Vũ Kim Hạnh
Thành viên mới
3 lần mỗi năm, mỗi khi ông đến Việt nam là chúng tôi có cử cà phê hội ngộ. Ông lớn hơn tôi 10 tuổi, bằng tuổi ông xã tôi nên tôi nhớ tuổi của ông rõ. Từ sau Covid, số lần ông đến Việt Nam giảm lại, còn 2. Nhà ông ở New York và tôi đã có lần ghé thăm tổ ấm này, nơi ông sống hạnh phúc với bà vợ Nhật.
Lần này ông về Việt Nam và vẫn hẹn cà phê. Hẹn trước một tháng, như kiểu làm việc chuyên nghiệp của ông. Và thật vui, ông “khoe” với tôi quyển sách mới in xong, sẽ phát hành ở Việt Nam đầu tháng 11/2024.
Ông là chuyên gia về thương hiệu, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sáng tạo của CT tư vấn Hình ảnh thương hiệu Richrd Moore Associates. Chắc chắn sau này, lịch sử doanh thương Việt Nam và lịch sử phát triển thương hiệu Việt sẽ có tên ông. Bởi khi ông đến Việt nam (1993) với nghề chuyên môn của mình thì Việt nam chưa biết tới khái niệm “THƯƠNG HIỆU”. Năm 2001, ông mở văn phòng tại Hà Nội.
Năm 2002, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao mới tổ chức lần đầu tiên cuộc khảo sát 500 doanh nghiệp các ngành trên toàn quốc về “Nhận thức và đấu tư xây dựng thương hiệu” và tổ chức hội thảo lớn công bố kết quả với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thương Mại tại TPHCM thì ông đã có mặt phát biểu với tư cách chuyên gia. Ngay sau đó là chương trình xây dựng “20 thương hiệu hạt giống” mà ông là cố vấn trưởng của chương trình đào tạo này, cũng mở đầu cho một chương trình dài hơi của Hội “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu”.
Nhiều bài học mới và hay với nhiều kinh nghiệm thực tế, tôi khuyến khích ông viết sách về thương hiệu Việt nam. Tháng 8/2003, cuốn “Thương hiệu dành cho lãnh đạo” cuốn sách đầu tiên của ông ra đời tại Việt Nam. Sau đó là cuốn “Đầu tư cho chiến lược hình ảnh thương hiệu”. Và hôm nay là cuốn thứ ba.
Tôi hỏi ông về tình hình kinh doanh ở Việt nam, khi mà kinh tế xuống, sức mua giảm, hàng giá rẻ tung hoành khắp nơi thì vấn đề xây dựng, phát triển brand (thương hiệu) chắc gặp nhiều khó khăn hơn.
Ông trầm ngâm. Vẫn kiểu điềm tĩnh cố hữu, ông gật gù, nhất là sau Covid thì ở đâu cũng khó. Tôi đã phải…giọng ông nghèn nghẹn…Rồi thật nhỏ giọng, và lạ lùng, lần đầu tiên sau mấy chục năm là bạn, tôi thấy mắt ông rưng rưng, tôi phải đóng cửa văn phòng ở Sài Gòn Hai năm rồi, tôi nhớ các bạn làm việc ở đây. Nay văn phòng Hà nội vẫn hoạt động, dần khởi sắc hơn nhưng tôi nhớ các bạn, nhớ Thy, cô họa sĩ năng động…
Và chúng tôi trao đổi nhiều về cuốn sách mới của ông, kho tàng tích hợp kiến thức mấy chục năm làm thương hiệu trên nhiều nước của ông.
Sách chưa phát hành và tôi khá tò mò khi đọc lướt, thấy ông công phu, tỉ mẫn tổng kết từ phương pháp trước đây (ông đưa ra từ tổng hợp thành công của các thương hiệu Việt nam nhiều năm trước) là CHIẾN LƯỢC KHÁC BIỆT HÓA THƯƠNG HIỆU để đưa ra phương pháp mới của thời kỳ mới hiện nay - TƯ DUY TÍCH HỢP THƯƠNG HIỆU (INTERGRATED BRAND THINKING- IBT).
Câu chuyện bớt buồn và ông say sưa như bất cứ lần nào trình bày hay tranh luận về thương hiệu.
Dù ở Mỹ, tôi theo dõi thường xuyên bối cảnh cạnh tranh ở Việt Nam ngày một gay gắt, nên tôi luôn nghĩ tới nhu cầu của các bạn là cần duy trì hình ảnh thương hiệu toàn diện hơn và nhất quán hơn theo thời gian.
“Đổi mới với Integrated Brand Thinking” là tổng hợp những kinh nghiệm của tôi sau hơn 50 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn thương hiệu.
Tôi lật nhanh cuốn sách mới toanh. Ông trình bày quá trình hình thành phương pháp mới:
- Nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử phát triển của các mô hình thương hiệu từ thập niên 50 cho tới nay.
- Kết hợp với tư duy phi tuyến tính trong Design Thinking, ông tích hợp phương pháp Chiến lược Khác biệt hoá Thương hiệu trước kia, bổ sung và nâng cấp để đưa ra phương pháp mới giúp thương hiệu được phát triển, duy trì và nhất quán không chỉ trên các tài liệu truyền thông đại chúng mà còn được lưu giữ trong mọi hoạt động nội bộ của doanh nghiệp.
Giá trị thương hiệu trở thành DNA của doanh nghiệp, tác động tới các hoạt động vận hành của công ty.
- Xác định các phương pháp giúp doanh nghiệp phát triển các ý tưởng mới cho sản phẩm và dịch vụ nhằm gắn kết với giá trị của thương hiệu.
- Các áp dụng thực tiễn liên quan đến ESG và phát triển bền vững được tích hợp vào trong việc xây dựng Chiến lược thương hiệu cốt lõi cho doanh nghiệp
- Các cách thức giúp duy trì hình ảnh thương hiệu nhất quán theo thời gian
- Tích hợp giữa Truyền thông Tiếp thị (Marcom) và Truyền thông Thương hiệu (Brand Com). Ông mĩm cười khi băng qua đường từ quán cà phê Highland để đến xem các sản phẩm của gần 100 doanh nông đang trưng bày tại showroom nhỏ của BSA. Và ông rạng rỡ vui, sinh động hẳn lên khi cầm trên tay, tận mắt nhìn (thật lâu) từng sản phẩm với quá sức đa dạng các kiểu bao bì tràn ngập họa tiết và màu sắc…
Ông chia tay tôi để ra phi trường về Hà Nội, còn kịp kể "vớt vát" câu chuyện vừa xảy ra:
Hôm qua, 23/10, Motion Podcast vừa phỏng vấn tôi về cuốn sách mới. Tôi có nhắc tới một bà bạn mà tôi có hẹn cà phê hôm nay, bà ấy đã truyền cảm hứng và khuyên tôi nhất định phải viết sách để chia sẻ lại các quá trình làm việc về phát triển thương hiệu của mình cho các doanh nghiệp Việt Nam. Khi nào chương trình lên sóng, cũng trong tháng 11/2024, tôi sẽ báo cho chị nhé.
Vũ Kim Hạnh