TQV
Thanh viên kỳ cựu
SÁNG TẠO VÀ VĂN HÓA HỌC TẬP
Ts. Vũ Thế Dũng
Khoa Quản Lý Công Nghiệp - Đai Học Bách Khoa Tp.HCM
Học ở trường và học ở công việc
Chúng ta không xa lạ với khái niệm học. Có rất nhiều cách để học. Học từ kinh nghiệm, học từ công việc, học ở nhà trường với các kiến thức khoa học. Mỗi phương pháp học đều có những ưu và nhược điểm riêng và do vậy học một cách toàn diện là sự kết hợp cân đối của nhiều phương pháp. Trên thực tiễn, sự kết hợp này không phải luôn được coi trọng và hiểu một cách chính xác. Có người cho rằng việc các doanh nghiệp phải đào tạo lại các kỹ sư, cử nhân mới ra trường chứng tỏ chất lượng đào tạo không cao, không sát với thực tiễn. Quan điểm này mới nhìn việc học ở góc độ hạn chế. Nếu đứng trên quan điểm, “học tập là một quá trình liên tục và suốt đời” thì việc học chưa bao giờ và sẽ không khi nào kết thúc tại nhà trường – nơi cung cấp các kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lý luận để người học khi ra trường có thể bắt đâu quá trình tự học, tự hoàn thiện và sáng tạo. Tấm bằng tốt nghiệp do vậy cần được nhìn nhận là một chứng chỉ chứng nhận khả năng có thể tư duy độc lập và tự đào tạo sau khi tốt nghiệp của người học chứ không phải sự chứng nhận cho một sự hoàn tất. Học ở trường và học ở công việc, học trong cuộc sống do vậy là những thành phần tương hỗ, bổ sung cho nhau, một trong những thành phần thiếu đi sẽ làm cho học trở nên mất cân đối.
Học trong thực tiễn, trong công việc rất quan trọng nhưng để đạt hiệu quả xã hội thì nó phải được thiết kế, tổ chức, và có phương pháp. Vì cá nhân học tập không đồng nghĩa với doanh nghiệp học tập, tổ chức học tập, chính phủ học tập hay xã hội học tập. Câu hỏi “các tổ chức có khả năng học hay không? Các tổ chức học như thế nào? Và học cái gì?” là câu hỏi được giới doanh nghiệp cũng như giới học giả quan tâm từ giữa thập niên 80 (thế kỷ 20) và trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng trong quản trị học và giáo dục học từ nửa cuối thập niên 90. “Học tập trong tổ chức” hay “tổ chức học tập” (organizational learning or learning organization) tập trung nghiên cứu phương pháp, cách thức, nội dung, các tác động của việc học lên hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các tổ chức, các doanh nghiệp. Học trong các tổ chức lúc này không đơn giản là các khóa huấn luyện kỹ năng công tác mà đi từ cái gốc là xây dựng văn hóa học tập trong tổ chức, văn hóa tự hoàn thiện, yêu cái mới và ham thích sáng tạo. Hiện nay hiểu và ứng dụng các lý thuyết và công nghệ học tập trong tổ chức chưa được giới thiệu ở Việt Nam nên việc học vẫn nặng tính hình thức mà hiệu quả không cao.
Học ứng dụng và học sáng tạo
Học, ở bậc đơn giản là học cách giải quyết các vấn đề cụ thể, học cách hiểu và vận hành các hệ thống, các cấu trúc, các giả định và các giá trị hiện hữu. Học ở bậc này là học ứng dụng, học chấp nhận những cái có sẵn, tìm cách cải tiến để vận hành chúng một cách hiệu quả hơn nhưng không thay đổi phạm vi các ràng buộc của hệ thống. Học, ở bậc cao hơn là học cách nhìn hệ thống. Học ở bước này không còn là học ứng dụng mà là học sáng tạo. Học lúc này vượt ra khỏi hệ thống, cấu trúc, giá trị, giả định và các ràng buộc hiện hữu, để đi tìm những cái mới – hoàn toàn mới.
Cả hai bậc học đều quan trọng và bổ sung cho nhau. Không có điểm bắt đầu là học ứng dụng thì chẳng thể có học sáng tạo. Học ứng dụng cần thiết cho mọi người để làm tốt công việc trong dây chuyền phân công lao đông xã hội. Nó tạo ra những chuyên viên, những nhà quản lý (manager) giỏi những người làm đúng việc (do things right), tức là thực hiện các công việc được lên kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Học sáng tạo có đầu vào và đầu ra trừu tượng và vô hình hơn, nó tạo ra những nhà lãnh đạo (leader) xuất sắc những người chọn những hướng đi mới ở tầm cao mới, hay đó là những người chọn việc đúng để làm (do right things). Rõ ràng chúng ta cần cả các nhà lãnh đạo và các nhà quản lý để chọn việc đúng và làm đúng việc (do right thing right). Sau một quá trình đổi mới chúng ta đã có những lớp các nhà quản lý giỏi, năng động, nhưng còn thiếu vắng một lớp các nhà lãnh đạo kiệt xuất có tầm nhìn chiến lược mang tính toàn cầu.
