[KN CÁ NHÂN] Kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời!

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
“Mục đích trong 2 năm tới của bạn là gì, 5 năm đến của bạn là gì và cả cuộc đời của bạn là gì?" -Ông Giản Tư Trung - Giám đốc Công ty Pace đặt câu hỏi trong một buổi nói chuyện với gần 100 nhân viên Công ty quảng cáo Golden Communication Group. Nhiều người trong chúng ta, hằng ngày đang sống, làm việc đôi khi như quán tính, thói quen và vì các mục tiêu trước mắt, mà rất ít khi dừng lại xác định "mình là ai", "mình thực sự muốn gì" và "mình phải làm gì". Bạn có bao giờ nghĩ rằng sẽ phải lập một "chiến lược" cho chính cuộc đời mình?

Hành trình của cuộc đời.

Khi được hỏi rằng, bạn nghĩ cụm từ "Lập chiến lược cho cuộc đời" có quá to tát hay không?", bạn Nguyễn Công Chính, sinh năm 1980, từng là du học sinh học bổng AusAID của Chính phủ Úc, người xây dựng website dịch tiếng Anh, Pháp vdict.com và website raovat123.com tâm sự "Có thể ngôn từ làm nó trở nên to tát, nhưng tôi nghĩ đó là điều mà ai cũng phải làm. Tôi đã có những chiến lược cho cuộc đời mình từ rất lâu. Đó là các định hướng, phương châm sống, cách bạn tự đặt mục tiêu và cách bạn thực hiện để hoàn thành những mục tiêu đó. Đối với tôi, cuộc hành trình của cuộc đời không phải cứ đi lang thang mà phải có những đích đến, ngắn hạn cũng như dài hạn".

Nguyễn Công Chính cũng cho biết thêm mục tiêu trong 10 năm tới là điều hành một công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam với mục đích giúp mọi người Việt Nam có thể tiếp cận được các tiện nghi của thương mại điện tử và sự phát triển của công nghệ trên thế giới. Hiện nay, Nguyễn Công Chính đang xây dựng và đưa vào hoạt động website http://www.vdict.com/ để có thể giúp người sử dụng internet Việt Nam tiếp cận thông tin trên internet dễ dàng hơn, tiếp theo sau đó là các công cụ giúp giao lưu văn hóa và các cầu nối về công nghệ và thương mại.

Không những đặt ra kế hoạch 10 năm, Chính còn bảo "Còn trong 30 năm tới, tôi muốn có được những ý tưởng và ứng dụng giúp thay đổi thói quen và nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người trên thế giới, giống như công nghệ thông tin đã làm trong 30 năm nay. Đây là một mục tiêu không dễ dàng và đòi hỏi một sự nỗ lực và học hỏi liên tục, nhưng đó là một đích đến mà tôi muốn đạt tới. Chiến lược cuộc đời của tôi là làm từ những việc nhỏ, nhưng luôn phải hướng tới một mục đích lớn. Hãy làm tốt những gì mà mình làm tốt trước, nhưng phải dám chấp nhận mạo hiểm, thử thách và không ngừng học hỏi".


Harry Nguyễn - Project Manager của FPT:
Lập kế hoạch để không trật "đường ray" cuộc đời.

Theo tôi, lập chiến lược cho cuộc đời là một việc cần và buộc phải làm - đặc biệt đối với lớp trẻ. Bởi vì sống có mục đích sẽ giúp chúng ta không bị trật "đường ray" trong lúc vận chuyển trên đường đời. Tôi nghĩ rằng ai không có tham vọng trong công việc mình đang làm thì không nên làm công việc đó nữa. Có tham vọng sẽ làm hết mình và đi đến tận cùng trong công việc - có thế mới vỡ ra được nhiều bài học quý giá trong công việc chứ - bạn nhỉ? Trước đây, tôi không làm plan cho cuộc đời gì cả - sống rất thoải mái - nhưng bây giờ khi trưởng thành thêm - đi nhiều biết nhiều tôi thấy một cuộc đời bắt buộc phải có một kế hoạch. Các nước tiên tiến các em bé đã biết lập rõ ràng kế hoạch từ cấp 1, cấp 2 rồi. Có kế hoạch thì chúng ta sẽ biết mình ở đâu trong 5 năm nữa, 10 năm tới và không bị mù mờ về ngày mai của mình.
Vì thế lập chiến lược cho cuộc đời là yêu cầu cấp thiết cho giới trẻ như bạn và tôi.

Chiến lược vì một cộng đồng.
Trong khi đó, bạn Ngô Tuấn, cũng một thanh niên trẻ thế hệ 8X, hiện đang là Assistant Brand Manager của nhãn hàng Lipton - tập đoàn Unilever thì tâm sự về một "chiến lược" của mình: "Ý tưởng về một quán cà phê "bán lợi nhuận" và "vì cộng đồng" cũng đã nung nấu trong tôi hơn 2 năm nay, từ lúc thấm dần dần bài hát Imagine của John Lennon và xem những hình ảnh tư liệu của anh lúc còn hoạt động cho hòa bình ở Amsterdam. Và cả chuỗi cửa hàng Oxfam ở Anh nữa, nơi mà người ta hoạt động vì người nghèo, lợi nhuận được tạo ra là để đóng góp cho cộng đồng. Ý tưởng đó khiến tôi nghĩ về một chuỗi quán cà phê mang phong cách của những nhà phản chiến hiện đại, đậm chất nhân bản.

Không khí của quán sẽ là hơi da diết nhưng không bi lụy, nơi mà mọi người đều có thể trải lòng mình ra mà hướng tới một chút "Chân - Thiện - Mỹ". Và có lẽ cái quán đó sẽ mang tên "Humanist Kafé". Và đương nhiên, lợi nhuận tạo ra từ quán sẽ được dành 50% cho cộng đồng người nghèo địa phương nơi quán hoạt động, đặc biệt là Hội trẻ em mồ côi và khuyết tật".

Ý tưởng đó của Tuấn trong thời gian qua cũng chỉ mới dừng lại ở ý tưởng vì Tuấn đang bận khá nhiều việc tại tập đoàn Unilever. Cái kế hoạch cũng đang dở dang, công cuộc huy động vốn và kiếm nguồn vốn cũng chỉ mới dừng lại ở một mảnh đất nhỏ 100m2 của bố mẹ. Nhưng những ngày gần đây, ý tưởng đó lại trở nên sôi sục hơn vì Tuấn đang cảm nhận sự ngắn ngủi của cuộc đời và tự cảm thấy hãy hành động ngay thay vì cứ sống ảo vọng trong ước mơ của mình. Chính vì vậy mà trên địa chỉ blog của cá nhân mình, Tuấn đang rủ rê mọi người cùng mối quan tâm bắt tay xây dựng chuỗi cà phê Humanist này.

Hãy bắt đầu trước khi quá muộn.

