Một ngày như mọi ngày, tôi leo lên xe bus đến trường. Hôm nay là một ngày nắng, điều ấy thật dễ chịu sau những ngày mưa trái mùa của tháng 12. Đến trạm, tôi nhảy xuống và bước nhanh để vào trường, đã gần đến giờ hẹn với một người bạn của tôi.
Có ba bạn gái đang dừng lại ở bên đường, cạnh mái hiên của một ngôi nhà, họ đang nói gì đó với một bà cụ ngồi nép vào góc tường. Điều đó khiến tôi thấy hơi lạ. Tôi không có ý định dừng lại, nhưng lúc đi ngang qua, tôi cũng lén liếc nhìn. Khuôn mặt bà cụ đầm đìa nước mắt, vừa khóc vừa nấc nghẹn…Tôi tò mò, nhưng chân vẫn bước đi vượt qua họ, trong tôi thoáng qua ý nghĩ đó chỉ là một trong số những chuyện bình thường vẫn xảy ra hàng ngày ở thành phố này. Được một quãng, hình ảnh bà cụ khóc nấc như trẻ con cứ quấn lấy tâm trí tôi, bắt tôi dừng lại. Tôi quay đầu nhìn. Bà cụ vẫn ngồi đó và khóc, còn 3 cô gái kia đã bỏ đi.
Tôi chạy lại chỗ bà. Tự dưng, tôi cảm thấy mình cần phải làm cái gì đó, dù chỉ là một lời an ủi. Bà cụ mặc một chiếc áo khoác cũ, mang một cái ví nhỏ và cầm trong tay quyển sổ dò vé số, vẫn không ngừng khóc khi tôi đến.
- Bà ơi, có chuyện gì với bà vậy?
Qua những lời kể đứt quãng của bà cụ, cuối cùng tôi cũng hiểu được câu chuyện của bà. Bà cụ là người đi bán vé số. Mỗi ngày bà nhận 200 tờ vé số đi bán, bán từ sáng đến tối xong mới có tiền trả cho đại lý rồi nhận vé để hôm sau đi bán tiếp. Sáng hôm đó, bà bán được 49 tờ, còn 151 tờ. Lúc nãy, có 2 cô cậu chạy xe tới hỏi mua vé số của bà, giả vờ xem rồi giật hết vé số chạy mất. Một tờ vé số giá 5 nghìn đồng, có nghĩa là bà bị mất đến 755 nghìn đồng. Thế là bà cụ không biết làm thế nào, đành ngồi khóc. Cũng may là còn giữ được số tiền bán 49 tờ vé số. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với tôi: “Sáng giờ già bán được 49 tờ, còn 151 tờ. Giờ bị giật hết rồi…”. Tôi cứ nhìn cuốn sổ dò trên tay bà mà chẳng biết giúp bà như thế nào.
Tôi nắm lấy tay bà: “Thôi, bữa nay coi như của đi thay người, lỡ mất rồi, bà về nhà nghỉ ngơi đi!”. “ Để già ngồi nghỉ chút nữa rồi già về…” – Bà cụ vừa nói vừa mếu máo.
Tôi ngồi lại mà cũng hoang mang, không biết nên làm gì tiếp theo nữa. Đầu tôi đang có sự đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng: “ Thật hay giả? Tin hay không tin? Giúp hay không giúp?”. Mà tôi cũng chẳng có nhiều tiền để giúp.
Đúng lúc ấy, một anh thanh niên tấp xe vào lề đường, dừng trước ngôi nhà mà bà cụ và tôi đang ngồi. Tôi tưởng anh là chủ nhà nên vội tránh sang một bên. Chợt, anh hỏi tôi: “Bà cụ bị sao vậy em?”. Tôi thuật lại sơ lược cho anh nghe. Anh thanh niên ngồi xuống hỏi chuyện bà cụ, bà vẫn vừa khóc vừa kể, cái dáng nép vào góc tường khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Trông bà giống hệt một đứa trẻ cần sự dỗ dành…
Anh thanh niên nghe xong. Chợt, tôi bất ngờ khi thấy anh rút trong ví ra tờ 200 nghìn, rồi đưa cho bà cụ. “Đây, con cho ngoại 200 nghìn, ngoại cầm đỡ. Thôi, lỡ mất rồi, bữa sau ngoại cẩn thận.”
