BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Vũ Kim Hạnh

Thành viên mới
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

03/11/2024 | Bản tặng miễn phí

Xin chào các bạn đến với bản tin hàng tuần giới thiệu những bài viết của tôi về thị trường, tiếp đó là chia sẻ của tôi về những thông tin cần lưu ý theo dõi trong tuần tới. Sau cùng, sẽ là những ý kiến, nhận định từ các chuyên gia về các đề tài đang được quan tâm chú ý trong thời gian qua.

THEO NHỊP THỊ TRƯỜNG​


Tuần này, tôi xin chia sẻ các bài viết xoay quanh các chủ đề như phân tích về các sàn TMĐT tại Việt Nam, chuyện bổ sung Iod trong thực phẩm đã nói từ rất lâu, hay trải nghiệm của tôi khi sử dụng dịch vụ của VN Airlines và sau cùng là bài bút ký thị trường đánh giá về Temu sau một tháng làm mưa làm gió vừa qua.

BÍ MẬT CỦA TEMU Ở VIỆT NAM

Sau một tháng Temu làm mưa làm gió ở Việt Nam (dù mới nộp đơn xin hoạt động hợp pháp hôm 24/10, nhưng đã quảng cáo, tìm kiếm đối tác…từ trước) có thể đúc kết nhanh một số điều bật mí về hoạt động của Temu ở Việt Nam... Đọc thêm

2 CHUYẾN BAY, GẶP 2 NGƯỜI HAY: MAY

Hôm qua họp ở Hà Nội buổi sáng, tôi bay 2 chuyến, 5g sáng và 5g chiều. Mua vé của VN Airlines nhưng lại bay cùng Bamboo Airlines, tôi cũng thấy vui vì vốn có thiện cảm với hãng này. Trên chuyến bay, nghe họ tự xưng là “hãng hàng không HIẾU KHÁCH”. Giản dị mà dễ thương. Tôi nghĩ ngay tới Lương Hoài Nam, ông CEO của hãng mà tôi mới tình cờ gặp tối hôm trước đó khi đến ăn tối ở nhà một người bạn. Câu chuyện ông CEO này cũng vui. Vì Bamboo thua lỗ, người ta mời ông về quản lý để cứu vãn. Mà do Bamboo nợ nần, cơ quan Thuế bèn…cấm ông.... Đọc thêm

BẤT CHẤP NGƯỜI DÂN THỪA IOD, BỊ UNG THƯ TUYẾN GIÁP???

Tôi đọc thấy trên trang FB của bác sị Nguyễn Thanh Liêm bài viết bày tỏ lo âu về tình trạng nhiều người Việt Nam bị ung thư tuyến giáp tìm đến ông. Ông viết.... Đọc thêm

CÁC SÀN TMĐT SẴN CÓ Ở VIỆT NAM: THAY ĐỔI SÔI ĐỘNG LIÊN TIẾP

Phân tích thêm mỗi ngày cho “ 5 Phút-Chuyện thị trường”
5 phút kể chuyện thị trường quá nhanh, quá sôi động. Nhiều bạn nghe xong nhắn tin hỏi tới tấp, cô Kim Hạnh có thể bình luận sâu thêm các bản tin trên không. Thật sự đây là yêu cầu quá hợp lý luôn. Trên tiktok khó nói dài hơn…5 phút nên ở đây, nhóm chuyên gia thị trường của BSA sẽ giúp tôi phân tích cập nhật những diễn biến nóng nhất theo yêu cầu các thính giả.... Đọc thêm


ĐIỂM NÓNG TUẦN SAU​


Phần này tôi xin chia sẻ về các tin tôi đã thu mà chưa phát trên mạng TikTok để các bạn tiện cập nhật theo dõi trong thời gian tới.

NTD VN CẦN BIẾT: CHÍNH NGƯỜI BÁN, NHÀ SẢN XUẤT TRUNG QUỐC CŨNG LAO ĐAO VÌ CÁC SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Sàn Taobao của Alibaba là một trong những nơi đầu tiên lên tiếng về những đòi hỏi vô lý của người mua. Ảnh: Reuters

Người bán, nhà sản xuất Trung Quốc lao đao trong cuộc chạy đua giữ chân khách hàng bằng mọi giá của các sàn thương mại điện tử. Có đến 21% người bán hàng thua lỗ nặng nề khi người mua lạm dụng chính sách “hoàn tiền mà không cần trả hàng” (no-return refund).

