HÌNH MẪU HOÀN HẢO - EVERYTHING TO EVERYONE

file.png


Đời này, mình cần phải đối diện với một chuyện hết sức hiển nhiên là You can’t be everything to everyone - Không có cách nào đáp ứng hết mọi kỳ vọng của tất cả mọi người. Không thể vừa làm con ngoan trò giỏi, lại vừa dấn thân sáng tạo, lại vừa trải nghiệm phong phú & đa dạng, biết thông cảm và thấu hiểu tất cả mọi người, vv.

Ai trong chúng ta cũng có điểm mạnh điểm yếu, có cái giỏi cái không, có thứ làm như chơi nhưng vẫn xuất sắc và có những thứ làm phát khùng vẫn không ra gì. Làm gì có con người hoàn hảo. Làm gì có đứa con đứa cháu hoàn hảo. Làm gì có người yêu, vợ chổng, cha mẹ, cháu chắt hoàn hảo. Làm gì có bạn bè, đối tác hoàn hảo. Ai rồi cũng được cái này mất cái kia, tốt chỗ này tệ chỗ kia. Cho nên, đừng cố gắng, đừng nghe theo lời người khác mà ép bản thân phải đóng đủ mọi vai hoàn hảo cho tất cả mọi người. Làm vậy, bạn chỉ đang ngược đãi bản thân mình, tự đẩy mình vô thế bị stress, sợ hãi và cảm thấy bản thân luôn thất bại vì không đáp ứng được hết và tốt nhất kỳ vọng của tất cả mọi người. Sorry nha, người ta có hoàn hảo đâu mà đi kỳ vọng người khác phải hoàn hảo. Chừng nào họ làm được đi rồi nói. Và ai kỳ vọng là vấn đề của người ta, đâu phải vấn đề của mình đâu mà mình phải lao ra gánh vác làm gì. Mỗi người một hành trình, mỗi người một ước vọng và hoài bão khác nhau. Không ai có quyền kỳ vọng hay kỳ vọng thay cho ai cả.

Cho nên, nếu bạn đang bị gài vô thế phải là everything to everyone - hình mẫu hoàn hảo trong mắt tất cả mọi người thì tới đoạn này bạn nên xả vai đi, đừng cố nữa, mệt lắm. Không ai làm nổi và làm được chuyện này đâu. Hoặc có khi ai đó có thể gồng gánh nổi trong một khoản thời gian, rồi cũng đến lúc mệt mỏi, cạn kiệt, và suy sụp mà thôi. Mà khi đã suy sụp thì chìm lỉm vào vũng lầy tinh thần tiêu cực, không làm gì nổi và cũng không dễ dàng thoát ra cho được. Chị vậy cho mệt. Sống theo triết lý wabi-sabi đi - cái gì cũng có điểm khiếm khuyết và không hoàn hảo của nó. Con người cũng vậy. Đừng gồng nữa. Đừng cố nữa. Relax!

Hiểu và chấp nhận rằng, đời này không ai hoàn hảo​


Ở đây có ba sự hiểu mà bạn cần thông suốt với bản thân mình. Một là bạn hoàn toàn không hoàn hảo, không có cách nào hoàn hảo và cũng không có ý định đi nhào nặn, xây dựng mình thành một hình ảnh con người hoàn hảo. Chuyện này bạn cần dũng cảm tuyên bố với thế giới, thoải mái show ra cho thế giới, học được cách tự cười vào điểm yếu của chính bản thân mình, vì nó bình thường mà, ai cũng vậy mà, có gì phải giấu. Khi tự mình dám nhìn thẳng vào và cảm thấy hết sức chill với sự không hoàn hảo của chính mình, bạn tự do trong tâm trí.