Có thể nói, trong giới trẻ, bên cạnh những bạn có những chiến lược cuộc đời bình thường, như có một công việc ổn định, thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu một tháng, trong vòng 2 năm đến phải có chồng, có vợ, ba năm mua được nhà, 5 năm có con... hay là những kế hoạch như mua được xe hơi, nuôi được bố mẹ già ở quê... thì cũng có khá nhiều bạn trẻ có những ước mơ lớn lao và táo bạo. Vì vậy, bạn đừng ngạc nhiên khi đọc đâu đó trên báo có một bạn trẻ từ bỏ vị trí một quản lý cấp cao với mức lương hàng ngàn USD để đi lập một công ty mà ban đầu chỉ có từ lỗ đến lỗ..., hay một bạn trẻ tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi, không dưng lại chui về xứ "khỉ ho cò gáy" để làm nhân viên trong một khu cai nghiện. Đó là vì mỗi người đã chọn cho mình một chiến lược cuộc đời khác nhau. Xác định được mình muốn gì, mình là ai, mình đang như thế nào... sẽ là một bước đầu tiên thành công để bạn có thể lập cho mình một "chiến lược cuộc đời" phù hợp.

Thế nhưng, cho dù muốn trở thành ai và làm được gì đi nữa, mỗi người trong chúng ta cần có những bước chuẩn bị căn bản, nói như ông Giản Tư Trung, Giám đốc PACE: "Trái đất này là của chúng mình, thế giới phẳng đã gióng lên hồi chuông toàn cầu về sự vận động của thế giới, mọi người cần ý thức sâu sắc về nơi mình đang sống, vị trí mình đang đứng. Khoa học, công nghệ đang thu nhỏ thế giới lại, cơ hội đang đến với mỗi cá nhân chúng ta và chỉ còn phải nắm bắt lấy nó. Mỗi người phải chuẩn bị cho mình một nền tảng vững chắc như vốn ngoại ngữ, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ tư duy tốt. Hãy bắt đầu ngay trước khi quá muộn".
Nguồn: Thanh niên

Chúng ta cũng đang chuẩn bị cho chương trình "kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời", dự kiến vào tháng 12 tới. Các bạn có ý kiến hay suy nghĩ gì về vấn đề này thì cùng chia sẻ nhé!
 

chumeohk87

Thành viên mới
Cảm ơn Sóng nhiều vì đã viết bài này!Mình cũng phải lập chiến lượt cụ thể cho kế hoạch xây dựng gia đình mình mới được.Mình sinh viên năm 4 rồi!Già rồi muốn có vợ có con rồi!Một năm nữa mình sẽ cưa đổ cô ấy!Hai năm nữa mình sẽ nắm tay được cô ấy!Ba năm nữa mình sẽ hôn được cô ấy!Bốn năm nữa mình sẽ cầu hôn được cô ấy!Năm năm nữa!He he!Mình sẽ có cô ấy trong ngôi nhà của mình!Hạnh phúc quá!Cảm ơn Sóng nhé!Minh đi lập kế hoạch đây.
 

longteo

[♣]Thành Viên CLB
Cha đẻ của Phở 24- Lý Quí Trung
Người mang phở Việt ra thế giới

Một trong những thành công của Lý Quí Trung và Phở 24 là biết cách làm thương hiệu bài bản ngay từ ban đầu.

Thông qua phương thức nhượng quyền thương mại (franchise, franchising), Phở 24 đã có mặt hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng,... rồi vươn ra nhiều nước khác trong khu vực: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore...



Phở 24 sẽ còn vươn dài cánh tay hơn, với 100 cửa hàng toàn quốc và 300 cửa hàng toàn cầu, trở thành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Việt Nam đầu tiên đem chuông đi gióng xứ người.

Rớt đại học năm 1984, chàng thanh niên 19 tuổi Lý Quí Trung bước vào đời sớm hơn các bạn đồng lứa khi xin vào làm “bồi bàn” rồi tiếp tân tại Khách sạn Đệ Nhất Tp.HCM. Vừa làm vừa học, lại ưa thích trò chuyện với thực khách, cậu thanh niên Lý Quí Trung đã chiếm được cảm tình của một thương nhân người Australia dịp may đã đến, ông ta đề nghị bảo lãnh Trung sang Australia học tiếng Anh 4 tháng để có vốn ngoại ngữ khá hơn mà tiếp khách.

Trung không ngờ đó lại là bước ngoặt của cuộc đời mình.

Từ một “tín đồ” của phở

Tốt nghiệp cử nhân ngành quản trị nhà hàng & khách sạn tại Đại học Western Sydney, rồi thạc sĩ du lịch tại Đại học Griffith (Australia), Lý Quí Trung trở về nơi từng làm “bồi bàn” nhận chức tổng giám đốc Khách sạn liên doanh Sài Gòn Star để rồi sau đó trở thành thành viên sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn An Nam Group & Phở 24, sau khi đã lấy học vị tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kennedy, Hoa Kỳ.

“Trong 6 năm làm giám đốc khách sạn tôi đã vực khách sạn từ tình trạng khó khăn về tài chính trở thành làm ăn có lãi. Nhiều dịch vụ mới như tổ chức tiệc cưới, karaoke... được mở ra để tăng nguồn thu. Nhưng qua đó tôi cũng cảm nhận ra một điều là mình có khiếu kinh doanh hơn là chỉ làm công việc quản lý một khách sạn”. Anh hồi tưởng lại như vậy.

Một thuận lợi cho Quí Trung là hệ thống nhà hàng, quán ăn cao cấp của gia đình đã trở thành cái nền để anh triển khai các kế hoạch của mình. Anh kể, khi những người trong gia đình ngồi lại để bàn kế hoạch phát triển kinh doanh, thì tình cờ mọi người đề cập tới phở.

Là một người “mê” phở từ nhỏ, lại mê kinh doanh và làm giàu, anh Trung nhận thấy phải làm một điều gì đó cho phở Việt Nam. Tỷ như có thể “hiện đại hóa” cho phở Việt được không? Hay làm thế nào để phở có một khẩu vị đồng nhất quảng bá cho thực khách nước ngoài. Bởi trước Phở 24, tại Tp.HCM đã có một vài quán phở khá nổi tiếng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở cấp độ quán, không tạo được thương hiệu.

Nghĩ là làm, anh quyết định tìm hiểu những “bí kíp” trong gia vị phở của 3 vùng miền trong cả nước rồi tìm hiểu quy trình nấu phở và vấn đề vệ sinh nói chung, trong các quán phở mà anh từng là một thực khách. Nhận thấy đây là thị trường còn bỏ ngỏ, chưa có người nghĩ đến việc phát triển kinh doanh có tầm cỡ và quy mô, nhằm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Lý Quí Trung quyết định “đột phá” vào “lỗ hổng” này.

