Loay hoay cộng điểm ưu tiên

VnExpress

Thành viên mới
Mặc dù vậy, trong khi bản thân kỳ thi THPT và việc xét tuyển đại học đã trải qua rất nhiều thay đổi thì chính sách cộng điểm ưu tiên lại không được điều chỉnh kịp thời để phù hợp với thực tiễn.

Những năm gần đây, hiện tượng điểm trúng tuyển lên tới trên 30 tại một số trường thuộc ngành công an, an ninh - những nơi có chỉ tiêu tuyển sinh ít - thường xảy ra. Nghĩa là một thí sinh ở nơi có mức độ phát triển kinh tế cao, vì vậy không được cộng điểm ưu tiên, dù có làm một bài thi hoàn hảo, đạt 30/30 điểm vẫn trượt đại học. Tôi gọi đây là hiện tượng "bất bình đẳng ngược", khi mà một chính sách sinh ra với mục tiêu giảm thiểu bất bình đẳng, lại tạo ra một kiểu bất bình đẳng mới.

Nhận ra vấn đề này từ mấy năm trước, nhưng phải đến năm nay, các nhà làm chính sách ngành giáo dục mới đang tìm cách tháo gỡ. Hôm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022, theo đó những thí sinh có điểm từ 22,5 trở lên sẽ bị giảm mức cộng ưu tiên so với trước kia.

Cụ thể, nếu một thí sinh năm nay đạt 25 điểm và được ưu tiên theo quy định cũ là một điểm; thì theo quy định mới, công thức sẽ tính ra điểm ưu tiên mới là 0,67. Tình huống khác, nếu thí sinh đó được 27 điểm, điểm ưu tiên tương ứng là 0,4. Cuối cùng, nếu thí sinh được 30 điểm tuyệt đối thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên nữa.

Phương án kể trên, thoạt nghe có vẻ hợp lý bởi nó sẽ giúp loại bỏ trường hợp thi 30 điểm vẫn trượt đại học. Nhưng nếu nghĩ kỹ, tôi e rằng còn rất nhiều điều phải bàn thêm với quy định này, trong đó có ít nhất những vấn đề sau:

Thứ nhất, ngưỡng 22,5 điểm. Tại sao lại là 22,5 điểm mà không phải 22 hay 23, thậm chí là 21 hay 24 điểm. Theo lý giải của Bộ, ngưỡng 22,5 điểm căn cứ từ kết quả ba năm gần nhất, mà theo đó, ở ngưỡng điểm này trở đi, việc cộng điểm theo quy chế cũ sẽ giúp các em yếu thế rút ngắn khoảng cách với nhóm 25% thí sinh không được cộng. Cứ cho là ngưỡng điểm này đúng thì nó cũng chỉ đúng với "thời quá khứ" tức là ba năm trước. Nhưng điều gì đảm bảo ngưỡng này tiếp tục đúng ở kỳ thi năm nay. Nhỡ năm nay đề thi khó hơn hoặc dễ hơn đề ba năm trước thì sao? Khi đó ngưỡng 22,5 điểm liệu có thay đổi.

Thứ hai, hiện nay các trường đại học không chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT là căn cứ duy nhất để xét tuyển đại học. Những hình thức khác như điểm học bạ, điểm thi tiếng Anh IELTS hay kỳ thi được tổ chức riêng đã và đang được triển khai song song. Vậy trong trường hợp này, liệu Bộ sẽ áp mức điểm ưu tiên như thế nào; học sinh ở khu vực nông thôn có chứng chỉ IELTS có được cộng thêm 0,5 điểm hay không?

Ngoài ra, chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực được xây dựng trên nền tảng tư duy rằng, học sinh các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn cần được ưu tiên để đảm bảo công bằng hơn trong cuộc cạnh tranh với bạn bè ở những vùng thị thành phát triển. Vậy nếu hai học sinh cùng học tập ở vùng khó khăn, không có lý gì em nỗ lực hơn, học tốt hơn lại bị bớt xén đi một ít công bằng. Tôi cho rằng đây là sự thiếu mạch lạc, nhất quán trong tư duy; thậm chí áp dụng những tiêu chuẩn mâu thuẫn nhau trong cùng một việc. Cách làm này đã tạo ra một bất công mới trong khi cố gắng khắc phục bất công hiện hành.

Trong các mục tiêu của giáo dục, đảm bảo công bằng, tạo điều kiện đi học đại học cho các nhóm đặc thù rõ ràng là rất quan trọng. Trong suốt một thời gian dài, cộng điểm ưu tiên là giải pháp phù hợp. Nếu nhìn sang thế giới, Việt Nam không phải là nước duy nhất áp dụng chính sách kiểu này (còn có Uganda, Philippines...).

Nhưng mô hình cộng điểm ưu tiên dường như đã hết sứ mệnh lịch sử của nó. Đã đến lúc, cần áp dụng các chính sách sáng tạo hơn, phù hợp hơn với bối cảnh mới. Ví dụ, thay vì cộng điểm ưu tiên, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng chính sách cử tuyển hoặc đề nghị các trường đại học dành một tỷ lệ nhất định cho ứng viên là học sinh yếu thế (đến từ khu vực khó khăn, nông thôn, miền núi, người dân tộc ...).

Ấn Độ, Kenya và một số nước khác đã áp dụng chính sách tương tự, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo. Bên cạnh đó, cũng cần ý thức rằng, cộng điểm ưu tiên hay bất kỳ chính sách ưu đãi nào khác liên quan đến việc ưu tiên xét tuyển đại học chỉ là một nửa câu chuyện. Để thực sự giúp học sinh khó khăn, yếu thế còn phải kể đến nhiều chính sách khác, đồng hành với sinh viên trong suốt quá trình học đại học như tín dụng, học bổng, hỗ trợ về học thuật...

Một khi đã mất công bàn về chính sách ưu tiên, chắc hẳn không thể bỏ qua những chính sách kể trên.

Phạm Hiệp
 

Bình luận bằng Facebook

Top