ivenle
Thanh viên kỳ cựu
Team work là gì?
Lợi ích team work mang lại cho chúng ta như thế nào?
Quá trình team work?
Quá trình phát triển nhanh chóng như vũ bão của nền kinh tế cũng như công nghệ của thế giới trong những thập niên trở lại đây đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của quá trình chuyên môn hóa, và sức mạnh của lao động tập thể. Chính vì thế tầm quan trọng của Team work ( làm việc theo nhóm) là vô cùng quan trọng, nó góp phần năng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả làm việc của nhóm mà khi đơn lẻ từng cá nhân không có khả năng làm được.Vậy Team work là gì?
Team work chính là làm việc theo nhóm, có thể hiểu đơn giản là một nhóm người cùng làm chung một công việc mà công việc ấy nếu như chỉ có một cá nhân đơn thuần thì không thể làm được.
Lợi ích của Team work là gì?
Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết đến câu ca dao "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Câu ca dao cũng đã phần nào cho ta thấy rõ được sức mạnh và hiệu quả của làm việc nhóm. Mỗi người chỉ có thể giỏi trong một vài lĩnh vực nào đó nhưng không thể nào giỏi hay biết tất cả, nhưng nhóm thì hoàn toàn ngược lại, nhóm là nơi có thể hội tụ được tất cả những yếu tố cần thiết cho mục tiêu của nhóm mà mỗi cá nhân không thể có đầy đủ. Bạn có thể thấy rõ 5 lợi ích chính khi tham gia một nhóm là:
- Bạn sẽ có cảm giác kiểm soát được cuộc sống và bản thân của mình tốt hơn và không cảm thấy sự lạm dụng quyền lực của bất cứ người nào trong nhóm cũng không có sức ép của bất kỳ ai lên bạn.
- Khi tham gia nhóm bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ những thành viên và người lãnh đạo trong nhóm và cách xử lý tình huống từ đơn giản cho đến phức tạp. Từ đó tạo nên sự thống nhất trong mục tiêu và sự hoạt động của nhóm.
- Sẽ không còn cái "tôi" trong nhóm nửa, cái "tôi" đã bị phá vỡ, sự thân thiện và cởi mở sẽ được tạo ra giữa các thành viên.
- Phát huy được tính sáng tạo cao từ sự phối hợp các bộ óc sáng tạo của nhóm.
- Thỏa mãn được nhu cầu thể hiện và khẳng định mình của các thành viên trong nhóm, cái mà khi họ đứng một mình khó mà thể hiện được.
Quá trình hoạt động của nhóm luôn diễn ra theo một trình tự nhất định và về cơ bản có thể thấy rõ qua trình tự sau:
- Đầu tiên khi nhóm đã có mục tiêu chung và đề án cụ thể thì nhóm sẽ thường xuyên có những buổi họp và thảo luận chung nhằm đưa ra những ý tưởng cũng như hướng đi cụ thể cho đề án mà nhóm đã chọn.
- Sau khi đã có hướng đi cụ thể nhóm sẽ tiếp tục thảo luận và lên một danh sách cụ thể các công việc cần làm, tiến độ công việc và phân công công việc cụ thể cho từng thành viên.
- Khi mà công việc đã được chỉ định cụ thể cho từng cá nhân, thì nhóm vẫn phải thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ nhằm theo dõi và đánh giá thường xuyên các công việc đã làm được của các thành viên. Từ đó đôn đốc và có hướng xử lý kịp thời nếu có sai xót, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau nếu như các thành viên gặp khó khăn trong công việc.
- Khi thời gian thực hiện công việc của các thành viên đã hết, nhóm trưởng sẽ họp lại và tổng hợp tất cả những việc mà các thành viên được giao. Sau khi nhóm trưởng tổng hợp xong, các thành viên trong nhóm sẽ cùng ngồi lại và đánh giá cũng như cho ý kiến chung để hoàn thiện đề án của nhóm.
- Công việc cuối cùng là cho ra đời đề án của nhóm. Tùy vào điều kiện, yêu cầu và mục tiêu của đề án (VD: làm vì công ty yêu cầu hay vì mục tiêu riêng của nhóm là kêu gọi đầu tư...).
Bạn cần những kỹ năng làm việc nhóm nào ?
