longteo
[♣]Thành Viên CLB
Sinh viên năm 4: Vẫn mù mờ nghề nghiệp
Trong buổi học đầu tiên môn viết tin của lớp báo chí năm 3, giảng viên làm quen với sinh viên bằng cách đặt ra câu hỏi: "Trong tất cả các bạn ở đây, những ai xác định sau khi ra trường sẽ làm báo?".
Chưa đến 1/3 sinh viên trong lớp giơ tay. Giảng viên gật đầu rồi chỉ định một bạn nữ đang ngồi im: "Còn bạn, tôi muốn biết sau khi ra trường bạn sẽ làm gì?" - "Dạ, em cũng chưa biết được, có thể là một công việc văn phòng nào đó...".
"Chưa biết được", đó không chỉ là câu trả lời của một sinh viên năm 3, mà dường như đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều sinh viên năm cuối khi có ai đặt câu hỏi: "Ra trường bạn làm gì?".
Sinh viên lúng túng
Ngoài những ngành đặc thù có sự định hướng rõ ràng ngay ở cái tên, ví dụ: sư phạm đi dạy; y dược làm y, bác sĩ; kế toán làm kế toán,... tạo điều kiện dễ dàng cho sinh viên "biết việc" trước khi vào học, đồng thời cũng có nhiều ngành nghề làm sinh viên mơ hồ, thậm chí lầm tưởng cho đến lúc học xong.
Hà (sinh viên năm 4, khoa xã hội học ĐHKHXH&NV TP.HCM) không ngần ngại bày tỏ: "Khi đăng ký thi vào khoa xã hội học thật sự mình không hề biết xã hội học sẽ làm gì. Nhưng mình vẫn thi vì biết trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng có ghi ngành đó”.
Khác với Hà, Nam - sau khi rớt nguyện vọng một mới nháo nhào tìm kiếm một ngành còn tuyển nguyện vọng hai, và nhân học là ngành được bạn lựa chọn. Nam nói: "Mình không hề biết ngành nhân học cụ thể là sẽ làm gì. Mình chỉ biết đó là một ngành mới mở của ĐHKHXH&NV TP.HCM, và phỏng đoán ngành mới chắc công việc của nó cũng sẽ mới mẻ và thú vị”.
Từ sự mơ hồ của tên ngành học, thiếu thông tin ngành học dẫn đến nhiều bạn không biết gì về nó nhưng vẫn đâm đầu vào học, để rồi vừa học vừa hoang mang về việc làm. Hà khẳng định: "Năm nhất, năm hai, thậm chí lên tận năm ba mình vẫn không biết ra trường sẽ làm được việc gì. Lúc đó cũng lo lắm và mình có ý nghĩ học xong sẽ ở lại thành phố, chen chân vào một công ty nào đấy. Nhưng lại thấy các anh chị khóa trước ở lại thành phố vất vả quá, mãi mà không tìm được công việc phù hợp. Mình thật sự nản, đành nghĩ thôi cứ lo học đi đã rồi sẽ tính sau".
Hỏi các bạn khác cùng lớp với Hà thì câu trả lời hầu hết cũng là: không biết học xong sẽ làm gì!
Trường ĐHKHXH&NV; ĐH Khoa học tự nhiên có một số ngành đào tạo theo chương trình cử nhân tài năng. Tuy nhiên, không phải sinh viên cử nhân tài năng nào cũng có sự định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp của mình. N. (cử nhân tài năng văn học) tâm sự: "Sắp tốt nghiệp rồi mà mình vẫn chưa biết sẽ làm gì. Gia đình muốn mình đi dạy, nhưng thật sự mình cảm thấy đi dạy lại không phù hợp với bản thân lắm...".
Theo ghi nhận, nhóm ngành xã hội thường có nhiều sinh viên mơ hồ về việc làm như: nhân học, xã hội học, triết học, văn học, ngôn ngữ, giáo dục học...
Tuy nhiên, ngay cả những ngành "đắt giá” vẫn có nhiều sinh viên bị đặt vào thế lúng túng tìm việc làm. Đó là những trường hợp sinh viên không có sự định hướng kỹ càng về nghề nghiệp trước khi quyết định ngành học cho bản thân, đến khi học mới "vỡ" ra là mình không phù hợp với ngành đó.
Nhà trường cũng... loay hoay
Hằng năm, để giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp tốt hơn sau khi ra trường, các trường đại học, cao đẳng đã có sự liên kết với các doanh nghiệp tổ chức những chương trình hướng nghiệp, ngày hội việc làm, ngày hội sinh viên. Dù chưa thật sâu sát và chưa giải quyết triệt để vấn đề việc làm, nhưng qua đó phần nào giúp sinh viên tiếp cận được gần hơn, có cái nhìn cụ thể hơn với ngành nghề trong tương lai của mình.
Thầy Quang, phòng quản lý công tác - chính trị sinh viên ĐHKHXH&NV cho biết: các năm trước đây nhà trường chưa nắm được số liệu về sinh viên tốt nghiệp có việc làm, làm trái ngành và thất nghiệp. Nhưng từ năm nay (2008) nhà trường sẽ tiến hành thống kê.
Sinh viên tốt nghiệp lâm vào tình cảnh thất nghiệp, làm trái ngành đang là tình trạng chung ở nhiều trường đại học, cao đẳng. Nhà trường, dù mong mỏi sinh viên của mình có việc làm sau tốt nghiệp, nhưng xem chừng vẫn chưa có hướng giải quyết thấu đáo.
Chương trình đào tạo có phù hợp?
Bốn năm đại học đèn sách, tốn kém không ít tiền của của gia đình, người thân. Tốt nghiệp với tấm bằng đại học trong tay mà nhiều bạn vẫn bị lâm vào tình cảnh hẩm hiu là không có việc làm.
Các doanh nghiệp thường xuyên có những đợt tuyển dụng, nhưng luôn than phiền rằng sinh viên mới tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu làm việc. Và điều đáng lo ngại là những sinh viên đạt điểm tốt nghiệp giỏi lại chưa chắc đã làm việc giỏi.
Nên chăng cần phải xem lại cách thức đào tạo của chúng ta?
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức lý thuyết, các trường nên cho sinh viên thực hành nhiều. Kêu gọi các công ty, doanh nghiệp có những buổi tiếp xúc, giới thiệu nhằm giúp sinh viên được "nhìn thấy, nghe thấy" công việc thực tế. Đào tạo nhiều hơn những kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm...) giúp sinh viên năng động hơn, nhạy bén hơn để khi ra trường dễ hòa mình vào công việc...
Định hướng nghề nghiệp và giới thiệu ngành học cho bạn trẻ ngay từ khi học phổ thông, để mỗi người tự biết mình muốn làm gì, khả năng làm được việc gì?
Tất cả nhằm hạn chế tình trạng tốt nghiệp lại thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề.
Trinh Cơ (Báo chí K05, ĐHKHXH&NV TP.HCM)
Nguồn: tuoitre.com.vn