Người thợ đã nghỉ việc có trình độ trung cấp, 5 năm kinh nghiệm. Với công việc chính là kiểm tra, bảo trì đội xe vận chuyển hàng của nhà máy, anh nhận lương cứng mỗi tháng 15 triệu đồng, chưa tính tăng ca và phụ cấp. Trước Tết, anh báo nghỉ việc để sang Nhật làm trong nhà máy sản xuất linh kiện ôtô. Tổng chi phí cho chuyến xuất ngoại hết chừng 150 triệu đồng, từ khoản dành dụm hơn hai năm làm việc ở công ty. Dù được thuyết phục ở lại với mức lương cứng nâng nâng lên 17 triệu, anh vẫn quyết nghỉ. Anh được hứa hẹn có thu nhập cao gấp ba lần ở Nhật.
Người thợ cơ khí có tay nghề trên là một trong hàng trăm nghìn lao động Việt Nam rời bỏ thị trường trong nước để xuất khẩu lao động. Trong năm nay, Cục quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) ước tính có 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Năm ngoái, con số này là gần 143.000, vượt 159% kế hoạch. Nhật Bản đứng đầu danh sách tiếp nhận với 67.300 lao động, tiếp đến là Đài Loan 58.600 người, Hàn Quốc 10.000 người, Singapore 1.822 lao động.
Theo thống kê, 90% đi xuất khẩu làm các công việc của một lao động phổ thông, phân khúc chất lượng cao chỉ chiếm 10%. Vài tháng nữa, người thợ sửa ôtô trên cũng gia nhập nhóm 90% dù ở Việt Nam anh là lao động có tay nghề được nhà máy săn đón.
Nhiều năm qua, Nhật Bản đứng đầu danh sách tiếp nhận lao động Việt Nam, chủ yếu theo diện thực tập sinh. Người đi bất kể trình độ đại học, cao đẳng trung cấp nghề hay vừa tốt nghiệp phổ thông đều được xếp vào nhóm học việc dù chỉ làm việc tay chân và nhận lương ở mức tối thiểu trong suốt ba năm hợp đồng. Những lao động đi Nhật theo diện này tự mô tả công việc của mình là 3K tức Kiken - Nguy hiểm, Kitsui - Khổ và Kitanai - Bẩn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách thực tập sinh mà Việt Nam ký kết với Nhật hơn 30 năm trước. Mục đích chương trình đặt ra là "Thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng việc chuyển giao kỹ năng, công nghệ và kiến thức cho các nước đang phát triển trong khu vực thông qua đào tạo nguồn lực", tức những nước tham gia, trong đó có Việt Nam, đưa lao động đến Nhật làm việc để học hỏi những kỹ thuật, kiến thức mà họ không thể học được trong nước, rồi sau đó quay về, vận dụng điều đã học phụng sự quê hương.
Một khảo sát nhanh được thực hiện bởi Quản trị viên trang Cộng đồng thực tập sinh Nhật Bản với gần 100 lao động từng đi Nhật theo diện thực tập sinh cho kết quả: 76% bỏ ra hơn 150 triệu đồng để đi Nhật, 65% trong số này dành hơn một năm để trả nợ. Sau ba năm làm việc, gần 67% lao động cho biết không học được gì dù là nâng cao kỹ năng tiếng Nhật. Thứ ít ỏi họ nhận được là vài trăm triệu đồng dành dụm từ tiền lương. Việc vận dụng kỹ năng làm việc ở Nhật để quay lại thị trường lao động trong nước gần như bằng 0. Nhiều người trong số họ tìm cách quay lại Nhật hoặc dùng tiền đầu tư buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, hay đơn giản là xây được cái nhà.
Chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có từ hơn 40 năm trước, qua Nghị quyết 362 do Hội đồng Chính phủ ban hành tháng 11/1980, nêu rõ "thông qua hợp tác, giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một bộ phận thanh niên trong điều kiện cơ sở kinh tế trong nước chưa thu hút được hết". Sau từng ấy năm, xuất khẩu lao động không còn giải quyết bài toán thiếu việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hướng đến mục tiêu đưa lao động làm việc trong những ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao, theo Luật 69/2020/QH14 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Định hướng này là hoàn toàn phù hợp khi thị trường trong nước không còn thiếu việc làm cho người lao động. Nhiều năm qua, Việt Nam đối mặt cơn khát lao động diện rộng. Ngay lúc này, các nhà máy vẫn khó tuyển được lao động có tay nghề, nhiều ngành kỹ thuật đối mặt tình trạng khan hiếm nhân sự.
Người lao động có quyền lựa chọn công việc phù hợp với mong muốn. Xuất khẩu lao động vẫn là một hướng đi nhưng từ góc độ chính sách, cần tính đến câu chuyện dài hơn, đặt trong bối cảnh thị trường lao động và sự phát triển của nền kinh tế.
Khoản 3 điều 4 Luật 69 nêu rõ Nhà nước mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn; việc làm có thu nhập cao, giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam. Luật đã quy định rõ, việc cần làm là tạo sự chuyển hướng rõ ràng ngay từ bây giờ, nếu không chất lượng nguồn nhân lực sẽ không thể cải thiện qua đường xuất khẩu lao động và con số tổng kết hàng năm chỉ đơn giản là bao nhiêu ngoại tệ thu về.
Một cử nhân sư phạm kỹ thuật đi Nhật làm thợ hàn từng nói với tôi: mới nghe qua, mức lương được trả ở nước ngoài tưởng rất cao nhưng chủ yếu là do chênh lệch tỷ giá và nỗ lực tiết kiệm tối đa của mỗi cá nhân. Nếu ăn uống, sinh hoạt một cách bình thường nhất như lao động nước sở tại thì mức lương đó thậm chí không giúp trả nổi khoản vay nợ ban đầu để xuất ngoại.