Làm thế nào để dung hòa hương vị của phở 3 miền để thực khách mọi vùng có thể chấp nhận được là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản bởi phở đã đi vào văn hóa ẩm thực và cả tâm thức sống của người dân trên từng vùng miền khác nhau của đất nước.

Những băn khoăn của “cha đẻ” Phở 24 đã được bù đắp khi 24 thứ gia vị được chắt lọc tinh tế từ khẩu vị 3 vùng miền, được anh “tích hợp” vào bát Phở 24, lần đầu tiên “chào hàng” ở kinh đô của phở, được thực khách Hà thành chấp nhận, dù bước đầu chỉ là “tò mò ăn cho biết”.

Đến xây dựng Phở 24 thành một thương hiệu mạnh

Đến nay, Phở 24 đã có 10 cửa hàng nhượng quyền tại Hà Nội, trên 30 cửa hàng tại Sài Gòn và nhiều địa phương khác trong cả nước. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2008, Phở 24 sẽ hoàn tất hệ thống 100 cửa hàng nhượng quyền trong cả nước, và trong vòng 5 năm tới sẽ có 300 cửa hàng nhượng quyền ở khắp các châu lục, trở thành một chuỗi hệ thống cửa hàng phở toàn cầu, theo mô hình các tập đoàn fast-food nước ngoài như McDonald’s, Lotteria, KFC...

“Ngay từ đầu, Phở 24 đã có tầm nhìn quốc tế. Chúng tôi muốn đưa món ăn này tới nhiều vùng đất xa xôi trên thế giới, theo đó cần có một hương vị đặc trưng riêng mang phong cách chung. Chúng tôi đưa ra những giá trị chuẩn mực và cam kết với những gì đưa ra”. Lý Quí Trung chia sẻ như vậy khi tôi nêu thắc mắc rằng Phở 24 không mặn mà như nhiều khẩu vị phở quen thuộc.

Anh cũng cho biết là đối thủ cạnh tranh chính của Phở 24 lại là các chuỗi cửa hàng fast food quốc tế đang bành trướng rất nhanh tại Việt Nam vì cùng đối tượng khách hàng. “Nếu chúng tôi chậm chân thì một ngày nào đó người trẻ Việt Nam sẽ chọn gà rán Kentucky, hamburger... và từ từ cũng sẽ thấy ngon”- Quí Trung thổ lộ tham vọng của mình.

Hiện tại, Phở 24 đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, sắp tới, theo anh Quí Trung, là sẽ bảo hộ toàn cầu. Phở 24 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn An toàn vệ sinh thực phẩm trong nước, chuẩn du lịch của ngành du lịch Tp.HCM. Ngoài ra, 3 năm liền, Phở 24 đạt giải thưởng của Tạp chí The Guide US, một tạp chí có uy tín.

Lý Quí Trung ngoài công việc kinh doanh, anh còn làm giảng viên thỉnh giảng cho nhiều trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo du lịch, nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho những sinh viên trẻ muốn tiếp thu một mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam – nhượng quyền thương mại.

Anh cho biết, “Tôi đam mê với tất cả những gì tôi đang làm, dù là việc làm ra một sản phẩm mới, một dịch vụ mới trên thương trường hay việc đứng trên bục giảng. Hai công việc này nghe như không có liên quan gì với nhau nhưng lại hỗ trợ thiết thực và đắc lực cho nhau”.

Có thể nói, một trong những thành công của Lý Quí Trung và Phở 24 là biết cách làm thương hiệu bài bản ngay từ ban đầu. Trên thực tế, dù khẩu vị Phở 24 chưa được chấp nhận một cách rộng rãi, và giá một tô phở từ 26.000 - 32.000 đồng chưa phải là hấp dẫn đối với đa số người dùng có thu nhập trung bình và thấp nhưng những bước đi và cách làm thương hiệu của Phở 24 là có tính căn cơ, chuyên nghiệp, hiện đại.


==================
Tại sao mình lại không mời ông Lý Quí Trung làm khách mời của chương trình ta???
 

longteo

[♣]Thành Viên CLB
Hura!!!!!!!!!! Thông báo cho mọi người 1 tin bùn. Ông Lý Quí Trung đã nhận lời mời tham gia chương trình của tụi mình. hehehehe. Bi giờ chỉ đợi ông Giản Tư Trung nữa là okie.
 

longteo

[♣]Thành Viên CLB
Giấc mơ từ làng quê nghèo
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên. "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.
Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

“Đạp tung giường chiếu hẹp”

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.
Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Quay lại giảng đường Đại học!

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…
Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.

Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Lận đận trong khởi nghiệp

Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.

Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.

Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.

Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (thành phố Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi.

Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.

Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến Tp.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai.

Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng... Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.

Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí

Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng - quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản - bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.

Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.

Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”.

Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn...

Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Tặng cà phê cho Thủ tướng!

Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở Nha Trang. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều dồn hết cho cú tiếp thị đầu đời này. Hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắc Lắc, tôi nghĩ ngay: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng.

Nhưng tiếp cận thủ tướng để tặng một bịch cà phê là điều không tưởng. Lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn là “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên kính tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện bác Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười...

Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại Thành phố Hồ Chí Minh hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau..."

============================================
Đọc hay quá à. Đúng là những người thành công luôn có một điểm chung là khát vọng vươn lên mạnh mẽ và không biết đầu hàng trước thất bại. Các bạn nghĩ seo nếu chúng ta tiếp tục mời vị giám đốc nổi tiếng này chia sẻ "Kỹ năng hoạch định mục tiêu cuộc đời với chúng ta???
 

Thiên Sứ

[♣]Thành Viên CLB
Những bài viết rất xúc động. Họ làm được, tại sao chúng ta lại ko?
Chúng ta vẫn còn rất trẻ, hãy bắt đầu bằng việc dám ước mơ và hoạch định mục tiêu đời mình.
 

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
7 câu hỏi hoạch định mục tiêu cuộc đời!

Quyết định trở thành người biết lập mục tiêu và thực hiện mục tiêu, hướng tới tương lai mang lại cho bạn cảm giác mạnh mẽ về sự kiểm soát. Bạn cảm thấy tự hào về bản thân. Bạn cảm thấy rằng mình làm chủ số phận của mình. Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn còn lúng túng trong việc thiết lập mục tiêu cho mình. Dưới đây là bảy câu hỏi giúp bạn xác định mục tiêu . Bạn phải tự hỏi và trả lời nhiều lần.

Câu hỏi thứ nhất:
Năm giá trị quan trọng nhất của bạn trong cuộc sống là gì?

