Kỹ thuật ghi chép công nghệ cao

cẩm tú cầu

[♣]Thành Viên CLB
Biết cách ghi chép bài sẽ giúp bạn vừa ghi nhận lại thật tốt những kiên thức giáo viên cung cấp, vừa giúp cho các kiến thức ấy "đi thẳng vào đầu" bạn 1 cách nhanh chóng, hiệu quả hơn. Để cải thiện việc ghi chép của mình, bạn có thể tham khảo những lời khuyên sau đây:

1.Làm bài tập về nhà trước khi đến lớp, thử đoán trước xem giáo viên sẽ giảng về những vấn đề gì trong lớp học.

2. Đi học đầy đủ, nếu bạn bỏ một buổi học thì bạn có thể tự cho phép mình nghỉ những buổi học tiếp theo. Và tất nhiên là bạn sẽ không thể ghi chép bài nếu không đến lớp.

3. Hãy dùng loại vở được đóng đinh 3 lỗ để ghi chép bài thay vì loại vở đóng gáy kiểu xoắn ốc vì loại vở này làm bạn khó phân loại và sắp xếp ghi chép.

4. Những ghi chép của bài học này phải tách biệt với ghi chép của bài học khác. Nếu có thể, hãy để mỗi bài ghi chép ở một ngăn riêng trong kẹp giấy.

5. Chỉ nên viết trên một mặt giấy để sắp xếp các loại ghi chép dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu viết trên cả mặt giấy thì những ghi chép ở mặt kia thường dễ bị bỏ quên.

6. Khi đến lớp nhớ mang theo bút và bút chì dự phòng vì bạn sẽ không thể ghi chép nếu bạn không có bút.

7. Không cần ghi lại mọi lời giảng của giáo viên mà hãy tư duy để ghi những điều quan trọng nhất. Luôn động não chứ đừng chỉ ghi chép như một cái máy.

8. Nếu bỏ lỡ thông tin nào, hãy cách ra vài dòng để bổ sung sau. Nếu bạn không nhớ những thông tin đó, hãy hỏi lại giáo viên hay các học viên khác.

9. Nên để nhiều khoảng trống trong ghi chép để bổ sung thêm sau đó

10. Nên có một chiếc máy để ghi âm lời giảng. Tất nhiên, hãy hỏi ý kiến giáo viên trước.

11. Dùng các ký hiệu để ghi bài nhanh hơn

12. Chú ý lắng nghe những lời quan trọng.

13. Ghi chép những ví dụ khi cần thiết. Tốt nhất là nên ghi lại tất cả những gì giáo viên ghi trên bảng.

14. Tập trung chú ý vào cuối giờ học vì giáo viên thường cung cấp rất nhiều thông tin vào 5 – 10 phút cuối.

15. Dành khoảng 10 phút sau tiết học để xem xét lại những ghi chép. Lúc này bạn có thể thay đổi, sắp xếp lại, thêm bớt, tóm tắt hay làm rõ những gì chưa hiểu.

16.Ghi nhanh từ mới (khi học ngoại ngữ), những ý tưởng hay khái niệm mới lạ vào sổ tay.

17.Viết lại những gì bạn đã ghi chép trước tiết kiểm tra sẽ giúp bạn nhớ các chi tiết quan trọng.

18. Hãy chia sẻ những ghi chép với bạn cùng lớp bằng cách trao đổi bài với 1 hay 2 người khác. Làm việc tập thể sẽ hiệu quả hơn làm việc cá nhân.

19. Nếu có thể hãy đánh máy những ghi chép lên máy tính. Vì bạn sẽ nhanh chóng tìm được các tài liệu này khi kỳ thi đến.

20. Đừng quên ghi chép khi đọc. Nếu bạn ấn tượng về một thông tin nào đó, hãy ghi lại, đơn giản chỉ vì ấn tượng không thôi sẽ không thể giúp bạn nhớ được các thông tin đó

Theo GlobalEdu
 

golden_age90

Thành viên năng động
Các kỹ năng quan trọng

Sách báo là nguồn tư liệu luôn sẵn có vào lúc nào tham khảo cũng được. Nhưng khi tìm kiếm thông tin từ lời nói, cần phải nắm bắt được những câu nói thoáng qua.

1. Khó khăn
Mào đầu: khó mà ghi chép cho đúng. Chỉ có sự rèn luyện thường xuyên, cùng với việc tự phê bình và ý thức tự hoàn thiện mới giúp chúng ta làm tốt công việc này.

Chúng ta có tốc độ nói trung bình 150 từ/phút, trong khi chỉ có thể viết được 27 từ/phút. Xét về mặt sinh lý, chúng ta không thể ghi lại hết những gì nghe thấy. Vì vậy, cần có sự lựa chọn.

Trí tuệ của chúng ta phải tiến hành cùng lúc các hoạt động: nghe, hiểu, phân tích, lựa chọn, viết.

2. Ngữ cảnh ghi chép
Những ghi chép này sẽ dùng làm thông tin chính hay thông tin bổ sung hay chưa rõ mục đích? Ghi chép sẽ được dùng làm gì? Nó được dành cho ai? Sẽ phải viết một thông tin ngắn gọn hay một bài đầy đủ?

Ba tình huống thường hay xảy ra:

(1) Lời tuyên bố của một diễn giả: tham luận, diễn văn, hội nghị...
(2) Hội họp: nhiều người phát biểu, trao đổi.
(3) Trò chuyện hoặc phỏng vấn: hỏi và trả lời.

