Tình yêu là một điều gì đó vừa gần gũi vừa bí ẩn mà tất cả mọi người đều tìm kiếm. Cảm xúc yêu thì ai cũng có, khả năng yêu thì ai cũng có. Nhưng đã bao giờ ta được dạy phải yêu như thế nào chưa nhỉ? Hay thậm chí chưa ai nói cho ta biết rằng thế nào gọi là “yêu”.
Đã bao người yêu tha thiết mà cuối cùng kết cục vẫn vô cùng buồn thảm, vậy thì lỗi không phải là ở chỗ họ không yêu, mà ở chỗ họ đã yêu như thế nào.Muốn biết yêu thì cũng phải học.
Tôi thật sự không phải là kẻ giỏi yêu, cũng không có nhiều kinh nghiệm yêu, nhưng tôi chọn cho mình sứ mệnh yêu thương. Bằng một cách nhiệm màu nào đó, tôi hiểu được giá trị của tình yêu trong cuộc sống này.
Bởi vậy, tôi bắt đầu hành trình đi tìm tình yêu thật sự.
Tôi đọc được cuốn sách “Con đường chẳng mấy ai đi” của M. Scott Peck. Đó là một nhà tâm lý trị liệu, và ông viết ra cuốn sách này sau nhiều năm nghiên cứu và chữa trị cho nhiều người. Trong các thân chủ của ông, hầu hết các vấn đề của họ đều có liên quan đến tình yêu (theo nghĩa rộng), khiến họ đau khổ và phát bệnh. Bởi vậy, bạn sẽ nhìn thấy ở đây một cái nhìn rất thực tế, rất khoa học, và cũng rất tổng quát về tình yêu.
Có thể nó sẽ khó đọc một chút, vì có những thuật ngữ chuyên môn, vì có những điều khác hẳn với những điều bình thường bạn được nghe, nhưng xin hãy kiên nhẫn và đọc nó với một tâm trí rộng mở đón nhận. Bạn hãy nghĩ rằng đó không chỉ là một cuốn sách mà bạn đang được gặp một con người uyên bác và khát khao chia sẻ. Sau đó bạn có thể ngẫm nghĩ, cũng có thể quên đi những gì đã đọc, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy biết ơn người viết cuốn sách này khi bạn hiểu được những điều tác giả gửi gắm.
Nó chỉ là của bạn khi bạn hiểu và đem những hiểu biết ấy để sống và yêu trong cuộc sống của chính bạn.
Chúc bạn hạnh phúc!
P/s: Cuốn sách khá dài, nên xin được trích đăng thành nhiều kỳ, và trong một số nội dung giới hạn.
---------- Post added at 09:44 AM ---------- Previous post was at 09:40 AM ----------
ĐỊNH NGHĨA TÌNH YÊU
Xin nói ngay rằng tôi vẫn biết mọi cố gắng khảo sát tình yêu đều chỉ là đùa giỡn với mầu nhiệm. Song, dẫu sao, chúng ta cũng sẽ cố khảo sát điều không-thể-khảo-sát được và cố hiểu điều-không-thể-hiểu được. Tình yêu mênh mông quá và sâu thẳm quá, ta không thể nào hiểu hết hay đo lường hết, cũng không thể nhốt gọn vào trong một mớ ngôn từ. Đã hẳn những giòng chữ này sẽ không được viết ra nếu tôi không tin cố gắng của mình có chút gì giá trị. Dù sao, tôi cũng muốn nhìn nhận ngay từ đầu rằng cố gắng của mình - cách nào đó - sẽ vẫn còn khiếm khuyết.
Cũng vì bản tính mầu nhiệm của tình yêu mà, theo tôi biết, chưa từng có ai đã đúc kết được một định nghĩa thỏa đáng tình yêu là gì. Bởi đó khi muốn giải thích tình yêu, người ta chẻ nó ra thành nhiều phạm trù: tình dục, khuynh năng, bác ái, tình yêu trọn vẹn và tình yêu không trọn vẹn, v.v... Ở đây, dù biết rằng không thể nào hoàn toàn thỏa đáng, tôi cũng xin đưa ra một định nghĩa cho tình yêu: Tình yêu là ý chí mở rộng bản ngã ra để cho chính mình hay người khác được trưởng thành hơn về mặt tinh thần.
