Nguyễn Phi Vân
Chuyên gia
Bạn nhắn nguyên bản là như thế, “Em sợ hãi khi phải làm việc gì quá sức”.
Và có lẽ rất nhiều người ở ngoài kia cũng đang sợ hãi, khi được giao cho một việc gì đó có vẻ như “quá sức”, khi nhìn thấy một cơ hội rất hay ho nhưng bản thân cảm thấy hơi “quá sức”, khi cảm thấy mình còn thiếu nhiều lắm, chưa sẵn sàng cho thứ gì hết, và dù đã cố gắng lắm rồi, nhưng luôn ở trong cái tâm trạng “chưa sẵn sàng”, và thế là chuyện gì đến nó cũng mang cái bao bì “quá sức”.
Mà “quá sức” nghĩa là gì? Nó được đo đạc cân đong ra sao? Dựa vào cái tiêu chuẩn gì để biết là cái này hay cái kia quá sức? Định nghĩa của tiêu chuẩn đó là gì? Định nghĩa của quá sức là gì? Một lần nữa, chúng ta đang đưa ra một kết luận dựa trên những khái niệm rất mơ hồ, không cân đong đo đếm được, không kiểm chứng được, rất cảm tính và dựa vào thước đo sợ hãi của cá nhân. Như vậy, hai con người có khả năng như nhau, với một người chuyện gì đó có thể là chơi được, với người khác nó có thể là quá sức. Tất cả phụ thuộc vào tâm thế và thái độ của người tiếp nhận chứ nhiều khi không liên qua gì tới những thước đo về khả năng. Điều đó cũng có nghĩa, “quá sức” không có định nghĩa chung cho tất cả mọi người. “Quá sức” của bạn và của tôi là hai định nghĩa khác nhau. Có khi, với bạn, khi bạn hồi hộp, sợ hãi mình làm không được đâm ra mất mặt là “quá sức”. Còn tôi, “quá sức” là chỉ khi tôi đã thử, đã dấn thân, đã làm hết nấc rồi, tận dụng hết nguồn lực các kiểu rồi mà vẫn không đạt được kết quả mà tôi mong đợi và đặt ra cho bản thân mình, vì mình chưa tới level đó, cần phải luyện thêm chẳng hạn.
Cho nên, có khi nào ngưỡng “quá sức” của bạn đang quá thấp, hay là bị ngộ nhận, hay là bị sử dụng để làm lý do biện minh cho cái sự thiếu máu thiếu lửa, thiếu kỷ luật rèn luyện và phát triển bản thân không?
Ngoài vùng an toàn nên “quá sức”
Rất nhiều bạn trẻ mà tôi gặp, khi tôi có ý định nâng level của bạn lên bằng cách giao cho việc gì đó nằm ngoài vùng an toàn, ngoài những thứ bạn đã từng làm, từng quen thuộc, từng “biết” thì mặt mày tái xanh ngay. Ai cũng vậy, khi đẩy ra khỏi vùng an toàn là rơi vào tâm thế sợ hãi. Rồi lỡ mình làm không được rồi sao? Ai sẽ thất vọng về mình? Ai sẽ cười nhạo mình? Người ta có coi thường mình? Ai sẽ xầm xì bàn tán về cái sự dở và thất bại của mình? Ai sẽ nhân cơ hội đó mà dìm hàng mình, chơi mình, khẩu nghiệp mình, vv. Nói chung là, ta coi trọng cái mày mặt của bản thân hơn tất cả. Ta coi bề ngoài, hào quang giả tạo, level ảo, ảo tưởng về sự sáng ngời của mình hơn tất cả, cho nên ta sợ mấy thứ đó nó bị vỡ vụn vì chút vấp ngã, chút nằm ngoài tầm kiểm soát tối thượng mà ta bám víu vào trước giờ, chút unknown - còn chưa biết chuyện sẽ ra sao. Khi đã ở trong tâm thế đó rồi thì làm sao? Tốt nhất là dán nhãn thứ gì đó là “quá sức”, rồi tránh nó ngay và luôn, để khỏi dính líu, khỏi bị liên luỵ, khỏi tổn hại đến cái thanh danh và sự an toàn của bản thân. Thế, là “quá sức”!