3. Chuẩn bị trước
Đừng coi nhẹ việc chuẩn bị các phương tiện làm việc cũng như về mặt kiến thức. Biết trước sẽ giúp chúng ta hiểu dễ dàng hơn và chú ý hơn. Hãy chuẩn bị ít nhất những gì bạn có được điểm mốc. Nếu đó là một cuộc tranh luận, hãy tìm hiểu thông tin về những nhân vật chủ chốt. Hãy đọc tất cả những tài liệu được nộp trước ngày khai mạc (chương trình, diễn văn, lời giới thiệu...). Xác định rõ mình muốn gì: muốn đào sâu mọi vấn đề hay chỉ một vài chủ đề. Ghi chép sẽ khác nhau.

4. Trong khi diễn ra cuộc phỏng vấn, hãy chú ý lắng nghe
Một số thông tin cần được ghi lại một cách chính xác: số liệu, tên riêng, ngày tháng... Ghi lại tất cả và xoá hết đi khi viết, còn hơn là bị thiếu đúng thông tin quan trọng. Trong trường hợp nghe thuyết trình về một chứng minh, hãy nghĩ đến việc ghi lại các bước lô-gíc. Không hiếm trường hợp sau này đọc lại mới thấy phép chứng minh đó bí hiểm vì thiếu một vài điểm bản lề.

Nếu bạn không nắm được mạch của một lập luận hoặc bỏ qua một thông tin quan trọng, đừng quên đánh dấu "điểm trắng" này bằng một dấu "?" ở bên lề hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác do bạn chọn, để giúp bạn nhớ rằng cần phải nhanh chóng lấp đầy lỗ hổng này.

Để ghi chép nhanh, cách nào cũng tốt cả: viết tắt, tốc ký. Mỗi người có một cách riêng. Tuy nhiên, cố gắng chỉ ghi những chữ có nghĩa. Đừng chép từng từ một.

5. Lập bảng hoặc ô chữ cho các ghi chép
Bảng giúp chúng ta đọc một cách nhanh chóng các dữ liệu. Chúng ta sẽ đưa vào đó thông tin cần nhớ, bằng cách liên kết chúng lại với nhau, từ đó sẽ xuất hiện sự tương đồng, những mâu thuẫn, hoặc sự phát triển.

6. Biết cách khai thác những gì ghi chép được
Sau một thời gian tương đối ngắn, cần phải đọc lại những ghi chép, làm sáng tỏ, hoàn thiện chúng, đánh dấu những điểm mấu chốt, thậm chí viết lại để cho bài viết được sáng sủa. Khi thời gian chưa quá lâu, trí nhớ giúp chúng ta sửa chữa một số thiếu sót, lập nên những mối quan hệ lô-gíc, trình bày chi tiết một ví dụ...

Nếu bạn không sử dụng đến những ghi chép để viết một bài, một nhận định..., chúng có thể trở thành không thể đọc và không thể hiểu được, nếu ngay sau khi ghi bạn không tìm cách làm sáng tỏ chúng.