Khi đã hiểu và đối diện với chuyện bản thân mình không hoàn hảo, thì tiếp đến là đừng có đi kỳ vọng người khác phải hoàn hảo. Mình làm không được mà đi expect người ta, vô lý. Người ta đương nhiên là không hoàn hảo. Người ta có thế mạnh và điểm yếu của người ta, và cách hay nhất để sống chung được, cộng tác được với bất kỳ ai là chấp nhận con người thật của họ. Nhìn vào điểm mạnh của người ta mà cộng tác. Nhìn vào điểm yếu của người ta để đừng bắt họ phải làm những thứ mà họ chắc chắn sẽ thất bại khi triển khai. Vận dụng được, đặt để được thế mạnh của nhau vào trong bất kỳ công việc hay dự án nào, thế nào mà chẳng thành công. Còn hơn ngồi đó dằn vặt điểm yếu của nhau, xong phán xét hành hạ nhau rồi cả đám lăn ra mà trầm cảm.

OK, mình không kỳ vọng mình, mình không kỳ vọng ai, thì cuối cùng cũng đừng cho phép ai kỳ vọng mình. Chuyện ai người đó làm, đời ai người đó kỳ vọng. Nếu họ rảnh quá thì họ nên quay về kỳ vọng bản thân họ đi, đừng có mang cái gùi kỳ vọng đó thảy qua nhà mình, rồi ngồi hóng xem mình làm tới đâu, rồi phán xét chuyện mình làm được không, lời vào tiếng ra chuyện không liên quan tới họ. Ai đang bị kỳ vọng đến mệt mỏi thật ra là vì bạn đang cho phép người khác kỳ vọng, đang cố gắng đáp ứng nhu cầu kỳ vọng của họ, và đang tự dân vặt bản thân vì không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người. Đừng để ai manipulate - thao túng cuộc đời mình. Mình chịu trách nhiệm cuộc đời mình. Mình đưa ra mục tiêu và hoàn thành mục tiêu bản thân mình. Còn lại, ai nói gì chỉ là reference - để tham khảo mà thôi.

Hiểu thế mạnh và yếu của bản thân​


Khi hiểu con người ai cũng wabi-sabi, không ai hoàn hảo cả, thì chuyện tiếp theo cần làm là tìm hiểu thế mạnh và điểm yếu của bản thân, để còn tập trung phát huy cái mạnh và biết cách giới hạn cái yếu. Làm sao để biết? Cái này thì phải tự làm bài tập, tự tìm hiểu, tự ngộ ra thôi chứ không ai khác có thể viết thành báo cáo giùm cho bạn đâu. Nên bắt đầu bằng những bước sau:

  • Tự bản thân cho bản thân không gian và thời gian riêng tư để ngồi suy nghĩ và viết xuống tất cả mọi từ khoá bạn cho là bạn mạnh, bạn giỏi, bạn hay, bạn siêu sao hơn người khác. Ví dụ như điểm mạnh có thể là gặp ai bạn cũng nói chuyện, giao tiếp được (thế mạnh về giao tiếp). Ví dụ như bạn là người cực kỳ chi tiết, nên làm việc gì liên quan tới tổ chức sắp xếp thì đâu đó ra hình ra dáng, ít khi nào bị sự cố. Ví dụ như bạn tự cảm thấy mình hoạt ngôn, nói năng linh hoạt, tình huống nào cũng hội nhập và phát biểu, chia sẻ được, vv. Tự mình thấy mình OK chỗ nào thì cứ viết hết ra, ít nhiều gì cũng được. Cứ viết, không suy nghĩ hay phán xét gì.
  • Hỏi mentor, người dẫn dắt, sư phụ, sếp, thầy cô, cha mẹ…. Ai trong đời cũng có những người mà mình hay tới hỏi ý kiến, xin lời khuyên, nghe góc nhìn, vv. Họ là những người dẫn dắt đã quen biết, tương tác lâu ngày với bạn và có khi hiểu bạn còn hơn bạn hiểu mình. Bạn nên hỏi họ, một cách hết sức trực diện, vể điểm mạnh và yếu của bản thân mình. Hỏi, lắng nghe, và ghi lại nguyên bản, không được phản biện hay tự vệ gì khi lắng nghe. Nghe sao ghi xuống vậy, nguyên bản, khách quan.
  • Hỏi những người xung quanh, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người quen gì đó, những người biết và có tương tác với mình. Mặc dù họ không tương tác sâu hay hiểu bạn như người dẫn dắt, nhưng chắc chắn ai cũng có ấn tượng về bạn, về cách bạn tương tác hay cộng tác với họ. Again, chỉ nghe, ghi lại một cách nguyên bản, không phán xét hay bỏ cảm xúc gì vào trong đó.