Đầu tháng 9, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới buộc các nền tảng không được áp đặt chính sách vô lý về các giao dịch và giá cả của người bán. Các sàn như Temu, Taobao hay 1688 đã cố gắng giữ chân người mua nội địa bằng đủ mọi chiêu thức. Từ chính sách giảm giá đến 90%, đến miễn phí giao nhận, miễn phí đổi trả hàng và đặc biệt là chính sách hoàn tiền mà không cần trả hàng (no-return refund) nhằm giữ rịt người dùng. Các sàn này cũng “xuất khẩu” chính sách no-return sang nhiều nước trên thế giới, gây hậu quả là nền sản xuất nội địa các nước này bị đình đốn.

Sàn Pinduoduo đã ra chính sách là cho phép người mua được hoàn lại tiền mà không cần trả lại sản phẩm, nhằm gia tăng niềm tin và tiện lợi cho khách hàng. Dẫn tới tình trạng lạm dụng chính sách của người mua, dẫn đến giảm lợi nhuận.

Khi Pinduoduo bắt đầu thu hút bớt khách của các sàn khác bằng “chiêu” này, các đối thủ lâu đời hơn phản ứng bằng cách thực hiện y chang chính sách này. Chính sách kỳ quái này khiến hơn 20% người bán thua lỗ nặng.

Một khảo sát gần đây cho thấy: 80% tổng số đơn hàng được áp dụng trả tiền khi NTD không vừa ý (mà không phải trả lại hàng) trong năm qua. Chỉ 1% nhà bán hàng nói không gặp phải bất cứ yêu cầu đòi trả lại tiền nhưng không trả hàng nào.

Chính phủ Trung Quốc đã phải ban hành “Quy định tạm thời về chống cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại trực tuyến” có hiệu lực từ 1-9. Theo đó, các nền tảng không được áp đặt chính sách vô lý với các giao dịch và giá cả của người bán.

HỘP NHỰA ĐEN ĐỰNG SUSHI TRONG SIÊU THỊ ĐỘC HẠI CỠ NÀO?
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Những chiếc hộp sushi này là minh chứng rõ ràng nhất cho việc không có thứ gì trên đời vừa ngon, vừa rẻ lại vừa bổ. (Ảnh: CafeF)

Nghiên cứu gần đây đã cảnh báo nguy cơ sức khỏe từ những hộp nhựa màu đen đựng sushi bán tại siêu thị. Các hộp này thường chứa chất chống cháy DecaBDE, một hóa chất có khả năng gây ung thư và tác động xấu đến nội tiết, thần kinh và hệ miễn dịch. DecaBDE vốn được sử dụng trong sản phẩm nhựa tái chế từ thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, và thường có nồng độ rất cao trong hộp đựng sushi, dao nhà bếp, và đồ chơi trẻ em làm từ nhựa đen. Khi tiếp xúc qua thực phẩm, hóa chất này có thể thẩm thấu vào máu, gây rủi ro ung thư tăng tới 300%.

Với các lợi ích như làm nổi bật màu sắc của sushi, chi phí sản xuất thấp và dễ dàng tái chế, nhựa đen phổ biến trong đóng gói thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia như Linda Birnbaum và Megan Liu cho rằng nhựa đen chứa chất chống cháy không nên được tái chế hoặc sử dụng cho đồ dùng thực phẩm. Để hạn chế rủi ro, các nhà khoa học khuyến cáo không sử dụng nhựa đen trong bếp và tránh đựng thực phẩm trực tiếp trong hộp nhựa đen. Người tiêu dùng nên chuyển thức ăn ra bát đĩa bằng thủy tinh, thép không gỉ, hoặc gốm, tránh hâm nóng hộp nhựa đen để ngăn hóa chất ngấm vào thực phẩm.

Nghiên cứu này gợi mở về việc cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng nhựa đen tái chế trong sản xuất đồ dùng thực phẩm, đặc biệt trong bối cảnh nhựa đen vẫn phổ biến và có mặt trong nhiều sản phẩm gia dụng hàng ngày.

NGƯỜI DÂN Ở VÙNG KHÓ KHĂN DỄ DÀNG THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỚI "DỊCH VỤ CÔNG AI"

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

DVC AI được phát triển bởi RTA - Real-Time Analytics cùng với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc.

DVC AI là một sáng kiến tiên tiến nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào dịch vụ công để hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính công (TTHC). Công cụ này được phát triển bởi RTA - Real-Time Analytics cùng với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc. Ra mắt vào ngày 10/10/2024, DVC AI tập trung vào hỗ trợ 15 TTHC thiết yếu thông qua công nghệ AI kết hợp với chuyên môn của nhân viên hỗ trợ. Công cụ này cung cấp hướng dẫn chi tiết từng bước về cách thực hiện các TTHC, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện các quy trình hành chính công ngay cả ở các vùng sâu, vùng xa.