Trần Trí Dũng
Sưu tầm
 

TQV

Thanh viên kỳ cựu
Tại sao bạn nên đọc bài này ? Bởi vì bạn sẽ:
- Nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể.
- Nhớ các chi tiết dễ dàng.
- Gắn kết ý tưởng với khái niệm.
- Bộ não của bạn tự hoà hợp với công việc hơn là bắt nó phải làm việc.
- Loại bỏ những nét phác thảo buồn tẻ.
Bạn hãy hình dung mình vừa bước ra khỏi một cuộc hội thảo lập kế họach quan trọng kéo dài hai đến ba tiếng. Trong thời gian hội thảo bạn vội vã ghi chép những điểm quan trọng mà mọi người phát biểu. Khi trở lại bàn làm việc, bạn mở vở ghi chép ra và nhìn chằm chằm vào đó. Trước mắt bạn là các từ chi chít.
Mặc dù vậy, những đoạn ghi chép nhanh của bạn cũng bao hàm được tất cả và bạn không bỏ qua một chi tiết quan trọng nào. Bạn đã có được những đoạn phát biểu của tất cả mọi người, nhưng không biết phải lắp ghép chúng với nhau như thế nào. Nó cũng giống như trò chơi xếp hình, bạn không thể quan sát một cách tổng thể.
Phải làm gì bây giờ? Quay lại và yêu cầu người khác giải thích những đoạn trên có nghĩa gì chăng? Làm tất cả những gì có thể với hy vọng sẽ hiểu được tổng thể một vấn đề? Hay cầu may một sự hướng dẫn siêu phàm nào đó?
Nếu bạn gặp những khó khăn tương tự, bạn nên đọc chương này. Bạn sẽ khám phá được những kỹ thuật nâng cao khả năng nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, xem xét mọi vấn đề một cách hiệu quả hơn và giúp bạn nhớ lại sự kiện chính xác hơn.
TẠI SAO PHẢI HỌC CÁCH GHI CHÉP
Ghi chép hiệu quả là một trong những kỹ năng quan trọng mà tất cả mọi người đều phải học. Đối với học sinh, nó đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng một bài kiểm tra. Đối với các doanh nhân, ghi chép có thể giúp họ theo đuổi được những nhiệm vụ và đề án quan trọng mà không bị nhầm lẫn.
Lý do đầu tiên khiến chúng ta phải ghi chép là ghi chép sẽ giúp chúng ta nhớ lại tốt hơn. Trí óc của bạn sẽ lưu giữ tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. Bộ nhớ của bạn hoàn thiện như một chiếc máy vi tính. Thủ thật ghi chép nhanh không giúp bạn nhớ được các sự kiện, mà việc này được thực hiện hoàn toàn tự động. Song nó giúp bạn gọi ra các sự kiện đã được lưu giữ trong bộ nhớ của bạn.
Hầu hết chúng ta đều nhớ rất tốt khi chúng ta ghi lại các sự kiện. Nếu không ghi chép và xem xét sự kiện thì con người chỉ có khả năng nhớ một phần rất nhỏ những gì nghe hoặc đọc được cách đó một ngày. Ghi chép hiệu quả sẽ tiết kiệm thời gian do bạn có thể sắp xếp thông tin và nhớ lại chúng khi cần.
Chúng ta không thể ghi nhớ mãi trong đầu một điều gì đó, bởi bộ não chỉ tập trung vào những gì gây sự chú ý trong một thời gian cụ thể. Thậm chí ngay cả khi chúng ta đã ghi nhớ trong đầu, nó cũng sẽ gợi lại một cách mờ nhạt và lộn xộn so với những gì chúng ta đã lưu ban đầu trong bộ não. Do vậy, nếu bạn muốn nhớ một điều gì đó, hay phải nhớ một điều gì đó, hãy ghi chép điều đó lại.
Song, chúng ta nên ghi chép những gì? Chúng ta cần ghi bao nhiêu, dưới hình thức nào? Chúng ta sẽ ghi chép dưới dạng phác thảo truyền thống, dưới dạng bản tóm tắt hay ghi lại dưới dạng một loạt các lời phát biểu? Dạng nào giúp chúng ta ghi chép tốt nhất? .
PHƯƠNG PHÁP PHÁC HỌA TRUYỀN THỐNG
Nhiều người trong chúng ta được dạy cách ghi chép dưới dạng phác họa, giống như ví dụ ở trang bên. Phương pháp này được các giáo viên sử dụng để phác họa những ghi chép, bài giảng và đánh các số đơn giản trong phác họa. Trong trường hợp này, chúng ta nên ghi chép theo phương pháp phác họa. Vấn đề là ở chỗ, ngay cả khi các giáo viên giảng dạy bằng phương pháp này thì đôi khi họ cũng cung cấp tư liệu cho học sinh không theo phương pháp này. Họ quên mất và đi lạc đề. Học sinh hỏi, giáo viên trả lời, cung cấp những thông tin không có trong phác họa.
Khi giáo viên đi lạc hướng, bạn phải tìm một phương thức thích hợp để ghi chép thông tin một cách rành mạch, ngắn gọn. Thay cho việc ghi chép hiệu quả và hiểu thực sự những gì được giảng, bạn phải ghi chép một cách tự do. Phương pháp phác họa truyền thống cũng khiến bạn khó khăn hơn trong việc nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và gắn kết các ý tưởng. Hơn nữa, khi phương pháp ghi chép theo kiểu phác họa truyền thống thường khiến bạn thấy khó theo và ít khi nắm bắt bản chất của vấn đề. Đọc lại những ghi chép phác họa, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và muốn bỏ qua
NGHIÊN CỨU HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ NÃO
Mục đích ghi chép cơ bản của chúng ta là tóm tắt được những điểm quan trọng trong cuốn sách, báo cáo, bài giảng… Ghi chép hiệu quả sẽ giúp ta nhớ được chi tiết về những điểm quan trọng đó, hiểu được những khái niệm cơ bản và thấy được mối liên hệ giữa chúng.
Nghiên cứu gần đây về cách bộ não lưu giữ và nhớ lại thông tin đã mở ra những phương pháp ghi chép mới giúp chúng ta có khả năng tổ chức tốt hơn, tăng sự hiểu biết, nhớ lâu, và có sự hiểu biết sâu sắc hơn.
Cho đến nay, nhiều người vẫn cho rằng, bộ não của chúng ta xử lý thông tin theo tuyến, theo một trật tự cố định giống như một danh sách. Sở dĩ chúng ta thừa nhận điều đó là bởi vì hai hình thức cơ bản của con người là nói và viết đều theo tuyến. Nhưng đó cũng là do hạn chế về mặt tạo hoá khiến miệng chúng ta thường phát âm 1 từ một lúc. Nếu muốn người khác hiểu chúng ta, các từ được phát âm phải được tổ chức một cách có hệ thống chứ không chỉ là những âm được phát ra lộn xộn. Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học nhận thấy rằng, quá trình đó chỉ là tác động chứ không phải là xử lý trong giao tiếp. Trên thực tế, quá trình xử lý còn diễn ra trước khi những khuôn mẫu theo tuyến được phát ra.
