Erik Weihenmayer - VĐV khiếm thị chinh phục 8 nóc nhà thế giới!

supbapcai

Thành viên
Leo núi là một môn thể thao đòi hỏi rất khắt khe về thể lực mà ngay cả những người khoẻ mạnh cũng khó có thể đáp ứng được. Vậy mà một VĐV bị mù hoàn toàn từ năm 13 tuổi, đã đạt được một thành công phi thường: Chinh phục không chỉ 1 mà cả 8 đỉnh núi cao nhất thế giới.

Sinh năm 1968 tại Hồng Kông với một chứng bệnh di truyền về mắt (retinoschisis), thủ phạm đã cướp đi ánh sáng của Erik Weihenmayer năm 13 tuổi. Không dễ dàng chấp nhận số phận nghiệt ngã của con trai, nên bố Erik đã rèn luyện cho ông bằng rất nhiều môn thể thao: vật biểu diễn, nhảy dù nhào lộn, xe đạp, marathon, trượt tuyết và tất nhiên cả leo núi.

Ngay từ thời thanh niên, Erik đã bộc lộ tố chất của một nhà thể thao cừ khôi. Năm 1987, ông tham dự giải VĐQG Vật biểu diễn đồng thời đại diện bang Connecticut tham dự cuộc đi bộ 50 dặm từ Inca Trail đến tận Machu Picchu. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1991, Erik bắt đầu niềm đam mê chinh phục độ cao bất chấp khiếm khuyết cơ thể của mình.

Tháng 6/1995, hành trình lên 7 nóc nhà thế giới của ông bắt đầu với ngọn núi cao nhất lục địa Bắc Mỹ, McKinley (hay còn gọi là Denali) tại Alaska. Sau 24 ngày vật lộn với bão tuyết, thiếu không khí và những vách núi có độ dốc hơn cả ở Everest, Erik cùng hai đồng đội đã có mặt trên độ cao 6.194m so với mực nước biển.

Sau khởi đầu thành công đáng khâm phục, tháng 8/1997, Erik quyết định chinh phục Kilimanjaro cao 5.892m ở Tanzania, Châu Phi. Ngọn núi này là nơi duy nhất trên thế giới cùng lúc tồn tại 5 vùng địa chất khác nhau: đất có thể trồng trọt ở chân núi, rừng nhiệt đới, địa y, hoang mạc và băng tuyết. Với Erik, nơi này là một kỷ niệm đặc biệt: hôn lễ với Ellie, người vợ hiện đang sống cùng ông tại Denver, được cử hành ở độ cao 13.000 ft (3.962m) so với mặt nước biển. Tháng 9/2005, Erik một lần nữa quay lại Kilimanjaro. Lần này, ông dẫn đầu đoàn leo núi gồm những người mù hoàn toàn hoặc gặp những vấn đề về thị lực. Douglas Sidialo, một thành viên trong đoàn đã trở thành người Châu Phi khiếm thị đầu tiên chinh phục đỉnh núi này.

Aconcagua, đỉnh núi thứ ba không suôn sẻ như hai lần đầu. Tháng 12/1997, do thời tiết đột ngột trở nên vô cùng khắc nghiệt, Erik cùng các đồng đội đã buộc phải quay lại khi chỉ còn cách đỉnh 1.800 ft. Hơn một năm sau, tháng 1/1999, Erik đã trở thành người mù đầu tiên chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất Nam Mỹ (6.962m tại Arghetina).

Mục tiêu thứ tư là Vinson Massif, cao 4.892m ở Nam Cực. Cho dù nằm ở nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất hành tinh, nhưng ngoại trừ nhiệt độ luôn ở mức âm 40 – 50 độ F, các điều kiện khác tương đối thuận lợi nên đội của Erik đã nhanh chóng thành công. Tháng 1/2000, lại một nóc nhà thế giới nữa có dấu chân của Erik.

