Dung coi thuong met moi!
Sóng vừa đọc được một cuốn sách, nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ tâm lý nên muốn chia sẻ với mọi người.
Chúng ta thường coi thường sự mệt mỏi, bởi vậy mà chúng ta hay nói với người khác rằng:
- Mệt à? Quên nó đi và cố lên!
- Hãy cố vượt qua cái mệt đó xem nào, đâu phải lúc tỏ ra mệt mỏi đâu?
- Mệt rồi à? Chỉ cần ráng thêm chút nữa thôi!
- Có gì đâu mà quan trọng hóa vấn đề lên thế?
Trước một tràng những lời như thế, tạo ra tâm lý của nhiều người là sợ bị người khác khinh bỉ, cho rằng họ yếu đuối. Điều ấy làm người đó cảm thấy xấu hổ và cố gắng gỏi lên, dùng tất cả những kích thích có thể để "vượt qua". Điều này thực ra cũng giúp họ vượt qua vài lần, nhưng sự cố gắng liên tục như vậy cũng khiến người ta mệt mỏi. Và điều này dẫn đến 2 xu hướng: xu hướng thứ nhất là sự suy kiệt (suy nhược) và xu hướng thứ 2 là "nổi loạn".
Xu hướng thứ nhất, người đó ở trong một trạng thái mệt mỏi vô cùng, sức khỏe và ý chí đều giảm sút, những việc bình thường cũng trở nên quá sức với họ. Và điều này khiến những người xung quanh nhìn họ như một người thiếu ý chí, thiếu nghị lực, bắt đầu đưa ra những khiển trách và hình phạt. Điều đó quả là không công bằng phải ko?
Xu hướng thứ 2, ngược lại, lại khiến người đó có một sự "nổi loạn", thực chất là sự nổi loạn vì mất cân bằng trong chính con người họ, họ muốn thoát ra khỏi tình trạng đó. Họ có xu hướng gây gổ hơn, hoặc trở nên bùng nổ một cách khác thường, hoặc trở nên "trơ", bất cần. Điều này, đôi khi lại khiến người khác nhìn nhận như người này có ý chí lớn, sức lực dồi dào, không biết mệt mỏi. Nhưng thực tế, nếu kéo dài điều này thì đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến suy kiệt vô cùng nguy hiểm, vì mệt mỏi chính là một dấu hiệu của cơ thể đang cần có thời gian nghỉ ngơi để cân bằng lại.
Theo quy trình hoạt động bình thường là làm việc - mệt mỏi - nghỉ ngơi -lại sức -hoạt động trở lại. Bởi vậy, mệt mỏi là một điều hết sức tự nhiên, không có gì phải chối bỏ cả. Hơn nữa, mỗi người đều có nhịp sinh học, đó là một biểu đồ hình sin, có pha hình thành (đỉnh là lúc đạt đến mức tốt nhất) và pha suy thoái. Với pha hình thành, chúng ta ở trạng thái hưng phấn nhiều, chỉ cần bỏ ra ít công sức mà thu được kết quả nhiều, còn pha suy thoái thì ngược lại. Bởi vậy, có những ngày ta thấy mệt mỏi, thụ động, buồn vô cớ thì cũng đừng quá nghiêm trọng hóa vấn đề.
Sóng rất ấn tượng với một quan niệm mới về ý chí, không giống như những gì mà trước nay ta hay nghĩ. Ý chí đơn thuần là làm một điều gì đó với sự thoải mái. "Tôi muốn làm cái này và tôi sẽ thực hiện không chút khó khăn nào hết bởi vì tôi thoải mái". Nếu ta gắng gượng để làm nó thì khi ấy sự thoải mái đã biến mất. Một hành động của ý chí thực thụ là sử dụng được nguồn năng lượng của bản thân mà không cần đến một cố gắng nào hết.
Quả là lạ phải không các bạn? Nhưng Sóng thấy góc nhìn ấy quả là mới mẻ và có nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Tái tạo ý chí và hành động nghĩa là đem lại một sự cân bằng mới.
" Khi ta vui, không ai có thể làm cho ta buồn
Nhưng khi ta không vui thì ai cũng có thể làm cho ta buồn"
Hãy quan tâm đến bản thân mình, nghỉ ngơi để tái tạo lại chính bạn. CLB của chúng ta quy tụ rất nhiều bạn giỏi, năng động nên cũng rất bận rộn nhưng các bạn ít khi nào chú ý định một khoảng thời gian trong ngày chỉ dành cho mình nghỉ ngơi. Hy vọng mọi người sẽ lưu ý đến vấn đề này, để không phải buồn chán như thế này nữa.
Chúc vui vẻ!