Đối với chúng ta, để giao tiếp bằng lời nói, bộ não của chúng ta phải cùng lúc tìm kiếm, phân loại, chọn lựa, đưa vào công thức, sắp xếp, tổ chức, liên kết, cảm nhận, các từ và ý niệm có trước trong ý thức. Đồng thời những từ này được đan xen với tranh vẽ, biểu tượng, hình ảnh, âm thanh và cảm giác. Do vậy, tất cả những gì chúng ta có trong đầu là một mớ hỗn độn, lung tung lúc này chực bật ra xung quanh bộ não, nhưng cuối cùng chỉ được phát ra mỗi lúc một từ. Các giao tiếp theo tuyến tính đòi hỏi bộ não chúng ta phải lựa chọn thông tin thông qua các mớ hỗn độn ngẫu nhiên khác nhau; từ phát ra được gắn kết một cách logic, được sắp xếp theo trật tự ngữ pháp, giúp người khác hiểu được một cách rõ ràng hơn. Đó là tất cả những gì diễn ra trong bộ não của con người khi giao tiếp. Điều này cũng diễn ra tương tự trong quá trình nghe các từ.
Mặc dù chúng ta nghe các từ cùng một thời điểm, nhưng hiểu được chúng là cả một vấn đề phức tạp. Người nghe phải xác định được từng từ trong một văn cảnh cụ thể. Sau đó, dựa vào sự am hiểu, kinh nghiệm và thiên hướng của mình, họ phải giải thích những từ đó có nghĩa gì.
Giao tiếp theo tuyến đòi hỏi bộ não chúng ta phải lựa chọn thông tin thông qua các mớ hỗn độn ngẫu nhiên khác nhau.
Việc nghiên cứu quá trình giao tiếp khiến chúng ta phải nhìn nhận lại phương pháp viết sách giáo khoa, phương pháp dạy và phương pháp ghi chép hiệu quả. Hai phương pháp ghi chép được cho là đặc biệt có hiệu quả là Lập bản đồ tư duy và ghi chép TM – ghi chép và ghi nhận. Hai phương pháp này sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và tạo các mối liên hệ trong tư duy giúp bạn hiểu và nhớ tốt hơn.
Cùng một lúc bộ não phải : Tìm kiếm + Phân loại + Lựa chọn + Dựa vào công thức | Sắp xếp | Tổ chức + Liên kết + Cảm nhận
Giao tiếp bằng lời nói còn đòi hỏi thêm các yếu tố :
. Tranh vẽ
. Biểu tượng
. Âm thanh
. Hình ảnh
. Cảm giác
LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY
Đây là phương hướng sử dụng “cả bộ não” để tóm tắt môn học vào một trang sách. Bằng việc sử dụng những hình ảnh trực quan và những hình vẽ đồ thị, lập biểu đồ tư duy sẽ lập cho bạn ấn tượng sâu sắc hơn.
Phương pháp ghi chép này đã được Tony Buzan phát triển vào đầu thập kỷ 70 thế kỷ 20, dựa trên những nghiên cứu đã đưa ra ở trên và quy trình họat động của bộ não. Bộ não của con người thường nhớ lại thông tin dưới dạng tranh vẽ, biểu tượng, âm thanh, hình dạng và cảm giác. Bản đồ tư duy sử dụng những hình ảnh trực quan và cảm giác để gợi nhắc dưới hình thức kết nối ý tưởng. Nó là kim chỉ nam cho việc nghiên cứu, tổ chức và lập kế họach. Phương pháp ghi chép này dễ dàng hơn các phương pháp ghi chép truyền thống, bởi vì nó đã tác động đến cả hai bán cầu não của chúng ta. Nó cũng là một phương pháp thoải mái, vui vẻ và sáng tạo. Trí óc của bạn sẽ không bao giờ phải do dự trước suy nghĩ phải xem xét lại những ghi chép khi nó ở dạng bản đồ tư duy.
Lập bản đồ tư duy là phương pháp vận dụng “cả bộ não”, đồng thời sử dụng những hình ảnh trực quan và những hình vẽ đồ thị để gây ấn tượng.
Bạn hãy dành một chút thời gian để mắt nhìn ở khổ giấy A4, nhắm mắt vào để vẽ một quả táo vào trang đó.
Bạn sẽ vẽ quả táo vào vị trí nào trên trang giấy? Vào góc phải phía trên, góc trái phía dưới, hay ở giữa? Bức tranh của bạn sẽ được tô màu hay chỉ đơn giản là đen trắng? Hầu hết mọi người sẽ vẽ ở giữa trang giấy và tô màu. Đó chính là phương pháp bộ não lưu giữ thông tin. Một cách tự nhiên, những ghi chép tốt nhất sẽ phù hợp với bộ não hơn là đi ngược với nó.
Bây giờ, hãy nhìn vào bản đồ tư duy ở trang bên và suy nghĩ trong vài phút (có hình chụp kèm theo).
Hãy kiểm nghiệm với chính mình. Quay người đi hoặc che bản đồ lại, sau đó tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
• Tiêu đề của 4 nhánh chính là gì?
• Mũi tên ở phía dưới chỉ vào đâu?
• Những biểu tượng nào ở nhánh trái bên trên?
• Ba mẹo nhỏ giúp lập bản đồ tư duy tốt hơn là gì?
Bạn có thể ngạc nhiên vì đã nhớ lại tất cả hoặc hầu hết các chi tiết thậm chí ngay cả khi bạn vẫn thường cho mình là nhớ các sự kiện kém. Nhớ lại các chi tiết từ bản đồ tư duy là hết sức đơn giản bởi vì nó được viết dưới dạng phù hợp với cách thức tư duy của bộ não.
Bản đồ tư duy đặc biệt có ích trong công việc lập kế họach và tổ chức công việc. Bạn có nhớ lại việc lập kế họach cho cuộc họp mà chúng ta đã thảo luận ở đầu chương không? Bạn đáng ra có thể tổ chức toàn bộ cuộc họp một cách hiệu quả hơn nếu có một bản đồ tư duy về chương trình nghị sự từ trước, sau đó sử dụng nó để hướng tới những gì mà mọi người nói. Bạn có thể điền thêm những gì diễn ra trong cuộc họp, mà không cần phải viết chữ nguệch ngoạc trong tận 3 tiếng đồng hồ như vậy.
Những chi tiết lấy từ bản đồ tư duy sẽ rất dễ nhớ, bởi vì nó theo mô hình tư duy của bộ não.
PHƯƠNG PHÁP LẬP BẢN ĐỒ TƯ DUY
Để lập bản đồ tư duy, ta dùng những bút chì màu và bắt đầu từ giữa trang giấy, nếu thuận tiện, đặt ngang tờ giấy để có được nhiều khoảng trống hơn, sau đó thực hiện những bước sau:
1. Viết theo kiểu chữ in chủ đề hoặc ý tưởng chính ở giữa trang giấy, sau đó đóng khung bằng một hình tròn, hình vuông hoặc các hình khác. Trong phần ví dụ ở trên, tôi đã đóng khung bằng một bóng điện sáng.
2. Kéo các nhánh từ giữa ra, mỗi nhánh dùng để diễn tả một điểm quan trọng hoặc ý tưởng chính. Số nhánh sẽ phụ thuộc và số các ý tưởng hay các đoạn. Tô màu cho mỗi nhánh.
3. Viết một từ hoặc một cụm từ chính lên mỗi nhánh, xây dựng thêm các nhánh chi tiết. Cụm từ chính là cụm từ truyền tải được phần hồn của một ý tưởng và kích thích bộ nhớ của bạn. Nếu bạn dùng từ viết tắt, đảm bảo chắc chắn rằng những từ đó rất quen thuộc với bạn đến nỗi có thể nhớ nghĩa của nó sau nhiều thời gian.
4. Điền các biểu tượng và minh họa để nhớ lại thời gian tốt hơn.

Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể thực hiện để dễ dàng ghi nhớ những ghi chép trong bản đồ tư duy:
• Viết rõ ràng, hoặc in, dùng những chữ cái in hoa.
• Viết các chữ thể hiện ý tưởng quan trọng to hơn, đập vào mắt bạn khi bạn đọc lại những ghi chép sau này.
• Cá nhân hoá bản đồ tư duy của bạn với những đồ vật liên quan đến bạn. Biểu hiện về một chiếc đồng hồ có thể mang ý nghĩa thời gian quan trọng. Nhiều người đã sử dụng mũi tên để chỉ tới cột hành động hoặc sử dụng những đồ vật diễn đạt công việc mà họ phải thực hiện.
• Gạch chân các từ, sử dụng các chữ cái in đậm.
• Thiết kế phải sáng tạo và khác biệt, bởi vì bộ não sẽ dễ nhớ những gì không bình thường.
• Dùng những hình thù ngẫu nhiên để chỉ các mục hoặc ý tưởng nhất định.
• Vẽ bản đồ tư duy theo chiều ngang để có thể vẽ được nhiều cột hơn.

MỘT SỐ ĐIỀU NHỎ KHÁC
Để tổng hợp thông tin của các cuốn sách văn xuôi viết về các sự kiện có thật, các nhánh có thể trùng với tiêu đề các chương. Các tiêu đề nhỏ trong các chương có thể đưa vào các nhánh nhỏ.
Nếu bạn cũng giống tôi, bạn đọc cuốn sách đó với hy vọng học được một số thông tin mới. Hãy xem qua cuốn sách trước khi bạn đọc, lập bản đồ tư duy mà bạn muốn học, sau đó điền thêm các nhánh trong quá trình đọc. Nếu bạn cảm thấy mất phương hướng ghi chép, ví như trong việc lập kế họach cho một cuộc họp như đã nói ở trên, hãy đặt cuộc họp đã được lập kế họach vào giữa và đánh số mỗi nhánh bằng tên của một người sẽ báo cáo trong cuộc họp. Sau đó, mỗi báo cáo lại có thể kéo ra những nhánh khác.
Một số người thích trang trí lại bản đồ tư duy như một sự duyệt lại. Duyệt lại thông tin nghe được trong vòng 24 giờ là việc làm cần thiết giúp họ ghi nhớ tốt hơn. Những người khác thích ghi chép dưới các hình thức khác nhau trong khi nghe giảng hoặc nghe bài phát biểu, sau đó mới lập bản đồ tư duy. Tôi có một anh bạn làm cảnh sát. Anh thường ghi chép bằng phương pháp lập bản đồ tư duy khi phỏng vấn nhân chứng, sau đó sử dụng những ghi chép này để điền vào bản có sẵn mà cơ quan yêu cầu.
Lập bản đồ tư duy theo chiều ngang sẽ ghi chép được nhiều hơn, ví dụ ở bài phát biểu dưới đây:
Lập bản đồ tư duy cũng là một phương pháp ghi chép rất phù hợp cho các báo cáo hoặc bài viết chuyên đề, mặc dù bạn có thể phải sử dụng nhiều bản đồ với nhiều chi tiết khác nhau. Tôi thậm chí còn sử dụng bản đồ tư duy để ghi chép thư và cuộc nói chuyện điện thọai, để giúp mình không quên những chi tiết quan trọng.
Để có cách nhìn một cách tổng thể về lập bản đồ tư duy và những ứng dụng của nó trong việc ghi chép, mời các bạn đón đọc bộ sách của Joy Wycoff với tiêu đề Lập bản đồ tư duy: Hướng dẫn khai thác những sáng tạo và giải quyết vấn đề (NXB Berkley, New York, 1999). Cuốn sách này không chỉ giúp bạn hiểu về bộ não và sự sáng tạo mà còn miêu tả chi tiết những bản đồ tư duy.