Sau khi đã làm 3 chuyện này thì bạn đưa hết từ khoá ở cả 3 bài tập lên cùng 1 bản đồ. Check xem từ khoá nào xuất hiện ở cả 3 trường hợp, Nếu có, thì đó ắt là điểm mạnh điểm yếu không chối cãi được của bản thân. Nếu có từ khoá do mình ghi ra nhưng không ai nhắc đến thì cần đưa vào watch list - danh sách cần theo dõi, vì thứ mình nghĩ mình giỏi người khác không công nhận, vậy thì trong những dự án hay công việc sắp tới mình cần phải để ý hơn, và bench-mark - so sánh với cái chuẩn “mạnh” của kỹ năng tương ứng từ người khác xem sao, hỏi Feedback của người khác xem sao, xem mình ở đâu, xem mình có cần phải rèn lại để tăng level không cho nó được công nhận. Ngược lại, nếu có từ khoá xuất hiện từ sự quan sát và công nhận của người khác nhưng bản thân mình nhìn không ra thì cần đưa vào danh sách thử nghiệm, nghĩa là quan sát hành vi của bản thân về lĩnh vực đó khi đang triển khai xem người cộng tác, làm việc với mình người ta có highly appreciate - rất vừa lòng và cảm kích mình không. Nếu có thì đúng rồi. Nếu không thì hỏi feedback của người ta xem tại sao không để biết mà rèn luyện thêm.

Việc ta quan sát, tìm hiểu, phát triển bản thân là chuyện làm hoài, không bao giờ xong, không bao giờ ngừng lại, không phải là sự kiệm mà là một quá trình. Cho nên, đừng qua loa suy nghĩ rồi quyết định mình mạnh gì yếu gì. Đầu tư thời gian vào tìm hiểu bản thân mỗi ngày, thường xuyên thì bạn sẽ ngày càng hiểu mình hơn, và nhờ vậy mà ngày càng vận hành hiệu quả và thành công hơn trong cuộc sống.

Minh bạch​


Tôi là người cực kỳ dở về chi tiết. Không phải là không chi tiết, mà là chỉ có thể focus được một thời gian ngắn vào chi tiết, rồi sẽ mất năng lượng, đuối sức mà ngã gục. Biết thế, nên tôi luôn minh bạch về điều này với tất cả những ai làm việc với mình, để người ta hiểu, để mình đóng góp bằng thế mạnh chứ không phải thế yếu, để người ta giúp mình, hỗ trợ mình ở những điểm mình không mạnh này, để không ép bản thân phải làm những thứ mình không mạnh. Chuyện mình mạnh gì yếu gì là chuyện hết sức bình thường, ai cũng có, cho nên mình càng chủ động minh bạch về nó thì mình càng khoẻ, càng dễ cộng tác với người khác, càng dễ vận hành trong thế giới này. Không việc gì phải giấu diếm, lấp liếm, sợ hãi gì ở đây cả. Đời này không có ai hoàn hảo, cũng không có ai dở hết hay giỏi hết mọi thứ. Ai cũng có điểm mạnh của họ. Ai cũng có chỗ yếu và khiếm khuyết của họ. Chuyện thường tình mà trời, có gì đâu mà phải giấu.

Nói chuyện này ra, một cách hết sức thẳng thắn như vậy, là vì thấy nhiều người đang gồng gánh quá, thấy mệt thay và tội cho họ. Mong là khi đủ hiểu và đủ dũng cảm để đối diện với sự không hoàn hảo rất thường tình này, cuộc sống mọi người rồi sẽ nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn. Vậy nha!

Nguyễn Phi Vân
 

Bình luận bằng Facebook

Top