Tham gia một nhóm làm việc vì một mục tiêu chung và nhằm đạt được những kết quả nhất định trong một lĩnh vực nào đó. Chính vì thế bạn luôn cần những kỹ năng nhất định trong tiến trình làm việc nhóm. Và về cơ bản bạn cần phải có một số kỹ năng sau:
- Xây dựng tinh thần làm việc nhóm: Là một thành viên của nhóm, dù là nhóm trưởng hay chỉ là thành viên thì bạn cũng phải hiểu rõ mục đích của nhóm và trách nhiệm của mình trong nhóm. Đó chính là yếu tố tinh thần, nó phải xuất phát trước tiên từ chính bạn, sau đó mới đến các thành viên khác. Không những thế, bạn phải luôn luôn có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ các thành viên khác trong nhóm và làm cho họ hiểu được tầm quan trọng của chính họ sẽ mang lại kết quả cuối cùng cho nhóm. Việc xây dựng tinh thần làm việc của nhóm phải dựa trên những mối quan hệ xác lập trong nhóm, nó phải được xây dựng trên lòng nhiệt tình và sự quyết tâm của tất cả các thành viên trong nhóm.
- Khả năng làm việc độc lập: Mặc dù làm việc nhóm là làm công việc chung, tuy nhiên khi bạn được phân công công việc rõ ràng, bạn cũng cần phải chủ động linh hoạt trong công việc của mình, phải biết sang tạo và không phải lúc nào cũng dựa dẫm vào người khác. Trên thực tế có rất nhiều thành viên của nhóm làm việc rất thụ động và lúc nào cũng phải cầm tay chỉ việc thì họ mới làm được. Họ nghĩ rằng mình không có khả năng làm việc độc lập cũng như sáng tạo trong công việc. Nguyên nhân chính ở đây là gì? Chính các trưởng nhóm đã tạo nên sự ù lì này, trong quá trình giao việc, họ thường phân chia công việc một cách rõ rang, chi tiết mà điều này vô tình dẫn tới tính ù lì của các thành viên trong nhóm và tạo thành lối mòn của sự thụ động.
- Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp là một kỹ năng hết sức quan trọng trong một nhóm, nó giúp bạn thiết lập một mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên trong nhóm lại với nhau kể cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Bạn cần phải có những thái độ giao tiếp đúng mực trong nhóm, phải có những mối quan tâm cần thiết với tất cả các thành viên trong nhóm, chẳng hạn như thăm hỏi nhau khi có người bị bệnh hay giúp đỡ nhau khi có người gặp khó khăn...Kỹ năng giao tiếp có thể chi đơn giản là những lời nói cử chỉ hành động thường ngày hay những câu nói đùa nhưng nó có tác động vô cùng lớn đến việc thiết lập một mối quan hệ vững chắc trong nhóm. Vì vậy cũng cần lưu ý có những giới hạn chuẩn mực nhất định trong lời nói giao tiếp.
- Kỹ năng lắng nghe: Một cuộc họp nhóm thường diễn ra với những vấn đề đưa ra cần thảo luận. Và những quan điểm cá nhân sẽ được đưa ra. Tuy nhiên lại có một thực tế đáng buồn là "Người nói không có người nghe", các bạn thường bị vướng vào tình trạng này, khi bạn của mình chưa đưa ra hết quan điểm thì đã có những ý kiến phản bác "Sai rồi!", điều này làm cho người phát biểu hụt hẫng và cụt hứng, họ sẽ có xu hướng "sợ sai " và dần dần không còn đưa ra những ý kiến cá nhân nữa. Và từ đây nhóm sẽ mất đi vô vàn ý kiến sáng tạo cũng như tính nhiệt tình, chủ động trong công việc. Vì vậy, bạn phải biết lắng nghe và suy ngẫm, đợi cho đến lúc bạn mình nói xong rồi hãy đưa ra ý kiến, cũng cần tránh phản bác ngay lập tức ý kiến đó. Thay vào đó bạn có thể nói: "Ý kiến của bạn cũng rất hay, nhóm sẽ tiếp thu và xem xét ý kiến của bạn, mời bạn .... (tiếp theo) phát biểu ý kiến"
- Kỹ năng trình bày vấn đề: Khi trình bày một ý tưởng, một vấn đề bạn nên nói ngắn gọn và chỉ nêu bật những ý chính. Khi nghe một ý kiến hay một bài luận người ta thường có xu hướng nhớ đến phần đầu và phần cuối. Vì vậy khi kết thúc một vấn đề hãy nhấn mạnh ý kiến của mình chung quy muốn nói gì.
