Chạy trốn mùi hoa sữa

Trình Phương Quân

Thành viên mới
Dọc cổng chính đến sân trường dài gần hai cây số là hàng cọ Canary thẳng tắp, hai bên có lối cho người đi bộ và xe đạp. Hàng cọ đã trở thành biểu tượng của trường. Con đường dẫn vào trường được đặt tên là Palm Drive (Đường Cọ).

Palm Drive là một phần không thể thiếu của khuôn viên Đại học Stanford từ khi được khánh thành năm 1891. Ngoài 166 cây dọc Palm Drive, còn có hàng chục loại cọ nữa khắp khuôn viên trường. Những loại cây khác như ôliu, strawberry tree cũng được trồng nhiều với mục đích trang trí và tạo bóng râm.

Những loại cây trên đều được nhập khẩu và nhân giống từ ngoài nước Mỹ. Chúng được ươm, trồng thử nghiệm với thổ nhưỡng, khí hậu mới để đánh giá và xem xét trước khi được trồng hàng loạt cho vỉa hè. Nếu Palm Drive trồng Gỗ đỏ (Redwoods) - loại cây bản địa ở Palo Alto, sẽ tốn rất nhiều nước và công chăm sóc cắt tỉa.

Cây trồng cho vỉa hè và lề đường đều có đặc điểm chung là thích nghi tốt với khí hậu, thổ nhưỡng, ít có hoa và ít mùi, ít ra trái. Đồng thời chúng có thể được trồng kết hợp thành tầng bậc để phục vụ nhiều mục đích.

Ở Singapore, từ sân bay Changi đến trung tâm thành phố cũng có một con đường biểu tượng. Cây Còng (Samanea Saman) với tán lớn hình chiếc ô, vươn rộng tới tận 20-30m, xanh mướt quanh năm, là loại cây chủ đạo dọc khắp đại lộ tại nước này.

Cây sinh trưởng tốt với khí hậu nhiệt đới, ít phải chăm sóc, và đặc biệt là hoa ít mùi. Thêm một lý do mà loài này được cơ quan quản lý cây trồng Singapore NPARKS chọn, là cành cây dai, ít gãy đổ khi mưa to gió lớn, phù hợp với những cơn giông ngắn nhưng thường xuyên ở khu vực xích đạo.

Còng cũng không phải là giống bản địa tại Singapore. Xuất xứ từ châu Mỹ nhiệt đới, loài cây này được đem tới Singapore trồng thử nghiệm năm 1876, sau đó từ giữa những năm 1900, nó được chọn nhân giống và trồng khắp đảo quốc.

Để phủ xanh các mảng bêtông, tường nhà, cột dầm cầu cạn metro và đường cao tốc, dây tắc kè (Ficus pumila) được nhân giống rất nhiều. Những mảng xanh của dây tắc kè lan khắp nơi, làm mát bề mặt bêtông. Bề mặt của một mảng bêtông trần và bêtông phủ dây tắc kè có thể chênh lệch hơn 10 độ C vào ngày nắng. Rễ của chúng đan vào nhau, hút dưỡng chất và nước mưa ở ngoài bề mặt cấu trúc bêtông nhưng hoàn toàn không xâm lấn gây hư hại vào bên trong cấu trúc cầu đường.

Câu chuyện về những loài cây trên trở lại với tôi khi tôi hay tin người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM đang phải vật lộn với mùi hoa sữa. Tới mùa hoa nở, nhiều người bị dị ứng, khó chịu, thậm chí phải "chạy trốn" bằng cách chuyển chỗ ở. Chỉ một cây hoa sữa đã khiến cả phố ngào ngạt mùi hương, nên mật độ trồng quá dày hiện tại ở những tuyến phố khiến cuộc sống người dân đảo lộn.

Một loài phổ biến khác ở vỉa hè các thành phố Việt Nam là phượng - không gây phiền phức về mùi hương, dễ trồng nhưng lại có nhược điểm là tuổi thọ không cao. Khi phượng già cỗi, chúng dễ bị sâu và nấm tấn công làm thân cây mục ruỗng. Hơn nữa, cành phượng giòn và dễ gãy đổ khi mưa giông, rất nguy hiểm với người đi đường.

Thời gian học tại Đại học quốc gia Singapore, tôi được tiếp xúc với môn Thiết kế cây trồng (Planting design). Hàng tuần, chúng tôi vào vườn bách thảo chụp hình và nhận dạng các loại cây, đặc điểm sinh trưởng của chúng, nên được trồng ở đâu, và vì mục đích gì.

Kiến thức từ môn học này kết hợp với quá trình nghiên cứu cây trồng giúp tôi nhận biết một số yếu tố cần xét đến khi chọn giống cây đô thị, bao gồm: Tính thích dụng (tạo bóng râm, tăng mảng xanh, chặn tiếng ồn, lọc không khí), Tính sinh thái (Chống chọi sâu bệnh và ô nhiễm, thích nghi thổ nhưỡng và khí hậu), Tính kinh tế (Dễ nhân giống, chi phí ban đầu thấp, ít cần chăm sóc và tuổi thọ lâu năm), Tính an toàn (Rễ mọc sâu, không phá vỉa hè, không giòn, hoa không mùi nồng nặc, không có độc, không có gai hay gây dị ứng, lá cây không quá nhỏ hoặc quá to gây tắc cống), Tính thẩm mỹ (màu sắc lá và hoa, hình dáng cây).

Các loài cây quen thuộc như: trứng cá, hoa sữa, đa, si... không thích hợp trồng ven đường phố vì giòn dễ gãy, nhiều sâu, mùi hoa nồng nặc (hoa sữa), quả rụng gây mất vệ sinh (trứng cá), và hệ rễ nổi có thể làm hư hại vỉa hè (cây đa, si). Những loại cây ăn quả như xoài, dừa, ổi... cũng không nên trồng vì tính an toàn (dễ khiến trẻ em leo trèo hái trái).

Với phần lớn hoa sữa hiện tại ở Hà Nội, tôi nghĩ có thể di dời và phân bố ở công viên hoặc những nơi xa khu dân cư. Một số cây ở vị trí quan trọng (đầu góc phố) và mang tính biểu tượng có thể được giữ lại, tuy nhiên cần có biện pháp chăm sóc và cắt tỉa phù hợp.

Việt Nam nên có nghiên cứu công phu và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để chọn những loại cây đường phố thích hợp, đề xuất cho mỗi vùng miền địa lý (Bắc, Trung, Nam, ven biển, cao nguyên và miền núi...). Danh sách cây trồng này có thể được công bố thành các tài liệu hướng dẫn dễ dàng tra cứu.

Nhổ bỏ một cây trồng có thể rất nhanh, nhưng trồng một cây mới và đợi chờ bóng mát, phải mất hàng chục năm. Lựa chọn cây trồng vỉa hè phù hợp sẽ tránh được cảnh miền Bắc khốn khổ vì mùi hoa sữa mỗi thu; còn miền Nam và miền Trung đối diện rủi ro chết người vì cây đổ cành rơi mùa bão đến.

Trình Phương Quân
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top