Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Cốc trà atiso bốc khói giữa ngày mưa nhây nhích của Đà Lạt, 2 đứa teen chúng tôi bàn chuyện con người….
Bạn còn buồn không khi một người mình đã từng coi là bạn lại trở mặt với mình? Số là bạn vừa ra đời học té đã bị ngay một cú sốc. Người bạn cho là bạn bè chị em gì đó, thương yêu sát cánh nâng đỡ gì đó cho nhau đã sử dụng sự tin tưởng để copy hết những gì cần copy để trở thành đối thủ cạnh tranh trong vòng một cái chớp mắt. Với một cô gái 18 tuổi mới lò dò chân ướt chân ráo ra đời, điều đó có lẽ là quá sức. Thấy bạn xuống tinh thần, cũng có chút mất bình tĩnh, định phản ứng cách này cách nọ, mình bèn khuyên hãy cứ đi cà phê, nghe nhạc, đi chơi gì gì đó cho nó bình tĩnh lại đã. Mới ra đời, gặp chuyện sốc, đặc biệt là về niềm tin và quan hệ, ai mà chẳng gục ngã. Có điều, khi trải qua nhiều lần như thế trong đời, ai rồi cũng học được cách trở nên bình tĩnh hơn, thông thái hơn, và lướt qua chuyện tiêu cực một cách nhẹ nhàng hơn. Nhưng đó, là khi bạn được hướng dẫn cách học từ vấp ngã và trở nên vững vàng hơn một cách tích cực. Bằng không, con người rất dễ bị những trải nghiệm kiểu này ép vào tâm thế nghi ngờ tất cả, không tin ai hay điều gì và phản ứng ngày càng theo chiều hướng tiêu cực. Cũng vì vậy, việc dẫn dắt các bạn trẻ đặc biệt quan trọng, là ngay trong những tình huống các bạn gặp phải vấn đề về niềm tin trong cuộc sống.
“Hồi trước có buồn chứ, vì mình coi là bạn mà. Nhưng bây giờ bình tĩnh và nhìn rõ hơn, con chỉ thấy thương cho bạn. Bạn làm vậy, vì bản thân không có khả năng create - kiến tạo, nên chỉ biết đi vay mượn ý tưởng, hay nói đúng hơn là vay mượn năng lượng của người khác để lướt sóng. Người như thế rồi sẽ chẳng làm được gì hay ho hay lớn hơn. Họ sẽ loanh quanh và cả đời đi vay mượn. Vay một lần, một người, hay vay vài lần từ vài người thì được, có đâu vay được cả đời? Nghĩ vậy nên con hết buồn rồi. Kệ bạn thôi, lo chuyện của mình, vì mình còn làm chưa tốt nữa là.”
Ơ, bạn này được. Nghe nói thế thì hiểu là đồng đội của tui đã lớn lên trong suy nghĩ, chính chắn hơn trong việc giải quyết vấn đề và quan hệ xã hội. Cuối cùng, học gì dạy gì thì quan trọng nhất vẫn là học cách đi đứng cư xử, quản trị bản thân và quản trị quan hệ trong đời. Lưu manh thì chỉ được vài hơi, cớ sao làm hoài được? Thế giới nói lớn rất lớn, nhưng nói nhỏ thì cực nhỏ. Vòng vòng thì cũng gặp lại ở ngã 3. Loanh quanh rồi cũng va vào nhau ở chợ. Cho nên, cái boomerang quăng ra, thì nó sẽ bay một vòng rồi quay về chỗ cũ. Người đời gọi là karma vậy.
“Ừa, bạn hết buồn là xịn òy. Trong đời, mình học từ vấp ngã, rồi mình thận trọng hơn trong từng bước đi về sau. Có điều, mình chả bao giờ cần phải để cho bản thân quá bận tâm và xà quần với người không đáng. Thời gian của mình quý lắm, để đó lo học cái mới, làm cái mới, trải nghiệm những thứ mới và tạo ra năng lượng tích cực mới. Họ không đáng để mình phải dành thời gian, vặn óc suy nghĩ hay bì bõm trong vũng lầy cảm xúc. Nhà có cái ao tù. Ai muốn quánh nhau trong đó thì cứ quánh. Sayonara!”