DVC AI tích hợp tính năng chuyển giọng nói thành văn bản và ngược lại, cho phép người dân có thể đặt câu hỏi bằng giọng nói và nhận được câu trả lời chi tiết về các thủ tục. Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia của UNDP, cho biết công cụ này xuất phát từ thực trạng khó khăn trong việc thực hiện TTHC trên cổng dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Theo khảo sát, nhiều cổng DVC hiện tại vẫn còn phức tạp và không có hướng dẫn dễ hiểu, khiến người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật, gặp nhiều khó khăn khi tự thực hiện TTHC.

Ngoài ra, các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn công chức phải hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, trong khi đó nhiều cổng DVC không tích hợp các tính năng chatbot hiệu quả, gây thất vọng cho người dùng. DVC AI ra đời nhằm khắc phục các hạn chế này, giúp người dân dễ dàng truy cập vào các thủ tục công quan trọng mà không cần phụ thuộc vào hỗ trợ trực tiếp từ công chức. Bà Huyền hy vọng DVC AI sẽ ngày càng phát triển và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của người dân.

THÁI LAN PHÁT HIỆN DƯ LƯỢNG HÓA CHẤT ĐỘC HẠI TRONG NHO NHẬP TỪ TRUNG QUỐC

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Thai-PAN kiểm tra và phát hiện nhiều mẫu nho sữa Trung Quốc có dư lượng chất độc hại vượt ngưỡng cho phép. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Các cơ quan Thái Lan, bao gồm Thai-PAN, Hội đồng Người tiêu dùng Thái Lan (TCC), và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), vừa công bố cảnh báo về dư lượng hóa chất nguy hại trong nho Shine Muscat nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo kết quả xét nghiệm ngày 24/10, 23 trên 24 mẫu nho phổ biến từ nhiều địa điểm khác nhau cho thấy hàm lượng thuốc trừ sâu vượt mức cho phép. Trong số này, một mẫu chứa chlorpyrifos, một loại thuốc trừ sâu đã bị cấm ở Thái Lan.

Các mẫu còn lại có 14 loại hóa chất vượt mức an toàn 0,01 mg/kg và chứa 50 loại thuốc trừ sâu khác, trong đó nhiều loại có khả năng thẩm thấu vào nho giúp bảo quản lâu hơn. Đáng chú ý, 22 chất chưa được khai báo theo luật pháp Thái Lan, bao gồm triasulfuron, cyflumetofen, tetraconazole và fludioxonil, làm dấy lên lo ngại về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

HUY ĐỘNG THÊM 6 TRIỆU USD TẠI VÒNG GỌI VỐN SERIES B, COOLMATE ĐỦ LỰC "GO GLOBAL"

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, Coolmate đã trở thành điểm mua sắm trực tuyến cho nam giới tại Việt Nam.

Coolmate, thương hiệu thời trang nam trực tuyến hàng đầu Việt Nam, đã hoàn thành vòng gọi vốn Series B do Vertex Ventures SEA & India dẫn dắt, cùng sự tham gia của Kairous Capital. Vertex Ventures nổi tiếng với các khoản đầu tư vào các công ty thành công như Grab và PatSnap, còn Kairous Capital hỗ trợ các startup công nghệ tiêu dùng châu Á. Coolmate, ra mắt năm 2019, hợp tác với các nhà máy trong nước để tạo ra sản phẩm chất lượng, giá hợp lý, cùng chính sách đổi trả hấp dẫn, định hình phong cách "Proudly made in Vietnam".

Thị trường thời trang Việt Nam đạt giá trị 6,4 tỷ USD nhờ kinh tế phát triển và thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo nền tảng cho Coolmate phát triển bền vững. Founder Phạm Chí Nhu chia sẻ rằng việc hợp tác với các quỹ lớn giúp Coolmate đẩy mạnh xây dựng thương hiệu bền vững, hướng tới mục tiêu 2030 trở thành biểu tượng thời trang Việt, dẫn đầu thị trường nội địa và quốc tế.

Coolmate đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu trung bình 50% mỗi năm, đạt 500 triệu USD vào năm 2030 và định giá 1 tỷ USD, hướng đến vị thế "kỳ lân". Công ty sẽ mở rộng sản phẩm và phân phối offline, đồng thời hướng đến thị trường Đông Nam Á và Mỹ, dự kiến đạt 30% tổng doanh thu. Trước mắt, Coolmate đặt mục tiêu IPO tại Việt Nam vào năm 2025.