- Kỹ năng đặt câu hỏi: Khi nghe một quan điểm, một ý tưởng bạn cần phải ghi nhớ nó và tự đặt ra những câu hỏi như: Cái gì ? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao như vậy? Có khả thi không? Chính những câu hỏi như thế sẽ giúp cho những quan điểm, ý kiến trên được hoàn thiện và mang tính khả thi cao hơn. Và nó sẽ trở thành quan điểm mang tính đa dạng và sáng tạo được xây dựng bởi cả nhóm chứ không phải một quan điểm nghèo nàn được đưa ra bởi một cá nhân.
- Kỹ năng ra quyết định: Là một thành viên nhóm, bạn cũng là một người có quyết định quan trọng như các thành viên khác trong nhóm. Khi có một vấn đề cần biểu quyết lấy ý kiến chung, bạn phải đưa ra quyết định đứng trên cái nhìn khách quan và có tính quyết đoán, lập trường riêng cho mình. Đừng vì thích người này, ghét người kia mà chấp nhận hay bác bỏ một ý kiến nào đó. Bởi điều này chỉ làm cho nhóm ngày càng đi xuống và kết quả công việc nhóm ngày càng đi xuống. Hãy luôn nhớ kết quả của nhóm chính là kết quả của mình. Và quyết định của mình ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của nhóm.
Mỗi kỹ năng đều là một quá trình rèn luyện và đúc kết trong quá trình làm việc và từ những kinh nghiệm sống. Vì vậy, cần luôn trau dồi và rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, nó không những giúp cho công việc nhóm của bạn dễ dàng, thuận lợi hơn mà còn làm cho cuộc sống của bạn thành công hơn.
Làm gì khi nhóm trưởng của mình bảo thủ và độc đoán?
Khi trong nhóm làm việc của mình, nhóm trưởng là người bảo thủ và độc đoán, ắt hẳn mọi người sẽ rất khó chịu và hiệu quả công việc cũng như tính sáng tạo của nhóm sẽ bị kìm hãm. Vậy thì làm sao đây?
Chúng ta có thể tùy từng tình huống mà có thể đưa ra hướng giải quyết thích hợp. Bạn có thể né tránh, nhường nhịn, thỏa hiệp, chống đối hay hợp tác. Tuy nhiên với một trưởng nhóm bảo thủ và độc đoán thì thật là khó khăn cho bạn. Mọi ý kiến đưa ra bởi các thành viên trong nhóm, nếu hợp với ý kiến chủ quan của nhóm trưởng thì có thể sẽ được đồng ý, hay toàn bộ nhóm đồng ý sẽ được duyệt qua. Nhưng nếu không trùng hoặc ngược lại với ý kiến chủ quan của nhóm trưởng thì có thể sẽ bị bác bỏ.
Trường hợp này, bạn nên có những cuộc gặp riêng với nhóm trưởng của mình và đưa ra những ý kiến của mình về tình trạng của nhóm, hãy thẳng thắn trình bày rõ quan điểm của bạn và các bạn trong nhóm. Điều này giúp cho nhóm trưởng nhân thức được tầm quan trọng của ý kiến nhóm, và không nên cho mình giỏi, lúc nào cũng đúng.
Hãy ít nhất một lần dùng lý lẽ và những bằng chứng thực tế để chứng minh sai lầm trong những quan điểm bảo thủ và độc đoán của nhóm trưởng. Đừng quá nể nang và kiêng nể, nếu không nhóm sẽ chỉ là của một người chứ không phải của mọi người và vì mục tiêu của mọi người.
Bạn cũng cần tránh những bức xúc hay những thái độ quá kích khi nhóm nhóm trưởng quá độc đoán. Bởi nó chỉ có tác động ngược lại mà thôi. Hãy kìm nén và đợi khi bình tĩnh rồi hãy trao đổi lại với nhóm trưởng sau.
Bên cạnh đó bạn cũng nên đưa ra những ý kiến và những trao đổi với nhóm trưởng về việc tổ chức cho nhóm có những cuộc đi chơi xa. Để từ đó thiết lập các mối quan hệ trong nhóm chặt chẽ hơn, giúp mọi người hiểu rõ về nhau hơn. Những trò chơi tập thể sẽ phần nào giúp nhóm trưởng cũng như tất cả các thành viên trong nhóm hiểu được sự quan trọng của sức mạnh tập thể. Và tính bảo thủ độc đoán cũng sẽ dần được giảm đi nhờ vào tính tập thể của các trò chơi này.