PHƯƠNG THỨC GHI CHÉP TM
Phương thức ghi chép TM là phương pháp “Ghi chép và ghi nhận”. Đặc điểm quan trọng nhất của phương thức này là nó cho phép bạn ghi những suy nghĩ và kết luận cá nhân của bạn đi kèm với các đoạn phát biểu hay những tài liệu đang đọc.
Để học được phương thức ghi chép TM, bạn cần phải phân biệt được “ghi chép” và “ghi nhận”. “Ghi chép” là nghe những gì người nói hoặc giáo viên nói và ghi lại những điểm quan trọng. “Ghi nhận” là ghi những suy nghĩ và ấn tượng của cá nhân bạn khi nghe giới thiệu tài liệu. Phương pháp TM cho phép bạn làm một lúc 2 việc: ghi thông tin và ghi được những suy nghĩ của bạn.
Ghi chép TM là phương pháp áp dụng cả tư duy trong nhận thức và tư duy nhận thức về cùng một tài liệu bằng một phương thức có mục đích. Đương nhiên, cả 2 hình thức tư duy này họat động mà không quan tâm đến phương thức ghi chép chúng ta sử dụng. Trong khi tư duy nhận thức chăm chú tập trung vào tài liệu và ghi chép vào giấy, thì tư duy tiềm thức lại phản ứng, hình thành ấn tượng về các tài liệu liên kết và tiếp nhận những hành động đó một cách tự động. Phương pháp ghi chép TM đã kết hợp cả hai họat động tư duy này để đạt được những kết quả đáng chú ý.

PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG GHI CHÉP TM
Hãy bắt đầu với một tờ giấy (có dòng kẻ hoặc không có dòng kẻ tuỳ theo ý thích của bạn) và vẽ một đường thẳng đứng, chia 1/3 tờ giấy tính từ lề phải. Bên trái tờ giấy dành cho ghi chép, bên phải dành cho ghi nhận.
Ở cột trái, viết những gì người nói đang nói: các điểm, thuật ngữ, biểu đồ và con số quan trọng. Ở cột phải, ghi những suy nghĩ, cảm nhận, phản ứng, câu hỏi, liên hệ của bạn. Phần ghi chép đã ngăn cản bạn đến với những thông tin từ bên ngoài. Phần ghi nhận ghi tất cả những gì đến trong đầu bạn mà không cần kiểm duyệt, nó có thể diễn ra như sau:
“Điều này có thể tin cậy được… Sao mà chán thế… Tôi không thể theo kịp… Ông ấy nói đến đâu rồi nhỉ?... Tôi biết, tôi có thể vận dụng trong một tình huống khác… Điều này liên quan như nào với những điều ông ấy nói trước đó?...”.
Viết những suy nghĩ của bạn bằng phương pháp này sẽ giúp bạn tập trung và chú ý tới những gì người nói đang nói. Sau đó, nó giúp bạn hiểu tốt hơn những gì bạn ghi chép được, gợi cho bạn nhớ được những vật mà bạn muốn kiểm tra chéo, khuyến khích bạn gọi điện hoặc chọn ra những tin tức có ảnh hưởng lớn nhất tới bạn khi bạn nghe nó.
Mark Reardon, trưởng phòng đào tạo của SuperCamp đã tận dụng phương pháp ghi chép TM khi ông nghe buổi giới thiệu của Randolph Carft về Buckminster Fuller, có cả video chiếu kèm. Reardon nhớ lại: “Khi tôi nghe ông ấy nói, tôi nhận thấy rằng, ban đầu ông không hề nói về bất cứ điều gì tôi cần ghi hoặc đặc biệt nhớ. Ông ấy đã tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị cho những gì ông sẽ nói sau đó. Do vậy, khi ông ấy nói, tôi ghi những quan sát tự nhiên của mình về ông vào phần “ghi nhận”, cách ông ấy vung tay, khuôn mặt của ông lúc đó…”
“Bây giờ, khi tôi xem lại những ghi chép của tôi về bài phát biểu đó, những bình luận này tràn ngập trong tôi cảm xúc và tôi có thể nhớ tất cả những gì ông ấy nói.”
Khi sử dụng phương pháp ghi chép TM, hãy dành một hoặc hai phút sau khi kết thúc mỗi buổi nói chuyện hoặc giờ giảng để xem lại những ghi chép của bạn và bổ sung những biểu đồ cá nhân của riêng bạn như biểu tượng, tranh vẽ có ý nghĩa với bạn. Những biểu tượng này mang những ý nghĩa theo như bạn muốn. Tuy nhiên, hãy sử dụng những biểu tượng với những ý nghĩa nhất định khi bạn đã đặt nó trong hệ thống biểu tượng.
Khi bạn xem lại ghi chép của mình, những biểu tượng sẽ nhắc bạn gợi nhớ về những gì mà người ta nói đề cập đến, cũng như hồi tưởng lại những gì bạn nghĩ trong thời gian đó một cách tự nhiên và có ý thức. Thông thường, điều có giá trị nhất mà chúng ta thu được từ một cuộc họp, bài phát biểu hoặc bài giảng không phải là kiến thức mà chính là những ý tưởng loé lên trong đầu bạn lúc đó.
Ghi chép TM được cho là phương pháp rất phù hợp với việc ghi chép trong khi nghe bài phát biểu, cuộc họp hoặc hội thảo. Nó cũng phát huy tốt tác dụng khi ghi chép những tài đọc được. Điều khác nhau cơ bản là khi bạn đọc được, bạn sẽ thực hiện từng bước một và bạn không hề để ý rằng, việc ghi chép của bạn là nguyên nhân khiến bạn bỏ quên một số kiến thức mà bạn đã có trong sổ ghi chép của mình.
THỰC HÀNH ĐỂ BIẾN NÓ THÀNH PHƯƠNG PHÁP ƯA THÍCH CỦA BẠN
Giống như bất kỳ một phương pháp mới nào khác, cả hai phương pháp ghi chép này phải được hành rất nhiều trước khi nó trở thành một hệ thống thu thập tin tức.
Khi áp dụng phương pháp ghi chép mới, bạn bao giờ cũng cảm thấy lạ lẫm và lúng túng. Bạn cảm thấy không chắc chắn là bạn có thể ghi lại được những thông tin cần thiết và muốn trở lại với phương pháp quen thuộc - một phương pháp mà bạn chấp nhận trước đây. Song, hãy tạo ra một cơ hội để sử dụng phương pháp này. Bạn sẽ phải quên đi những gì? Với phương pháp cũ, bạn có thể nhớ được bao nhiêu trong một giờ sau khi nghe nói về một điều gì đó? Bạn có thể nhớ lại được bao nhiêu sau một ngày, một tuần hoặc một tháng?
Hãy cam kết sử dụng phương pháp ghi chép mới trong một thời gian đủ để nó trở nên quen thuộc với bạn. Lần đầu tiên học phương pháp bản đồ tư duy, tôi cảm thấy thất vọng. Tôi không hiểu phải làm cách nào để nhớ được tất cả các thông tin cần thiết, mà chỉ dựa trên một số chữ nguệch ngoạc tôi đã viết. Tôi có cảm giác nó không thể bằng các tập ghi chép theo phương thức phác thảo mà tôi đã tích luỹ được. Nhưng tôi đã theo học và cố gắng thực hiện nó trong một tuần. Tôi lập bản đồ tư duy khi nghe giảng, tiếp thu ý kiến, khi đọc… Có một điều gì đó mới mẻ đến với tôi trong suốt quá trình này. Tôi khám phá ra rằng, tôi đã nhớ được nhiều hơn. Những ý tưởng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Quá trình lưu giữ những ý tưởng này cũng rất thú vị. Tôi như bị cuốn vào những gì người ta đang nói. Cuối cùng, tôi tin tưởng vào phương pháp này và bắt đầu sử dụng nó. Việc thực hành phương pháp này giúp tôi biến nó thành phương pháp ưa thích cho mình.
NHỮNG MẸO NHỎ KHI GHI CHÉP
Bất kể bạn vận dụng phương pháp nào, dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn ghi chép có hiệu quả hơn.
Tích cực nghe
Hãy tự hỏi mình: “Người diễn thuyết đang mong chờ mình học điều gì? Tại sao? Ông ấy đang nói gì vậy? Nó liên quan gì đến vấn đề này? Nó có quan trọng không? Đó có phải là điều mình cần phải nhớ không?”. Việc đặt ra những câu hỏi này sẽ giúp bạn thấy dễ dàng hơn trong lựa chọn và phân tách những điểm quan trọng.
Nếu bạn sử dụng phương pháp phân tách ghi chép TM, việc tích cực nghe sẽ đảm bảo cung cấp cho bạn những thông tin bạn viết ở cột bên phải.
Thường xuyên tổng kết những thông tin và ý kiến quan trọng, có ý nghĩa mà bạn cần lưu lại, nhớ và sử dụng. Ghi chép nên tập trung vào những kiến thức này, nó đang cần thiết hoặc sẽ rất cần thiết đối với bạn sau này
Tích cực quan sát