AI VÀ CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM CỦA CẬU BÉ 14 TUỔI
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Cửa sổ chat giữa cậu bé 14 tuổi Sewell với chatbot, được xem trên máy laptop của mẹ cậu bé. Ảnh: New York Times

Sau cái chết của cậu con trai 14 tuổi, một gia đình ở Florida đã quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại từ công ty đã tạo ra một ứng dụng sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI). Khiếu nại nêu rằng AI, được đại diện là một nhân vật giả tưởng trong loạt phim “Game of Thrones,” Daenerys Targaryen, tương tác với trẻ vị thành niên này trong các cuộc trò chuyện đầy cảm xúc, khiến trẻ căng thẳng và kích thích thêm xu hướng tự tử của mình, dẫn đến cái chết thương tâm.

Tuần này, đơn kiện được đệ trình lên tòa án California nêu chi tiết về cách cậu bé 14 tuổi, Sewell Setzer III, bị ám ảnh bởi chatbot mang tên “Dany.”

Theo đơn kiện, Dany không chỉ không ngăn cản được ý định tự tử của Sewell mà đôi khi còn khuyến khích điều đó. Các cuộc trò chuyện cũng mang tính chất nhạy cảm, mặc dù Sewell còn ở độ tuổi vị thành niên và được đề cập trên trang cá nhân của cậu bé, theo các báo cáo.

Vụ án này khá phức tạp vì bản chất của chatbot AI được thiết kế để tương tác cũng như phản hồi, do đó, không có gì lạ khi những chatbot này bị nhầm lẫn giữa cảm giác gắn kết về mặt tình cảm và lợi dụng. Những thanh thiếu niên trẻ tuổi vẫn đang phát triển về mặt xã hội hoặc tình cảm có xu hướng rơi vào cái bẫy này khi trẻ đang lớn và không nhận thức được nhiều điều có nguy cơ xảy ra.

Character.AI phản hồi tin tức này bằng cách nói rằng điều đó thật đau lòng và tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp bảo mật chặt chẽ hơn, bao gồm áp dụng giới hạn độ tuổi và bộ lọc nội dung trên trang web của họ.

Vụ việc của Sewell đã khơi dậy nhận thức về thực tế rằng có những mối đe dọa trong thế giới mạng mà không thể nhìn thấy trên bề mặt. Với sự tiến bộ và sự kết hợp ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, quan trọng hơn, chính quyền và các công ty công nghệ phải đưa ra các biện pháp và thảo luận về các vấn đề xung quanh cách thức thiết kế và áp dụng trí tuệ nhân tạo một cách có đạo đức.

Các mối quan hệ liên quan đến ứng dụng AI có nguy cơ gặp vấn đề về quyền riêng tư dữ liệu, đặc biệt khi ứng dụng hoặc nền tảng chứa thông tin nhạy cảm.

Mặc dù trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện giao tiếp, ví dụ, AI còn đưa ra ví dụ về cách một người thể hiện cảm xúc của mình, kiểm soát xung đột hoặc cải thiện kỹ năng trò chuyện, nhưng mọi người nên nhớ rằng AI không phải người thật, nên cần cẩn thận khi sử dụng.

HÀNG NGÀN NGƯỜI KÉO TỚI DUBLIN XEM DIỄN HÀNH HALLOWEEN NHƯNG KHÔNG CÓ, HÓA RA BỊ AI LỪA

BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Hàng trăm người xếp hàng trên đường O'Connell để tham gia cuộc diễu hành không có thật (Ảnh: BBC)

Hàng ngàn người kéo tới Dublin, Ireland, hôm Thứ Năm, 31 Tháng Mười, xem diễn hành Halloween nhưng rốt cuộc không có buổi diễn hành nào, theo UPI.

Hóa ra, những người này thấy mẫu quảng cáo do AI (trí tuệ nhân tạo) bịa ra trên trang web ở Pakistan và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.) .

Trang web My Spirit Halloween quảng cáo bịa đặt rằng đoàn nghệ thuật Macnas sẽ tổ chức diễn hành Halloween từ 7 giờ tối tới 9 giờ tối Thứ Năm ở trung tâm Dublin.

Macnas diễn hành Halloween ở Dublin từ năm 2013. Đại dịch COVID-19 khiến họ ngưng chương trình này mấy năm, cho tới năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, đoàn này không có lịch diễn hành Halloween.