Nói cách khác, đất nước họ không tốn chi phí nào để nuôi lớn một người trưởng thành nhưng lại được sử dụng lao động ở giai đoạn sức khỏe tốt nhất với giá rẻ nhất.
Lê Tuyết
Người thợ cơ khí có tay nghề trên là một trong hàng trăm nghìn lao động Việt Nam rời bỏ thị trường trong nước để xuất khẩu lao động. Trong năm nay, Cục quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) ước tính có 110.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Năm ngoái, con số này là gần 143.000, vượt 159% kế hoạch. Nhật Bản đứng đầu danh sách tiếp nhận với 67.300 lao động, tiếp đến là Đài Loan 58.600 người, Hàn Quốc 10.000 người, Singapore 1.822 lao động.
Theo thống kê, 90% đi xuất khẩu làm các công việc của một lao động phổ thông, phân khúc chất lượng cao chỉ chiếm 10%. Vài tháng nữa, người thợ sửa ôtô trên cũng gia nhập nhóm 90% dù ở Việt Nam anh là lao động có tay nghề được nhà máy săn đón.
Nhiều năm qua, Nhật Bản đứng đầu danh sách tiếp nhận lao động Việt Nam, chủ yếu theo diện thực tập sinh. Người đi bất kể trình độ đại học, cao đẳng trung cấp nghề hay vừa tốt nghiệp phổ thông đều được xếp vào nhóm học việc dù chỉ làm việc tay chân và nhận lương ở mức tối thiểu trong suốt ba năm hợp đồng. Những lao động đi Nhật theo diện này tự mô tả công việc của mình là 3K tức Kiken - Nguy hiểm, Kitsui - Khổ và Kitanai - Bẩn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với chính sách thực tập sinh mà Việt Nam ký kết với Nhật hơn 30 năm trước. Mục đích chương trình đặt ra là "Thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng việc chuyển giao kỹ năng, công nghệ và kiến thức cho các nước đang phát triển trong khu vực thông qua đào tạo nguồn lực", tức những nước tham gia, trong đó có Việt Nam, đưa lao động đến Nhật làm việc để học hỏi những kỹ thuật, kiến thức mà họ không thể học được trong nước, rồi sau đó quay về, vận dụng điều đã học phụng sự quê hương.
Một khảo sát nhanh được thực hiện bởi Quản trị viên trang Cộng đồng thực tập sinh Nhật Bản với gần 100 lao động từng đi Nhật theo diện thực tập sinh cho kết quả: 76% bỏ ra hơn 150 triệu đồng để đi Nhật, 65% trong số này dành hơn một năm để trả nợ. Sau ba năm làm việc, gần 67% lao động cho biết không học được gì dù là nâng cao kỹ năng tiếng Nhật. Thứ ít ỏi họ nhận được là vài trăm triệu đồng dành dụm từ tiền lương. Việc vận dụng kỹ năng làm việc ở Nhật để quay lại thị trường lao động trong nước gần như bằng 0. Nhiều người trong số họ tìm cách quay lại Nhật hoặc dùng tiền đầu tư buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ, hay đơn giản là xây được cái nhà.
Chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có từ hơn 40 năm trước, qua Nghị quyết 362 do Hội đồng Chính phủ ban hành tháng 11/1980, nêu rõ "thông qua hợp tác, giải quyết việc làm và đào tạo nghề nghiệp cho một bộ phận thanh niên trong điều kiện cơ sở kinh tế trong nước chưa thu hút được hết". Sau từng ấy năm, xuất khẩu lao động không còn giải quyết bài toán thiếu việc làm, xóa đói giảm nghèo mà hướng đến mục tiêu đưa lao động làm việc trong những ngành nghề có chuyên môn kỹ thuật cao, theo Luật 69/2020/QH14 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Định hướng này là hoàn toàn phù hợp khi thị trường trong nước không còn thiếu việc làm cho người lao động. Nhiều năm qua, Việt Nam đối mặt cơn khát lao động diện rộng. Ngay lúc này, các nhà máy vẫn khó tuyển được lao động có tay nghề, nhiều ngành kỹ thuật đối mặt tình trạng khan hiếm nhân sự.
Người lao động có quyền lựa chọn công việc phù hợp với mong muốn. Xuất khẩu lao động vẫn là một hướng đi nhưng từ góc độ chính sách, cần tính đến câu chuyện dài hơn, đặt trong bối cảnh thị trường lao động và sự phát triển của nền kinh tế.
Khoản 3 điều 4 Luật 69 nêu rõ Nhà nước mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn; việc làm có thu nhập cao, giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam. Luật đã quy định rõ, việc cần làm là tạo sự chuyển hướng rõ ràng ngay từ bây giờ, nếu không chất lượng nguồn nhân lực sẽ không thể cải thiện qua đường xuất khẩu lao động và con số tổng kết hàng năm chỉ đơn giản là bao nhiêu ngoại tệ thu về.
Một cử nhân sư phạm kỹ thuật đi Nhật làm thợ hàn từng nói với tôi: mới nghe qua, mức lương được trả ở nước ngoài tưởng rất cao nhưng chủ yếu là do chênh lệch tỷ giá và nỗ lực tiết kiệm tối đa của mỗi cá nhân. Nếu ăn uống, sinh hoạt một cách bình thường nhất như lao động nước sở tại thì mức lương đó thậm chí không giúp trả nổi khoản vay nợ ban đầu để xuất ngoại.
Nói cách khác, đất nước họ không tốn chi phí nào để nuôi lớn một người trưởng thành nhưng lại được sử dụng lao động ở giai đoạn sức khỏe tốt nhất với giá rẻ nhất.
Lê Tuyết