Lười nên “quá sức”
Nhiều người lại, làm biếng chảy thây, không muốn thêm việc, không muốn làm gì khác, không muốn phải suy nghĩ tốn năng lượng não, chỉ thích làm cái gì đã quen rồi cho nhanh, cho lẹ để còn có thời gian lười, hay nói đúng hơn là thời gian sống ảo, chơi game, làm chuyện vô bổ giết thời gian cho đã cái con lười của mình. Ở trong thế đó thì cái gì chẳng “quá sức”. “Quá sức” nó chỉ là một cái cớ quá sức là đáng tội nghiệp để ăn mày sự thông cảm của người khác mà thoát thân, tránh né công việc. Tại quá sức em mới hổng làm, chớ em cũng muốn lắm. Tào lao! Lý do vậy mà cũng viện ra được. Mang cái sự lười của mình ra để né tránh công việc, né tránh trách nhiệm, né tránh cơ hội được học hỏi, phát triển trong những công việc và lĩnh vực mới. Đó là bạn đang tự mình từ chối, gạt bỏ cơ hội cho chính bản thân mình. Làm vậy thì mang tội với bản thân lắm lắm.
Thiếu động lực học hỏi và phát triển bản thân nên “quá sức”
Có người thì biết rằng, để làm một chuyện gì đó mới đòi hỏi mình phải tập trung, phải up level kỹ năng và kiến thức lên, đồng nghĩa với việc phải ngay lập tức lao vào học, tìm hiểu, nghiên cứu, phải lớn nhanh như Thánh GIóng trong một thời gian cực kỳ giới hạn để có thể handle - xử lý được cái việc mới mà mình còn đang chưa thuận lắm. Mà làm vậy thì thiệt tình là không có động lực và tinh thần thì không làm nổi. Thế là cuộc nội chiến giữa tiến lên và lùi lại, dấn thân hay ở yên vậy cho khoẻ, cố gắng hay làn nhàn nó trở thành cuộc đấu tranh nội bộ. Đứa thiếu kỷ luật và làn nhàn nó thắng thì chuyện thành “quá sức”, và bạn ngay lập tức chicken out - bỏ chạy, không dám dấn thân vì “quá sức”. Còn đứa dấn thân lỡ mà nó thắng thì chuyện lại biến thành thứ hay ho gọi là “cơ hội” phát triển bản thân. Thật ra, bản chất sự việc là như nhau, không khác miếng nào, nhưng chính bạn mới là người tự dán nhãn cho nó thành cái thứ mà bạn muốn. Vậy thôi. Quá sức gì đâu!
Làm gì khi lâm vào tâm thế “quá sức”?
Trước giờ, tôi thích nhất là khi được giao cho một việc gì đó “quá sức”, vì khi và chỉ khi nó quá sức, dù giả hay thiệt gì, thì mình cũng có cơ hội được lao vào làm những thứ mình chưa bao giờ được làm, chưa bao giờ được học, chưa bao giờ có trải nghiệm. Cho nên, tôi luôn coi nó là cơ hội. Và vì là cơ hội nên tôi còn chủ động đi săn ba việc “quá sức” để làm nữa chứ không bao giờ tránh né. Thấy là lao vào, giơ tay lên, nhận lãnh trách nhiệm về mình, nhiều khi còn bày ra thêm cho nó thêm phần quá sức để push - đẩy bản thân về những tầm cao mới. Trải nghiệm thực tế là, mỗi lần nhận lãnh sự “quá sức” là một lần tôi lớn lên, khám phá ra thêm những tiềm năng còn ẩm giấu của bản thân, xây dựng sự tự tin ngày càng lớn khi dấn thân vào những vùng unknown - bất định. Cứ như thế, từ một cô bé Việt Nam nhút nhát trở thành một công dân và doanh nhân toàn cầu. Vậy là lợi hay hại?
Cho nên, các bạn trẻ ạ, quá hay không quá sức nó chỉ là khái niệm và giới hạn mà bạn đặt ra cho bản thân mình mà thôi. Đời này chẳng có thứ gì là quá sức. Chưa làm sao biết quá sức? Chưa thử sao biết quá sức? Chưa đụng vô, chưa hiểu nó như nào mà dám nói là nó quá sức à? Chuyện!
Giờ, mỗi lần thấy “quá sức” thì lôi mấy câu thần chú này ra đọc chơi cho nó thư giãn nhé:
- Quá sức chỉ là giới hạn tôi tự đặt ra cho bản thân mình
- Quá sức là vùng an toàn. Tôi cần vượt ra khỏi vòng an toàn
- Thử đi rồi mới biết có “quá sức” hay không
- Dấn một bước, làm thử rồi tính tiếp
- Chưa đủ thì học thêm chứ có gì đâu mà quá sức
- Quá sức là biện minh cho cái sự lười biếng của mình mà thôi
- Ôi vui quá, “quá sức” là sắp được up level nữa rồi
Vậy đi ha. Quá sức gì người ơi! Lo mà sống một cuộc đời rực rỡ, hôm sau xịn sò hơn hôm trước cho đã đời đi kìa. Ở đó mà “quá sức”.
Nguyễn Phi Vân