Vấn đề này có những lý giải từ mâu thuẫn trong quan điểm giáo dục ở bậc đại học. Học ứng dụng thông thường là để trả lời câu hỏi “làm cái gì? và làm như thế nào?” (what? and how?). Ngược lại học sáng tạo phải đi từ cái gốc với câu hỏi “tại sao?” (why?). Rõ ràng cả hai loại câu hỏi đều quan trọng. Vấn đề là tỷ trọng của hai nhóm câu hỏi này trong một cấu trúc đào tạo hay rộng hơn là tỷ trọng trong cấu trúc lao động toàn xã hội. Học ứng dụng cho kết quả cụ thể và thấy ngay, còn đào tạo sáng tạo thì kết quả là vô hình và chỉ phát huy giá trị trong dài hạn. Đây chính là lý do tại sao nhiều trường chuyển sang khuynh hướng đào tạo ứng dụng, và nhiều người lớn tiếng chê bai các trường đại học là quá mang tính hàn lâm (vì dạy những điều mà cả đời sẽ chẳng sử dụng?!). Để giải quyết mâu thuẫn loại này, giải pháp phân lớp trong giáo dục đại học và sau đại học mà thế giới đang làm là giải pháp mang tính chiến lược.
Từ bỏ là minh triết
Người học sáng tạo là người dũng cảm dám thách thức, dám bỏ đi những đã biết để đón nhận những tri thức mới, những giá trị mới, và những sự khác biệt. Nói là dũng cảm vì dám bỏ đi những cái đã có, những cái đã giúp chúng ta thành danh không bao giờ là việc dễ dàng. Mặt khác, bỏ đi những cái hiện hữu luôn gặp những lực cản lớn từ hệ thống do quán tính. Quán tính càng lớn, đổi mới và sáng tạo càng khó khăn. Cần lưu ý rằng, “từ bỏ là minh triết” nhưng để biết từ bỏ chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá được một cách toàn diện giá trị, những đóng góp, cũng như những hạn chế của những tri thức đã có. Đây là điểm quan trọng, vì tư duy đánh giá (critical thinking) không phải là phê phán, khen cùng khen, chê cùng chê mà là sự đánh giá khách quan, nhìn nhận giá trị đa chiều để phát triển. Cái mới thường khó tiếp thu và cần có thời gian để chiêm nghiệm, thực chứng và không phải cái mới nào cũng đúng cũng hay. Nhưng chúng ta cần tạo ra một bầu không khí chấp nhận cái mới, chứ không nên vội vã kết luận đánh giá phủ đầu khiến cho cái mới không thể phát triển. Cần biết chấp nhận rủi ro để có sáng tạo.
Những người học sáng tạo hiện nay hiểu rằng một cá nhân dù năng lực nhận thức đến mức nào cũng không thể có lời giải cho mọi vấn đề. Học tập và cộng tác nhóm do vậy trở thành điểm mấu chốt. Cộng hưởng hay tập hợp của các tri thức đơn lẻ trong một thể thống nhất tạo ra giá trị lớn hơn tổng đại số của chúng – đây chính là giá trị của làm việc nhóm. Làm việc theo nhóm đòi hỏi mỗi cá nhân phải có tinh thần cộng tác và cởi mở với những sự khác biệt. Nếu như trước đây sự khác biệt được coi là kẻ thù vì nó gây khó chịu, thì bây giờ mọi người nhận ra rằng chính trong sự thống nhất của những giá trị khác biệt, sáng tạo nẩy mầm và phát triển. Do vậy mô hình tổ chức của các lớp học cũng như các nhóm dự án của các doanh nghiệp có những thay đổi đáng kể từ việc tập trung những thành viên có cùng quan điểm và đặc tính sang những nhóm gồm những cá nhân có quan điểm, văn hóa, tôn giáo, chuyên môn khác nhau. Điều này cũng có ý nghĩa lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các vấn đề về kinh doanh, xã hội, chính trị phải được giải quyết với tư duy đa văn hóa, đa ngành, và đa lĩnh vực. Đây cũng là một vấn đề cần đặt lên bàn thời sự khi cả nước đang bàn về vấn đề cải tiến chất lượng giáo dục. Đưa tư duy đa văn hóa, đa ngành, đa lĩnh vực vào giáo dục như thế nào để không bị tụt hậu không còn là vấn đề có thể né tránh.
Một vấn đề nữa cần bàn đến trong văn hóa học tập hiện nay là khuynh hướng “hành chính hóa” hay “thứ bậc” trong học tập và nghiên cứu khoa học. Môi trường sáng tạo là môi trường bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Tri thức mới phải được tôn trọng dù do ai, ở cấp nào sáng tạo. Hành chính hóa hay thứ bậc quá nhiều trong môi trường học thuật và trong môi trường các doanh nghiệp sẽ giết chết sáng tạo. Rõ ràng không chỉ có các vị giáo sư già khả kính hay các giới chức sắc trong doanh nghiệp mới sáng tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, mà chính các cán bộ nghiên cứu trẻ mới là những nguồn lực sáng tạo dồi dào. Chúng ta không phủ nhận tính kế thừa và giá trị của những lớp đi trước, nhưng hiện nay trong môi trường học thuật và nghiên cứu khoa học có những “tượng đài”, “ông vua không ngai” đầy quyền uy với giới trẻ không vì chất lượng của tri thức mà vì vị trí hành chính hay sống lâu lên lão làng. Tre không già thì măng chẳng thể mọc. Cấp bậc hóa sẽ dẫn đến tự tôn của một lớp người có vị trí và tự ti của một lớp thanh niên trẻ, và hệ quả là những lối mòn trong tư duy.