EM CÒN LẠC HẬU, LÀM SAO DẠY CON?

file.png


Giờ, ở tuổi này rồi, cập nhật sao cho nó relevant - liên quan thật là vấn đề nan giải. Em còn lạc hậu, là, sao dạy con?

Bạn cảm thán như vậy và hỏi tôi, với tư cách một người mẹ, chị nghĩ em phải làm sao bây giờ. Cũng với tư cách một người mẹ, tôi trả lời, thời này phụ huynh không thể làm biếng được, không thể giao con hết cho trường được, lại càng không nên chỉ biết kiếm tiền lo cái ăn cái mặc, cho tiền và gởi vào trường là xong. Trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ thời nay, trong cái thế chuyển động bất định này, là đồng hành cùng với con. Cả hai đứa, cả đám tụi mình đều không biết thì mình phải lập thành một bè và học cùng nhau. Không biết thì học thôi chớ có gì khó đâu. Khó, là khó ở chỗ cha mẹ đã quen thế người đi trước chỉ bảo kẻ đi sau, đóng vai know-it-all biết hơn trơn hết trọi và ra tay chỉ bảo con cái phải nghe và làm theo lời mình. Thời đó thật sự nó hết rồi. Khi chính mình còn không biết cuộc đời và sự nghiệp mình nó đang trôi theo kiểu gì về bến nào thì nói chi tới chuyện dạy cho ai.

Hiểu vậy, thì có khi mình cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận cho thích ứng với hoàn cảnh mới. Một là, bạn dứt khoát không được ở trong tâm thế buông xuôi, thôi thì mình cứ lạc hậu cho xong, tạo điều kiện cho con hội nhập là đủ rồi. Dạ không bao giờ các con có thể đi vào tương lai một mình trong khi bố mẹ tụt hậu như thế được. Rồi các con sẽ nói chuyện gì với bạn? Hay các con sẽ lại đi nói chuyện với AI - trí tuệ nhân tạo vì nó hiểu mình hơn? Vậy thì vai trò của cha mẹ sẽ trở thành gì? Cỗ máy kiếm tiền ư? Hay là cỗ máy làm việc nhà phục vụ cho nhu cầu cơ bản của các em? Thời nào cũng vậy, và thời bất định càng vậy, các con sẽ cần được chia sẻ, định hướng, được cổ vũ để dũng cảm đưa ra những lựa chọn, quyết định cho bản thân trong đời. Các con sẽ cần được cảm thấy OK khi vấp ngã, thất bại. Các con sẽ mong được tựa vào một ai đó, tâm sự với một ai đó khi hoang mang, lạc lối. Các con cần sự thông hiểu, thấu cảm, chia sẻ, và hơn bao giờ hết là sự tiến thoái cùng nhau. Khi bạn không hiểu thế giới tương lai, làm sao bạn hướng con mình về phía đó? Khi bạn không biết nghề nghiệp tương lai là gì, làm sao bạn có thể bàn bạc về sự nghiệp của con? Khi bạn không chút idea nào về kỹ năng tương lai, làm sao bạn có thể giúp cho con học và rèn luyện? Nói chung, bạn không có quyền chối bỏ trách nhiệm đồng hành cùng các con trên hành trình lạ lẫm này của tương lai.

Và nếu đã không lui được, thì chỉ có một đường là tiến mà thôi. Tiến, nghĩa là bản thân phải unlearn - bỏ những thứ đã từng học đi, bỏ hết những thành tích, trải nghiệm quá khứ đi, để relearn - học lại cùng con. Khi và chỉ khi chúng ta cùng học, cùng tư duy, cùng bàn bạc về tương lai trong cùng một hành trình, chúng ta mới có thể hiểu nhau, hiểu cách cộng tác và lớn lên cùng nhau, hiểu cách bước vào tương lai phía trước cùng với nhau. Quan trọng hơn nữa, là tạo ra những dự án để cùng nhau làm, cùng nhau ứng dụng, cùng nhau tìm ra giải pháp. Học của thế kỷ 21 là học bằng hành, học qua dự án, học bằng cách triển khai thực tế. Cho nên, chỉ khi cha mẹ và các con xem nhau như những người bạn, người cộng sự, cùng đội cùng thuyền để làm dự án cùng nhau, cả nhà mới có thể cùng học, cùng dấn thân, cùng vỡ ra, cùng thất bại và thành công khiến cho áp lực cá nhân không còn nữa. Giờ, làm gì cũng ứng dụng tư duy thiết kế, xác định vấn đề, đưa ra ý tưởng, thử nghiệm thực tế và vỡ lẽ ra sự OK hay không Ok cùng nhau. Đâu còn cái thời mà các con làm còn phụ huynh thì ngồi phán xét này nọ kia. Mình còn không biết làm sao mà phán?