Tối Thứ Năm, ban đầu, chỉ vài trăm người tụ tập ở trung tâm Dublin chờ xem diễn hành Halloween, nhưng sau đó, đám đông dường như lên tới hàng ngàn người.

“Dường như đây là trò lừa đảo trên mạng. Thật đáng buồn khi thấy người ta bị lừa. Mọi người đang muốn vui chơi Halloween an toàn. Có diễn hành để đi xem nghe có vẻ rất hay,” bà Janice Boylan, thành viên đảng Sinn Fein ở Ireland, cho biết.

Đám đông chờ khoảng một tiếng thì nhận ra không có buổi diễn hành nào.

Trong lúc họ bắt đầu giải tán, cảnh sát Ireland ra thông báo cho hay: “Chúng tôi xin thông báo, trái với thông tin lan truyền trên mạng, không có buổi diễn hành Halloween nào diễn ra ở trung tâm Dublin chiều nay hoặc tối nay.”

Sáng Thứ Sáu, trang My Spirit Halloween đã gỡ bỏ mẫu quảng cáo bịa đặt này.

TỊCH THU GẦN 300 ĐỒNG HỒ ROLEX, PATEK PHILIPPE GIẢ TẠI CHỢ BẾN THÀNH
BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (28/10 - 03/11/2024)

Các loại đồng hồ bày bán tại chợ Bến Thành. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Gần 300 đồng hồ Rolex, Patek Philippe, Richard Mille, Burberry, IWC… giả bị tịch thu khi nhà chức trách kiểm tra đột ngột các quầy bán hàng hiệu tại chợ Bến Thành, quận 1, Sài Gòn, vào chiều tối 31 Tháng Mười.

Theo báo Thanh Niên hôm 1 Tháng Mười Một, trong vụ “đánh úp” này, do Tổng Cục Quản Lý Thị Trường phối hợp Cục Quản Lý Thị Trường TP.HCM tổ chức, đoàn kiểm tra tịch thu 116 cái túi xách, dây thắt lưng, ba lô, ví Gucci, Hermes, Montblanc, MCM, Burberry giả.

Các nhãn hàng hiệu nêu trên đều đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Thời điểm lực lượng Quản Lý Thị Trường TP.HCM ghé vào chợ Bến Thành, nhiều quầy tại đây nhanh chân đóng cửa để “né” việc kiểm tra nguồn gốc hàng hóa cũng như việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo hồ sơ của nhà chức trách, tại khu vực trung tâm thương mại của quận 1 có hai nơi bán hàng giả nổi cộm là trung tâm thương mại Saigon Square và chợ Bến Thành.

Lực lượng Quản Lý Thị Trường TP.HCM giải thích rằng việc họ tăng cường các hoạt động kiểm tra là để “ngăn chặn triệt để tình trạng nhập cảng, kinh doanh hàng giả” “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp, làm lành mạnh môi trường đầu tư” và “tạo ấn tượng tốt về hình ảnh Sài Gòn, Việt Nam trên trường quốc tế.”

Liên quan vụ này, báo Tiền Giang hồi giữa tháng trước cho hay, tại Sài Gòn có nhiều nơi bày bán công khai hàng giả, hàng nhái.

Người bán hàng giả không chỉ ở các chợ, trung tâm thương mại mà còn rao hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.

Đơn cử là tại một quầy bán mắt kính trong trung tâm thương mại Saigon Square có bày bản đủ các loại mắt kính như Gucci, Chanel… với giá chưa tới 100,000 đồng ($3.9) mỗi cái.

Còn tại các quầy bán quần áo, giày dép ở chợ Bến Thành, tiểu thương giới thiệu các loại áo thun Polo, Louis Vuitton, Adidas… chỉ với giá 500,000 đồng ($19.7) mỗi cái.

Ngoài ra, tại phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi ở quận 5, người ta có thể mua túi xách, giày dép, quần áo… “hàng hiệu” ngay trên vỉa hè với giá dưới 100,000 đồng mỗi món.

Theo lời một giới chức Quản Lý Thị Trường TP.HCM, để tránh bị kiểm tra, phạt vạ, nhiều người bán hàng giả đã chuyển từ cửa hàng sang bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử.


BÌNH LUẬN CỦA CHUYÊN GIA​


Tuần này có 4 chuyên gia gửi bình luận cho bản tin. Mời bạn đọc các lời bình.