Vấn đề cốt lõi của bài toán này chính là ở chỗ bạn và các thành viên khác phải chứng minh cũng như chỉ ra cho nhóm trưởng thấy rõ được không phải lúc nào anh ta cũng đúng. Và cách duy nhất là dùng năng lực của các thành viên và bằng các hành động cụ thể chứng minh năng lực cụ thể các thành viên và sức mạnh của ý kiến tập thể trong từng tình huống cụ thể.
Nhóm trưởng giỏi? Tại sao không?
Một nhóm trưởng giỏi không chỉ là một người có năng lực chuyên môn giỏi mà còn phải là một người có cái nhìn bao quát, có thể lo toan cho cả nhóm "một người lo bằng một kho người làm". Đứng trên cương vị nhóm trưởng của một nhóm làm việc bạn cần hội tụ nhiều yếu tố.
1) Phải xác định được hướng đi cho nhóm: Một mục tiêu rõ ràng sẽ giúp cho nhóm của bạn hoạt động hiệu quả và dễ dàng hơn. Hãy luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể trong những khoảng thời gian cụ thể và cố gắng duy trì, hoàn thành những mục tiêu đó cùng nhóm của bạn. Như vậy sẽ tạo nên một nét, một lối mòn, một văn hóa làm việc hiệu quả riêng của nhóm.
2) Xây dựng văn hóa nhóm và thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ hơn: Một nhóm có mạnh hay không, không chỉ dựa vào năng lực của các thành viên mà chủ yếu là sức mạnh tập thể của nhóm đó có được phát huy hay không. Thử nghĩ xem, nếu nhóm của bạn mọi thành viên đều có năng lực mạnh nhất định, tuy nhiên họ lại không phối hợp ăn ý và thường có xung đột...thì liệu công việc của nhóm có đạt hiệu quả không? Tất nhiên là không ! Vậy tại sao không thiết lập các mối quan hệ trong nhóm một cách chặt chẽ hơn qua những lần trao đổi riêng tư, những sự giúp đỡ lẫn nhau dù là nhỏ nhất, hay những chuyến picnic cho nhóm...từ đó những mối quan hệ trong nhóm sẽ được thiết lập và mọi người sẽ hiểu nhau hơn và công việc tất nhiên sẽ được xúc tiến hiệu quả hơn. Đó chính là một phần quan trọng của văn hóa ứng xử trong nhóm.
3) Phải phân chia công việc rõ ràng cho các thành viên: Bạn có biết vì sao trong một nhóm, các thành viên thường thiếu trách nhiệm và khi công việc không hoàn thành thì họ lại đùn đẩy trốn tránh không? Đó là vì họ không được phân định rõ ràng công việc và trách nhiệm của mình. Chính vì thế họ cứ nghĩ việc đó là của người khác, mình chỉ cần làm sơ sài là được. Là nhóm trưởng bạn phải làm cho các thành viên của mình hiểu và biết rõ trách nhiệm của mình với nhóm, có như vậy công việc chung của nhóm mới có thể hoàn thành một cách tốt đẹp và gắn liền với trách nhiệm của từng cá nhân.
4) Đối xử công bằng: Hãy chia sẽ quyền lợi của nhóm cho các thành viên một cách công bằng và xứng đáng với năng lực của anh ta. Có như vậy mới kích thích và duy trì được sự nhiệt huyết và tinh thần làm việc của các thành viên.
5) Chia sẻ quyền lực: Hãy cận thẩn với những quyền của nhóm trưởng, bởi đến một lúc nào đó bạn trở thành một người độc quyền và bảo thủ trong mắt nhóm của mình mà không biết. Hãy chia sẽ quyền lực bớt cho mọi người, tôn trọng ý kiến của họ và hãy cố gắng nhìn các sự việc trên góc độ khách quan.
6) Biết cách động viên: Động viên các thành viên trong nhóm để họ làm việc tốt hơn và hăng say hơn là cả một nghệ thuật. Cần phải lực chọn thời điểm để động viên. Khi họ làm việc tốt thì khen thưởng kịp thời và trước mặt các thành viên khác trong nhóm. Nhưng khi họ làm không tốt cần tránh phê bình trước mặt mọi người mà hãy nhỏ nhẹ bình tĩnh phân tích cho họ thấy cái sai của họ bằng những cuộc gặp riêng.