“Tôi đã mơ về Everest ngay từ khi mới tập leo núi. Những kỹ năng, kinh nghiệm, kỹ thuật đặc biệt mà tôi đã thu nhận trong suốt nửa cuộc đời mình là để sống sót trên ngọn núi này. Nó đã lấy mất của chúng tôi hai năm lên kế hoạch, một năm rèn luyện thể lực, hàng trăm cuộc diễn tập trên dãy Rocky đã khiến tôi không thể đếm hết số lần mình bị bong gân…”. Những gì Erik kể về Everest trong cuốn sách “Touch the Top of the World” đã nói lên tầm quan trọng của mục tiêu cao nhất thế giới (8.848m) tại Tây Tạng, biên giới Nepal và Trung Quốc. Kỷ lục về độ cao của Everest khiến những người chinh phục nó phải trải qua một quá trình rèn luyện cực kỳ khắc nghiệt. Họ phải leo một đoạn rồi trở xuống, sau đó leo một đoạn dài hơn rồi lại trở xuống, nhiều lần như vậy cho đến khi sẵn sàng cả về thể chất và tinh thần. Ngày 25/5/2001, Everest đón chào vị khách khiếm thị đầu tiên trong lịch sử bị chinh phục của nó.

Nằm ở biên giới của Châu Âu và Châu Á, Elbrus cao 5.642m nổi tiếng về thời tiết khắc nghiệt và những cơn gió hú rợn người. Những túp lều của Liên Xô cũ dùng để chứa xăng thời kỳ Thế chiến thứ nhất là nơi duy nhất để các VĐV leo núi nghỉ chân trước khi bắt đầu hành trình. Tháng 6/2002, mục tiêu thứ 6 đã hoàn thành.

Koscuizsko và Carstensz Pyramid là hai đỉnh núi gây tranh cãi khi xác định ngọn núi cao nhất Châu Úc. Xét về vị trí lãnh thổ thì vị trí đó thuộc về Koscuizsko, cao 2.228m ở New South Wales. Nhưng xét theo địa chất học, thềm lục địa Châu Úc bao gồm cả Indonesia, do đó Carstensz Pyramid, cao 4.884m tại vùng Papua là lựa chọn chính xác hơn. Vì tranh cãi này mà hiện có hai khái niệm về 7 nóc nhà của thế giới được gọi tên theo hai người đầu tiên chinh phục thành công: Danh sách Bass (theo tên của Richard Bass) chọn Koscuizsko, còn danh sách Messner (Reinhold Messner) chọn Carstensz Pyramid.

Những lằng nhằng trên có vẻ như chẳng mảy may khiến Erik quan tâm. Ba tháng sau khi từ trên đỉnh Elbrus xuống, ông đã ở trên đỉnh Koscuizsko và hoàn thành danh sách Bass. Đến ngày 20/8/2008, khi đặt chân lên đỉnh Carstensz Pyramid, Erik trở thành một trong số 275 người đã chinh phục thành công 7 (hoặc 8) đỉnh núi cao nhất tại các lục địa. Và tất nhiên ông là người khiếm thị duy nhất!

Năm 2004, Erik trở lại Tây Tạng, nơi có Trung tâm giáo dục cho trẻ em mù của Sabriye Tenberken (xem bài). Hai con người khiếm thị như có nghị lực, ý chí phi thường đã cùng luyện tập với các học sinh của Trung tâm và thực hiện chuyến đi ba tuần chinh phục ngọn núi East Rombuk Glacier, cao gần 7.000m nằm về phía bắc của đỉnh Everest. Chưa có đội leo núi khiếm thị nào đạt đến thành tích này. Chuyến đi được dựng thành bộ phim tài liệu “Blindsight” và đoạt nhiều giải thưởng năm 2007.

Hiện nay, Erik Weihenmayer là một tác giả, diễn giả nổi tiếng. Cuốn sách “Touch the Top of the World” được xuất bản ở 10 nước và 6 ngôn ngữ, đồng thời được chuyển thành bộ phim cùng tên. Ông còn xuất hiện trong bộ phim “Farther Than the Eye Can See” với 2 đề cử Emmy và 19 giải thưởng tại các liên hoan phim. Mỗi năm, ông vẫn dành hơn 50 ngày để luyện tập leo núi!
 

Bình luận bằng Facebook

Top