Ông Phạm Ngọc Hưng


Chuyên gia sáng tạo và viết thông điệp marketing, đồng thời là chuyên gia kiểm soát khủng hoảng cho các công ty lớn.

ÁC MỘNG CỦA GOOGLE ĐÃ THÀNH HIỆN THỰC?
Tháng 12 năm 2022, khi ChatGPT+ vừa mới được tung ra thì Sundar Pichai, CEO of Alphabet, công ty mẹ của Google, đã phát đi tín hiệu báo động đỏ. Và mới hôm qua, khi OpenAi tuyên bố rằng ChatGPT đã có thể search web để kéo về những thông tin cập nhật nhất trong khi trò chuyện với người dùng, thì ác mộng của Google Search đã thành hiện thực.

Trong gần 2 năm qua, kể từ khi ChatGPT ra mắt, Google cơ bản vẫn sống tốt khi người dùng dần hình thành hành vi là hễ cần hỏi kiến thức thì họ trò chuyện với ChatGPT, nhưng khi cần tìm kiếm một thông tin chính xác, cập nhật thì họ vẫn Google.

Nhưng giờ đây, mọi việc đã khác.

Ví dụ, một nhà đầu tư chứng khoán mới đây thôi vẫn phải dùng Google để search thông tin về một mã trên sàn và nhập thông tin ấy vào cho ChatGPT để nhờ ChatGPT phân tích cơ bản để từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Nhưng nay với ChatGPT tích hợp search, nhà đầu tư ấy có thể yêu cầu ChatGPT phân tích cơ bản, thậm chí yêu cầu ChatGPT lấy luôn đồ thị chứng khoán trực tuyến để phân tích và đưa ra khuyến nghị mua bán.

Tương tự, trong lĩnh vực marketing, giờ đây một chuyên viên có thể yêu cầu ChatGPT thu thập tất cả thông tin trên web về một ngành hàng, rồi yêu cầu ChatGPT thực hiện việc phân tích thị trường mà không phải chia đôi việc như trước, và tất cả việc đó đều được thực hiện qua trò chuyện mà ChatGPT nhớ và hiểu ngữ cảnh y như con người.

Đấy chính là ý tưởng AI Agent mà OpenAI dự tính phát triển cho ChatGPT Search, tức là tạo ra một người giúp việc thông minh, có thể làm được nhiều tác vụ phức tạp để có thể cạnh tranh với Google Search.

Ưu thế của ChatGPT là ghi nhớ ngữ cảnh trò chuyện, thậm chí có thể nhớ được thông tin trong các cuộc trò chuyện trước đây, do đó có thể giao tiếp với người dùng theo đúng thể thức bản năng giữa người và người. Khuyết điểm của ChatGPT là ‘hallucination’, hay tức là cung cấp thông tin có thể không chính xác, giờ đây đã được hạn chế.

Ngày 31 tháng 10 vừa qua, ChatGPT Search mới được tung ra cho người dùng có trả phí, nhưng OpenAI cho biết họ sẽ mở rộng miễn phí trong vài tháng tới.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi launch, ChatGPT Search đã nhận được review cơ bản là tích cực từ nhiều trang web chuyên môn, từ TechRadar cho đến MIT Technology Review. Có nguy cơ là ChatGPT Search sẽ cắn miếng bánh trong thị phần search 90% hiện tại của Google.

Và nếu như thị phần ấy thu hẹp bớt, thì việc người dùng chỉ giao tiếp qua một AI agent mà không cần truy cập trang web nào khác, thì toàn bộ hệ sinh thái của Google Search, bao gồm những người sáng tạo nội dung sống nhờ từng click sẽ bị ảnh hưởng.

Đấy là một thay đổi rung chuyển.

Ông Cao Minh Việt


Chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp ở các vị trí giám đốc doanh nghiệp, giám đốc nhà máy, chi nhánh cho doanh nghiệp sản xuất của Nhật, Việt Nam. Có kinh nghiệm trong cả nhà máy sản xuất phần cứng (thiết bị cho sản xuất bán dẫn) và doanh nghiệp phần mềm.

“AI” VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM CỦA EM HỌC SINH 14 TUỔI?
Vụ việc đau lòng diễn ra như sau: AI, được đại diện là nhân vật giả tưởng trong loạt phim “Games of Thrones” đã tương tác với Sewell, mới 14 tuổi, và nói những điều đầy cảm xúc khiến trẻ căng thẳng và kích thích thêm xu hướng tự tử của trẻ, dẫn đến cái chết thương tâm. Cha mẹ Sewell kiện lên tòa án California rằng câu bé bị ám ảnh bởi Chatbot mang tên “Dany”.

