Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Em khóc, nước mắt rơi lã chã không biết giấu vào đâu. Em cố gắng giải thích, “Cô ơi em xin lỗi. Em biết như này là rất tệ, nhưng em hoàn toàn bị động….”
Mình thì, thấy nó tệ thiệt, không phải tệ ở cái setup sơ sài, tạm bợ như mãi võ sơn đông. Thiệt lòng thì mình chẳng bao giờ bị ảnh hưởng bởi môi trường. Sao cũng được, sang xịn mịn cũng được, mà thảy vào cái nhà kho cũng không sao. Nhưng tệ, nó nằm ở cái tình, ở sự trân trọng và nghĩ cho người khác. Nhờ ai đó một việc gì đó đã khó. Nhờ vả vào tinh thần, sự nhiệt huyết, mong muốn cho đi của người ta càng khó, vì bạn đang nợ người ta một món nợ tình. Bằng không, nó sẽ mang danh nghĩa của sự lợi dụng. Muốn nhờ ai đó việc gì, cũng nên nghĩ thật kỹ, mình có nên đi vay món nợ tình nghĩa này không. Vay rồi, sau này làm sao trả?
Thành ra, khi ta nhờ vả mà chưa bao giờ nghĩ, chưa bao giờ cân nhắc, chưa bao giờ tính toán sẽ trả lại thế nào, làm sao để sự nhờ vả này nó đàng hoàng nhất, tử tế nhất, trân trọng nhất có thể, ta đang hành xử tệ.
Thôi em đừng khóc nữa. Cô biết em đã cố gắng, và quyết định này không phải của em. Những ai đó đứng đằng sau sự thiếu quan tâm, thiếu tinh tế và chuyên nghiệp này, họ vừa chứng tỏ với cô rằng, họ không đáng để cô giúp nữa. Vậy thôi! Xây quan hệ thì khó. Mất quan hệ thì rất dễ. Sau này, họ có mời thì cô cũng sẽ không bao giờ nhận lời.
Và em cũng nên xem đây là bài học đầu đời. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau cho cùng một vấn đề. Chọn cách nào tốt nhất, hiệu quả nhất, chuyên nghiệp nhất có thể mà làm. Nhiệt huyết là rất tốt nhưng nhiệt huyết không chưa đủ. Ai đó có thể dang tay ra giúp đỡ mình một lần, nhưng nếu thấy mình tổ chức không đàng hoàng, thiếu chuyên nghiệp, dù là do mình hay do bất kỳ yếu tố khách quan nào khác, bản thân em cũng sẽ mất đi quan hệ. Mất một lần, hai lần, rồi không lẽ mất hoài, mất hết? Xem đây như một bài học để thay đổi cách làm, cách tiếp cận cho tương lai. Vậy thôi, đừng khóc nữa.
Mình bước vội ra xe. Đôi mắt đỏ hoe vẫn nhìn theo. Ai trong chúng ta rồi cũng một hay vài lần trải qua những cú sốc đầu đời như thế, khi trái tim trong trẻo chưa lường hết sự phức tạp của lòng người, của những quan hệ lợi ích chồng chéo trong chính trị và quyền lực. Có điều, học rồi thì đừng cho phép bài học này tái hiện, đừng uống nước hai lần trên cùng một dòng sông. Làm gì, cũng phải nghĩ, bảo vệ và xây dựng lòng tin, uy tín, và sự chính trực của chính bản thân mình. Cuộc đời này ngắn lắm. Thế giới này nhỏ lắm.
Vẫn biết sẽ không có cách nào giúp các em tránh được vài quả đắng trong đời. Trải nghiệm là cần thiết. Quan trọng nằm ở chỗ, trải nghiệm rồi sao nữa? Liệu những trải nghiệm đắng đầu đời có giúp ai đó lớn lên? Cho nên, khi cú sốc đập vào mặt mình, khi ta hãy còn đang bàng hoàng về sự không thể nào tưởng tượng ra của hiện thực, có lẽ đó cũng là lúc tốt nhất để ta dừng lại, nhìn lại, suy nghĩ và rút ra bài học. Không ai trách những sai lầm đầu đời như thế, nhưng người ta chắc chắn sẽ trách khi sai lầm này lặp lại lần nữa, tiếp theo. Cho nên, thay vì đắm chìm trong vũng lầy cảm xúc thì chỉ cần nghiêm túc phản tư, rút ra bài học rồi move on - tiếp tục dấn thân về ánh sáng.
Thôi thì, có những bài học đầu đời như thế, có những vấp ngã đến bàng hoàng mà ai cũng phải vượt qua. Có những ngày và những điều ta chẳng tránh được dâu. Tâm thế và lựa chọn của ta sau mỗi lần như thế mới là điều đáng nói.
Nguyễn Phi Vân