Hãy chú ý tới những manh mối mà bạn có thể thu lượm được từ người diễn thuyết và từ những tài liệu mà bạn đang đọc. Những manh mối ở những tài liệu đọc thường nằm ở tiêu đề, những chữ in đậm, in nghiêng, tranh vẽ, đồ thị và biểu đồ. Một số cuốn sách còn có chương phác họa về những chủ đề quan trọng. Hãy nhìn vào chương này và chương tổng kết. Khi ghi chép kết luận của người diễn thuyết hoặc của tác giả, nên chờ đợi những manh mối tự nhiên từ phía người diễn thuyết. Mỗi người diễn thuyết đều có một phương pháp riêng, bạn có thể lượm nhặt những điểm quan trọng bằng cách ghi chép phù hợp với phương pháp của người đó. Chú ý tới những gì người diễn thuyết nhắc lại và những điều được khi trên bảng. Nên ngồi càng gần với người diễn thuyết càng tốt, nó sẽ giúp bạn dễ nắm được những manh mối quan trọng hơn.
Tham gia
Nếu bạn không hiểu một điều gì đó hoặc nghi ngờ về điều đó, hãy hỏi hoặc tham gia vào thảo luận. Một số người đã không dám hỏi vì e ngại. Các quan sát đã chỉ ra rằng, những người ngồi nghe thường thèm muốn lòng dũng cảm của những người tham gia. Song điều đáng nói là, họ bị cho là những người không chịu học hỏi kiến thức mới.
Đọc trước
Nếu bạn biết đề tài mà người diễn thuyết hoặc giảng viên sẽ thảo luận, hãy đọc trước tài liệu và tìm kiếm thông tin trước càng nhiều càng tốt. Những kiến thức đã chuẩn bị này sẽ giúp bạn xác định được những điểm quan trọng trong buổi diễn thuyết hoặc trong bài giảng.
Bạn cũng nên liệt kê ra các khái niệm mà bạn chưa thực sự hiểu và chuẩn bị trước câu hỏi. Khi nghe được một số thông tin, bạn sẽ nhận thấy dễ dàng lắp ghép những thông tin này vào một vấn đề lớn. Đọc trước là một trong những phương pháp đem lại hiệu quả nhằm đạt được sự thành công và hiểu biết.
Tôi biết, bạn có thể đang nghĩ: “Làm gì có thời gian để xem trước”. Câu trả lời là, đọc trước chỉ mất rất ít thời gian. Bạn thường chỉ mất vài phút để xem qua chương trình hoặc đọc những ghi chép của buổi họp trước.
Biến những gì nghe được thành hình ảnh trực quan
Những ghi chép của bạn mang tính cá nhân và có ý nghĩa đối với bạn. Nó giống như những bức ảnh chụp nhanh. Đã bao giờ bạn thấy rằng, những bức ảnh chụp nhanh về một kỳ nghỉ hoặc một sự kiện quan trọng chiếm hết tâm trí của bạn chưa?
Khi tóm tắt thông tin, bạn sẽ chụp ảnh nhanh những thông tin đó bằng cách bổ sung thêm những hình ảnh trực quan như biểu tượng, hình vẽ và mũi tên. Bằng cách này, bạn thậm chí khi xem lại những ghi chép sau nhiều tháng, nó sẽ ngay tức khắc gợi cho bạn nhớ về những kiến thức mà bạn cho là quan trọng vào thời điểm đó và cần thiết phải nhớ lại ngay bây giờ.
Giúp bạn dễ dàng đọc lại những ghi chép
Khi ghi chép/ghi nhận, nên viết ở một phần của tờ giấy. Sử dụng một tờ giấy rời, bạn có thể đặt tờ giấy đó trước mặt hoặc treo lên tường khi cần đọc lại.
Hãy chép lại những gì đã ghi chép được vào 3 đến 5 tấm thẻ mà bạn có thể mang theo mình. Khi đứng xếp hàng, đi xe buýt hay chờ một cuộc hẹn, bạn có thể lấy ra và đọc trong vài phút ngoài thời gian học và nghiên cứu.
HÃY CỐ GẮNG
Tôi muốn bạn cam kết thực hành những kỹ năng ghi chép này trong một thời gian. Bất luận phương pháp học tập của bạn là gì, tôi cũng khuyến khích bạn sử dụng và thực hành cả hai phương pháp ghi chép trên trong mọi tình huống. Bạn có thể sẽ khám phá ra rằng, bạn muốn sử dụng cả hai phương pháp, mỗi phương pháp trong một tình huống khác nhau. Hoặc cũng có thể bạn cũng khám phá được rằng, bạn thích phương pháp này hơn phương pháp còn lại.
TÁC DỤNG CỦA BẢN ĐỒ TƯ DUY
Linh họat: nếu người diễn thuyết bỗng nhiên quay lại một vấn đề đã đề cập trước đó, bạn có thể dễ dàng bổ sung thêm nội dung vào một chỗ thích hợp trên bản đồ tư duy mà không bị lẫn lộn.
Tập trung sự chú ý: bạn không cần phải chú ý đến từng lời người diễn thuyết nói. Thay vào đó bạn có thể tập trung vào các ý tưởng.
Tăng sự hiểu biết: khi đọc một văn bản hay một báo cáo kỹ thuật, bản đồ tư duy sẽ làm tăng hiểu biết của bạn và cung cấp cho bạn những ghi chép tỉ mỉ để đọc sau đó. Hài hước: trí tưởng tượng và sáng tạo vô hạn của bạn sẽ giúp bạn ghi chép và duyệt lại những ghi chép theo cách thú vị hơn.
TÁC DỤNG CỦA PHƯƠNG PHÁP GHI CHÉP TM
Dễ nhớ môn học: khi bạn nghĩ về những điều bạn đang đọc, nó sẽ giúp bạn dễ nhớ hơn.
Tập trung tình cảm: phương pháp này sẽ tập trung tình cảm của bạn và giúp bạn liên kết tốt với bộ nhớ tình cảm của bạn.
Mơ mộng có tính chất xây dựng: phương pháp này chiếm lĩnh tâm trí của bạn, giúp bạn nhận thức được những suy nghĩ và chiều hướng suy nghĩ. Do vậy, bạn có thể nhớ lại và kiểm soát tốt hơn.
Ghi những phán xét của bạn: giúp bạn nhận thức tốt hơn về những phán xét của mình, bạn có thể mở rộng để nhìn thấy ý nghĩa khác. Việc ghi lại những gì bạn không đồng ý hoặc không tin tưởng vào người nói có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bạn có thể tự nói với mình: “mình không đồng ý, nhưng mình có thể nghe và theo dõi những gì ông ấy đang nói”.
Tôi biết, tôi biết
Hãy điền vào ô trống nếu bạn hiểu khái niệm:
o Tôi biết 2 phương pháp ghi chép sử dụng “cả bộ não” là:
1. _________________________________________________
2. _________________________________________________
o Tôi biết, làm thế nào để tôi không thể quên được những ghi chép của mình. o Tôi biết 3 lợi ích của bản đồ tư duy:
1. _________________________________________________
2. _________________________________________________
3. _________________________________________________
o Tôi biết 3 lợi ích của phương pháp ghi chép TM:
1. _________________________________________________
2. _________________________________________________
3. _________________________________________________
o Tôi biết, tôi có thể cam kết sử dụng những phương pháp này trong __________ (khoảng thời gian).

 

Bình luận bằng Facebook

Similar threads

Similar threads

Similar threads

Top