Mục đích của câu hỏi này là để giúp bạn xác định cái gì thật sự quan trọng với bạn, và mở rộng ra thì cái gì ít quan trọng hơn hay không quan trọng.
Một khi bạn đã xác định được 5 điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, hãy sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, từ mục tiêu quan trọng nhất đến mục tiêu thứ năm.
Lựa chọn và xác định các mức giá trị của bạn và thứ bậc quan trọng của chúng nên thực hiện trước khi lập ra mục tiêu. Vì bạn thể hiện từ nội tâm ra bên ngoài và các giá trị bạn đặt ra là thành tố cơ bản trong tính cách, sự xác định chúng rõ ràng giúp bạn chọn mục tiêu nào phù hợp với điều tốt nhất cho bạn.
Câu hỏi thứ hai:
Ngay trong lúc này, ba mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là gì?

Viết câu trả lời trong vòng 30 giây.
Đây là phương pháp liệt kê nhanh, khi bạn chỉ có 30 giây để viết ra 3 mục tiêu quan trọng nhất, ý thức của bạn sẽ chọn lọc các mục tiêu của bạn nhanh chóng. Ba mục tiêu chính chỉ kịp vụt qua đầu bạn. Với chỉ 30 giây, bạn sẽ chính xác như thể bạn có 30 phút.
Câu hỏi thứ ba:
Nếu hôm nay bạn biết được rằng bạn chỉ còn sống được 6 tháng, bạn sẽ làm gì, bạn sẽ giành thời gian như thế nào?

Đây là câu hỏi đánh giá khác giúp bạn xác định cái gì là thực sự quan trọng với bạn. Khi thời gian có hạn, thậm chí nếu chỉ trong tưởng tượng, bạn trở nên rất ý thức ai và cái gì bạn thực sự quan tâm. Như một bác sỹ đã nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một thương gia nào trên giường bệnh mà lại nói “Tôi mong có thể giành nhiều thời gian cho công việc hơn nữa”.
Có ai đó đã nói rằng bạn sẽ không sẵn sàng để sống đến khi bạn biết phải làm gì nếu bạn chỉ còn một giờ sống trên trái đất. Bạn sẽ làm gì?
Câu hỏi thứ tư:
Bạn sẽ làm gì nếu ngày mai bạn trúng số 1 triệu đô la tiền mặt, miễn thuế?

Bạn sẽ thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào? Bạn sẽ mua gì? Bạn sẽ bắt đầu làm gì hay thôi không làm gì nữa? Tưởng tượng rằng bạn chỉ có hai phút để viết câu trả lời và bạn sẽ chỉ có thể làm hay đạt được những gì bạn viết ra.
Đây thực sự là câu hỏi giúp bạn quyết định sẽ làm gì nếu bạn có đủ thời gian và tiền bạc bạn cần, nếu bạn không phải sợ sự thất bại nào. Bạn sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất khi bạn nhận ra nhiều thứ bạn sẽ làm khác đi nếu bạn cảm thấy bạn có đủ khả năng để lựa chọn.
Câu hỏi thứ năm:
Điều gì bạn luôn muốn làm, nhưng sợ phải cố gắng?

Câu hỏi này giúp bạn biết rõ ràng hơn ở thời điểm nào nỗi sợ hãi của bạn có thể ngăn cản bạn làm những gì bạn thực sự muốn làm.
Câu hỏi thứ sáu:
Bạn thích làm gì nhất? Cái gì mang lại cho bạn cảm giác tự hào và hài lòng với bản thân nhất?

Đây là câu hỏi về giá trị khác có thể chỉ ra điểm bạn nên khám phá để tìm ra “ước muốn của trái tim”. Bạn sẽ luôn cảm thấy vui nhất khi bạn muốn làm nhất luôn là hoạt động làm bạn cảm thấy mãn nguyện và hài lòng nhất. Những người thành đạt nhất ở Mỹ luôn làm những gì họ thích nhất.
Câu hỏi thứ bảy, và có lẽ là quan trọng nhất:
Nếu bạn biết bạn sẽ không bị thất bại, điều lớn nhất mà bạn dám mơ là gì?

Giả dụ có một vị thần xuất hiện và ban cho bạn một điều ước. Vị thần đảm bảo rằng bạn chắc chắn sẽ thành công hoàn toàn ở một thứ mà bạn cố gắng làm cho dù nó lớn hay nhỏ, ngắn hay dài hạn. Nếu bạn được bảo đảm chắc chắn thành công trong một lĩnh vực nào đó mục tiêu nào mà bạn sẽ xác định cho mình?
Dù bạn viết bất kỳ cái gì như câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này, bao gồm cả câu hỏi: “Nếu bạn biết bạn sẽ không thất bại, điều lớn nhất mà bạn dám mơ là gì?” thì bạn có thể làm được. Sự thực là bạn có thể viết ra nghĩa là bạn có thể thực hiện được. Một khi bạn xác định được bạn muốn gì, câu hỏi duy nhất bạn phải trả lời là: “Tôi đã thực sự mong muốn nó và sẵn sàng trả giá chưa?”
<Trích Thành công tột đỉnh - Brian Tracy>
 

longteo

[♣]Thành Viên CLB
Lần đầu tiên xem clip quảng cáo về dầu gội X-men, có lẽ ít ai ngờ rằng sản phẩm dẫn đầu phân khúc thị trường dầu gội nam này lại là của một doanh nghiệp Việt Nam. Việc Mekong Capital - quỹ chuyên đầu tư vào những doanh nghiệp chưa niêm yết đã “rót” vào Công ty Cổ phần Sản xuất hàng tiêu dùng quốc tế (ICP) - nhà sản xuất X-men - khoản đầu tư 6 triệu USD vào năm 2006 là một minh chứng cho sự phát triển của doanh nghiệp này. Thay vì đối đầu với các đại gia trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, chủ nhân của X-men đã tự tạo ra một chiếc bánh mới bằng cách thúc đẩy và định hình một xu hướng tiêu dùng mới.

Thành công của X-men gắn liền với tên tuổi của Phan Quốc Công, Tổng Giám đốc ICP. Con đường trở thành doanh nhân của người đàn ông có gương mặt hiền lành như một anh giáo làng này giống như sự đẩy đưa của số phận. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng dòng hồi tưởng của anh về những ngày mới chân ướt chân ráo đi làm. Anh nói:

- Tốt nghiệp ngành điện trường Bách khoa TP. Hồ Chí Minh năm 1988, tôi về làm việc tại Tổng Công ty Dệt Việt Nam (Textimex). Lúc đó tổng công ty bắt đầu triển khai dự án xây dựng một nhà máy mới sử dụng dây chuyền dệt tự động khá hiện đại. Trong hai năm tham gia dự án, có những lúc phải chờ vốn rót từ ngân sách, tôi được điều chuyển qua một số phòng ban như giao nhận, xuất nhập khẩu… Khi nhà máy đi vào hoạt động, phòng xuất nhập khẩu nhận tôi về. Nhập khá nhiều trang thiết bị rồi phân phối lại cho các công ty thành viên nên đơn vị này cần một người có kiến thức về kỹ thuật. Tôi thấy công việc khá thú vị vì vừa vận dụng kiến thức về máy móc, vừa có điều kiện học hỏi thêm về kinh doanh.