Câu hỏi bây giờ là, phụ huynh có bỏ mày mặt xuống để thôi đóng vai know-it-all không? Tư duy có đủ mở để chấp nhận chuyện m ấy đứa mình đều không biết và cần phải cùng học hay không? Có đủ cool và xì tin để tham gia cùng làm cùng học cùng các con không? Có đủ trong trẻo hồn nhiên để vấp ngã hay thất bại khi làm dự án mà không quê với con không? Có thấy ờ thì ra mình là sản phẩm lỗi của giáo dục kiểu cũ và chính bản thân mình phải thay đổi chứ không phải là các con. Có hiểu rằng à thì ra các con có khi còn giỏi hơn và xịn hơn mình trong công cuộc dấn thân này? Khi phụ huynh bỏ ego xuống thì mới có thể nâng tầm các con lên. Khi phụ huynh đồng hành thì hành trình tương lai của các con mới bắt đầu khởi sắc. Khi phụ huynh biết rằng mình không biết, đó là khi các con biết rằng mình cần phải cố gắng học cả đời. Khi phụ huynh là tấm gương luôn bắt đầu và học lại thì các con sẽ hiểu bản thân rất cần học từ thực tiễn, học vượt qua khỏi khuôn khổ trường học và thi cử. Cho nên, các con sẽ canh vào mình. Còn mình, thì chỉ có thể canh vào mình mà thôi. Nếu mình không cố gắng vượt ra khỏi bụi chuối luỹ tre thì làm sao mà giúp các con cho được.

Em lạc hậu, làm sao dạy con? Dạ, em không nên và không thể lạc hậu. Em cần cùng con lập thành một đội cùng học và cùng vượt qua chữ lạc hậu này. Có lẽ, quỹ thời gian của tất cả phụ huynh chúng ta đã từng là 80% dành cho công việc và kiếm tiền, 20% còn lại cho những lo toan. Có người còn dành thời gian cho con và có người không. Nhưng thế kỷ này không cho phép chúng ta quản trị quỹ thời gian như thế nữa. Bản thân tôi, giờ đây thời gian dành cho con gái luôn là ưu tiên 1. Khi bạn cần chia sẻ, tâm sự, bàn bạc về công việc, dự án thì bạn luôn là ưu tiên số 1 trong list hàng trăm công việc phải làm. Khi xác định tâm thế như vậy, tôi rất rõ ràng về điều quan trọng trong cuộc sống của mình. Hoặc là bạn chỉ lo toan cho hiện tại của mình, hoặc là bạn san sẻ thời gian quan trọng cho tương lai của các con. Quyết định này chỉ có bạn mới đưa ra được mà thôi. Không ai khác. Và cũng đừng tự huyễn hoặc mình bằng cách cho rằng bạn đã làm đủ trách nhiệm kiếm tiền để gởi con vào trường xịn. Chẳng có trường nào là xịn nữa cả, vì không trường nào bắt kịp sự chuyển động chóng mặt của thế kỷ này. Cho nên, trường học chỉ là một kênh trong hệ thống học đa kênh của tất cả chúng ta.

Em còn lạc hậu, làm sao dạy con? À, em và con cùng xoá lạc hậu là cách em nha. Mình không bị bỏ lại phía sau là cách tốt nhất để cùng con tiến về phía trước….

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top