Bà cụ cảm ơn. Còn anh, đứng dậy, chào tôi rồi đi tiếp.
Tôi an ủi bà thêm vài câu rồi đành để bà lại để vào trường. Nhưng câu chuyện vừa xảy ra cứ ám ảnh suy nghĩ của tôi mãi. Tôi vẫn còn bất ngờ trước hành động của anh thanh niên nọ…Có thể số tiền 200 nghìn không phải là lớn, nhưng cho một ai đó vừa mới gặp, không quen biết số tiền 200 nghìn thì vẫn là một điều quá lạ lẫm với tôi. Số tiền ấy có thể giúp bà cụ trang trải phần nào, và cũng khiến tôi đỡ áy náy vì không giúp được gì cho bà. Điều ấy làm tôi cảm thấy vui, không chỉ vui cho bà lão mà còn vui vì đã gặp được một người tốt, cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt lắm.
Tôi tự hỏi: Tại sao lại có những kẻ nhẫn tâm ăn cắp nguồn sống của những người không có khả năng tự vệ như bà lão ấy, hay những đứa trẻ bán vé số tương tự? Tôi tự hỏi: Tại sao tôi lại sợ bị lừa trong khi anh thanh niên kia có thể làm một hành động vì người khác vô tư đến vậy, không hề mảy may nghi ngờ như tôi? Có phải cuộc sống với quá nhiều những nô lệ của đồng tiền, những điều dối trá, lừa lọc xảy ra hàng ngày, đọc được hàng ngày trên báo chí đã làm người ta trở nên nghi kị nhiều hơn, vô cảm hơn và không dám tin con người nữa?
Vui buồn lẫn lộn trong tôi …
Thôi thì, cứ hy vọng ở một năm mới tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng hơn, cho tất cả mọi người!
Ngày 1/1/2009
Sóng
Có ba bạn gái đang dừng lại ở bên đường, cạnh mái hiên của một ngôi nhà, họ đang nói gì đó với một bà cụ ngồi nép vào góc tường. Điều đó khiến tôi thấy hơi lạ. Tôi không có ý định dừng lại, nhưng lúc đi ngang qua, tôi cũng lén liếc nhìn. Khuôn mặt bà cụ đầm đìa nước mắt, vừa khóc vừa nấc nghẹn…Tôi tò mò, nhưng chân vẫn bước đi vượt qua họ, trong tôi thoáng qua ý nghĩ đó chỉ là một trong số những chuyện bình thường vẫn xảy ra hàng ngày ở thành phố này. Được một quãng, hình ảnh bà cụ khóc nấc như trẻ con cứ quấn lấy tâm trí tôi, bắt tôi dừng lại. Tôi quay đầu nhìn. Bà cụ vẫn ngồi đó và khóc, còn 3 cô gái kia đã bỏ đi.
Tôi chạy lại chỗ bà. Tự dưng, tôi cảm thấy mình cần phải làm cái gì đó, dù chỉ là một lời an ủi. Bà cụ mặc một chiếc áo khoác cũ, mang một cái ví nhỏ và cầm trong tay quyển sổ dò vé số, vẫn không ngừng khóc khi tôi đến.
- Bà ơi, có chuyện gì với bà vậy?