Công việc “thú vị” như vậy, tại sao anh lại ra ngoài?

- Chúng ta thực hiện chính sách Đổi mới từ năm 1986 nhưng tôi nghĩ đến năm 1994, đất nước ta mới thực sự mở cửa. Sang năm 1995 thì rất nhiều công ty nước ngoài tràn vào Việt Nam. Cũng như một số người trẻ khác, tôi thường tự hỏi tại sao các công ty nước ngoài có thể thành công đến như vậy. Đương nhiên, cách tốt nhất để tìm ra câu trả lời là làm việc cho họ, vừa là cơ hội để tôi học hỏi thêm. Nhưng thú thực, khi qua Electrolux - công ty nước ngoài đầu tiên - thử sức ở vị trí là nhân viên bán hàng, tôi cũng chưa biết sẽ học cái gì. Chỉ đến khi tình cờ tìm được cuốn Các nguyên tắc tiếp thị, lướt qua vài trang đầu thì tôi bừng tỉnh. Tôi biết đã tìm được hướng đi cho cuộc đời mình.

Đến lúc này chắc anh đã hiểu tại sao các công ty nước ngoài lại mạnh như vậy?

- Các công ty đều có hai phần, cứng và mềm. Phần cứng là nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị - những thứ có thể mua được bằng tiền. Còn phần mềm là sự hòa quyện của ba yếu tố: văn hóa, hệ thống và con người. Có lẽ vì khối tài sản này khó định lượng nên có những giai đoạn các doanh nghiệp của chúng ta chưa quan tâm đến nó một cách đầy đủ.

Nghe nói khi mới sang Electrolux, anh đã từng định nghỉ ngang. Thực hư chuyện này ra sao?

- Đó là vấn đề thu nhập, mức lương ban đầu của tôi là 150 USD/tháng.

Ở thời điểm năm 1995 thì đó cũng không phải là mức lương thấp đối với một nhân viên bán hàng?

- Đúng là với một người bình thường thì mức thu nhập đó thì có thể sống khá thoải mái. Nhưng hoàn cảnh gia đình tôi khi đó cũng khá khó khăn sau khi ba tôi mất, sau tôi là ba đứa em còn đi học. Vì vậy, tôi đã gặp sếp của mình và nói rằng muốn được làm việc nhiều hơn để có thu nhập nhiều hơn. Tôi trình bày kế hoạch và cam kết sau sáu tháng sẽ nâng số lượng sáu cửa hàng của Electrolux tại TP. Hồ Chí Minh lên con số 20, kèm theo đề xuất nâng lương lên 250 USD/tháng, đủ để gia đình trang trải cuộc sống. May mắn là sau cùng ban lãnh đạo công ty cũng ủng hộ để tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Nhưng rồi mối lương duyên của anh với công ty này cũng không bền. Anh liên tục nhảy việc qua các công ty nước ngoài khác. Phải chăng nhảy việc là cách thể hiện cái tôi của những người trẻ?

- Thế hệ chúng tôi khi đó thường nói với nhau rằng nếu làm ở các công ty để học hỏi thì hai năm là vừa đủ. Năm đầu để học việc, còn năm thứ hai là vận dụng kiến thức vào thực tế. Hết hai năm ở Electrolux cũng là lúc tôi hoàn tất chương trình quản trị kinh doanh ở Đại học Mở - Bán công TP. Hồ Chí Minh, tôi lại đến gặp sếp của mình và đề xuất xin chuyển sang làm mảng tiếp thị. Tuy nhiên, cơ cấu của công ty chỉ có hai người làm công tác tiếp thị, chia nhau phụ trách thị trường phía Nam và phía Bắc. Tôi xin sang một công ty khác, nhưng môi trường làm việc mới không phù hợp, sau hai tháng, Electrolux kêu tôi trở lại phụ trách một dự án trong thời gian sáu tháng. Đầu năm 1998, khi dự án kết thúc, tôi tìm được công việc mới ở Smithline Bechaam, phụ trách nhãn hàng Panadol. Tháng 1/2000, Smithline Bechaam sáp nhập vào Tập đoàn Glaxo nên buộc phải tái cấu trúc công ty. Theo đó, các nhãn hàng của tập đoàn này không còn vị trí giám đốc quốc gia, thay vào đó là giám đốc khu vực. Tôi về phụ trách nhãn hàng sữa Milo của Nestlé. Đây cũng là công ty mà tôi làm thuê lâu nhất, gần bốn năm.

Dường như anh đã có sự chuẩn bị khá kỹ để chuyển đổi từ vai trò làm thuê sang làm chủ?

- Tôi không phải là người có máu kinh doanh bẩm sinh. Tôi thấy mình hợp với công việc giảng dạy nhiều hơn. Thời sinh viên, ngoài việc dạy thêm, tôi có tham gia khá nhiều các hoạt động ngoại khóa, dần dần hình thành thói quen muốn khẳng định mình. Thói quen đó tiếp tục được nuôi dưỡng trong tiềm thức và trưởng thành cùng với tôi trong quá trình làm việc. Ý tôi là quá trình đi đến quyết định tách ra làm riêng diễn ra rất từ từ, càng đi càng nhìn thấy rõ ràng chứ không hề có chủ định. Tháng 9/2001, tôi thành lập ICP, đến tháng 1/2002 thì có những sản phẩm đầu tiên giới thiệu cho thị trường là nước rửa rau Vegy và sau đó là O-Cleen - nước lau chùi nhà bếp.

Nhưng có vẻ như mãi đến năm 2004, người tiêu dùng mới biết đến ICP qua dòng sản phẩm dầu gội dành cho nam giới X-men?

- Người nước ngoài thường chú trọng vào nước hoa để thể hiện cá tính và giới tính của mỗi người, bởi nước hoa thì nam và nữ không thể dùng chung được. Ở Việt Nam, do đặc thù khí hậu nóng ẩm, dùng nước hoa không tiện, ấy là chưa kể nước hoa vẫn được xếp vào nhóm hàng hóa xa xỉ so với đại bộ phận người dân. Tôi nghĩ rằng nếu tạo ra một sản phẩm dầu gội dành cho nam, kết hợp giữa nước hoa và dầu gội thì dễ được người tiếp dùng chấp nhận hơn, nhất là thị trường của chúng ta khi đó còn khá trống trải, mới có một nhãn hàng của nước ngoài là Romano.

Đó cũng là cách anh tránh đối đầu trực diện với những đại gia nước ngoài đang nắm giữ phần lớn thị phần dầu gội trong nước?