Cái chết đặt ra những câu hỏi quan trọng về vai trò và trách nhiệm của trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ học tập và tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên.

1. Vai trò của AI trong hỗ trợ tâm lý và học tập: AI cung cấp khả năng tiếp cận kiến thức và các công cụ phân tích dữ liệu sâu rộng. Với học sinh, AI có thể trở thành một nguồn thông tin, trợ giúp học tập, đồng hành khuyến khích và hỗ trợ quá trình tự học.

2. Tính đạo đức và quy định bảo vệ người dùng: Cần thiết phải có quy định nghiêm ngặt hơn về AI, đặc biệt là trong các ứng dụng tiếp cận trực tiếp với người dùng nhỏ tuổi. Cần có những quy tắc đạo đức, quy định và các bộ lọc nội dung. AI nên được lập trình để có thể nhận diện và ứng phó với các dấu hiệu cảnh báo tâm lý .

3. Khả năng nâng cao sự hỗ trợ cho con người: Các chatbot hay ứng dụng hỗ trợ tâm lý có thể được cải tiến để nhận biết tốt hơn về tình trạng tâm lý của người dùng như: nhận diện ngôn ngữ cảm xúc, phân tích giọng nói, hoặc ngữ cảnh để đưa ra phản hồi hỗ trợ hoặc ngăn chặn trong các tình huống rủi ro.

4. Cần sự hợp tác giữa Chính phủ, nhà phát triển công nghệ và chuyên gia xã hội để thiết kế các quy định và cơ chế giám sát AI.

Vụ việc của Sewell Setzer có thể là động lực để cộng đồng công nghệ xem xét lại quy trình phát triển AI, từ đó thúc đẩy sự kết hợp an toàn và có trách nhiệm của AI trong cuộc sống con người.

Ông Hồ Nguyên Thảo


Ông vào nghề báo năm 1991, từng công tác ở các tờ The Saigon Times, Tuổi Trẻ, Người Tiêu Dùng trong các mảng đối ngoại, quốc tế, kinh tế xã hội và chính trị.

ĐỪNG THAN SAO HÀNG TÀU GIẬT KHÁCH
Một cuộc “tổng sỉ vả” hàng Việt là cần thiết ngay lúc này, vì cần sự thay đổi và hành động nâng chất sản phẩm Việt. Bởi người tiêu dùng đã bị bỏ quên trong suốt quá trình thiết kế và chế tạo sản phẩm. Hoặc doanh nghiệp đã bị tụt hậu, đi sau.

Tôi mua sản phẩm thực phẩm của một doanh nghiệp đạt chứng nhận của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Trên bao bì sản phẩm có dán nhãn QR, qua đó tìm hiểu thêm về sản phẩm. Thế nhưng, cái mã QR này lại đã “chết”, ít nhất ba bốn năm rồi. Lý do: doanh nghiệp in “sỉ” bao bì để tiết kiệm chi phí. Tôi nhắn tin cho bà chủ doanh nghiệp, và trôi không được trả lời. Nên tôi không mua hàng công ty ấy nữa.

Tôi có ít nhất bốn đôi giày của hai công ty cùng đạt chứng nhận như vậy. Lớp keo đế bị bong ngay khi vừa mới mua khỏi quầy hoặc một thời gian sau. Tôi có “càm ràm” với nơi bán, cũng góp ý mà chẳng đến đâu…Vài năm sau, tôi gặp chị CEO ở một sự kiện, thì được chị CEO thẳng thắn xác nhận có một dạo loại keo dán đế của hãng gặp vấn đề và chị xin gửi tặng một đôi giày mới nhất của hãng. Tôi vui, mua lại hàng hãng này (giá có hơi đắt) không phải vì được đền giày mà bởi mình đã không thất vọng hoàn toàn vào một thương hiệu mình đã tin.

Tôi cũng mua hàng may mặc Việt Nam tôi mua ở các siêu thị hay ở cửa hàng mà doanh nghiệp tự đặt tên là dòng “luxury” của hãng. Ít nhất một sản phẩm ở siêu thị bị sút chỉ, đứt dây sau lần giặt đầu tiên; Còn sản phẩm “luxury” thì lại tụt chỉ ở lần mặc thứ ba…

Những lời tâm tình của tôi, các CEO đã xem mà chẳng quan tâm lời phàn nàn của người tiêu dùng. Thái độ hiếm hoi của chị CEO, dù mấy năm sau "biến cố", khiến tôi lại tin rằng hàng Việt có nguy cơ trở bộ, sống còn và chiến thắng với “giặc hàng ngoại”.

