏ vẻ mãn nguyện, ngủ ngon, hay cười. Nhưng nếu người mẹ lo lắng, buồn phiền, đau khổ hoặc không muốn có con thì đứa trẻ sẽ phản ứng theo cách khác. Nó bú ít, khó ngủ, quấy khóc nhiều, cáu bẩn, đau bụng...Mặc dù người mẹ không hề tỏ ra điều gì khác thường khi chăm sóc bé.

Thật lạ lùng phải không ? Dường như chúng ta được sinh ra đời cùng với một món quà vô giá, đó là sự thấu cảm bẩm sinh. Và rồi món quà ấy mai một dần theo thời gian. Hay chính ta đã vứt bỏ nó đi trong hành trình sống của mình.

Như Daniel Goleman, tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng Trí tuệ cảm xúc và Trí tuệ xã hội đã nhắc chúng ta rằng, sự thấu cảm là một phần của trí tuệ xã hội. Và chúng ta đang đánh mất nó. Chúng ta tưởng mình đang được kết nối, khi friendlist trong Facebook của ta dài ra từng ngày. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta đang mất dần kết nối với nhau. Chúng ta say sưa với ảo tưởng nắm bắt được cảm xúc của những người quen ở nơi xa xôi nào đó, thậm chí cả người xa lạ, trong khi vô tình thờ ơ với người thân thuộc đang ở ngay bệnh cạnh mình. Mạng lưới rộng đến nỗi một đứa gãy nhỏ bên cạnh làm ta không để tâm. Nhưng chính những đứt gãy nhỏ kề cận, chứ không phải những đứt gãy rời rạc ở xa, mới làm ta trở thành một tinh cầu cô độc.

Có vẻ như càng ngày chúng ta càng phải dựa dẫm quá nhiều vào ngôn ngữ, để có thể hiểu nhau. Khi hỏi thăm một ai đó: "Mọi chuyện sao rồi?" và câu trả lời: "Cảm ơn. Vẫn tốt" làm chúng ta dễ dàng hài lòng đến nỗi chúng ta bỏ qua những gì có thể nằm sau những câu nói. Sự mệt mỏi nơi khóe môi. Nét buồn trong ánh mắt. Sự nhạy cảm, hay đúng hơn là khả năng thấu cảm của chúng ta giờ đây giống như chiếc ăngten bị bỏ quên. Nó vẫn ở đó nhưng không ai dùng nó để bắt sóng nữa.

Chúng ta dựa vào từ ngữ nhiều đến nỗi, khi ai đó nói rằng chúng ta không hiểu gì về họ cả, chúng ta sẽ trả lời rất nhanh: "Bạn không nói làm sao tôi hiểu được" như thể việc chúng ta không hiểu hoàn toàn do lỗi của họ.

Sách vở thường viết rằng, hai thế hệ rất khó hiểu nhau, cha mẹ và con cái không hiểu nhau, đàn ông và phụ nữ không hiểu nhau. Vì chúng ta bày tỏ theo những kiểu khác nhau, chúng ta diễn giải sự việc theo cách khác nhau, chúng ta dùng từ ngữ với những ý nghĩa khác nhau.

Tôi tự hỏi, có phải ta đã chấp nhận những lý lẽ ấy như sự biện hộ cho chính mình. Và quên rằng vẫn còn có một cách khác để hiểu. Rằng sự giao tiếp thực sự giữa con người với nhau có thể vượt qua ngôn ngữ. Đó là cách mà những người yêu thương nhau thường dùng, khi họ thực sự yêu thương.

Yêu và biết cách yêu là hai điều khác nhau, phải vậy không?

Ta luôn có thể yêu cho bản thân mình, bằng cách nào cũng được, nói hay không nói, chia sẻ hay không chia sẻ, nhưng để yêu cho người khác thì phải biết cách yêu - tức là biết cách bắt sóng cảm xúc của người ấy để vuốt ve yêu thương, chia sẻ với chính mình những cảm xúc thường tìm cách lẩn trốn ấy. Đó là khi ta giao tiếp không phải để bày tỏ chính mình mà là để thấu hiểu người ấy. Nói hay thinh lặng không phải để mở cửa tâm hồn chính mình, mà tìm đường vào tâm hồn người ta yêu. Đó là khi ta lắng nghe, không chỉ những lời nói, mà lắng nghe một làn sóng, một tín hiệu vô thanh. Những tín hiệu yếu ớt của cảm xúc.