- Theo Đại dương xanh - một cuốn sách tiếp thị khá nổi tiếng - thì đó là hình thức tạo ra một thị trường mới. Hay như người ta vẫn nói: “Khác biệt hay là chết”. Quan điểm của chúng tôi là không bắt chước một cách máy móc những gì người khác đã làm. Bởi dù có bắt chước giỏi đến đâu chăng nữa thì chúng tôi cũng không bằng được họ, chưa kể các yếu tố khác như tiềm lực tài chính, thương hiệu… Quan điểm của ICP là tránh đối đầu trực diện, thay vào đó là tìm cách liên kết để đôi bên cùng có lợi, chẳng hạn như liên kết với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng - những doanh nghiệp chuẩn bị tham gia thị trường Việt Nam.

Sau sự thành công của X-men, các đại gia mỹ phẩm nước ngoài cũng đã vào cuộc. Xem ra, “đại dương” dầu gội dành cho nam giới không còn “xanh” như trước?

- Đúng là ngày càng nhiều công ty tham gia khai thác phân khúc thị trường này. Tuy nhiên, vì sáng tạo là không ngừng nghỉ nên tôi tin vẫn có khả năng tìm thấy những “đại dương xanh” khác. “Đại dương” có “xanh” hay không tùy thuộc vào chính chúng ta. Ngay cả những thị trường cạnh tranh cực kỳ khốc liệt như điện thoại di động, tưởng chừng như không còn gì để cạnh tranh được nữa thì sự ra đời của iPhone vẫn khiến cả thế giới lên cơn sốt. Ngoài X-men, chúng tôi đã giới thiệu những dòng sản phẩm khác dành cho tuổi hoa niên và các bé, như một sự tiếp nối và xuyên suốt các lứa tuổi. Tôi nghĩ những phân khúc thị trường này còn khá nhiều tiềm năng.

Từ trước đến nay, phần lớn người Việt Nam vẫn thường có thói quen cả gia đình xài chung một chai dầu gội. Để thay đổi thói quen tiêu dùng đó, anh có gặp nhiều khó khăn?

- Việc dùng sản phẩm gì, đặc biệt là trong những ngành cụ thể như dầu gội thì bên cạnh những lợi ích cụ thể như mượt tóc, trị gàu… thì người tiêu dùng còn có lợi ích về tinh thần. Thị trường dầu gội nữ là một cuộc chiến khốc liệt. Công thức và mùi hương gần gần như nhau, nên nhãn hiệu nào khắc họa được vào đầu óc khách hàng sâu sắc hơn thì sẽ giành phần thắng. Còn ICP thì dễ thở hơn bởi thị trường khi đó mới chỉ có một đối thủ cạnh tranh.

Có khi nào anh nghĩ đến việc tham gia vào phân khúc “dầu gội nữ”?

- Đến giờ tôi vẫn chưa tìm được một giải pháp tối ưu.
Đầu tư cho sản xuất đòi hỏi trường vốn. Anh đã xoay xở như thế nào khi khởi nghiệp?

- Tiền tích lũy của tôi một phần, vay mượn của bà con một phần, còn lại chủ yếu là bạn bè hùn hạp.

Người ta thường nói bạn bè thì không nên làm ăn chung?

- Đúng là bạn bè làm ăn chung thường phát sinh những tranh chấp vì quyền lợi. Nhiều khi không chỉ vì làm ăn thua lỗ mà ngay cả có lời cũng dễ mất bạn. Lỗ thì cãi nhau đã đành nhưng khi lời thì lại so đo người này làm nhiều người kia làm ít. Với ICP thì chưa có chuyện đó, bằng chứng là đến giờ những thành viên trong hội đồng quản trị vẫn còn nguyên vẹn, không thêm không bớt. Có lẽ vì tất cả đều nghĩ đến chuyện chung, hơn là lợi ích cho cá nhân mình. Trong HĐQT, hiện chỉ có mình tôi trực tiếp điều hành ICP, còn những người khác đều có công việc riêng ngoài công ty. Bây giờ hệ thống tài chính đã rạch ròi, chứ hồi mới khởi nghiệp, nhiều thứ còn chuệch choạc, nếu không tin tưởng thì các bạn đã không giao tiền cho mình.

Có khi nào niềm tin của mọi người đặt lên vai anh trở thành sức ép?

- Tôi không quan niệm đó là sức ép, mà là trách nhiệm.

Có vẻ như anh khá tự tin vào khả năng của mình. Anh có nghĩ mình là người giỏi nhất công ty?

- Ở ICP, chắc chắn tôi không phải là người giỏi nhất. Về nhân sự, giám đốc nhân sự giỏi hơn tôi. Về tài chính, giám đốc tài chính cũng giỏi hơn tôi… Sức mạnh của ICP không nằm ở một cá nhân, mà là một tập thể. Ở ICP, nhân viên đến từ nhiều môi trường làm việc khác nhau, mang theo văn hóa khác nhau nên chúng tôi rất tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân, một hình thức phát huy tối đa khả năng sáng tạo.

Có khi nào việc đề cao vai trò cá nhân lại trở thành cản ngại cho sự phát triển chung của doanh nghiệp?

- Bởi vậy nên bên cạnh các giá trị văn hóa, chúng tôi đã xây dựng một khung hệ thống để mọi người tuân thủ, tránh những va chạm không cần thiết. Là một doanh nghiệp thuộc nhóm “sinh sau đẻ muộn” nên chúng tôi rất quan tâm đến yếu tố con người, đặc biệt là vấn đề giữ chân người tài.

Giữ nhân viên bằng cách nào khi mà công ty anh đa phần là những người trẻ, mà những người trẻ thường nhảy việc, hẳn anh rất “thấm thía” chuyện này?

- Môi trường làm việc và huấn luyện. Huấn luyện không chỉ là lâu lâu tổ chức cho nhân viên tham dự một khóa đào tạo, mà với mỗi người, chúng tôi xác định họ cần thêm những kỹ năng gì để họ có thể hoàn thành công việc của mình. Khi thấy rõ sự tiến bộ và hướng phát triển của mình, họ sẽ yên tâm ở lại và gắn bó với công ty.

Gần mười năm trước ở Electrolux, anh đã xin làm thêm việc để có thêm 100 USD mỗi tháng. Đến giờ, anh đã có thể tự trả lương cho mình?

- Không thể như thế được. Từ lương, thưởng đến công tác phí của tôi đều do HĐQT quyết định. Cơ chế đó sẽ khiến cho người lãnh đạo không thể lạm dụng quyền lực để thâu tóm lợi ích cho cá nhân. Trên thế giới người ta rút ra kết luận rằng để công ty tránh được những sai lầm thì không nên có cá nhân nào nắm giữ trên 51% cổ phần. Bởi, khi đó, muốn thông qua những quyết định quan trọng, người lãnh đạo phải thuyết phục được mọi người bằng lý lẽ thay vì quyền lực.