Trong đời, mình gặp không ít người ác ý, trong cả ý định, lời nói và hành động. Hồi trẻ trâu, chưa hiểu biết, mình còn quắt queo đau mỗi khi bị đâm bị chọt. Sau này, khi hiểu về bản chất con người, bản chất thế giới, và học được kỹ năng quản trị bản thân và EI - trí thông minh cảm xúc, mình chỉ im, cười cười rồi bỏ đi. Ai rảnh quá, dành cả đời để làm khổ nhau thì cứ xà quần trong game. Mình chọn không tham gia, không bị ảnh hưởng, và move on - cho qua, quên luôn và lo đi làm chuyện hay hơn. Luyện cảnh giới này liên tục và chủ động, nên càng ngày càng lên level. Mình có khả năng bỏ qua, detox và move on cực nhanh, ngày càng nhanh. Đời mà, lại thêm cái thời mạt pháp ở Việt Nam này nữa, nếu buồn chuyện con người thì có má buồn tới tàn thu. Chi bằng mình cứ thuận chữ duyên, ai tới với niềm tin, với sự tức tế, chính trực thì mình bung hết năng lượng ra mà giúp. Ai tới với ý định xấu, với những drama khùng điên vì bản thân họ không chốn bình yên nương náu thì kệ họ đi, cho qua, giúp được giúp, không được bye bye cho thiệt nhanh, đừng mất thời gian vô ích.
Có nhiều lúc, oan ức nhất là khi mình thật sự muốn giúp, thật sự nghĩ cho người khác, nhưng nhận lại toàn là sự nghi ngờ toan tính, tiếng vào lời ra, chỉ trích mỉa mai. Có lúc mệt, nghĩ thôi dẹp hết cho rồi, mình đang sung sướng thôi cứ lo mà hưởng chớ ra tay nữa để làm gì. Thiệt tình nghĩ vậy. Thiệt tình muốn gác kiếm. Nhưng rồi vũ trụ cứ đẩy chuyện này ùn chuyện kia, thế là lại rơi vào thế không thể không làm. Kiếm gác một ngày lại rút ra. Cực chi để làm gì chẳng hiểu. Nhưng thôi, đã tu thì tu giữa chợ, coi đời đá cá lăn dưa. Chớ tu mà chọn cái nơi yên ấm thanh thản ngoài kia có lẽ đà quá dễ. Mình mà còn vậy, trải đời thế mà còn vậy, huống chi là các con và các em trong độ tuổi dễ tổn thương? Thành ra, nếu đã nhận mình là người hướng dẫn, dù là phụ huynh, thầy cô, hay anh đại chị đại gì, có lẽ quan trọng hơn hết là dõi theo và sẻ chia những cú vấp ngã đầu đời, để những trải nghiệm rất đau rất sốc kia không làm cho các em biến thành người tiêu cực. Ngược lại, và quan trọng hơn nữa, là các em học cách lớn lên, vững vàng và kiên cường trong hành trình giữ mình là người tốt. Quá khó! Nhưng khó thì mới cần tới người lớn chớ. Đời đâu phải chì là chén cơm manh áo và cái tên hùng hổ của một cái trường.
Khi các em hiểu được rằng năng lượng vay mượn là thứ năng lượng chẳng vững bền, các em sẽ học cách tự kiến tạo và thiết kế cho bản thân một cuộc đời đáng sống cà một hành trình giá trị. Xã hội, sẽ luôn có người này kẻ nọ, và các em rồi sẽ vấp ngã không sớm thì muộn trong quá trình tương tác với thế giới bên ngoài. Nhưng nếu hiểu rằng bản thân có những lựa chọn thênh thang và hạnh phúc hơn, có lẽ những cú sốc đầu đời rồi chỉ là câu chuyện hay để kể cho nhau nghe về một thời đầy sóng gió….
Nguyễn Phi Vân