Cũng Daniel Goleman, trong một bài phỏng vấn đã nói đại ý rằng, chúng ta hoàn toàn có thể mài giũa trí tuệ xã hội của ta, lấy lại khả năng thấu cảm, bằng một cách đơn giản: hãy chuyển sự chú ý của ta sang cho người ta yêu. Ngay khi ta thực sự chú ý đến họ, ta sẽ ngay lập tức bắt được trường cảm xúc của người ấy. Phía sau lời nói, phía sau biểu hiện, thậm chí phía sau sự yên lặng.

Phải vậy không em, đôi khi ta chỉ cần trở lại ngồi yên bên nhau là đủ. Đủ để hiểu.

Như ngày xưa, khi ta khởi đầu yêu.

Chúng ta thường khởi đầu một tình yêu với một người khi nhận ra rằng ta và người ấy có thể hiểu nhau mà không cần nói. Những xung động buổi ban đầu trong tim ta thường không phải là ngôn từ. Chỉ cần nhìn vào mắt nhau, hay thậm chí chỉ cần ở bên nhau, trong cùng một bầu không khí, dường như ta đã hiểu nhau. Và khi mối tình trở nên bền chặt hơn, ta tự hào vì người kia chưa nói hết ý mà người này đã hiểu: tình cảm, nhu cầu chia sẻ, nỗi buồn, niềm vui, sự lo âu... Chiếc ăngten thấu cảm trong ta thật nhạy.
Nhưng rồi, thời gian qua, đến lúc nào đó bỗng dưng ta nhận ra người này đang trách người kia, rằng nếu không nói ra làm sao hiểu được. Có lẽ từ khi đó tình yêu đã bước qua một khúc quanh.
Và cuối cùng, khi nói bao nhiêu cũng không hiểu. Càng nói càng không hiểu nhau...

Đó là khi ta nhận ra ngôn từ chưa bao giờ là đủ. Có biết bao điều ta muốn bày tỏ cho người ta yêu - những điều ta mong người ấy thấu hiểu - những yêu thương , oán giận, xót xa, giày vò tự sâu thẳm trái tim ta - nhưng không ngôn từ nào đủ sâu sắc, trọn vẹn lý tình, không ngữ pháp nào đủ phức tạp để diễn tả. Từ ngữ lúc ấy thậm chí còn có bộ mặt phản trắc vì sự đa nghĩa của chúng. Và chúng ta hiểu sai, chúng ta bị hiểu sai. Chúng ta như đi trong rừng rậm của những ý niệm đan chồng chéo lên nhau. Bao nhiêu cuộc tình đã và sẽ còn diễn ra theo cách đó? Không phải sự thấu cảm cạn dần theo tình yêu mà là ngược lại, tình yêu cạn dần theo sự thấu cảm.

Khi ta phải viện đến từ ngữ để tìm cách hiểu nhau, thay vì nghĩ về nhau, nắm bắt cảm xúc của nhau để hiểu nhau. Đó là khi ta nhớ đến Saint Exupéry với lời cảnh tỉnh"Ngôn ngữ là cội nguồn của mọi ngộ nhận".

Và buồn thay, đó cũng là khi ta để lạc mất nhau rồi.
Phạm Lữ Ân
Nguồn: http://hoahuongduongvn.org/forums/in...howtopic=16956
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
nhoccan219 [Truyện] Các ông chồng hãy lắng nghe- Nguyễn Nhật Ánh Truyện | Thơ 1
KendyDat [Truyện] Chuyện kể các nàng công chúa Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ]- Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 17+18 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ]- Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 15+16 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 11+12 Truyện | Thơ 1
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 9+10 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 7+8 Truyện | Thơ 2
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 5+6 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 3+4 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 4- Chương 1+2 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 21+22-Hết Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 19+20 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 15+16 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 13+14 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 11+12 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ - Tập 3 - Chương 9+10 Truyện | Thơ 1
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 7+8 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 5+6 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 3+4 Truyện | Thơ 1
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 3- Chương 1+2 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Thứ tình cảm không biết gọi tên Truyện | Thơ 1
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 47-Hết! Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 45+46 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 43+44 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 41+42 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 39+40 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 37+38 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 35+36 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 33+34 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 31+32 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 29+30 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 27+28 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 25+26 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 23+24 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 21+22 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 19+20 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 17+18 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 15+16 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 13+14 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 11+12 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 9+10 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 7+8 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 5+6 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 3+4 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện ngắn] Hai cái tên - Chương 1+2 Truyện | Thơ 0
Tom [Truyện Ngắn - Vu Lan 2012] Người mẹ 1 mắt Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 2- Chương 26+27 [Hết] Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 2- Chương 24+25 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 2- Chương 22-23 Truyện | Thơ 0
cedrci_jake [Truyện dài kỳ] Giai thoại 3Đ- Tập 2- Chương 20+21 Truyện | Thơ 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top