Học sinh THPT Lê Hồng Phong cúi đầu chào bác bảo vệ: Ấm lòng mà cũng lại xót xa!

Đăng Khuê

Thành viên mới
Hãy dạy con bài học làm người từ những điều nhỏ nhặt nhất. Hãy dạy con đối xử “tử tế” với cả những người mình chưa từng biết mặt.

Trong khi có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra trong nhà trường và xã hội khiến chúng ta không khỏi trăn trở về vấn đề đạo đức của một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay, thì hành động các em trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cúi đầu chào bác bảo vệ lại là món quà ý nghĩa thể thiện cách “đối nhân –xử thế” đáng được ngợi khen.

Nhìn các con trong đồng phục học sinh vội vã bước vào cổng trường nhưng vẫn không quên lễ phép chào người bảo vệ, bất giác tôi đã nở nụ cười hài lòng. Cho phép tôi xin gọi đó là việc làm “tử tế”.

Chẳng có quy định nào bắt buộc, chẳng có ai theo dõi, tất cả xuất phát từ tinh thần tự giác và trái tim trong sáng của những đứa trẻ. Một cái cúi đầu thay lời hỏi thăm, kính trọng đối với người lớn tuổi.

Việc làm nhỏ thôi mà sao trong mắt tôi các em trở nên cao lớn hơn, trưởng thành hơn nhiều đến thế. Đó hẳn là kết quả của quá trình giáo dục từ gia đình và nhà trường. Và tôi biết, cha mẹ các em và thầy cô trường Lê Hồng Phong chắc chắn cũng rất tự hào về con ngoan, trò giỏi của mình.

Nhưng vui đấy mà cũng lại buồn đấy. Ấm lòng mà cũng lại xót xa. Đáng lẽ ra những hành động đẹp đó phải là những việc làm hiển nhiên mà chúng ta có thể nhìn thấy ở mọi nơi, mọi lúc. Vậy tại sao giờ nó lại trở thành “của hiếm” như thế?

le-phep-cui-chao-bac-bao-ve-5.jpg

Hình ảnh học sinh cúi đầu chào bác bảo vệ đã gây bão mạng những ngày qua (Ảnh cắt từ clip).
Tôi quen một chị bạn có con trai năm nay lên lớp 7. Thành tích học tập của cậu bé là niềm mơ ước của nhiều ông bố, bà mẹ. Tuy nhiên, ấn ượng với tôi hơn cả là chưa bao giờ tôi nhận được lời chào từ cậu bé khi đến chơi nhà hay lời cảm ơn khi tôi tặng cậu bé một món quà nào đó.

Một hôm đi cùng thang máy với hai cô bé sống cùng chung cư, tôi có nghe các em gọi thầy cô mình là “ông ấy”, “bà ấy”; gọi bạn mình là “con ranh”,..

Vào một buổi chiều cuối tuần, đưa con dạo chơi bờ Hồ, tôi thấy một nhóm học sinh chừng 4-5 em vừa ăn kem vừa xả rác ngay tại ghế đá.

Và rất nhiều, rất nhiều lần tôi được đọc các bài viết về bạo lực học đường, yêu đương dại dột của các em học sinh,…

Lỗi tại ai?

Chúng ta – những người lớn vẫn thường đổ lỗi tại muôn vàn lý do, đổ lỗi cho xã hội hiện đại mà chưa bao giờ đủ dũng cảm nhận trách nhiệm về mình.

Ai cũng mong con cái lớn lên trở thành “ông nọ - bà kia” nhưng lại không dành ra đôi phút suy ngẫm mình cần giáo dục con như thế nào. Nhà trường tập trung vào thành tích, vào bảng vàng mà quên rằng đạo đức mới là thứ quan trọng cần bồi dưỡng trước nhất.

Dạy một đứa trẻ biết yêu thương, biết phải trái, lễ phép đâu khó đến thế mà chúng ta lại dễ dàng buông xuôi! Đất nước ta vốn có tinh thần hiếu học, người dân ta vốn sống trọng tình, trọng nghĩa. Vậy thì, có lý do gì mà thế hệ trẻ lớn lên lại không thể có một nhân cách tốt?

Hãy dạy con bài học làm người từ những điều nhỏ nhặt nhất. Hãy dạy con đối xử “tử tế” với cả những người mình chưa từng biết mặt. Nhân cách đẹp cần có thời gian để nuôi dưỡng, sự “tử tế” cũng cần có quá trình để lớn lên. Chỉ cần chúng ta kiên trì và có trách nhiệm với con trẻ, mọi thứ tốt đẹp đều có thể nở hoa.

Đăng Khuê
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top