Danh dự của người đói

Bùi Minh Đức

Thành viên mới
Lạm phát đẩy chi phí học tập và sinh hoạt của nhiều du học sinh Việt Nam tăng cao, đặc biệt trong thời điểm tỷ giá đồng USD có lúc lên tới hơn 25.000 đồng/USD. Ngay cả sinh viên Mỹ cũng lao đao trong thời buổi chi phí phi mã. Khoảng 39% sinh viên theo học tại Mỹ có thu nhập thấp, phải vật lộn với chi phí thuê nhà đắt đỏ và giá cả leo thang. Feeding America, tổ chức từ thiện với sứ mệnh "một nước Mỹ không có người đói" cho biết, con số 39% tương đương với việc hàng triệu sinh viên Mỹ có nguy cơ đối diện với cái đói.

Trong bối cảnh đó, các trường đại học tại Mỹ đưa ra nhiều chương trình "cứu đói" sinh viên.

Linh đang học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - trường danh giá bậc nhất thế giới. Thỉnh thoảng, chị rủ tôi đến trường chị ăn trưa vào chủ nhật. MIT thường xuyên tổ chức các bữa ăn miễn phí, mở cửa cho sinh viên trong và cả ngoài trường. Cuối buổi, nếu vẫn còn thức ăn, người phụ trách khuyến khích sinh viên mang về. Tôi tuyệt nhiên không thấy đĩa thức ăn thừa nào. Chị Linh chia sẻ rằng MIT cố gắng không để sinh viên nào phải đói khi đến trường.

Những thực hành như vậy diễn ra tại nhiều đại học ở Mỹ, tùy vào mức độ hào phóng của nhà trường. "Food security" (An ninh thực phẩm) - hiểu đơn giản là các chính sách hỗ trợ thực phẩm cho sinh viên, có ở hầu khắp các trường đại học, từ bữa ăn miễn phí, kho thực phẩm, đường dây nóng cho sinh viên khó khăn, giảm giá bữa ăn trưa tại trường... Sự ra đời của các tổ chức phi chính phủ như Feeding Hungry cũng giúp trường đại học giải quyết vấn đề thiếu thốn thực phẩm của sinh viên.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người đánh giá cao là việc các trường đại học hay tổ chức xã hội giữ gìn danh dự và nhân phẩm cho những người đói. Nhà trường không tạo cho sinh viên cảm giác ngại ngùng, xấu hổ khi phải nhận đồ ăn hỗ trợ. Cách đây một tuần, trường tôi gửi email tới sinh viên, chỉ ra "ba cách có thể tiếp cận khi thiếu thực phẩm tại trường".

Bạn không cần chứng minh nghèo đói, không cần chứng minh mình thiếu ăn. Sinh viên không bị chất vấn ngầm với những ánh mắt chứa câu hỏi như "ăn mặc như vậy mà nói không có tiền ăn?". Trong email, nhà trường nhấn mạnh "đồ ăn hoàn toàn miễn phí, các em có thể đến nhận ẩn danh, không cần phải đăng ký hay kê khai mình lấy bao nhiêu".

Với tôi, đó là một thực hành tử tế vì nhà trường hiểu rằng, không dễ dàng để một người trẻ chấp nhận mình đói và cần hỗ trợ thực phẩm. Chừng nào để nhận được một bao gạo, một vài thùng mì tôm mà người nhận còn phải chứng minh mình nghèo, mình không có đủ thu nhập cho một bữa ăn hay phải xuất hiện sao cho thật lấm lem, khổ sở, chừng đó người ta còn ngại ngần nhận bữa ăn miễn phí.

Không có số liệu về tỷ lệ sinh viên đói tại Việt Nam nhưng chuyện sinh viên "ăn mì tôm cầm hơi" cuối tháng vẫn phổ biến. Hỗ trợ sinh viên đói là điều ít được nhắc tới, một phần vì không ai biết chính xác có bao nhiêu sinh viên thiếu thực phẩm.

Tôi tin rằng có những thực hành đơn giản mà nhiều trường đại học có thể phát triển để hỗ trợ sinh viên, đặc biệt với các trường tư thục có nguồn lực tài chính tốt, như liên kết với các siêu thị giúp sinh viên tiếp cận nguồn thực phẩm vẫn dùng được nhưng "cận date", xây dựng các phòng thực phẩm để sinh viên có thể lấy khi cần, tổ chức một số "bữa trưa vui vẻ" trong quy mô khoa, lớp....

Nhìn rộng hơn câu chuyện hỗ trợ sinh viên đói, tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn nhân phẩm trong những đợt cứu trợ. Trong bất cứ chính sách nào, danh dự của người nhận hỗ trợ cũng cần được quan tâm. "Của cho không bằng cách cho" - những thực hành hỗ trợ, đặc biệt là thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống, càng cần phải khéo léo.

Trong Covid-19, rất nhiều sáng kiến được khởi xướng để không người Việt nào bị đói. Đại dịch đã phơi bày thực tế, cái đói vẫn hiện diện giữa cuộc sống hiện đại, giữa các đô thị, trong từng giảng đường đại học. Tôi thấy ấm lòng vì vẫn được chứng kiến rất nhiều hành động chăm sóc, cứu trợ người yếu thế, tôi chỉ mong những hoạt động này được triển khai ngày một tinh tế, nhân văn hơn.

Danh dự của người đói đôi khi quan trọng hơn một bữa ăn no.

Bùi Minh Đức
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top