Những yếu tố “vàng” của một CEO
Trong bối cảnh “thương trường là chiến trường” như hiện nay, muốn trở thành một CEO thành công, bạn phải hội đủ khá nhiều yếu tố. Trước tiên là sức khỏe. CEO là một nghề nghiệp đầy thử thách, nhiều áp lực. Vì thế, nếu không sung sức thì bạn sẽ khó mà duy trì được hiệu suất làm việc cao, thậm chí còn có thể bị “hụt hơi” trước những biến động nhanh chóng, liên tục của thị trường. Thứ hai, CEO cần có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm dày dạn về lĩnh vực mình quản lý cũng như những kỹ năng đặc thù của nghề quản trị như giải quyết vấn đề, quản lý thời gian…Thứ ba, CEO phải có cái “uy” của nhà lãnh đạo. Bạn có biết vì sao hàng triệu người dân Mỹ đã đồng lòng gây quỹ ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của Barack Obama không? Bạn có biết vì sao hàng nghìn ủng hộ viên của Obama đã sẵn sàng làm việc không công trong nhiều ngày liền để giúp ông giành thắng lợi không? Đó là do họ bị “chinh phục” bởi nhân cách và lý tưởng cao đẹp mà ông đã thể hiện trong cuộc sống cũng như những lần diễn thuyết của mình. Họ cảm thấy tự hào khi được cống hiến tài lực và vật lực cho ông. Muốn thành công, CEO cũng cần có khả năng tạo ảnh hưởng đến người khác như thế.
Bên cạnh đó, CEO còn phải là người luôn làm việc tận tâm, sẵn sàng đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích và cơ hội của bản thân. Chính nhờ yếu tố này mà một số CEO hàng đầu thế giới như John Mackey của Whole Foods Market mới có thể làm việc với mức lương 1 USD/năm trong giai đoạn công ty gặp khó khăn. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, CEO phải là người có tầm nhìn chiến lược để có thể đoán biết trước những biến động của nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển đúng hướng.
Con đường dẫn đến vị trí CEO
Không có ai trong ngày một ngày hai mà có thể leo lên đỉnh núi cao được. Vì vậy, nếu muốn trở thành CEO, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, bạn nên xây dựng cho mình một kế hoạch học tập hợp lý, khoa học để rèn luyện các kỹ năng quản trị như quản lý thời gian. Bạn cũng nên tích lũy dần cho mình “vốn xã hội” (các mối quan hệ xã hội chiến lược) thông qua việc đi làm thêm và tham gia các hoạt động xã hội.
Sau khi ra trường, bạn cần đi làm “thợ” trong một khoảng thời gian nhất định để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn (thời gian có thể từ 3-5 năm hay lâu hơn tùy vào năng lực của bạn). Sau đó, bạn nên thăng tiến dần từ quản lý cấp thấp, cấp trung rồi đến cấp cao (như CFO). Cuối cùng, khi tài năng và kinh nghiệm đã chín muồi, bạn sẽ hoàn toàn tự tin để “nhậm chức” CEO. CEO là một công việc đầy cam go, thử thách nên bạn không nên “đốt cháy giai đoạn”.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, cùng với xu hướng chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, công ty đại chúng; nhu cầu nhân lực quản lý cấp cao, đặc biệt là CEO, sẽ càng lúc càng gia tăng. Trở thành CEO giỏi, được mọi người nể trọng, là chuyện hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi bạn phải hội đủ cả nhiều yếu tố như sức khỏe, tài năng, đạo đức … cũng như một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, đổi lại, bạn sẽ nhận được “phần thưởng” vô giá: đó là niềm tự hào khi tạo dựng nên một doanh nghiệp thành công. Còn gì tuyệt vời hơn khi một ngày nào đó, bạn có thể hãnh diện giới thiệu về bản thân: “Tôi là CEO của tập đoàn X, một trong 500 công ty lớn nhất Việt Nam!”.