Qua những lời kể đứt quãng của bà cụ, cuối cùng tôi cũng hiểu được câu chuyện của bà. Bà cụ là người đi bán vé số. Mỗi ngày bà nhận 200 tờ vé số đi bán, bán từ sáng đến tối xong mới có tiền trả cho đại lý rồi nhận vé để hôm sau đi bán tiếp. Sáng hôm đó, bà bán được 49 tờ, còn 151 tờ. Lúc nãy, có 2 cô cậu chạy xe tới hỏi mua vé số của bà, giả vờ xem rồi giật hết vé số chạy mất. Một tờ vé số giá 5 nghìn đồng, có nghĩa là bà bị mất đến 755 nghìn đồng. Thế là bà cụ không biết làm thế nào, đành ngồi khóc. Cũng may là còn giữ được số tiền bán 49 tờ vé số. Bà cứ nhắc đi nhắc lại với tôi: “Sáng giờ già bán được 49 tờ, còn 151 tờ. Giờ bị giật hết rồi…”. Tôi cứ nhìn cuốn sổ dò trên tay bà mà chẳng biết giúp bà như thế nào.
Tôi nắm lấy tay bà: “Thôi, bữa nay coi như của đi thay người, lỡ mất rồi, bà về nhà nghỉ ngơi đi!”. “ Để già ngồi nghỉ chút nữa rồi già về…” – Bà cụ vừa nói vừa mếu máo.
Tôi ngồi lại mà cũng hoang mang, không biết nên làm gì tiếp theo nữa. Đầu tôi đang có sự đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng: “ Thật hay giả? Tin hay không tin? Giúp hay không giúp?”. Mà tôi cũng chẳng có nhiều tiền để giúp.
Đúng lúc ấy, một anh thanh niên tấp xe vào lề đường, dừng trước ngôi nhà mà bà cụ và tôi đang ngồi. Tôi tưởng anh là chủ nhà nên vội tránh sang một bên. Chợt, anh hỏi tôi: “Bà cụ bị sao vậy em?”. Tôi thuật lại sơ lược cho anh nghe. Anh thanh niên ngồi xuống hỏi chuyện bà cụ, bà vẫn vừa khóc vừa kể, cái dáng nép vào góc tường khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Trông bà giống hệt một đứa trẻ cần sự dỗ dành…
Anh thanh niên nghe xong. Chợt, tôi bất ngờ khi thấy anh rút trong ví ra tờ 200 nghìn, rồi đưa cho bà cụ. “Đây, con cho ngoại 200 nghìn, ngoại cầm đỡ. Thôi, lỡ mất rồi, bữa sau ngoại cẩn thận.”
Bà cụ cảm ơn. Còn anh, đứng dậy, chào tôi rồi đi tiếp.
Tôi an ủi bà thêm vài câu rồi đành để bà lại để vào trường. Nhưng câu chuyện vừa xảy ra cứ ám ảnh suy nghĩ của tôi mãi. Tôi vẫn còn bất ngờ trước hành động của anh thanh niên nọ…Có thể số tiền 200 nghìn không phải là lớn, nhưng cho một ai đó vừa mới gặp, không quen biết số tiền 200 nghìn thì vẫn là một điều quá lạ lẫm với tôi. Số tiền ấy có thể giúp bà cụ trang trải phần nào, và cũng khiến tôi đỡ áy náy vì không giúp được gì cho bà. Điều ấy làm tôi cảm thấy vui, không chỉ vui cho bà lão mà còn vui vì đã gặp được một người tốt, cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt lắm.
Tôi tự hỏi: Tại sao lại có những kẻ nhẫn tâm ăn cắp nguồn sống của những người không có khả năng tự vệ như bà lão ấy, hay những đứa trẻ bán vé số tương tự? Tôi tự hỏi: Tại sao tôi lại sợ bị lừa trong khi anh thanh niên kia có thể làm một hành động vì người khác vô tư đến vậy, không hề mảy may nghi ngờ như tôi? Có phải cuộc sống với quá nhiều những nô lệ của đồng tiền, những điều dối trá, lừa lọc xảy ra hàng ngày, đọc được hàng ngày trên báo chí đã làm người ta trở nên nghi kị nhiều hơn, vô cảm hơn và không dám tin con người nữa?
Vui buồn lẫn lộn trong tôi …
Thôi thì, cứ hy vọng ở một năm mới tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng hơn, cho tất cả mọi người!
Ngày 1/1/2009
Sóng