Một số doanh nghiệp Việt đã có bộ phận thiết kế UX/UI (theo trải nghiệm và giao diện người dùng). Đâu cần đến lý thuyết và thực hành UX/UI đắt tiền mà chỉ cần lắng nghe những người dùng thật, nói thật những trải nghiệm và đánh giá đúng những trải nghiệm đó. Rồi sửa chữa đi, không thì đừng than sao hàng Tàu giật khách. Cứ làm ăn nghiêm chỉnh, quí trọng người tiêu dùng thì việc gì phải ngại Taobao, Temu… khi mình có hàng tốt, giá ổn.

Ông Đồng Phước Vinh


31 năm viết báo về công nghệ thông tin. Anh làm việc ở Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Vietnamnet và từ 2020, làm việc ở Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn. Anh cũng tham gia trong ngành thương mại điện tử, xuất bản sách điện tử từ 2007-2019.

TỪ NHỰA ĐEN ĐỘC HẠI NGHĨ ĐẾN THÓI QUEN DÙNG ĐỒ NHỰA CỦA NGƯỜI VIỆT
Nhựa đen đựng sushi bán tại siêu thị thường chứa chất chống cháy DecaBDE, một hóa chất có khả năng gây ung thư và tác động xấu đến nội tiết, thần kinh và hệ miễn dịch.

Từ câu chuyện này lại nảy sinh mối lo khác: cách dùng đồ nhựa đựng thực phẩm của người Việt Nam. Cách phổ biến nhất khi chúng ta mua thức ăn mang về hiện nay thì các loại nước dùng của phở, hủ tiếu, bún bò, bánh canh… đang nấu sôi trong nồi sẽ được múc thẳng vào bao nhựa trong. Ngoài loại bao nhựa này, loại hộp nhựa mỏng màu trắng cũng được dùng với công dụng tương tự rất phổ biến.

Một nguy cơ tiềm ẩn từ thói quen sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm của người Việt Nam là tận dụng mọi loại hộp nhựa, kể cả loại hộp nhựa rẻ tiền đã được dùng được thức ăn mang về để tái sử dụng. Nhiều người cứ hộp nào cũng dùng, không quan tâm đến việc đó có phải là hộp nhựa loại đựng thực phẩm hay không, hộp nhựa có chuyên dùng để đựng thức ăn lạnh, thức ăn nóng hay không…Hoá chất có thể len lỏi vào thức ăn qua những loại hộp nhựa dùng sai cách như vậy.


Nếu có góp ý, bình luận hoặc có câu hỏi xoay quanh các thông tin thị trường, mời bạn nhấn vào nút "Gửi câu hỏi cho nhà báo Kim Hạnh" bên dưới để tham gia.

Gửi câu hỏi cho nhà Báo Kim Hạnh


Vũ Kim Hạnh
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (21/10 - 27/10/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (14/10 - 20/10/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (23/9 - 29/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (16/9 - 22/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (9/9 - 15/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (2/9 - 8/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (26/8 - 1/9/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (19/8 - 25/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (12/8 - 18/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (05/8 - 11/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/7 - 04/8/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/7 - 28/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (15/7 - 21/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (8/7 - 14/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (1/7 - 7/7/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (24/6 - 30/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (17/6 - 23/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (10/6 - 16/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (3/6 - 9/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (27/5 - 2/6/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (20/5 - 26/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (13/5 - 19/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (6/5 - 12/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (29/4 - 5/5/2024) Góc Nhìn 0
V BẢN TIN TỔNG HỢP CUỐI TUẦN (22/4-28/4/2024) Góc Nhìn 0
V MÓNG RỂ CÂY & PHIÊN BẢN THI CÔNG NHÀ Ở LÀNG NỦ Góc Nhìn 0
V THỦ TƯỚNG LÝ HIỂN LONG VÀ BẢN LĨNH ĐỐI PHÓ ĐẠI DỊCH COVID 19. Góc Nhìn 0
L Tử tế với bản thân Góc Nhìn 0
V Tấm bản đồ cũ Góc Nhìn 0
V TIN VUI Góc Nhìn 0
V TRẠI HÈ “ĐẠI SỨ HÀNG VIỆT TÍ HON”, NHỮNG TIN VUI BẤT NGỜ GIỜ CHÓT Góc Nhìn 0
V “LÀM MAI” ĐƯỢC BÁO TIN VUI… Góc Nhìn 0
V Mua bán niềm tin Góc Nhìn 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top