Từng là người làm thuê hơn 10 năm, giờ chuyển sang làm chủ. Một Phan Quốc Công nhưng có hai tư thế làm thuê và làm chủ, vậy có gì khác nhau?

- Không biết người khác quan niệm làm chủ như thế nào, cá nhân tôi quan niệm rằng làm chủ trong thời đại mới không nhất thiết phải sở hữu 100% công ty. Làm chủ là mọi thành viên đều đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của công ty, đồng thời hưởng lợi từ những thành quả gặt hái được. Ngay từ đầu tôi đã xác định ICP không phải là mô hình công ty gia đình. Trong tương lai, nó sẽ là công ty đại chúng.

Trong khoảng thời gian làm việc ở Nestlé, anh đã hoàn thành chương trình tiến sĩ quản trị kinh doanh do trường Đào tạo Cán bộ Quản lý (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp với trường Southern California University for Prosfessional Studies tổ chức. Bằng cấp rất quan trọng với cá nhân anh?

- Tôi ráng học lên tiến sĩ vì hai lý do. Thứ nhất, theo kế hoạch, tôi sẽ rút lui khỏi công việc kinh doanh khi bước sang tuổi 50, tập trung viết sách và đi dạy. Thứ hai là tôi muốn hoàn thành tâm nguyện của cha tôi trước khi ông nhắm mắt. Tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cha mình. Ông là một nhà giáo. Quan điểm của cha tôi là làm giàu bằng tri thức.

Cha anh thì không giàu?

- Nếu giàu có đo bằng tiền bạc thì đúng là cha tôi không giàu. Nhưng thành công thì chắc chắn bởi bốn anh em tôi giờ đây đều đã trưởng thành.

Anh quan niệm thế nào về sự thành công?

- Có một câu nói thế này: “Thành công là có cái mình muốn, hạnh phúc là muốn cái mình có”.

Hiện tại thì anh thành công hay hạnh phúc?

- Cái mình muốn thì vô chừng, nên khó thể nói thế nào là thành công. Tôi là người hạnh phúc.

Câu hỏi cuối cùng. Khởi nghiệp ở tuổi 33 như anh, là sớm hay muộn?

- Với cá nhân tôi thì là vừa sức. Nếu sớm hơn thì tôi hơi đuối, nếu trễ hơn thì mình sẽ bị sức ì.

Xin cảm ơn anh!

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
 

Sóng

Thanh viên kỳ cựu
Thành viên BQT
Thứ Sáu, 06/02/2009, 03:58 (GMT+7)
Tự tin trước tương lai
TT - “Nếu cuộc đời là một dòng chảy, tôi sẽ biết chảy đúng cách hoặc biết ghìm mình đứng lại nhưng không chấp nhận bị cuốn trôi”, đó là câu nói được nhiều SV bình luận và tán đồng nhất tại buổi trò chuyện “Hiểu chính mình và định hướng tương lai” đầu xuân Kỷ Sửu.
Thực tế cho thấy một trong những cái yếu nổi rõ nơi không ít bạn trẻ là thiếu hẳn sự tự tin và sự tập trung cao độ cho một mục tiêu...
Một câu hỏi SV thường gặp trong các mẩu tuyển dụng và “sẵn sàng” thoái lui ngay nếu như không có sự tự tin, đó là kinh nghiệm làm việc và chịu đựng áp lực. Thế nhưng nhiều SV quên rằng có thể thuyết phục, thậm chí chinh phục nhà tuyển dụng nếu biết thể hiện độ “bén”của mình. Một số SV đã rất mạnh dạn khẳng định mình có thể đảm đương công việc dù chưa có kinh nghiệm, thậm chí có SV đã thẳng thắn bảo rằng có thể chịu được áp lực và sự thách thức nếu được trao cơ hội...
* Có thể nói tự tin về chính mình là một thách thức khá đặc biệt trong cuộc sống. Không ít người hoài nghi về vấn đề tự tin hay tự kiêu vì ranh giới giữa hai thuật ngữ khá gần nhau. Thế nhưng, nếu đặt vào cái nhìn và hơi thở của bạn trẻ thì tự tin lại rất cần trong cuộc sống, dù ở một góc nhìn nào đó tự tin rất dễ trở thành tự kiêu.
* Giới trẻ là những chủ thể rất nhanh nhạy với thời cuộc. Và việc thể hiện mình một cách mạnh dạn - tự tin là điều hoàn toàn nên làm. Thế nhưng sẽ không thể gọi là thể hiện đúng cách nếu như những bạn trẻ không tự trả lời được câu hỏi “tôi là ai?”.
Vật cản quan trọng: phân tán
Khả năng giải quyết công việc hay thực hiện nhiệm vụ của các bạn trẻ cũng gặp khó khăn ở sự tập trung tinh thần. Không ít bạn trẻ vẫn bị tình trạng chơi vơi trong sự tập trung cao độ của ý thức. Những nghiên cứu tâm lý đã chứng minh sự phân tán của chú ý là một trong những vật cản rất quan trọng của nhiều bạn trẻ. Chính sự phân tán của chú ý này cũng ảnh hưởng trực tiếp lên các chỉ số của sự phát triển tinh thần như: tốc độ của sự định hướng trí tuệ, tốc độ khái quát, tính tiết kiệm, tính mềm dẻo và tính phê phán của trí tuệ.
Quá trình tuyển dụng ở một số công ty lớn thường có phần trắc nghiệm IQ. Một trong những tiêu chí quan trọng ứng viên cần vượt qua là phải có sự tập trung chú ý cao theo độ dài của bài trắc nghiệm, bao quát cả bài trắc nghiệm cũng như biết “ăn điểm” ở những câu hỏi cần thiết.
Thực tế cho thấy không ít bạn chỉ có thể nhận điểm ở đoạn đầu của bài trắc nghiệm và bỏ hẳn đoạn giữa, đặc biệt là đoạn cuối bài trắc nghiệm. Không ít trắc nghiệm “gài sẵn” những câu hỏi cuối cùng thật sự rất dễ như tên của công ty đang tuyển dụng mình, địa chỉ và một vài thông tin như người trực tiếp tuyển dụng mình là ai...
Sự tập trung tinh thần của bạn trẻ còn hạn chế ở một số biểu hiện khác như dễ dàng bị phân tâm khi gặp những khó khăn và thách thức. Không ít người trẻ có tư tưởng “nhảy cóc” khi suy nghĩ chưa thấu đáo về tương lai nghề nghiệp của mình hay những triển vọng của mình trong công việc. Những bài khảo nghiệm về kỹ năng giải quyết vấn đề cho thấy nhiều bạn trẻ vẫn có thể bị ì một cách rất dễ dàng khi nhận một bài toán thách thức mà chưa thể vươn rộng hay vươn xa để tìm ra nhiều ý tưởng độc đáo.
Nhiều nghiên cứu về tính ì của con người đã minh chứng nếu thiếu sự tập trung tinh thần hay tâm lý, chắc chắn những biểu hiện của sự hài lòng hoặc những thái độ “tôi chịu...” hay “tôi thua” hoàn toàn có thể xảy ra một cách rất dễ dàng.
Tương lai, cuộc đời ta... xét cho cùng là do tinh thần, phẩm chất đạo đức của ta quyết định!
TS HUỲNH VĂN SƠN
 

kidoto

Thành viên
Các bạn thân.
Mình nghĩ nhửng ai quan tâm đến DD này biết nhiều về những quyển sách có nội dung rất tuyệt vời, mà mình sẽ học hỏi nhiều từ nó trong kế hoạch hoạch định cuộc đời.

