Khả năng phán đoán thế giới chung quanh, khả năng đáp ứng tình thế, khả năng giải quyết vấn đề đôi khi không phụ thuộc vào thời gian hoặc nổ lực suy nghĩ của chúng ta. Năng lực này chính là kỹ năng phán đoán mà ai cũng có thể trau dồi. Đó là một năng lực rất mạnh, mặc dù nó cũng có thể mắc sai lầm (kỹ năng phán đoán kém!).
Khả năng nhận biết thoáng nhanh và có ngay kết luận là kỹ năng phán đoán. Tùy vào trường hợp và tùy vào kết quả là tốt, chấp nhận được hay sai lầm mà ta sẽ gọi nó với nhiều tên như: Phản xạ, linh cảm, trực giác hoặc phát kiến, sáng tạo, giác quan thứ sáu….
Thông thường chúng ta sử dụng và tin vào tư duy phân tích, tin theo những quy tắc logic chặt chẽ hơn là tin vào năng lực nhận biết thoáng nhanh này. Vì “kỹ năng phán đoán” đôi khi phản bội lại chúng ta đưa đến sai lầm.
Tuy nhiên, mỗi khi cần phải hiểu nhanh một vấn đề, đánh giá một người mới gặp hoặc chạm trán một tình thế, một trường hợp ta chưa hề gặp phải nhưng cần sớm giải quyết thì kỹ năng phán đoán sẽ nhận lãnh trách nhiệm.
Phán đoán cũng là một quá trình tư duy. Tư duy phán đoán xét trong một số giới hạn hay trường hợp cụ thể, nó cũng biểu hiện đầy đủ tính chất của tư duy logic. Do đó, ta khó khăn khi phân biệt tư duy phán đoán với tư duy lôgic. Bình thường khi giải quyết vấn đề chúng ta thường tuân theo những quy tắc logic chặt chẽ, thông qua sự suy luận để rút ra những kết luận. Nhưng khi cần phải nhanh chóng giải quyết vấn đề như: Phải tìm ra mối liên hệ logic giữa các dãy số dài dằng dặc chỉ trong vòng vài giây, khi giao tiếp với người lạ, khi đấu trí, chơi cờ, khi thương lượng, đàm phán trong kinh doanh, đầu tư chứng khoán… và cả trong khoa học. Nếu thời gian không cho phép ta suy luận và tìm kiếm thêm thông tin, lúc này, kỹ năng phán đoán sẽ giúp ta tìm ra các phương án giải quyết nhanh gọn và chính xác hơn những người khác rất nhiều.
Kỹ năng phán đoán là quá trình tư duy “nhảy tắt”, nó bỏ qua những bước trung gian để trực tiếp rút ra kết luận. Mặc dù mối liên hệ giữa các thông tin chưa được xem xét tỉ mỉ, kỹ càng vì không đủ thời gian hoặc thông tin đó không thể tìm kiếm thì phán đoán sẽ là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong phát kiến và phát minh, nó đóng vai trò quan trọng về mặt dự kiến, nêu giả thiết và tìm tòi phương pháp… Lúc này, thành công hay không là tùy thuộc vào kỹ năng phán đoán.
Và mặc dù muốn hay không, có lẽ sự phán đoán phổ biến nhất đó là sự đánh giá và ấn tượng của chúng ta đối với người khác. Cứ mỗi khi có mặt người khác là chúng ta lại không ngừng tiên đoán và kết luận hoặc suy diễn về những gì người đó đang nghĩ và đang thụ cảm.
Chúng ta ai cũng có những kinh nghiệm sống. Nếu suy nghĩ thấu đáo về những kinh nghiệm ấy, không định kiến, vận dụng cái biết ta sẽ có được một lý thuyết. Đó là cách chúng ta học hỏi.
Thế giới này, như chúng ta vẫn được học và luôn tuân theo: Những quyết định của chúng ta phải có lý do hợp lý và rõ ràng. Mình đã quyết định như thế nào và tại sao quyết định như thế? Nhưng như vậy, nếu như hoàn toàn chỉ dựa vào lý lẽ thì có thực là đúng không? Hay đôi khi ta nên làm theo những mách bảo của phán đoán bản năng?
Do tri thức và kinh nghiệm con người tích lũy được ngày càng nhiều, phán đoán với tư cách cũng là một kỹ năng tư duy, nó sẽ hình thành và dần dần phát triển. Nếu biết ghi nhận các tín hiệu một cách thận trọng, không nóng vội, không thành kiến thì dù không thể có đầy đủ những căn cứ về mặt lý luận, kỹ năng phán đoán vả tinh thần lạc quan tin tưởng vẫn có thể giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc khi cần thiết.
P/s: chúc bạn áp dụng thành công ..^_^..