Trước khi khai triển sâu hơn, tôi muốn chú giải vắn tắt định nghĩa mình vừa giới thiệu. Điều có thể ghi nhận trước tiên: đó là một định nghĩa theo hướng mục-đích-luận (teleology); nghĩa là ý nghĩa của chức năng nằm trong mục tiêu hay hướng đích mà nó phục vụ cho - trong trường hợp này, hướng đích đó là sự trưởng thành tinh thần. Các nhà khoa học thường có khuynh hướng nghi ngờ những định nghĩa có tính mục-đích-luận, và có lẽ đó cũng là số phận của dịnh nghĩa này. Tuy nhiên, tôi đã không đi đến định nghĩa nêu trên bằng một quá trình suy tư đậm nét mục-đích-luận. Thay vào đó, tôi đã đi con đường quan sát thực tiễn tâm thần lâm sàng (kể cả nội quan nữa), một địa hạt mà trong đó định nghĩa tình yêu luôn có tầm rất quan trọng. Sở dĩ thế bởi vì các bệnh nhân thường nhập nhằng lộn xộn về bản chất của tình yêu. Chẳng hạn, một cậu trai nhút nhát đã kể với tôi: “Mẹ cháu yêu cháu lắm. Bà không cho phép cháu đi học bằng xe buýt mãi cho tới năm cuối trung học. Thực ra, cháu đã phải van xin thống thiết lắm mới được bà để cho đi xe buýt. Bà sợ cháu bị này nọ nếu đi về bằng xe buýt. Vì vậy bà lái xe đưa đón cháu mỗi ngày, một việc khá vất vả đối với bà. Thật là mẹ cháu yêu cháu lắm”. Cũng như nhiều trường hợp khác, để chữa trị sự nhút nhát của cậu trai này, cần phải giúp đương sự hiểu rằng bà mẹ anh ta được thúc đẩy bởi một cái gì khác đúng hơn là tình yêu, và rằng có những cái xem ra có vẻ là tình yêu lại thường không phải là tình yêu chi cả. Chính từ kinh nghiệm này mà tôi đã thu thập rất nhiều ví dụ điển hình về những hành động xuất phát từ tình yêu và những hành động xem ra không phải bởi tình yêu. Có thể xem mục đích mà người ta hướng đến (một cách ý thức hay vô thức) như một trong những nét phân biệt chủ yếu để nhận ra hành động của họ có phải là tình yêu hay không.
Thứ đến, có thể thấy rằng theo định nghĩa nêu trên, tình yêu là một tiến trình luân lưu kỳ lạ. Vì tiến trình mở rộng bản ngã là một tiến trình đi lên. Khi một người mở rộng được vòng đai giới hạn của mình, người ấy đã lớn lên. Vì thế hành vi yêu thương là một hành vi thăng tiến chính bản ngã ngay cả khi mục đích của nó là sự trưởng thành của người khác. Chính nhờ vươn tới trưởng thành mà chúng ta trưởng thành.
Thứ ba, trong định nghĩa duy nhất về tình yêu ấy có bao hàm cả tình yêu đối với chính mình lẫn tình yêu đối với người khác. Vì tôi là người và bạn là người, nên tôi yêu người có nghĩa là yêu cả tôi lẫn bạn. Dấn thân cho cuộc phát triển nhân linh chính là dấn thân cho cả chủng loại mà chúng ta là phần tử, và vì thế đó là phụng sự cho cuộc phát triển của mình lẫn người. Thật vậy, như đã thấy, chúng ta không thể yêu một ai khác nếu như không yêu chính mình, cũng hệt như chúng ta không thể dạy con cái mình sống kỷ luật nếu chính chúng ta không sống kỷ luật trước. Trong lãnh vực tinh thần, không thể có chuyện nhịn phát triển mình để người khác được phát triển; không có ai lớn lên hơn được nhờ ở sự khựng lại của bạn đâu. Chúng ta không thể sống phóng túng mà đồng thời vẫn có thể mực thước và qui củ trong việc săn sóc người khác. Làm sao chúng ta có thể thông truyền sức mạnh nếu chính chúng ta không dinh dưỡng sức mạnh của mình. Trên hành trình khám phá bản tính tình yêu, tôi tin rằng rồi sẽ đến lúc chúng ta thấy rõ yêu người và yêu mình không chỉ song song như bóng với hình mà rốt cuộc đó chính là hai thực tại trùng khít không còn phân biệt được nữa.
Thứ tư, hành động mở rộng vòng đai giới hạn mình ra luôn đòi nỗ lực. Người ta chỉ có thể mở rộng các giới hạn bằng cách đẩy chúng ra xa và hành vi đẩy này đòi phải có nỗ lực. Khi chúng ta yêu một ai đó, tình yêu của ta chỉ đích thực khi nó được chứng tỏ bằng cố gắng - có thể chỉ là cố gắng bước tới thêm một bước nữa, nhưng có khi đó là cố gắng lội bộ thêm cả dặm đường. Tình yêu không êm ái nhàn nhã. Trái lại, yêu là dốc sức, là nhọc nhằn.
Cuối cùng, khi định nghĩa “tình yêu là ý chí...”, tôi muốn vượt lên trên sự phân biệt giữa ước muốn và hành động. Ước muốn không nhất thiết phải được chuyển hóa thành hành động. Sự khác biệt giữa hai đàng cũng giống như sự khác biệt giữa lời nói rằng “tôi thích đi bơi tối nay” và “tôi sẽ đi bơi tối nay”. Mọi người chúng ta, cách nào đó, đều ước muốn yêu thương, nhưng thực sự thì nhiều người không đang yêu thương. Vì thế tôi cho rằng ước muốn yêu tự nó không phải là tình yêu. Tình yêu là cái gì năng động, là một hành động của ý chí - nghĩa là, gồm cả ý hướng lẫn hành động. Ý chí cũng bao hàm sự chọn lựa. Không ai bắt chúng ta phải yêu. Chúng ta yêu vì chúng ta chọn như thế. Nhiều khi chúng ta tưởng mình đang yêu tha thiết song kỳ thực chúng ta không đang yêu - thì tựu trung đó cũng bởi vì chính ta chọn “không yêu” và do đó không đang yêu thực, bất kể chúng ta có những ý hướng tốt lành nào đi nữa. Đàng khác, bất cứ khi nào chúng ta thực sự dốc sức phục vụ cho sự trưởng thành nhân linh, thì đó là vì chúng ta đã chọn làm thế: chúng ta đã chọn yêu thương!