Blog của GiangMj chắc nhiều bạn đã biết đến.nhưng mình thì vừa mới biết! Hy vọng những nguời bạn giống mình sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị từ blog của Lê Minh Giang: http://my.opera.com/giangmj/blog/

mj-giamdocmotphut2.0.jpg

mj-TyPhu2.0.jpg


mj-Cuocsongtuoidep.jpg

............​

Thân.​
 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
accessdeny [KN CÁ NHÂN] Kỹ năng lập kế hoạch Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
T [KN CÁ NHÂN] 10 Điều Có Lợi Của Việc Xác Định mục Tiêu Kỹ năng hoạch định mục tiêu 4
B [KN CÁ NHÂN] Kế hoạch tuần mới Kỹ năng hoạch định mục tiêu 3
T [KN Cá Nhân]Sinh viên mới ra trường cần được giúp đỡ trong việc hoạch định mục tiêu Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
benny [KN CÁ NHÂN] [you] hãy thử lập một ma trận SWOT cho mình nhé! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 13
C [KN CÁ NHÂN] Tổng hợp các vấn đề về "mục tiêu trong cuộc sống của bạn". Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
benny [KN Cá nhân] Quốc khánh [you] làm gì? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 9
benny [KN CÁ NHÂN] [you] đã có dự định gì cho năm học mới chưa? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 43
thewind0407 [KN CÁ NHÂN] Đường vòng để tới đích Kỹ năng hoạch định mục tiêu 4
benny [KN CÁ NHÂN] Đại học có phải là con đường duy nhất? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 13
nhoccan219 [KN CÁ NHÂN] Đích...! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
_xU_kUt3_ [KN CÁ NHÂN] Điều học từ cuộc sống... Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
bluesea88 [KN CÁ NHÂN] Làm sao tìm được mục tiêu cuộc đời mình? [you] biết không? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 86
lecaoson9192 [KN CÁ NHÂN] Người thức khuya dễ giàu hơn Kỹ năng hoạch định mục tiêu 10
benny [KN CÁ NHÂN] [you] làm gì trong năm thanh niên? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 16
bachtuocdo [KN CÁ NHÂN] Thói quen nhỏ tạo nên sự hiệu quả trong công việc Kỹ năng hoạch định mục tiêu 2
bachtuocdo [KN CÁ NHÂN]HỎI: Chia sẻ kinh nghiệm đặt MỤC TIÊU SMART??? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
benny [KN CÁ NHÂN] Viết cuộc đời mình Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
benny [KN CÁ NHÂN] Hãy vẽ chân dung của bạn trong tương lai! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 8
bachtuocdo [KN CÁ NHÂN] Rèn luyện Thói quen dậy sớm-Chia sẻ kinh nghiệm Kỹ năng hoạch định mục tiêu 17
KendyDat [KN CÁ NHÂN] Hãy viết mục tiêu năm 2011 của bạn ngay hôm nay Kỹ năng hoạch định mục tiêu 32
benny [KN CÁ NHÂN] Là gì trước Tết? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
doonyin [KN CÁ NHÂN]Bí quyết tạo nên tài năng Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
bachtuocdo [KN CÁ NHÂN] Nguyên tắc 10000 giờ!!! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
benny [KN CÁ NHÂN] Hành trang để thực hiện ước mơ nghề nghiệp Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
Z [KN CÁ NHÂN] Chưa bao giờ em thực hiện thành công 1 kế hoạch, em phải làm sao ? Kỹ năng hoạch định mục tiêu 8
K [KN CÁ NHÂN] Kinh nghiệm cho bạn hoàn thành mục tiêu! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
bachduong [KN CÁ NHÂN] Mục tiêu cuộc đời tôi,xin chia sẻ với mọi người Kỹ năng hoạch định mục tiêu 9
Hoài Niệm [KN CÁ NHÂN] Nguyên tắc hoành thành mục tiêu lớn- [2] Lòng quyết tâm Kỹ năng hoạch định mục tiêu 4
bachtuocdo [KN CÁ NHÂN] ĐẲNG CẤP ẩn sau BÁNH XE THÀNH CÔNG CÁ NHÂN Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
Hoài Niệm [KN CÁ NHÂN] Nguyên tắc để đạt được mục tiêu lớn-[1]Chia nhỏ mục tiêu Kỹ năng hoạch định mục tiêu 11
Hoài Niệm [KN CÁ NHÂN] Chú ý: Danh sách chủ đề đã tạo. Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
bluesea88 [KN CÁ NHÂN] Đặt mục tiêu trong mùa thi. Kỹ năng hoạch định mục tiêu 4
J©uRn€¥ [KN CÁ NHÂN] Năm mới, mindmap mới, tầm nhìn đến 10 năm sau Kỹ năng hoạch định mục tiêu 10
nguyenson [KN CÁ NHÂN] Để đạt được mục tiêu kinh doanh Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
O [KN CÁ NHÂN] Phương pháp 12 bước để đạt được mục tiêu Kỹ năng hoạch định mục tiêu 15
TQV [KN CÁ NHÂN] Phương Pháp Thiết lập Mục Tiêu Cá nhân Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
M [KN CÁ NHÂN] Lựa chọn mục tiêu cuộc đời Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
Hương Trà [KN CÁ NHÂN] 5 câu hỏi khi đề ra mục tiêu cho cuộc đời Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
Hương Trà [KN CÁ NHÂN] Hãy lập danh sách ước mơ cho mình! Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
Hương Trà [KN CÁ NHÂN] Những bí quyết để giữ được nhiệt huyết trong công việc hàng ngày Kỹ năng hoạch định mục tiêu 1
phanminhsang187 [KN CÁ NHÂN] Đặt mục tiêu cho năm mới Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
V [KN CÁ NHÂN] Đường hầm xuyên trái đât. Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0
Lu Song Qing [KN CÁ NHÂN] Lập kế hoạch cho cuộc sống Kỹ năng hoạch định mục tiêu 4
G Chương trình 1 năm chỉ có 1 lần - dành cho các bạn đam mê kỹ năng mềm Kỹ năng hoạch định mục tiêu 0

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top