Vay dễ, trả khó

Vũ Ngọc Bảo

Thành viên mới
Những cuộc gọi cho tôi để đòi nợ réo liên tục, bất kể ngày đêm. Hơn thế, ảnh của tôi và Nhân - kèm theo đơn tố giác chúng tôi đang tham gia vào một tổ chức lừa đảo, quỵt nợ và xù hụi - cũng xuất hiện trên mạng xã hội, với yêu cầu nếu thấy chúng tôi ở đâu, "vui lòng thông báo cho cơ quan công an để bắt giữ".

Nhân là một đồng nghiệp thân thiết cũ. Hỏi Nhân, tôi mới rõ ngọn ngành.

Em ruột Nhân là sinh viên, do cá độ bóng đá thua cuộc, đã vay tín dụng đen qua app. Giờ lãi mẹ đẻ lãi con, em không còn khả năng trả nợ nên không chỉ chúng tôi mà hầu hết thành viên trong gia đình Nhân đều nhận được điện thoại, tin nhắn và tố cáo tương tự. Nhân ghi âm cuộc gọi, tố giác đến cơ quan công an, nhưng chủ nợ thay đổi số liên tục để quấy rối.

Cờ bạc, lô đề rồi đổ nợ; làm ăn thua lỗ, thất nghiệp; xui rủi gặp tai ương, dịch bệnh... có hàng triệu lý do đẩy con người vào túng quẫn, phải vay mượn để sinh tồn.

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng hợp pháp đáng lẽ là địa chỉ cần tìm đến của những người túng thiếu. Nhưng các tổ chức này có yêu cầu phức tạp về hồ sơ, tài sản thế chấp, và thủ tục để giải ngân.

Vì thế, khi cần khoản vay nhỏ cho những mục đích gấp gáp, ít ai chọn vay ngân hàng; trong khi các app, tờ rơi quảng cáo dịch vụ tín dụng đen đập vào mắt họ mọi nơi. Chúng lại rất tiện lợi. Người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư hoặc căn cước công dân, sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app.

Số điện thoại của tôi đã trở thành một phần tài sản thế chấp của em ruột Nhân theo cách như vậy.

Cấp tín dụng cho cá nhân là một nghiệp vụ được quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Các app này cũng công bố lãi suất, còn công khai hơn cả ngân hàng, càng làm cho khách hàng tin tưởng vào tính minh bạch của nó.

Theo điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, "lãi suất vay do các bên thỏa thuận" tuy vậy các bên không được phép thỏa thuận vượt mức 20% một năm của khoản tiền vay. Vượt qua mức này sẽ trở thành hoạt động cho vay nặng lãi và có thể bị phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các tổ chức tín dụng đen thường khéo léo cho vay số tiền nhỏ, tất toán nhanh với mức thu lợi nhỏ hơn quy định của pháp luật. Tiếp sau đó các app yêu cầu khách hàng ký kết hợp đồng mới, gộp các khoản lãi hình thành dư nợ gốc mới.

Người em của Nhân cũng vậy, ban đầu chỉ là khoản tiền nhỏ cho vay tính lãi theo ngày. Sau vài ngày không có tiền trả nợ, sẽ phải tất toán khoản vay, hủy hợp đồng cũ để ký hợp đồng mới với khoản vay mới là tổng số tiền còn nợ gốc cộng với lãi suất.

Từ cách làm này, người đi vay nhanh chóng mất khả năng thanh toán và bộ phận đòi nợ, với những biện pháp khủng bố tinh thần, xuất hiện.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin và các cơ quan thực thi pháp luật nếu làm tròn trách nhiệm của mình sẽ là chỗ dựa tốt hơn cho những người yếu thế. Nhưng đến nay, tôi vẫn chỉ có thể tự đi thanh minh với những người thân quen rằng tôi không lừa đảo, quỵt nợ, xù hụi ai. Tôi không biết mình sẽ trở nên thế nào trong mắt những người mà vì nhiều lý do, tôi không thể giải thích cho họ.

Tôi cũng buộc lòng phải tắt điện thoại vào giờ đêm (dù luôn lo sợ sẽ bỏ lỡ những cuộc gọi quan trọng) khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin bất lực trước việc chặn những số điện thoại khủng bố, những tin nhắn quảng cáo cho tín dụng đen...

Báo cáo vào 4/2018 của World Bank cho thấy, tỷ lệ vay hoặc sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng qua ngân hàng tại Việt Nam đang ở mức 21,7%. Vay từ người thân và bạn bè là 29,5%, và vay từ nguồn không chính thức lên đến 49%.

Chưa có báo cáo mới nhất, nhưng tôi tin rằng, ba năm đại dịch vừa qua thậm chí còn khiến cho nhu cầu sử dụng các khoản vay tăng mạnh hơn. Và nếu tỷ lệ trên vẫn giữ nguyên, tôi kinh hãi khi nghĩ đến chuyện những kẻ đòi nợ sẽ làm điêu đứng cuộc sống của những người nằm trong số 49% kia.

Thị trường cung cầu các gói tín dụng vi mô là có. Tuy vậy, những tổ chức tín dụng, những doanh nghiệp lớn dường như chưa quan tâm đầu tư, nên khoảng trống này là cơ hội để các app tín dụng phát triển và nở rộ.

Vậy ai là những người có nhu cầu vay các khoản tín dụng nhỏ này? Và giải pháp nào cho họ.

Thành công của Muhammad Yunus - nhà kinh tế học người Bangladesh - là bài học có thể tham khảo. Ông Yunus đã phát triển ngân hàng Grameen để cung cấp gói tín dụng vi mô. Ngân hàng cho những người nghèo vay các khoản rất nhỏ đồng thời hỗ trợ họ kiến thức quản lý kinh tế và giúp họ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; từ đó ông giúp rất nhiều người thoát nghèo và tỷ lệ mất vốn của ngân hàng cũng rất thấp.

Một thống kê năm 2004 cho thấy, trong gần 30 năm thành lập, Grameen đã cho người nghèo vay số tiền tương đương 4,4 tỷ USD, với tỷ lệ hoàn vốn trên 98%. Năm 2006, Muhammad Yunus và Grameen Bank được trao giải Nobel Hòa bình "vì nỗ lực tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội".

Mô hình tín dụng vi mô về sau được ứng dụng tại nhiều quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Việt Nam cũng từng có nhiều quỹ tín dụng nhân dân hay những mô hình tổ hợp tác giúp nhau vốn liếng làm ăn với tính chất tương tự. Tôi nghĩ sau đại dịch là lúc cần có cơ chế hỗ trợ phát triển mạnh hình thức tài chính vi mô nhằm thu hẹp đất sống của các tổ chức tín dụng xấu.

Bên cạnh đó, việc hình thành những câu lạc bộ của các hội phụ nữ, đoàn thanh niên... để chia sẻ nguồn vốn, giúp đỡ những người khó khăn tiếp cận các gói tín dụng vi mô là một giải pháp.

Ngoài quỹ bảo hiểm xã hội, các quỹ an sinh xã hội do nhà nước thành lập với trách nhiệm đóng góp cho xã hội của các mạnh thường quân, sẽ là một ý tưởng khả thi hỗ trợ người gặp khó khăn đột xuất.

Không ai đáng bị đẩy vào chỗ chết chỉ vì một tính toán sai lầm về tài chính. Khi một người khốn cùng chỉ còn biết bấu víu vào tín dụng đen, vòi bạch tuộc của nó có thể sẽ cuốn cuộc đời nhiều người khác vào bi kịch.

Vũ Ngọc Bảo
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top